Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18-02 đến 24-02-2013)
1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động Tết trồng cây năm 2013
Ngày 18-2, tại tại Khu di tích đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang - căn cứ của cuộc khởi nghĩa Yên Thế trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2013.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phân tích lợi ích thiết thực của việc trồng cây đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Chủ tịch nước khẳng định: Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, từ năm 1959 đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp mỗi dịp vui Tết đón Xuân. Ngày nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống của con người, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi quốc gia, trồng cây càng có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật; góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ gìn môi trường sống.
Cùng với đại diện chính quyền các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo người dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch nước đã trồng cây tại Khu di tích đồn Hố Chuối; dâng hương tại Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, tưởng nhớ công lao của anh hùng Hoàng Hoa Thám và các anh hùng liệt sĩ năm xưa đã về Phồn Xương dựng cờ khởi nghĩa kéo dài trong 30 năm, tiêu biểu cho phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nông dân Việt Nam cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
2. Các địa phương hưởng ứng Tết trồng cây nhớ ơn Bác Hồ
* Tại Phú Thọ: dịp Tết trồng cây năm nay, tỉnh phấn đấu trồng 772 nghìn cây phân tán và 685 ha rừng tập trung, tạo đà để năm 2013 hoàn thành kế hoạch trồng gần 1,3 triệu cây phân tán, 5.500 ha rừng tập trung. Thời gian tổ chức Tết trồng cây kéo dài trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 18-2 (tức mùng 9 tháng Giêng năm Quý Tỵ ) đến ngày 18-3. Tỉnh huy động mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang, học sinh cùng tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
* Tại Sóc Trăng: đông đảo cán bộ công nhân viên, đoàn viên thanh niên các sở, ngành, trường học của tỉnh đã tham gia lễ phát động Tết trồng cây xuân Quý Tỵ 2013. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu lên ý nghĩa của Lễ trồng cây Nhớ ơn Bác Hồ đã trở thành truyền thống hàng năm và kêu gọi mọi người, mọi nhà hãy tích cực tham gia trồng cây để tạo màu xanh, lấy bóng mát, gây rừng, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng trong sạch hơn, chống nguy cơ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu. Năm nay, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu trồng thêm 4,2 triệu cây phân tán và 460 ha rừng tập trung bao gồm cả rừng phòng hộ ven biển và rừng tràm tập trung ở các địa phương, phấn đấu nâng tỷ lệ rừng che phủ của tỉnh đạt 4,6% trong năm 2013.
* Tại Hà Giang: Trong những ngày đầu Xuân Quý Tỵ 2013, phong trào Tết trồng cây đã được 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang phát động, thu hút hàng ngàn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên và bà con dân tộc thiểu số tham gia hưởng ứng. Năm 2013, Hà Giang phấn đấu trồng mới 3.900 ha rừng tập trung; trong đó rừng sản xuất gần 3.000 ha, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng 500 ha, rừng cảnh quan và trồng cây phân tán gần 500 ha.
* Tại Quảng Ngãi: Trong đợt ra quân Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm nay, thành phố Quảng Ngãi trồng gần 500 cây xanh cảnh quan trên các tuyến đường Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, khu vực dọc tuyến kênh Hào Thành và tại 10 điểm trường mầm non, tiểu học. Trong các ngày mùng 4 và mùng 6 Tết, các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh cũng đã tổ chức ra quân trồng cây tại thị trấn Sơn Tịnh và thị trấn Đồng Cát, trồng hàng ngàn cây xanh dọc các tuyến đường nội thị. Theo kế hoạch từ nay đến giữa tháng Giêng Quý Tỵ, tất cả các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi sẽ ra quân Tết trồng cây.
* Tại Nghệ An: đã kêu gọi các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực hưởng ứng Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thiết thực, hiệu quả. Tỉnh khuyến khích mọi người, mọi nhà trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng cây chắn gió bảo vệ đê biển, chống xói mòn đất, chống cát bay. Mỗi thôn, xóm hay các cơ quan, đơn vị, trường học đảm nhận trồng cây dọc đường giao thông, vùng ven biển, biên giới, hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc… phù hợp với điều kiện của từng nơi; đồng thời cần nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật...
* Tại Thái Bình: đã phát động Tết trồng cây tại đê biển xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Tại lễ phát động, các đồng chí lãnh đạo và đông đảo nhân dân địa phương đã trồng gần 100 cây phi lao dọc tuyến đê biển của xã Nam Phú. Trong thời gian này, tại các địa phương trong tỉnh Thái Bình cũng đồng loạt ra quân trồng cây mùa xuân năm 2013. Huyện Thái Thụy phấn đấu trồng hàng chục ngàn cây xanh, chủ yếu là cây bóng mát tại nơi công sở, trường học và khu dân cư. Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt dự án trồng rừng phòng hộ ven biển, tạo không gian xanh và xây dựng thói quen bảo vệ cây xanh cho nhân dân. Huyện Vũ Thư tổ chức Tết trồng cây phát động mỗi người dân trồng từ 1 - 2 cây, tạo dải cây xanh và giữ môi trường của huyện xanh - sạch - đẹp. Huyện Đông Hưng triển khai trồng bạch đàn lai, phi lao và tre măng bát độ tại các xã ven đê trong huyện...
* Tại Thừa Thiên - Huế: đã tổ chức phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Tỵ 2013. Dịp này, tỉnh Thừa Thiên - Huế, các huyện thị và thành phố Huế tổ chức trồng 4.000 cây tập trung ở những nơi di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ và các khu công nghiệp, nơi công cộng,... thu hút đông đảo lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh tham gia hưởng ứng Tết trồng cây.
* Tại Hà Nội: Trong những ngày đầu Xuân Qúy Tỵ 2013, nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt ra quân hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Năm 2013, thành phố Hà Nội phấn đấu trồng hơn 1 triệu cây xanh. Phương châm của thành phố Hà Nội là: Trồng cây phải đảm bảo hiệu quả, cây trồng được chăm sóc, bảo quản tốt, tỷ lệ cây sống cao và không lãng phí, không phô trương, hình thức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò nòng cốt trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho nhân dân. Các loại cây bóng mát và ăn quả được khuyến khích trồng ở Hà Nội là: Sấu, phượng vỹ, long não, tếch, xoài, cam, nhãn...; cây trồng rừng chủ yếu là thông, keo...
* Tại Lạng Sơn: tổ chức Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với hơn 23.000 cây các loại; trong đó loại cây được trồng nhiều nhất là keo với hơn 20.000 cây, còn lại là sấu và lát. Đến thời điểm này, gần 1,6 triệu cây giống các loại như: cây lâm nghiệp, cây ăn quả... đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ để trồng mới. Trong năm 2013, Lạng Sơn phấn đấu trồng mới 9.000 ha rừng; trong đó trồng rừng tập trung 6.000 ha, trồng cây phân tán 3.000 ha. Tỉnh phấn đấu độ che phủ rừng đạt 51,9% và khuyến khích người dân trồng rừng theo phương thức trồng hỗn giao, trồng rừng gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
* Tại Hải Dương: tổ chức Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Quý Tỵ 2013. Năm 2013, toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 1 triệu cây phân tán, gồm 545 nghìn cây ăn quả, 455 nghìn cây lấy gỗ, phong cảnh, bóng mát. Tết trồng cây 2013, Hải Dương tổ chức đều khắp tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với phương châm trồng cây phải đi đôi với chăm sóc và bảo vệ cây; kết hợp trồng cây gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo môi trường cho người dân trong tỉnh. Trong năm 2012, toàn tỉnh đã trồng hơn 1,02 triệu cây phân tán, vượt 2% kế hoạch; riêng trong đợt phát động đầu xuân đã trồng gần 149 nghìn cây xanh, đạt 14,9% kế hoạch cả năm.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Ngày 19-2, Hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đồng tình: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đến nay, cần tiếp tục sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc. Nhiều ý kiến đánh giá cao các nội dung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đồng thời cũng trao đổi, góp ý thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn. Trong đó, đáng chú ý là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân; vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội đồng Hiến pháp; vấn đề bảo vệ Tổ quốc, giữ vững tư tưởng Hồ Chí Minh...
Đề cập Điều 120 của Dự thảo quy định về Hội đồng Hiến pháp, một số ý kiến cho rằng đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước ta với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp - Văn bản có giá trị pháp luật cao nhất. Tuy nhiên, nếu Điều 120 chỉ quy định thẩm quyền “kiến nghị” của Hội đồng Hiến pháp mà không có thẩm quyền “phán quyết” đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước thì thực chất, đây chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội. Do đó, kiến nghị gọi tên Hội đồng này là Hội đồng bảo hiến có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản và quyết định không phù hợp với Hiến pháp của tất cả các cơ quan nhà nước.
Liên quan đến quy định về quyền lực nhà nước, một số ý kiến đề nghị, dự thảo Hiến pháp cần viết rõ hơn cơ cấu quyền lực nhà nước gồm những gì, giới hạn đến đâu, tính độc lập tương đối của 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Góp ý vào Điều 21 (mới): “Mọi người có quyền sống” , GS.TS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng chưa đủ bởi ngoài quyền sống, mọi người còn có quyền học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc.
Các ý kiến đóng góp trên sẽ được Ban tổ chức Hội nghị tiếp thu, chuyển đến các cơ quan liên quan và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
4. Tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013
Chiều 19-2, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã họp với các Bộ, ngành Trung ương nhằm kiểm điểm, đánh giá việc chấp hành các nhiệm vụ trong dịp Tết Quí Tỵ 2013.
Theo báo cáo tổng hợp tình hình Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 của Văn phòng Chính phủ, công tác tổ chức phục vụ nhân dân đón Tết được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo. Các Bộ, cơ quan, địa phương đã tổ chức quán triệt, tập trung triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đều có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức Tết phục vụ nhân dân. Các cấp, các ngành đều thực hiện tốt chế độ trực 24/24 giờ để nắm tình hình, giải quyết công việc, kịp thời chỉ đạo, xử lý những vấn đề đột xuất, phát sinh.
Về tình hình tổ chức Tết cho nhân dân, thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, trước Tết các địa phương đã hoàn thành việc chuyển quà chúc Tết đến 1.890.059 người có công với tổng kinh phí là 393.515 triệu đồng; xuất cấp (không thu tiền) 23.999 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 15 tỉnh cứu đói. Các địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách với kinh phí trên 807 tỉ đồng; thăm hỏi, tặng quà các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em đang điều trị tại các cơ sở y tế… được dư luận xã hội, nhất là người nghèo đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết.
Kết luận cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Trung ương trong việc chăm lo Tết Quí Tỵ cho nhân dân, đảm bảo cho nhà nhà đều đón Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Nổi bật là công tác chỉ đạo sát thực tiễn và công tác thực hiện có kết quả, nhất là thực hiện tốt chế độ trực Tết; đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá và kiểm soát được giá cả; đảm bảo tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn cơ bản được giải quyết; hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật diễn ra sôi động; tội phạm hình sự giảm mạnh; đặc biệt là chăm lo Tết cho người nghèo, người có công, gia đình chính sách được triển khai chu đáo…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ của năm 2013, đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương phải quyết liệt thực hiện giải quyết hàng tồn kho, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, tiếp tục bình ổn giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp… Tiếp tục theo dõi sát tình hình đời sống nhân dân trong mùa giáp hạt để có biện pháp cứu trợ cần thiết cũng như tình hình lao động, việc làm nhằm đảm bảo lực lượng lao động cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các Bộ tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trước mắt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đồng thời thực hiện có hiệu quả an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, quản lý lễ hội đảm bảo văn minh, phòng chống dịch bệnh… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế quyết tâm ngay từ những ngày đầu của năm mới, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
5. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Ngày 20-2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hơn 200 đại biểu già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, nghệ nhân, đại diện cho 19 dân tộc đang sinh sống tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khẳng định: chuyến thăm của Chủ tịch nước là nguồn động viên biểu dương khích lệ những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhân dịp Tết đến Xuân về. Các đại biểu bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, góp phần giao lưu tình cảm giữa các dân tộc anh em, giao lưu tình cảm giữa các dân tộc, động viên tinh thần phấn khởi đón mừng Xuân mới với khí thế mới.
Chủ tịch nước đã đi thăm các công trình tín ngưỡng của đồng bào Chăm và Khơ me trong khuôn viên Làng Văn hóa du lịch; dự lễ hạ Nêu - nghi thức truyền thống tốt đẹp, báo hiệu thời điểm kết thúc những ngày vui Tết để bắt đầu bước vào một năm lao động, sản xuất mới, được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Làng Văn hóa du lịch. Chủ tịch nước khẳng định, bản sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Một Việt Nam với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến trong những lúc khó khăn nhất, tình thế gian nan nhất, đoàn kết và lòng tự hào dân tộc trở thành sức mạnh nội sinh để dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi thử thách, chông gai, tồn tại và không ngừng phát triển. Các sinh hoạt văn hóa trong những ngày Tết cổ truyền không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm sức mạnh để dân tộc bước vào những mùa Xuân mới, đi đến những chân trời mới.
6. Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội đồng Dân tộc
Ngày 21-2, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đánh giá quyền của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được luật hoá trên nhiều phương diện, tạo điều kiện cho đồng bào có cơ hội thuận lợi phát triển về mọi mặt; khẳng định tính nhất quán chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Cùng với sự hoàn thiện từng bước hệ thống pháp luật của đất nước, quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được luật hoá, công dân là người các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực đời sống: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến nhiều nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 về lời nói đầu, về chế độ chính trị, về quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, môi trường; về bảo vệ Tổ quốc…. Trong đó các ý kiến tập trung đóng góp về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đánh giá vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hoá tinh thần các Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI cũng như tổng kết thực tiễn về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định về quyền xác định dân tộc; về quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hoá, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và nhưng quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc…
7. Ngân hàng Thế giới công bố danh sách các đề án học tập sáng tạo được nhận tài trợ
Chiều 22-2, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) chính thức công bố danh sách 5 Đề án xuất sắc nhất nhận được tài trợ của các tổ chức này để thực hiện các chương trình học tập sáng tạo.
Đây là lần thứ 6 AusAID và WB tài trợ cho các tổ chức trong nước thực hiện các Đề án học tập nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức Việt Nam sử dụng phương pháp học tập sáng tạo trong các chương trình giáo dục và đào tạo gồm: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh với chương trình “Nâng cao năng lực học tập tổng hợp và chia sẻ kiến thức trong kiểm tra và giám sát bệnh sốt xuất huyết”. Quỹ VinaCapital thực hiện “Sáng kiến đào tạo từ xa về chăm sóc sức khỏe sơ sinh tại Việt Nam”. Viện Khoa học Năng lượng có chương trình “Đào tạo về cơ hội năng lượng tái tạo và bù đắp Các-bon trong phát triển Nông - Lâm nghiệp tại Việt Nam”. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành “Nâng cao năng lực học tập tổng hợp trong kiểm tra và giám sát bệnh tả”. Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam thực hiện nội dung “Không gian tương tác điện tử về đào tạo và tư vấn sản xuất sạch hơn - đổi mới sản phẩm bền vững”.
Sau khi được thực hiện, 5 Đề án này sẽ có những đóng góp nhất định trong công tác đào tạo và phát triển sự nghiệp cho 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 108 giáo viên và 797 cán bộ trong lĩnh vực y tế và môi trường. Các Đề án sẽ áp dụng những công nghệ mới trong giáo dục và đào tạo, bao gồm công nghệ hỗ trợ việc học qua mạng và các phần mềm di động, nhằm giúp người học chuẩn bị tốt các nội dung của đề án.
8. Lễ hội khai ấn đền Trần, Xuân Quý Tỵ 2013
Đêm 14 tháng Giêng Âm lịch (tức đêm 23-2), Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) Xuân Quý Tỵ 2013 đã chính thức khai mạc. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Nam Định, cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương.
Sau nghi lễ dâng hương, đúng 22h40 kiệu ấn được 120 người đại diện cho các tầng lớp nhân dân làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng rước từ đền Cố Trạch thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang đền Thiên Trường, nơi đặt bài vị của 14 vị vua Trần. Sau bài diễn văn của Chủ tịch UBND thành phố ca ngợi công lao to lớn của Vương triều Trần, nêu cao ý nghĩa của tục lệ Khai ấn xưa, nghi lễ khai ấn được thực hiện hết sức trang nghiêm vào đúng giờ Tý tại nội cung đền Thiên Trường theo nghi thức truyền thống.
Lễ hội Khai ấn Xuân Quý Tỵ 2013 được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng Âm lịch với trọng tâm là Lễ khai ấn. Lễ phát ấn Xuân Quý Tỵ cho nhân dân và du khách thập phương sẽ tổ chức từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 24-2) tại ba nhà Giải Vũ và nhà trưng bày của đền Trùng Hoa. Chất liệu phôi ấn năm nay là một loại giấy màu vàng. Trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng Âm lịch diễn ra các hoạt động hội truyền thống gồm: Múa Lân - Rồng - Sư tử, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ, võ, vật bên ngoài cổng Ngũ Môn đền Trần.
9. Ngày Thơ Việt Nam 2013 "Tuổi trẻ với Tổ quốc"
Từ ngày 22 đến 24-2 (tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng), Ngày thơ Việt Nam 2013 diễn ra với các hoạt động sôi nổi: thi thơ giữa các trường đại học, cao đẳng; sân thơ các câu lạc bộ, trình diễn tác phẩm thơ đặc sắc... Hoạt động trưng bày về văn hóa cứu quốc với rất nhiều hiện vật, hình ảnh về văn hóa cứu quốc cũng được tổ chức. Trong dịp này, Ban tổ chức cũng mời nhà thơ nổi tiếng của Hoa Kỳ, Bruce Weight, một cựu binh đã từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam đọc thơ, giao lưu với giới trẻ Việt Nam.
“Tuổi trẻ với Tổ quốc” là chủ đề của Ngày thơ Việt Nam 2013; sự kiện do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc sáng ngày 24-2, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội với sự tham dự đông đảo của những nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động văn học nghệ thuật... và công chúng yêu thơ
Lễ hội thơ lần thứ 11 có sự góp mặt của sinh viên các Trường đại học, Học viện có tiếng trong cả nước như: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa, Sư phạm Hà Nội, Văn hóa Nghệ thuật quân đội...; trong đó, 8 trường tham gia thi sáng tác, biểu diễn thơ, đọc thơ của Bác Hồ và trưng bày các ấn phẩm thơ giới thiệu về trường, đất nước, con người. 18 Câu lạc bộ thơ đại diện cho các câu lạc bộ thơ trong cả nước cũng góp mặt tại Ngày thơ Việt Nam năm nay. Những màn trình diễn thơ đặc sắc của các Câu lạc bộ và sự xuất hiện của nhóm 9 thành viên “Linh hương cửu kiểm“ mang đến cho người yêu thơ những cảm xúc mới mẻ đầu xuân.
Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam 2013, các báo, tạp chí về thơ, đặc biệt là Báo Văn nghệ trẻ ra số đặc biệt; nhiều nhà thơ của Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam cũng được cử về các địa phương để tham gia Ngày thơ ở cơ sở. Từ ngày 22 đến 26-2, trên 40 tỉnh, thành cũng tổ chức Ngày thơ Việt Nam./.
Đưa Hà Tĩnh thành một tỉnh công nghiệp phát triển  (24/02/2013)
Phê duyệt Chương trình nghiên cứu, đào tạo, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao  (24/02/2013)
Mỹ lo ngại về tác động của chương trình cắt giảm chi tiêu  (24/02/2013)
Điện mừng Quốc khánh nước cộng hòa E-xtô-ni-a  (24/02/2013)
Hàng vạn người dự khai ấn đền Trần tại Nam Định  (24/02/2013)
Biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ tại Tây Ban Nha  (24/02/2013)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay