Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, đánh giá lại các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, không để tái diễn việc bổ nhiệm một số cán bộ “đúng quy trình nhưng không thực chất”.


 
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri

Phát biểu trên được Chủ tịch nước đưa ra trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3, quận 4, sáng 04-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đề cập tới vấn đề nhân dân và cử tri cả nước đang rất quan tâm đó là việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, người thân, con em vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, đạo đức, năng lực, uy tín làm giảm niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh vấn đề trên, liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam, quyết định khởi tố bị can và phát lệnh truy nã trong nước và quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh, đồng thời khởi tố bị can, tạm giam một số đối tượng có liên quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của cử tri, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu và cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, tập trung hơn nữa vào việc thu hồi tài sản mà các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, là “giặc nội xâm”. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

 
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri

Chủ tịch nước thông báo, tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Báo cáo về công tác thi hành án; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; và cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Báo cáo với các cử tri về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, kinh tế đất nước tiếp tục đà phục hồi và phát triển, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn về tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao... Bên cạnh đó, đất nước cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến trong 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2016, sẽ có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu có thể không đạt (tăng trưởng GDP và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu)...

Trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước cho biết: Nợ công là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong những năm qua, nợ công của chúng ta liên tục tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 62,2% GDP vào cuối năm 2015.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay nợ công của Việt Nam đang tăng cao, áp lực trả nợ lớn; nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Việt Nam không nằm trong các nhóm nước có gánh nặng về nợ cao.

Về các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp sắp tới, nhất là Luật về Hội được nhiều cử tri nêu ý kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, việc xây dựng Luật về Hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013... Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước, được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động; đối với các hội còn lại, tự trang trải kinh phí hoạt động và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao.

Chủ tịch nước nêu rõ, quyền lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Việc xây dựng Luật về hội được thực hiện trên quan điểm, định hướng là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế đồng thời, Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp, qua đó phát huy vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về các nội dung dự kiến của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 4 dự án luật (Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13); 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 14 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa; báo cáo về tình hình Biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA); các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016...

Các cử tri đã nêu quan điểm, những kiến nghị về các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm, đáng chú ý là những ý kiến xung quanh các dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Đề cập tới dự án Luật về Hội, cử tri Lê Văn Cẩn (quận 3), cử trị Hoàng Thị Lợi (quận 1) đề nghị Quốc hội xem xét tạo khung pháp lý để phát huy vai trò của hội trong đời sống xã hội; quy định rõ vấn đề kinh phí hoạt động của các hội không mang tính đặc thù; cùng đó là kiến nghị Quốc hội xem xét lại quy trình làm luật nhằm bảo đảm tính khách quan cao nhất.

Các cử tri cũng nêu quan ngại xung quanh vấn đề thất thoát vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty; công tác phòng, chống tham nhũng; về quy trình bổ nhiệm cán bộ; vấn đề ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Một số cử tri cũng nêu kiến nghị xung quanh các vấn đề bức thiết hiện nay như giải quyết tận gốc vấn đề ma túy “tem giấy” đang len lỏi vào các trường học, mối quan ngại xung quanh các chương trình thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vấn đề hỗ trợ việc làm cho đối tượng thanh niên đặc thù, chậm tiến./.