Xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn, từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới
TCCS - “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững(1). Do đó, để xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn để thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.
Những thành tựu phát triển của mỹ thuật Việt Nam thời gian qua
Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước(2).
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các ngành văn học, nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, “Về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW xác định nhiệm vụ cụ thể: “Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(3).
Trong Kết luận số 76/KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”” khẳng định: “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy hơn… Đời sống văn hoá của nhân dân không ngừng được cải thiện. Một số chính sách, pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng và phát triển văn hoá, con người được ban hành. Hệ thống thiết chế văn hoá được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Thị trường văn hoá bước đầu được hình thành. Hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại ngày càng chủ động hơn”(4).
Quyết định số 1253/QĐ-TTg, ngày 25-7-2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ rõ, phát triển mỹ thuật nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; đóng góp cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; bảo tồn và phát huy các giá trị mỹ thuật truyền thống; đồng thời, xây dựng và phát triển các giá trị mỹ thuật hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động mỹ thuật nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển mỹ thuật.
Thời gian qua, sáng tác mỹ thuật đã hòa nhập dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thực lịch sử, đất nước và công cuộc đổi mới gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sự tự do sáng tạo cá nhân; có sự đa dạng về nội dung, phong cách nghệ thuật, dấu ấn đậm nét của cá tính sáng tạo được phát huy, thể hiện được thành tựu của sáng tác mỹ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đề tài sáng tác đa dạng, rộng, mở, với nhiều góc nhìn, cảm nhận khác nhau của từng nghệ sĩ đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống hiện đại và nhu cầu thưởng thức của công chúng, đặc biệt đề tài về lịch sử, chiến tranh, cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước, như công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển, đảo quê hương... được đội ngũ nghệ sĩ quan tâm sáng tác.
Về mặt nghệ thuật, trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tôn trọng sự tự do sáng tạo, những năm qua, có nhiều xu hướng nghệ thuật đan xen nhau cùng phát triển. Các hình thức nghệ thuật đa dạng, nhiều sắc thái từ bút pháp đến phong cách, tiếp thu tinh hoa các trào lưu nghệ thuật trên thế giới và kế thừa thành tựu của các thế hệ đi trước. Xu hướng hiện thực mới đã được các nghệ sĩ trẻ quan tâm. Chất lượng nghệ thuật ngày càng nâng cao, đã định hình tác phẩm và tác giả tiêu biểu. Hiện nay, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển, thế hệ nghệ sĩ trẻ mang đến cho đời sống mỹ thuật cách nhìn - cảm nhận - biểu đạt mới, không chỉ khẳng định được tài năng trong nước mà còn hướng đến thị trường thế giới, có cơ hội mở rộng giao lưu với các nền nghệ thuật lớn trên thế giới. Các loại hình mỹ thuật, như hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật phát triển khá đồng đều và đa dạng, cụ thể:
Hội họa, xu hướng tìm tòi thể nghiệm chất liệu và ngôn ngữ tạo hình đương đại được các nghệ sĩ trẻ đặc biệt quan tâm. Các tác giả đã tự tin hơn đến việc khẳng định cá tính sáng tạo và con đường nghệ thuật riêng, tạo thương hiệu riêng biệt. Sự phát triển của hội họa không chỉ tập trung ở các trung tâm mỹ thuật lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế mà còn phát triển rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, hội họa còn thiếu tác phẩm giá trị cao, phản ánh vấn đề lớn của lịch sử và xã hội một cách sâu sắc.
Đồ họa, có bước phát triển mạnh mẽ và phổ biến. Đồ họa giá vẽ bên cạnh những chất liệu truyền thống, như khắc gỗ, khắc thạch cao, in đá, in lưới... đã phổ biến các kỹ thuật đồ họa mới được ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại, như khắc đồng, khắc kẽm, in độc bản, khắc gỗ phá bản...; có tìm tòi thể nghiệm hướng đi mới, đã nâng cao chất lượng về ngôn ngữ và kỹ xảo tạo hình cho các tác phẩm mang hơi thở của thời đại. Tranh cổ động, tranh biếm họa, biểu trưng được quan tâm; đã hình thành một đội ngũ nghệ sĩ mới tham gia các cuộc thi sáng tác. Đồ họa công thương nghiệp trong cơ chế thị trường đã góp phần vào chất lượng các sản phẩm của Việt Nam. Đồ họa ấn loát như bìa sách, minh họa, trang trí sách, báo đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, đã hình thành một đội ngũ họa sĩ trẻ, nhà thiết kế về các thể loại đồ họa này.
Điêu khắc, có sự đột phá về ngôn ngữ, bố cục, chất liệu, tạo nên một diện mạo mới cho các tác phẩm điêu khắc, đặc biệt là của các nghệ sĩ trẻ. Điêu khắc ngoài trời (bao gồm tượng đài, phù điêu, biểu tượng) và điêu khắc tượng vườn đã có những bước phát triển ấn tượng. Về kỹ thuật làm tượng đài, đã ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, như kỹ thuật ép đồng, đổ đồng, sử dụng máy in 3D để tạo hình tượng và phù điêu với kích thước lớn, các phù điêu đá được thực hiện tới hàng nghìn mét vuông. Chất lượng các tượng đài đã được nâng lên từ ngôn ngữ nghệ thuật tới không gian và cảnh quan của tác phẩm.
Những năm gần đây, các tượng ngoài trời với nhiều phong cách, cùng những thay đổi về ngôn ngữ nghệ thuật đã làm phong phú không gian cảnh quan, sự đa dạng của tượng ngoài trời Việt Nam, góp phần hình thành một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp, đông đảo, giàu kinh nghiệm với tay nghề vững vàng cùng với đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên thể hiện tượng đài có tay nghề cao.
Mỹ thuật ứng dụng, bao gồm mỹ thuật sản phẩm, mỹ thuật thủ công, mỹ thuật công nghiệp đã có sự phát triển về mặt sáng tạo, tạo hình phục vụ trực tiếp cho sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống ngày càng nâng cao của nhân dân, làm cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận với thẩm mỹ hàng hóa chung của quốc tế. Mỹ thuật môi trường đã có một bước phát triển mạnh mẽ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các công trình xây dựng văn hóa, kinh tế, xã hội. Đội ngũ các nghệ sĩ mỹ thuật sân khấu - điện ảnh đã tiếp thu được nhiều kỹ thuật và nghệ thuật mới, làm phong phú, nâng cao chất lượng của nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, truyền hình, truyền thông đa phương tiện.
Nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật có sự phát triển, với nhiều bài viết về mỹ thuật được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, nhưng năm gần đây, các công trình nghiên cứu sâu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam và nghệ thuật tạo hình hiện đại đã được xuất bản, công bố. Với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình đã có thêm nhiều thông tin, tư liệu tham khảo mỹ thuật phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật vẫn còn mỏng; nhiều bài viết về lý luận và phê bình mỹ thuật vẫn chưa thực sự hấp dẫn và sâu sắc.
Thị trường mỹ thuật trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã có bước phát triển mạnh mẽ ở trong nước và bước đầu hội nhập với thế giới. Giá trị các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam ngày càng nâng cao. Đặc biệt là sự hình thành nhiều nhà sưu tập mỹ thuật ở trong nước, tranh Việt Nam cũng đã xuất hiện trong nhiều cuộc đấu giá quốc tế.
Đội ngũ nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam ngày càng đông đảo, có nghề nghiệp vững vàng, hình thành một lực lượng sáng tác chuyên nghiệp. Cùng với thế hệ thứ tư - thế hệ trưởng thành trong thời kỳ đổi mới - đã khẳng định vị trí trong giới mỹ thuật, thì thế hệ thứ năm - thế hệ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - đang từng bước trở thành một lực lượng kế tục sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam một cách vững vàng, tạo được những thành tựu mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế, mỹ thuật Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế:
- Trong sáng tác, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng cao, vẫn còn nhiều tác phẩm có chất lượng hạn chế, chưa thể hiện được tính tiên tiến, bản sắc dân tộc, còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số nghệ sĩ tạo hình còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của đời sống xã hội, chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước. Có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn của đất nước, hạ thấp chức năng giáo dục, quá nhấn mạnh tính giải trí. Hoạt động mỹ thuật trong cả nước có sự phát triển khá đồng đều, sôi động, tuy nhiên tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao. Ngoài một số tác giả sống được bằng tác phẩm của mình thì còn nhiều tác giả chưa thường xuyên sáng tác, chưa thực sự sống được bằng những sáng tác của mình.
Nghiên cứu lý luận, phê bình tuy có bước phát triển, nhưng mảng lý luận, phê bình còn yếu, chưa tác động tích cực đến sáng tác, chưa thực sự làm tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, còn có lối phê bình cảm tính, thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả - tác phẩm, chưa thực sự góp phần khẳng định tác phẩm có giá trị, chậm phê phán những biểu hiện không lành mạnh; định hướng thẩm mỹ cho công chúng và thúc đẩy sáng tác còn hạn chế.
Việc công bố tác phẩm, tổ chức triển lãm mỹ thuật ở trong và ngoài nước ngày càng tăng, tạo điều kiện đưa mỹ thuật đến với công chúng; nhiều triển lãm đã được tổ chức có quy mô lớn và có chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tổ chức chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở các đô thị lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Mặt khác, hoạt động sáng tạo mỹ thuật đang bị thị trường hóa, nhiều tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhất thời của người mua đã tạo ra làn sóng sáng tác tác phẩm theo một đề tài hoặc lối vẽ chạy theo thị hiếu bình dân. Thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp(4).
Trong những năm qua, nhiều tác phẩm được mua với giá rất cao tại các sàn đấu giá trong nước và quốc tế. Lợi nhuận cao làm gia tăng người làm tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái, thậm chí có tác giả còn tự chép tranh đã bán của mình để bán lại lần hai, lần ba..., do đó, các cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát. Vấn đề vi phạm bản quyền tác giả còn phổ biến, nhất là tranh giả, tranh nhái của các họa sĩ lão thành thành danh, kể cả trong nước và đưa từ nước ngoài về, làm giảm lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả, nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả...
Một số giải pháp để xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới vừa qua đã tạo ra thế và lực mới, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế; niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc(5). Thực tiễn cho thấy, trong điều kiện đời sống vật chất được nâng cao, cùng với sự tiếp cận dễ dàng với các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, nhiều nghệ sĩ đã tập trung thử nghiệm những chất liệu mới, cách thể hiện mới để sáng tạo nghệ thuật, từng bước khẳng định tên tuổi, qua đó góp phần định vị bản sắc của mỹ thuật Việt Nam trên thế giới(6).
Để xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn và từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới, cần thực hiện tổng thể các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các loại hình mỹ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nghệ sĩ, như chế độ lương, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu trí. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hoá, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển.
Thứ hai, xác định rõ phương hướng của hoạt động mỹ thuật là sáng tác các tác phẩm mỹ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về mảng đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật. Có biện pháp cụ thể để nâng cao trình độ nghiên cứu lý luận, phê bình. Gắn công tác nghiên cứu lý luận, phê bình với thực tiễn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong hoạt động sáng tác, phục chế, sửa chữa tác phẩm mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng; phối hợp với các đối tác quốc tế trong xúc tiến quảng bá, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật. Lựa chọn những công trình nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật để giới thiệu, xuất bản. Xây dựng hệ thống lý luận mỹ thuật Việt Nam.
Thứ tư, nâng cao trình độ chính trị, quan điểm sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ nghệ sĩ trên cơ sở tôn trọng quyền tự do trong sáng tạo, đa dạng về nội dung và phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo. Tăng cường giáo dục tư tưởng song hành cùng giáo dục và đào tạo hướng nghiệp trong các nhà trường và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặc thù văn hóa, nghệ thuật.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động giao lưu và trao đổi mỹ thuật với các hội, các tổ chức mỹ thuật ở khu vực ASEAN và các nước trên thế giới. Mở rộng việc trao đổi sáng tác, tổ chức thường xuyên các triển lãm ở trong, ngoài nước và triển lãm mỹ thuật của các nước khác tại Việt Nam nhằm giới thiệu mỹ thuật Việt Nam ra thế giới và để các nghệ sĩ cùng công chúng Việt Nam có điều kiện thưởng thức mỹ thuật các nước trên thế giới.
Thứ sáu, Hội Mỹ thuật Việt Nam và các hội mỹ thuật địa phương chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cho hội viên; tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật các chính sách bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của đội ngũ nghệ sĩ mỹ thuật; tạo điều kiện tự do sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật; ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tư tưởng lệch lạc, sai trái trong lĩnh vực mỹ thuật./.
------------------------------
(1), (2), (5) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa, văn học - nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/tiep-tuc-phat-huy-truyen-thong-cach-mang-quy-bau-day-manh-doi-moi-sang-tao-dap-ung-tot-hon-nua-yeu-cau-cua-su-nghiep-chan-hung-van-hoa-xay-dung-con-ng
(3) Xem: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
(4) Xem: Kết luận số 76/KL/TW, ngày 4-6-2020, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
(6) Nguyễn Phương Liên: Hướng đến một thị trường mỹ thuật lành mạnh, chuyên nghiệp, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.vn/huong-den-mot-thi-truong-my-thuat-lanh-manh-chuyen-nghiep-post223077.html
(7) Hà Thao: Bản sắc và hội nhập trong thực hành mỹ thuật đương đại, Báo Công an nhân dân điện tử, https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Ban-sac-va-hoi-nhap-trong-thuc-hanh-my-thuat-duong-dai-i523216
Chính sách xã hội trong bảo đảm, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và hội nhập quốc tế ở Việt Nam  (12/04/2024)
Định hướng giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay  (08/04/2024)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm