Tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Ngày 26-7-2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội).
Để tỏ lòng tưởng nhớ, tính đến 12 giờ 30 phút ngày 26-7-2024, có trên 5.600 đoàn đại biểu các cơ quan ở Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang, nhân dân và đoàn quốc tế đến viếng với trên 252.000 người viếng trực tiếp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; có hơn 483.000 lượt người viết sổ tang điện tử trên VNeID; khoảng 3.000 đoàn tới viếng tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Đúng 13 giờ, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể.
Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân và đoàn bạn bè quốc tế đã dự Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, quân nhạc đã cử Quốc thiều để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân.
Với niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Lễ tang đọc Điếu văn nêu rõ: Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú. Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ về bản chất của Đảng, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Từ đó, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng... Ghi nhận những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất; nhưng hơn hết, đồng chí mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong nền nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra linh xa, tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phủ Quốc kỳ trang trọng. Linh xa đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) về nơi an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Đông đảo người dân Thủ đô đã đứng hai bên tuyến đường đoàn xe tang đi qua để tiễn biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, trọn đời vì nước, vì dân, về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cùng thời điểm diễn ra Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), đông đảo đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tới dự Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dự Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà - thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội có đại diện lãnh đạo địa phương, gia tộc nội ngoại và đông đảo nhân dân.
Đúng 15 giờ ngày 26-7-2024, Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Trong niềm tiếc thương sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí, đồng bào, bạn bè quốc tế và gia đình dành một phút mặc niệm vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Thay mặt Ban Tổ chức Lễ tang và gia đình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí đại biểu khách quý và đồng bào, đồng chí cả nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế đã đến viếng, gửi vòng hoa, điện chia buồn, dự Lễ truy điệu, Lễ an táng và tiễn đưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí, đồng bào, bạn bè quốc tế và gia đình đã đi vòng quanh mộ vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay