Dự phòng sớm giúp giảm tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con
TCCSĐT - Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỷ lệ lưu hành vi rút viêm gan B cao nhất thế giới (10% - 20%). Đặc biệt, phần lớn tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là do lây truyền dọc từ mẹ sang con. Sự lưu hành vi rút viêm gan B cao trong nhóm phụ nữ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự lưu hành vi rút viêm gan B trong cộng đồng nói chung và trong nhóm trẻ em nói riêng.
Tỷ lệ người nhiễm viêm gan B cao trong cộng đồng
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: Viêm gan vi rút B là một trong hai loại viêm gan do vi rút có gánh nặng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan và xơ gan, gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có khoảng 350 triệu - 400 triệu người mang vi rút viêm gan B vào năm 2012 và có khoảng 240 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính vào năm 2014. Năm 2015, ước tính thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 1,34 triệu ca tử vong do viêm gan do vi rút gây ra. Hầu hết các trường hợp tử vong này là do xơ gan (720.000 ca), ung thư gan (470.000 ca) và đều liên quan đến vi rút viêm gan B và C. Bệnh viêm gan vi rút B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của vi rút viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành vi rút viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5% -13%. Năm 2015, Việt Nam có khoảng 8,7 triệu trường hợp viêm gan vi rút B mạn tính, 23.500 trường hợp tử vong liên quan đến gan, 22.700 trường hợp ung thư gan và 31.700 trường hợp xơ gan. Theo báo cáo gần đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ước tính Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của vi rút viêm gan B; đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang vi rút viêm gan B sang con là đường lây quan trọng của vi rút viêm gan B, đặc biệt là tại các nước châu Á.
Phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan vi rút B có thể truyền cho con khi mang thai, khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau đẻ. Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%, nếu mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10% và sẽ tăng cao tỷ lệ lây nhiễm sang con tới 60% - 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối của thai kỳ. Ước tính, khoảng 5% - 10% nguy cơ nhiễm viêm gan B xảy ra cho thai nhi trong tử cung do vi rút xâm nhập qua gai rau bị tổn thương. Trên thực tế vẫn có khoảng 10% - 20% trẻ sinh ra từ mẹ có vi rút viêm gan B dương tính vẫn bị nhiễm bệnh viêm gan B sau khi sinh, mặc dù đã được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong số những trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ sang, có tới 90% trẻ có nguy cơ chuyển thành viêm gan mạn tính.
Lây truyền viêm gan B qua sữa mẹ cũng đã được nghiên cứu. Mặc dù trong sữa mẹ có chứa vi rút viêm gan B nhưng các nhà khoa học không chứng minh được sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm viêm gan B ở 1 nhóm trẻ cùng sinh ra từ mẹ có vi rút viêm gan B dương tính bú sữa mẹ và uống sữa thay thế. Do đó, việc cho con bú vẫn được khuyến khích ở các bà mẹ bị viêm gan vi rút B mạn tính nếu em bé được tiêm phòng ngay sau sinh đầy đủ và thích hợp.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em, hoạt động dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con hiện gặp nhiều thách thức. Tỷ lệ bao phủ liều vắc xin viêm gan B sau sinh chưa cao, thậm chí giảm xuống trong những năm qua do trong quá trình tiêm đã gây ra sự dè dặt trong tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm vi rút viêm gan B. Đồng thời, hoạt động điều trị thuốc kháng vi rút cho phụ nữ có tải lượng vi rút viêm gan B chưa có hướng dẫn về xét nghiệm và điều trị tại các cơ sở y tế. Xét nghiệm vi rút viêm gan B cho phụ nữ trước sinh đã được triển khai tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh. Tuy nhiên, việc xét nghiệm sàng lọc vi rút viêm gan B cho phụ nữ mang thai chưa được coi là xét nghiệm thường quy trong gói chăm sóc trước sinh cũng như chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm vi rút viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Hiện việc khám sàng lọc viêm gan cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, các hoạt động phòng chống bệnh viêm gan vi rút tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cũng như chưa có sự điều phối tổng thể lồng ghép các hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu rõ: Sự lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là 1 trong 3 bệnh (lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con) gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em và phụ nữ mang thai không có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi gây khó khăn cho việc loại trừ 3 bệnh này. Thời gian tới, mục tiêu loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con đã rất rõ ràng và hiện đang được ngành y tế quyết tâm, nỗ lực thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Nguyễn Đức Vinh cho biết: Giai đoạn 2013 - 2017, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút nhằm tăng cường sự điều phối trong công tác phòng chống bệnh viêm gan vi rút, giảm số mắc và tử vong cũng như các biến chứng của bệnh đối với cộng đồng. Chiến lược phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con tại Việt Nam hiện nay là tiêm vắc xin cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và hoàn thành đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B theo lịch tiêm chủng. Để mở rộng độ bao phủ liều vắc xin viêm gan B sau sinh, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở có phòng đẻ thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. Hoạt động tư vấn cũng được lồng ghép với các nội dung chăm sóc sức khỏe trước sinh cho phụ nữ mang thai.
Bộ Y tế đã có dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030. Theo đó, ngành y tế sẽ áp dụng cách tiếp cận chăm sóc liên tục và tiếp cận bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó xác định gói can thiệp thiết yếu hiệu quả, đảm bảo cho mọi đối tượng có thể tiếp cận được khi có nhu cầu; đảm bảo tính bền vững của chương trình can thiệp loại trừ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trên cơ sở đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép và cung cấp theo gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đồng thời, ngành y tế sẽ tăng cường năng lực của hệ thống y tế sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ đi đôi với tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ của người dân thông qua truyền thông, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con được liên tục và thuận tiện; ổn định và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế làm công tác sức khỏe sinh sản các cấp về can thiệp dự phòng lây truyền viêm gan B…
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em khuyến cáo: Để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định vi rút viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ trên 90%). Theo đó, gây miễn dịch thụ động bằng cách tiêm Immunoglobulin cần được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau sinh. Gây miễn dịch chủ động bằng cách tiêm vắc xin cũng cần được thực hiện mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, các mũi sau theo lịch tiêm chủng…/.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 23 đến ngày 29-7-2018)  (01/08/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren)  (31/07/2018)
Phát triển quan hệ đối tác hiệu quả Việt Nam - Singapore  (31/07/2018)
Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và tôn giáo Argentina  (31/07/2018)
Gắn chặt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy với nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên và tổ chức đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái  (31/07/2018)
Chủ tịch nước gửi Điện mừng nhân hội nghị thế giới chống bom nguyên tử  (31/07/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên