Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-02-2013
Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ thi nâng ngạch công chức, bảo đảm nghiêm túc, có chất lượng; khẩn trương triển khai việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, phê duyệt văn bản quy định về công vụ, công chức theo Kế hoạch của Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức đã được phê duyệt; phân công nhiệm vụ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương, bảo đảm phù hợp với chức năng, thẩm quyền, rõ trách nhiệm và sự phối hợp trong quá trình triển khai Đề án.
Bộ Nội vụ cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, duy trì các cuộc họp định kỳ để bàn định hướng cho việc xây dựng các Đề án theo Kế hoạch.
Đồng thời, Bộ chú ý hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và hướng xử lý. Đề xuất để kịp thời biểu dương những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt và có hình thức phê bình những cá nhân, tổ chức thực hiện chưa tốt.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" với những nội dung đẩy mạnh phân cấp quản lý và hoàn thiện việc tổ chức công vụ gọn, nhẹ; giảm quy mô công vụ, tránh chồng chéo, tiếp tục tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt Danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch.
Bên cạnh đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung và xây dựng được 100% các chức danh và tiêu chuẩn công chức; thực hiện thí điểm đổi mới việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương trở xuống...
Đề án cũng xác định mục tiêu đến năm 2015 đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; quy định và thực hiện chính sách thu hút, tiến cử, phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ;...
Ký giao ước thi đua về cải cách hành chính
Cụm thi đua số 9 TP. Hà Nội, bao gồm 6 huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn đã tổ chức ký giao ước thi đua với quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ công tác năm 2013.
Trong đó, tập trung nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cơ chế một cửa, mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thái độ, nhận thức và kỹ năng...
Tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa với dân
Sáng 22-2, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm về công tác giám sát của hệ thống Mặt trận Thành phố trong năm 2012 và đề ra chương trình hoạt động giám sát trong năm 2013.
Trong năm 2012, hoạt động giám sát của hệ thống Mặt trận Thành phố từng bước tập trung vào tiến trình xây dựng chính quyền đô thị, vào những vấn đề trọng tâm để thực hiện nghị quyết của Đảng bộ thành phố và Đảng bộ địa phương, đáp ứng phần nào sự mong đợi của người dân, qua đó góp phần giải tỏa những vấn đề còn bức xúc của nhân dân.
Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động giám sát của Mặt trận đã giúp cho chính quyền thấy được những tồn tại, hạn chế; một số lĩnh vực có sự trì trệ không đáng có (giải quyết đơn thư khiếu nại) hoặc có tác dụng đôn đốc, thúc đẩy đẩy nhanh tiến độ giải quyết tái định cư, tạm cư, tình trạng quy hoạch treo, dự án treo. Hoạt động giám sát cũng đã giúp cho Mặt trận các cấp tích lũy được bài học kinh nghiệm góp phần vào việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ năm 2013, ông Dương Quan Hà yêu cầu hệ thống Mặt trận Thành phố cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05 về giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát việc thực hiện lời hứa của chính quyền các cấp với dân và cải cách hành chính, nhất là thái độ tiếp dân, giải quyết các hồ sơ yêu cầu chứng nhận của người dân; giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết các ý kiến, kiến nghị và các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc khiếu nại kéo dài gây bức xúc cho người dân.
Đồng thời, tập trung giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn dân cư; giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, các vấn đề bức xúc của nhân dân thông qua các buổi đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền với nhân dân ở những nơi thí điểm không tổ chức HĐND; giám sát công tác cải cách hành chính, thái độ trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; giám sát đại biểu dân cử ứng cử trên địa bàn về việc tiếp xúc cử tri theo quy định, về việc thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri khi ứng cử.
Hà Nội: Giám sát trách nhiệm người đứng đầu
Để triển khai có hiệu quả Năm kỷ cương hành chính 2013, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU của Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức từ nay đến năm 2015.
Theo đó, Ban chỉ đạo Chương trình yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hoàn thành triển khai một số Đề án như: Xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cấp thành phố, huyện; thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Đặc biệt, Ban chỉ đạo yêu cầu triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp uỷ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện CCHC và trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến TTHC; rà soát chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và sắp xếp lại các ban quản lý, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố và các quận, huyện, thị xã.
Thúc đẩy xây dựng mô hình chính quyền đô thị
Đây là kỳ vọng của ông Lê Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân thành phố về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo ông Lê Hoài Trung, TP. Hồ Chí Minh rất quan tâm góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì trong các chương trình đột phá của Thành phố có chương trình đột phá cải cách hành chính, gắn với mô hình chính quyền đô thị (CQĐT). Đột phá được tới mức nào phụ thuộc vào bản hiến pháp sửa đổi lần này. Có thể nói, sửa đổi hiến pháp chính là cơ hội lớn để Thành phố thúc đẩy mô hình CQĐT đã ấp ủ bấy lâu.
Khi thay đổi một tổ chức bộ máy chính quyền địa phương là có liên quan đến Hiến pháp. Vì từ Hiến pháp mà xác định rõ mô hình CQĐT ở các thành phố lớn nói chung, là tiền đề để sửa Luật Tổ chức HĐND, UBND. Trong Dự thảo có một số điểm tiến bộ nhưng cũng chưa rõ, cần phải cụ thể hơn. Ví dụ mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đây là mô hình chưa có trong tiền lệ, thực tiễn của thế giới. Pháp quyền của các thể chế trước thì có nhưng pháp quyền của xã hội chủ nghĩa thì chưa có tiền lệ, trong Dự thảo mới này cũng chưa rõ. Cụ thể là phân công, phân cấp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong Dự thảo là chưa rõ. Vai trò Nhà nước nói chung (gồm cả Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước...) chưa có sự rạch ròi, mặc dù trong Dự thảo có nói thẩm quyền của từng cá nhân lãnh đạo của các cơ quan của nhà nước. Vừa rồi có ý tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước, nhưng hệ thống tổ chức bộ máy thế nào, chức năng nhiệm vụ thế nào cũng chưa rõ.
Những vấn đề đó cần phải được xác định để khi hình thành các luật sẽ rõ về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng theo hành pháp, lập pháp, tư pháp. Trung ương rõ thì cấp địa phương mới rõ, mới cụ thể được CQĐT, chính quyền nông thôn. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến TP. Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy xây dựng CQĐT.
Theo ông Lê Hoài Trung, có những điều cần phải bổ sung: Khoản 2 Điều 115 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định thành phố thuộc Trung ương được chia thành quận, huyện, thị xã. Trong khi tỉnh lại có thành phố trực thuộc, vậy tại sao thành phố thuộc Trung ương lại không có thành phố trực thuộc? Tôi đề nghị bổ sung cấp thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Đây chính là thành phố trong thành phố, điều mà mô hình CQĐT đang hướng tới, là cơ sở để quyết định mô hình hành chính tương lai của TP. Hồ Chí Minh.
Một điểm nữa là khoản 2 Điều 116 quy định UBND là cơ quan hành chính ở địa phương. Hiện nay, xung quanh việc gọi cấp hành chính của TP. Hồ Chí Minh trong mô hình CQĐT là UBND hay Uỷ ban hành chính, rồi chức danh người đứng đầu thành phố là Chủ tịch UBND hay là thị trưởng cũng còn những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, để mở đường cho CQĐT, cần tính toán quy định UBND là cơ quan hành chính cấp địa phương, nhằm tránh những vướng mắc sau này.
Mô hình CQĐT đòi hỏi hệ thống tổ chức riêng cho những đô thị lớn để bảo đảm vận hành, điều hành của chính quyền được nhanh chóng - hiệu lực - hiệu quả, giảm bớt tầng trung gian, đáp ứng yêu cầu quản lý của một đô thị hiện đại. Vừa qua, khi thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện phường, Thành phố đã xử lý công việc hiệu quả, bổ nhiệm cán bộ nhanh, điều hành rút ngắn được thời gian. Đây là thực tiễn mà Thành phố mong muốn được ghi nhận để có những quy định phù hợp với thực tiễn, mở đường cho Thành phố và cả nước về xây dựng mô hình CQĐT.
Một điểm nữa là hiện nay trách nhiệm người đứng đầu thì xác định được nhưng thẩm quyền của người đứng đầu đang bị hạn chế bởi các quyết định theo cơ chế tập thể, dẫn tới hạn chế trong chỉ đạo điều hành. Mô hình CQĐT phải rõ chức năng, nhiệm vụ của thị trưởng hay chủ tịch thành phố.
Hoàn thành chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong năm 2013
Theo Bộ Tư pháp, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013 là tập trung hoàn thành chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm việc cắt giảm các gánh nặng và giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ được đặt tại văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ; bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đặt tại văn phòng UBND tỉnh, thành phố.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23-11-2012, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp đã tổ chức chuyển giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp.
Theo các chuyên gia, việc chuyển Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sang Bộ Tư pháp, chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp là hợp lý, tạo điều kiện trong việc thống nhất đầu mối thực hiện có hiệu quả hơn nữa chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủ tục hành chính.
Chú trọng tính khả thi, hợp lý của chính sách
Cũng trong năm 2013, Bộ Tư pháp xác định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp Chính phủ, các bộ, ngành, HĐND và UBND các cấp trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đồng thời, thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và các năm tiếp theo, đặc biệt là các dự án luật có ảnh hưởng lớn như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất)… Ngành khẩn trương hoàn thành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng các văn bản này trong năm 2013. Cùng với đó, tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng tới tính khả thi, hợp lý của dự thảo văn bản.
Ngành cũng sẽ kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi thi hành pháp luật với việc tăng cường hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường năng lực phản ứng chính sách, góp phần hoàn thiện pháp luật, nhất là khắc phục những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ hoặc những khoảng trống pháp luật trong một số lĩnh vực, đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hoặc đời sống người dân.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác trong năm 2013 của ngành Tư pháp là chuẩn bị thật tốt các điều kiện để triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt chú trọng tới tính khả thi, hợp lý của dự thảo văn bản, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai…
Ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Hải quan
Ngày 18-2-2013, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã ký Quyết định số 557/QĐ-TCHQ ban hành Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động trong ngành Hải quan.
Quy tắc ứng xử của ngành Hải quan quy định về chuẩn mực ứng xử, giúp công chức hải quan định hướng và tìm ra cách thức đúng đắn nhất khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, quan hệ với doanh nghiệp và người dân.
Bảy quy tắc ứng xử của công chức hải quan bao gồm:
Một là, trách nhiệm cá nhân;
Hai là, tuân thủ pháp luật;
Ba là, chuẩn mực ứng xử trong cơ quan, đơn vị gồm: chuẩn mực ứng xử với cấp trên; chuẩn mực ứng xử với cấp dưới; chuẩn mực ứng xử với đồng nghiệp; chuẩn mực ứng xử trong hội họp, sinh hoạt tập thể; chuẩn mực ứng xử trong sử dụng hệ thống thông tin (bao gồm các nội dung liên quan đến e-mail, hệ thống mạng nội bộ, phần mềm, điện thoại, truy cập internet, fax, máy tính cá nhân và các thiết bị thông tin, lưu trữ khác);
Bốn là, chuẩn mực ứng xử với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân;
Năm là, chuẩn mực ứng xử với nhân dân nơi cư trú;
Sáu là, môi trường làm việc;
Bảy là, sử dụng các tài sản và dịch vụ công.
Trong bảy quy tắc ứng xử của công chức hải quan, quy tắc về chuẩn mực ứng xử của công chức hải quan với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân được quy định như sau:
- Nắm vững quy định của pháp luật để xử lý công việc đúng với quy trình, quy định của pháp luật; có trách nhiệm giúp cơ quan, doanh nghiệp và người dân hoàn thành các nghĩa vụ và hưởng các quyền theo luật định.
- Nhiệt tình, tận tụy, khách quan trong giải quyết công việc; không trì hoãn, chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc với các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
- Tích cực hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích rõ ràng, tận tình, cụ thể về các quy định để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
- Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân phải ăn mặc, đeo thẻ công chức theo đúng quy định của ngành và có thái độ văn minh, lịch sự, đúng mực trong giao tiếp và ứng xử.
- Công chức hải quan có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ, phản hồi nhanh chóng, giải quyết khẩn trương các ý kiến đóng góp, khiếu nại từ phía các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
- Không nhận tiền, tài sản, lợi ích bất hợp pháp từ phía các cơ quan, doanh nghiệp và người dân dưới mọi hình thức.
- Trong trường hợp bị tấn công hoặc bị cản trở công việc bất hợp pháp, công chức hải quan cần tìm kiếm ngay sự trợ giúp của các lực lượng chức năng và kịp thời báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cấp thẻ Bảo hiểm Y tế cùng với giấy khai sinh
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân vừa ký quyết định ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc 3 lĩnh vực: hộ tịch, Bảo hiểm Y tế (BHYT) và đăng ký, quản lý cư trú cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn.
Theo đó, khi cấp giấy khai sinh, UBND xã, phường sẽ đồng thời cấp luôn đăng ký hộ khẩu và thẻ BHYT cho trẻ em. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ sẽ được hoàn tất trong vòng 9 đến 11 ngày làm việc kể từ ngày người dân đến làm thủ tục tại UBND xã, phường.
UBND Thành phố yêu cầu UBND xã, phường công khai đầy đủ, rõ ràng các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, niêm yết tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để người dân dễ tiếp cận. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, thông báo xuống từng khu phố, tổ dân phố để người dân nắm rõ và thực hiện đúng khi có nhu cầu.
Đề xuất sử dụng thẻ từ trong Bảo hiểm Y tế
Sau quy định mới thẻ tạm trú được cấp thẻ BHYT cùng lúc với giấy khai sinh, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đề xuất Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thí điểm sử dụng thẻ BHYT dạng thẻ từ để giảm rườm rà trong thủ tục hành chính.
Vấn nạn kỳ thị đối với người khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm Y tế đang từng bước được đẩy lùi nhưng thủ tục hành chính trong việc khám, chữa bệnh bằng BHYT còn rất rườm rà. Để được khám bệnh, phát thuốc bằng BHYT, người bệnh đến mỗi khoa, phòng đều phải trình thẻ, trình chứng minh nhân dân, nộp chứng minh nhân dân photocopy… nhưng còn phải ngồi “ngáp ngắn ngáp dài” mới đến lượt được cấp, phát thuốc.
Thủ tục hành chính rườm rà đang là nguyên nhân kéo dài thời gian chờ đợi của người bệnh, tác động xấu đến nỗ lực giảm tải của ngành Y tế. Để đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, giảm tối thiểu thời gian lãng phí cho người bệnh UBND TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế dạng thẻ từ để thuận tiện trong giao dịch, kết nối giữa người tham gia BHYT với các đơn vị có liên quan, dễ dàng trong công tác quản lý cũng như giảm thủ tục hành chính.
TP. Hồ Chí Minh đề nghị áp dụng thí điểm bước đầu việc sử dụng thẻ BHYT dạng thẻ từ với đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi (thẻ ghi rõ hiệu lực đến khi trẻ đủ 72 tháng tuổi).
Trước đó, theo quy định của UBND Thành phố, Bảo hiểm Xã hội Thành phố đã tham gia quy trình “một cửa liên thông” trong việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi ngay khi đăng ký khai sinh và nhập hộ khẩu cho trẻ. Quy định trên được thực hiện tại 322 phường, xã, thị trấn của thành phố và BHYT tự nguyện nhân dân.
Quảng Ninh xây Trung tâm hỗ trợ dân dùng dịch vụ công trực tuyến
Dự kiến ngày 30-4-2013, Quảng Ninh sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động 2 Trung tâm dịch vụ hành chính công, thành phần chính của mô hình Chính quyền điện tử tỉnh.
Trung tâm dịch vụ hành chính công có nhiệm vụ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin - truyền thông để cải thiện chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính công hiện hành, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Mặt khác, cũng sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, làm quen dần với các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Trung tâm dịch vụ hành chính công là thành phần quan trọng của Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2014 (Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 28-9-2012, trong đó đề ra mục tiêu đến hết năm 2014 cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng thông tin, triển khai các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng của Chính quyền điện tử tỉnh).
Việc triển khai hiệu quả Trung tâm dịch vụ hành chính công là một nỗ lực lớn của Quảng Ninh trong bối cảnh suốt thời gian dài qua, hệ thống thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, chưa tạo được sự liên thông về thủ tục hành chính giữa các cơ quan, đơn vị; sức ì của bộ máy hành chính các cấp còn lớn; việc tuyên truyền để tổ chức, công dân biết, tìm hiểu, giao dịch còn hạn chế…
Doanh nghiệp công nghệ thông tin “góp công” lớn đem lại những kết quả khả quan trong bước đầu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh là Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng về chính quyền điện tử.
Năm 1998, FPT IS cho ra đời sản phẩm FPT.eGov phiên bản đầu tiên ứng dụng tại UBND Quận 1 TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, FPT IS đã đồng hành cùng với 26 tỉnh/thành phố ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính./.
Để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội  (25/02/2013)
Tu dưỡng đạo đức của thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (25/02/2013)
Hòa bình, an ninh ổn định - xu thế chủ đạo của thế giới năm 2013  (25/02/2013)
Đưa Hà Tĩnh thành một tỉnh công nghiệp phát triển  (24/02/2013)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay