Ngày 04-10, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 2.


Nhất trí hoạt động của Hội đồng Dân tộc

Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết phiên họp này, Hội đồng Dân tộc thảo luận báo cáo kết quả hoạt động từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội và dự kiến chương trình hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ sau kỳ họp thứ hai đến hết năm 2017; thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi và tình hình thực hiện chính sách dân tộc; thông qua một số quy định hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XIV.

Tại phiên họp này, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp thẩm tra các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủy lợi…

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế hoạt động và tầm quan trọng của Hội đồng Dân tộc trong cơ cấu, tổ chức của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc là hình ảnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất - cơ quan đại diện của nhân dân; là cơ quan trực tiếp nghiên cứu, tham mưu thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; góp phần trong việc hoạch định chính sách dân tộc.

Đồng thời, Hội đồng Dân tộc là một cơ quan có chức năng giám sát đối với các hoạt động của tổ chức, bộ máy nhà nước. Đối tượng giám sát của Hội đồng Dân tộc không chỉ ở các địa bàn hay từng lĩnh vực, mà ngay trong cơ quan hoạch định chính sách. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần phát huy kinh nghiệm của các khóa trước, để khóa XIV hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác cho Đảng, Nhà nước về tình hình đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước; đồng thời đẩy mạnh hoạt động giám sát các chính sách, nhất là những chính sách đặc thù…

Sau khai mạc, các đại biểu đã cho ý kiến về Báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc. Theo đó, từ kỳ họp thứ nhất đến nay, Hội đồng Dân tộc đã khẩn trương, ổn định tổ chức và triển khai các hoạt động trên cơ sở kế hoạch đã đề ra.

Với sự chủ động của Thường trực Hội đồng và trách nhiệm của các thành viên, Hội đồng Dân tộc đã cơ bản hoàn thành các chương trình đề ra đối với công tác xây dựng pháp luật; nội dung giám sát, khảo sát được triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Các hoạt động đối ngoại, hội nghị lấy ý kiến dự án luật được triển khai tích cực, hỗ trợ cho công tác lập pháp và giám sát của Hội đồng Dân tộc.

Một số chính sách dân tộc còn dàn trải

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kết quả thực hiện các chính sách dân tộc năm 2016 của Ủy ban Dân tộc. Cơ bản đồng tình với Báo cáo, các ý kiến cho rằng: Báo cáo đã phản ánh tương đối rõ ràng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng Dân tộc thực hiện giám sát, khảo sát trong thời gian tới. Tuy nhiên, Báo cáo chưa cập nhật thông tin đầy đủ về cơ chế chính sách dân tộc; một số chính sách dân tộc còn dàn trải, chưa có sự tích hợp để mang lại hiệu quả cao; một số chương trình, chính sách dân tộc chưa thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện, triển khai.

Theo đại biểu Phương Thị Thanh, Báo cáo của Ủy ban Dân tộc mới chỉ bàn tới nhiệm vụ quản lý nhà nước của cơ quan dân tộc về chính sách dân tộc; chưa có thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các chính sách liên quan đến dân tộc đang thực hiện trên địa bàn dân tộc và miền núi.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo, đại biểu Tống Thanh Bình cho rằng, thời gian qua, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi tuy nhiều nhưng qua quá trình triển khai cho thấy chưa cân đối được nguồn lực để thực hiện.

Một số chương trình đã phê duyệt nhưng vài năm sau mới có vốn triển khai, dẫn tới hiệu quả không cao, như: Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao ở 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu. Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, việc ban hành chính sách cần bảo đảm nguồn vốn và các chính sách cần có tính đặc thù theo vùng, miền; tập trung đầu mối quản lý để thống nhất trong thực hiện.

Đại biểu Bình cũng cho rằng, một số chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian qua không thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Đại biểu dẫn chứng Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn (gọi tắt Chương trình 135) và Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt Chương trình 30a). Đây là hai chương trình trong mục tiêu quốc gia nhưng cơ chế quản lý lại khác nhau.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục cấp sách cho con em dân tộc thiểu số; bố trí việc làm cho sinh viên dân tộc thiểu số sau khi ra trường…

Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, trong năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào dân tộc đã được cải thiện và nâng lên; đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, việc tham mưu, đề xuất các chính sách cho giai đoạn mới chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá. Nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án còn thấp so với kế hoạch, nhu cầu vốn. Vì vậy, nhiều chính sách đã hết hiệu lực nhưng khả năng không hoàn thành mục tiêu đề ra…

Trong phiên họp ngày 04-10, các đại biểu cũng đã thảo luận về chương trình hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc năm 2017 và cả nhiệm kỳ khóa XIV. Dự kiến, nhiệm kỳ khóa XIV, Hội đồng Dân tộc sẽ triển khai 11 cuộc giám sát và 14 cuộc khảo sát.

Ngày mai (05-10), phiên họp tiếp tục theo chương trình./.