TCCSĐT - Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nóng trong các bàn nghị sự quốc tế. Ở Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi người dân. Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa ra, như các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, hạ tầng. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã đề cập việc tăng cường sử dụng tri thức địa phương trong các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu và những hệ lụy

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội trong tương lai. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.

Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu được công bố bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam có thể tăng khoảng 2,3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình của thế kỷ XX. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích, khoảng 10% - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và sự phát triển bền vững của đất nước.

Những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở Việt Nam bao gồm: Nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe. Vùng bị dễ tổn thương nhất là ven biển và miền núi. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em và cộng đồng dân cư với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu tác động rõ rệt nhất đến sản xuất nông nghiệp, cụ thể:

Tác động đến ngành trồng trọt

Biến đổi khí hậu làm giảm diện tích đất canh tác, ảnh hưởng năng suất cây trồng. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu như sạt lở đất, lũ quét, hạn hán làm giảm diện tích đất canh tác, làm hạn chế nguồn vốn sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo.

Tác động đến ngành chăn nuôi

Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh của vật nuôi. Bên cạnh đó, do tác động đến ngành trồng trọt nên thức ăn cho chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng.

Tác động đến lâm nghiệp

Ngoài các tác động của biến đổi khí hậu đến trồng trọt và chăn nuôi, biến đổi khí hậu còn tác động đến sản xuất lâm nghiệp, rừng và môi trường. Khai thác và sử dụng rừng bất hợp lý góp phần gây nên biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu thúc đẩy sự gia tăng thiên tai, thông qua các hiện tượng như hạn hán, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn đến sản xuất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, khi dịch bệnh diễn ra, thị trường quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi,… Hệ quả người nông dân chịu thiệt hại kép, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của mình.

Phát huy vai trò của tri thức địa phương

Tri thức địa phương hay còn gọi là tri thức bản địa là hệ thống tri thức của các cộng đồng dân cư bản địa ở các quy mô lãnh thổ khác nhau. Hệ thống tri thức này bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan đến sản xuất, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sức khỏe, tổ chức cộng đồng của một tộc người hoặc một cộng đồng tại một khu vực địa lý cụ thể. Nó được hình thành trong quá trình sống và lao động của cả cộng đồng, và lưu giữ bằng trí nhớ và lưu truyền bằng miệng.

Tri thức địa phương có những đặc điểm sau:

- Được hình thành trong quá trình nghiệm sinh (trải nghiệm và đúc kết thành tri thức).

- Thường xuyên được kiểm nghiệm qua hàng thế kỷ sử dụng, luôn có sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống.

- Thích nghi và phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của các cộng đồng người.

- Luôn thay đổi và có sự tích hợp sau quá trình phát triển tự thân hoặc tiếp biến văn hóa.

Như vậy, tri thức địa phương có khả năng thích ứng cao với môi trường của người dân - nơi mà chính những tri thức này được hình thành, trải nghiệm và phát triển. Tri thức địa phương là kết quả của sự quan sát, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sinh hoạt và trong sản xuất nông - lâm nghiệp, trong quản lý tài nguyên và quản lý cộng đồng, được hình thành trực tiếp từ quá trình lao động của mọi người dân trong cộng đồng, dần được hoàn thiện và truyền thụ lại cho các thế hệ sau.

Biến đổi khí hậu tác động khác nhau lên mỗi khu vực địa lý, với mỗi đối tượng và nguồn sinh kế. Do vậy, chỉ có dựa vào cộng đồng và những tri thức địa phương thì mới hiểu rõ những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu với họ và từ đó mới có các giải pháp phù hợp đặc trưng và làm lợi cho chính họ. Điều này có thể lý giải ở những điểm sau:

- Nhờ sự đa dạng về hệ thống cây trồng, vật nuôi của tri thức địa phương sẽ góp phần cải thiện và duy trì các hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tính dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Các giống cây trồng/vật nuôi bản địa thường có khả năng chống chịu tốt, ít bị dịch bệnh hơn so với các giống mới và không yêu cầu đầu tư thâm canh cao phù hợp với nhiều người, kể cả người nghèo.

- Tri thức địa phương là nền tảng cơ bản cho sự tự cung, tự cấp và tự quyết của người dân, giúp cho người dân ít bị phụ thuộc vào bên ngoài, giảm tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra.

- Tri thức địa phương gần gũi với người dân, họ có thể hiểu, vận dụng và duy trì các kỹ thuật đó tốt hơn so với các kỹ thuật mới đưa từ bên ngoài vào.

Với vai trò như vậy, ở Việt Nam, trong các chương trình, chính sách cấp quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu cũng rất khuyến khích, ủng hộ các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và tri thức địa phương.

Việc ứng dụng tri thức địa phương trong ứng phó biến đổi khí hậu sẽ có những hiệu ứng tích cực hơn các biện pháp truyền thống, bởi:

Thứ nhất, hỗ trợ người dân sinh kế có khả năng chống đỡ và phục hồi với biến đổi khí hậu, đồng thời đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ;

Thứ hai, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai để giảm tác động của hiểm họa, đặc biệt là lên những hộ gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương;

Thứ ba, nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội có thể hỗ trợ tốt hơn các cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu;

Thứ tư, có thể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như quản trị kém, thiếu sự kiểm soát đối với các nguồn lực, hoặc tiếp cận hạn chế tới các dịch vụ cơ bản.

Trong thời gian tới, để có thể phát huy hiệu quả tri thức địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức các cấp về vai trò của tri thức địa phương trong ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện nay, có một số chính sách đã đề cập ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, tri thức địa phương nhưng còn chung chung và do đó, chưa phát huy hiệu quả trong khuyến khích, hỗ trợ việc áp dụng tại địa phương. Vì vậy, trong các chương trình, chính sách cấp quốc gia, cần có những quan điểm nội dung cụ thể đề cập việc hỗ trợ các sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có sử dụng tri thức địa phương.

Hai là, cần có các chính sách để duy trì và phát huy tri thức địa phương, nhất là các tri thức có giá trị trong phát triển bền vững của cộng đồng, như các kinh nghiệm sản xuất, dự báo thời tiết, thiên tai, các giống cây con bản địa hay các giá trị mang tính khoa học, bảo tồn nguồn gen của các giống cây trồng vật nuôi bản địa,... Bên cạnh đó, cần các chính sách khuyến khích việc sử dụng các giống, kỹ thuật bản địa song song với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại nhằm tạo sự phát triển bền vững và bảo tồn các nguồn gen, tri thức phục vụ cho nghiên cứu khoa học hiện đại.

Ba là, cần có cơ chế phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý hỗ trợ duy trì, phát triển và ứng dụng tri thức địa phương trong cộng đồng dân cư. Đầu tư cho các nghiên cứu khoa học có hệ thống về tri thức địa phương, thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện địa phương. Có các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ vốn phát triển sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa (đặc biệt là các nguồn vốn của ngân hàng chính sách hay từ chương trình giảm nghèo).

Bốn là, lồng ghép các ý tưởng, sáng kiến sử dụng tri thức địa phương trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương. Các chính sách phát triển, giảm nghèo khác cũng nên được phối hợp để hỗ trợ việc triển khai, nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng kiến thức bản địa và khoa học - kỹ thuật. Cần có chương trình nghiên cứu về việc lưu giữ và sử dụng các tri thức địa phương trong cộng đồng và coi đó là một biện pháp thích ứng của người dân.

Năm là, nghiên cứu và xây dựng thêm các mô hình có sử dụng tri thức bản địa, nhân rộng các mô hình có hiệu quả để làm bằng chứng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức bản địa trong cộng đồng. Khuyến khích việc sử dụng các giống, kỹ thuật bản địa song song với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại nhằm tạo sự phát triển bền vững của cộng đồng và bảo tồn các nguồn gen, kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu khoa học hiện đại.

Sáu là, khuyến khích thành lập các tổ nhóm để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu có sử dụng tri thức địa phương. Đồng thời, thông qua đó, khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giống, cây con bản địa cho năng suất ổn định và nhu cầu thị trường cao, ổn định, phù hợp với điều kiện đất đai, trình độ canh tác của người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu./.