Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp với khát vọng vươn lên
TCCSĐT - Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Doanh nghiệp trong nước năm 2017 với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp”.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, tình hình kinh tế cả nước vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thành phố tiếp tục giữ vững quy mô, tốc độ tăng trưởng trong từng lĩnh vực có xu hướng năm sau đạt cao hơn năm trước. Đáng chú ý, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trên địa bàn Thành phố đã được cải thiện nhờ những cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh… Do đó, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh và có chuyển biến tích cực, cụ thể: Năm 2016, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập là 36.500 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 293.610 tỷ đồng (so năm trước tăng 16% về số lượng doanh nghiệp và tăng 42,18% về vốn đăng ký). Tổng vốn đăng ký và bổ sung cả năm là 497.610 tỷ đồng, tăng 36,04% so với năm 2015.
Hiện nay, Thành phố đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đang đứng trước những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những tác động quan trọng của các hiệp định kinh tế. Bởi vậy, việc tổ chức cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố với doanh nghiệp lần này chính là cơ hội để lãnh đạo Thành phố, các sở, ban, ngành lắng nghe ý kiến, đề xuất, hiến kế của cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế Thành phố.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ và nêu lên nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Cụ thể là, kiến nghị Thành phố tạo điều kiện và hỗ trợ các hệ thống siêu thị nội phát triển để giúp doanh nghiệp bán hàng hóa, sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, xây dựng, quảng bá thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn dễ hơn và với lãi suất thấp hơn…
Cùng với việc kiến nghị các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết để tạo ra sức mạnh, cùng phát triển, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm thay mặt cho Hội Lương thực thực phẩm Thành phố đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để cho hệ thống siêu thị nội phát triển. Theo phân tích của bà Lê Thị Thanh Lâm, thời gian qua hệ thống siêu thị ngoại có mức chiết khấu cao hơn hệ thống siêu thị nội đồng thời lại liên tục tăng tỷ lệ chiết khấu, khiến cho doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, không có lãi. Còn ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op lại cho rằng, mặc dù thời gian qua Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường, xuất khẩu hàng hóa, nhưng dự báo thời gian tới doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều thách thức, do đó lãnh đạo Thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp chọn lựa và kết nối thị trường trọng điểm, vì nếu dàn trải thì nguồn lực sẽ yếu. Đồng tình với những ý kiến trên, nhiều ý kiến đại diện các doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn trong tiếp cận vốn vay, đầu tư hạ tầng, cấp phép.
Chia sẻ với các ý kiến trên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp hãy gửi bản kiến nghị cụ thể để Ủy ban nhân dân Thành phố có cơ sở để chỉ đạo các sở, ngành giải quyết kịp thời. Hay, các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn khi vay vốn kích cầu mua máy móc, thiết bị công nghệ mới thì hãy liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Thành phố để được xem xét giảm lãi vay.
Đồng cảm và chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh: Hiện nay, Thành phố đang trong quá trình hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới, vì thế trước yêu cầu mới, Thành phố phải có những bước chuyển biến căn bản. Trong dài hạn, Thành phố tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn, chuẩn bị bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị cộng đồng, phát triển dựa trên đổi mới và sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao, kết hợp hợp lý tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu trong đó tăng trưởng theo chiều sâu là chủ đạo và kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Đây là thông điệp của chính quyền Thành phố. Trọng tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để hướng đến mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020; xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố công nghệ - đô thị thông minh và có những tập đoàn của thành phố nằm trong top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Đó là mục tiêu và là khát vọng không chỉ của riêng lãnh đạo thành phố mà còn là của nhiều doanh nghiệp.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, để hiện thực hóa mục tiêu trên, chính quyền Thành phố và doanh nghiệp cần sự nỗ lực, sự hợp tác chặt chẽ và có lộ trình cụ thể. Cùng với mong muốn doanh nghiệp cần có sự nỗ lực tự thân, chung tay cùng với chính quyền Thành phố trong giải quyết khó khăn, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, “Chính quyền Thành phố tái khẳng định, Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn, những rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của Thành phố”.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh, trong năm qua, các ngành, các cấp của Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng do còn vướng cơ chế chính sách. Do đó, việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là hết sức cần thiết, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Đồng chí Đinh La Thăng kêu gọi, “chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp không chỉ hiến kế, góp ý cho lãnh đạo Thành phố hôm nay mà còn thường xuyên hơn qua các kênh khác nhau, nhất là trong bối cảnh xây dựng chính quyền điện tử. Lãnh đạo Thành phố đang kiên trì theo đuổi cơ chế chính sách đột phá cho Thành phố và trong khi chờ đợi sẽ chủ động đưa ra chương trình hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, không cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp”. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu các sở, ngành cần phải đổi mới sáng tạo, tận tụy, tận tâm hơn để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, làm sao có đầu mối giải quyết công việc, không đùn đẩy trách nhiệm đồng thời phải tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho người dân. Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thiết bị để đón nhận thời cơ của công nghiệp hiện đại nhằm tăng tốc, phát triển theo kịp các nước tiên tiến, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở lại vị trí số một trong khu vực.
Cũng tại Hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt Cổng thông tin kết nối hỗ trợ doanh nghiệp./.
Khai thác hiệu quả Vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ  (07/03/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách quốc tế  (07/03/2017)
Từ “Phụ nữ trong phát triển” đến “Giới và phát triển” với vấn đề tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam  (07/03/2017)
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022  (07/03/2017)
Đại hội Phụ nữ XII: Những tiếng nói từ cơ sở  (07/03/2017)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên