Đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

ThS. Lê Thị Phượng Học viện Chính trị khu vực I
20:58, ngày 06-10-2016

TCCSĐT - Giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng bất bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là một quá trình lâu dài, khó khăn. Do đó, cần cách tiếp cận tích cực, coi xóa đói, giảm nghèo là một cách thức đặc thù của quá trình phát triển bền vững, trước hết cho các nhóm yếu thế trong xã hội, để từ đó đạt được sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.

Nguyên tắc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều

Văn kiện Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đề ra phương hướng: “Đổi mới chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, hiệu quả và tiếp cận phương pháp đo lường nghèo đa chiều nhằm bảo đảm an sinh xã hội cơ bản và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên,... Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế” (1).

Để góp phần triển khai thực hiện phương hướng này của Đại hội XII của Đảng, trước hết, cần nhận thức rằng, giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng bất bình đẳng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là một quá trình lâu dài, khó khăn, có liên quan đến quá trình phát triển chung của toàn xã hội. Do đó, cách tiếp cận tích cực là coi xóa đói, giảm nghèo không phải là một gánh nặng của phát triển, mà trái lại, là một cách thức đặc thù của quá trình phát triển bền vững, trước hết cho các nhóm yếu thế trong xã hội; từ đó đạt được sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.

Nguyên tắc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều là không chỉ giới hạn chuẩn nghèo ở thu nhập, mà mở rộng chuẩn nghèo về mức sống. Từ đó, kết hợp chuẩn nghèo về thu nhập với mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân, trước mắt áp dụng chuẩn nghèo chính sách để phân loại đối tượng hộ nghèo, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Như vậy, trong chuẩn nghèo đa chiều, ngoài tiêu chí về thu nhập, còn bổ sung tiêu chí về mức sống, mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở,… thông qua việc xây dựng: chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách, chuẩn mức sống trung bình (về thu nhập); chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản. Cụ thể:

- Chuẩn mức sống tối thiểu: là mức thu nhập bảo đảm chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

- Chuẩn nghèo thu nhập hay chuẩn nghèo chính sách: là mức thu nhập mà nếu hộ gia đình có thu nhập dưới mức đó sẽ được coi là hộ nghèo về thu nhập. Chuẩn nghèo về thu nhập dùng để xác định quy mô nghèo về thu nhập của quốc gia, và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ (do đó được gọi là chuẩn nghèo chính sách).

- Chuẩn mức sống trung bình về thu nhập: là mức thu nhập mà ở mức đó người dân đã đạt được mức sống trung bình của xã hội, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

- Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm 5 dịch vụ: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

- Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt gồm 10 chỉ số: trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; loại hố xí/nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Ngưỡng thiếu hụt đa chiều là: mức độ thiếu hụt mà nếu hộ gia đình thiếu nhiều hơn mức độ này thì bị coi là thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, (từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt trở lên).

Trên cơ sở vận dụng các chuẩn hoặc tiêu chí nêu trên, có thể đánh giá:

- Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu, và thiếu hụt dưới 1/3 tổng số điểm thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Hộ chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt từ 1/3 tổng điểm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Hộ có mức sống dưới trung bình là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ dưới chuẩn mức sống trung bình và cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu.

Tiếp tục đổi mới, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về xóa đói, giảm nghèo

Cần tiếp tục đổi mới, sửa đổi, bổ sung các chính sách về xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, giảm hỗ trợ về tiền, tăng hỗ trợ về con giống, cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm. Tăng cường giảm nghèo bền vững theo hướng giảm tỷ lệ sản xuất nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể:

- Các chính sách giảm nghèo cần được xây dựng theo hướng tập trung vào hai chương trình: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và chiến lược an sinh xã hội. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo hướng tăng mức hỗ trợ để phù hợp hơn với thực tế; và không trợ cấp nghèo cho những người có sức lao động.

- Hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án xây dựng và nhân rộng một số mô hình giảm nghèo bền vững vùng đặc biệt khó khăn (vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và cả khu vực phía Tây thuộc Bắc và Nam Trung Bộ) kết hợp với thực hiện chính sách ổn định dân cư, vì một trong nguyên nhân gây nghèo triền miên là do chưa định canh, định cư. Di dân tự do gây bị động rất lớn cho cả nơi đi, nơi đến, do đó phải coi trọng đầu tư cho vùng đồng bào khó khăn, nhất là những nơi đang có xu hướng di cư. Các địa phương cần có trách nhiệm với công tác giảm nghèo như, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 20% thì Nhà nước không trợ cấp chính sách hộ nghèo, địa phương phải tự lo. Các cơ quan nhà nước quản lý ở địa phương và cơ sở cần nâng cao trách nhiệm trong việc thi hành các văn bản pháp luật về phân bổ, quản lý, giám sát nguồn vốn và thực thi tốt pháp luật, nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, công khai, minh bạch trong quá trình xét duyệt, công nhận các đối tượng đủ tiêu chuẩn hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Rà soát lại danh sách hộ nghèo trong cả nước, kiên quyết loại bỏ khỏi danh sách những hộ nghèo không đúng tiêu chí do bình xét sai. Thực hiện chính sách chỉ hưởng 1 lần (hộ nghèo chỉ được hưởng chính sách 3 - 5 năm), vì cơ chế hiện nay khiến nhiều người nghèo chỉ thích làm hộ nghèo, do được hưởng chính sách hỗ trợ. Tách đối tượng nghèo kinh niên ra khỏi chương trình để hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên; tập trung vào các chính sách hỗ trợ giảm nghèo gắn với tạo việc làm đối với nhóm nghèo có khả năng vươn lên thoát nghèo.

- Thực hiện lồng ghép các nguồn lực giảm nghèo, như tín dụng, dạy nghề, khuyến nông, đi làm việc ở nước ngoài,…. Và tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở.

- Thực hiện chính sách mới về tăng mức hỗ trợ dạy nghề hợp lý hơn (cả ngắn hạn, dài hạn) cho lao động là người nghèo; áp dụng mức hỗ trợ bằng 100% mức lương tối thiểu (mức hỗ trợ hiện nay quá thấp, đối tượng học nghề hầu hết là lao động chính trong gia đình, vì thế, nếu không nâng mức hỗ trợ đủ tiền ăn trong ngày sẽ không thu hút được người tham gia học nghề).

- Sửa đổi chính sách về hỗ trợ vay vốn hiện hành cho các hộ nghèo lên mức cao hơn, với thời gian dài và lãi suất thấp hơn. Các ngân hàng chính sách xã hội cần thực hiện nghiêm túc chính sách về hỗ trợ vay vốn, cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ các điều kiện người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các chi nhánh, nhân viên ngân hàng thực hiện nhiệm vụ tín dụng đối với các hộ nghèo.

- Bổ sung quy định về bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho các dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vào Luật Đất đai năm 1993; bổ sung quy định về trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích (như: không sử dụng, cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng đất trong một thời gian nhất định). Đối với những hộ được cấp đất sản xuất nhưng bỏ hoang gây lãng phí đất trong một thời gian sẽ bị Nhà nước thu hồi để giao lại cho các hộ khác có nhu cầu.

- Ban hành văn bản pháp luật về thu hồi đất đối với các nông trường, lâm trường quốc doanh, thậm chí các nông, lâm trường đã chuyển đổi mô hình sang mô hình kinh doanh khác nhưng hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên đất, để giao lại cho địa phương thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân trong khu vực sử dụng.

- Xây dựng quy định pháp luật về định mức đền bù thiệt hại đối với những tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội “treo”, và những dự án đã được cấp đất nhưng không triển khai đền bù, tái định cư kịp thời theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc bố trí tái định cư hình thức, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ phải di dời.

- Ban hành chính sách về khuyến khích các hộ nông dân thuộc diện được hỗ trợ đất sản xuất khai hoang, cải tạo đất, thực hiện chuyển đổi nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp./.

----------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 137