Tiếp tục phát huy hiệu quả từ Chương trình kết hợp quân - dân y
TCCSĐT - Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình kết hợp quân - dân y đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng biên giới và hải đảo - những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh; tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội; xóa đói, giảm nghèo và làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Mô hình kết hợp quân - dân y đã được hình thành từ những ngày đầu của chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp; trải qua các thời kỳ cách mạng Việt Nam, kết hợp quân - dân y đã thể hiện rõ tính chất ưu việt, hiệu quả của sự phát huy tổng hợp sức mạnh của các lực lượng y tế quân y, dân y, đã góp phần cứu chữa thương binh, bệnh binh bảo đảm quân số khỏe cho các chiến trường; bảo đảm sức khỏe cho nhân dân tham gia lao động sản xuất... Vì vậy, kết hợp quân - dân y vẫn luôn là một trong những biện pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong cả nước nói chung, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo nói riêng. Đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 06/CT-TW, ngày 22-01-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg, ngày 29-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới”, hoạt động kết hợp quân - dân y đã có bước phát triển mới, trở thành Dự án trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia, được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, rộng khắp trong toàn quân và đạt hiệu quả thiết thực.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình kết hợp quân - dân y đã đạt được một số thành tựu sau:
Một là, các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng được một hệ thống 152 phòng khám quân - dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới, các phòng khám quân - dân y thực sự là “cánh tay kéo dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào và tại đây, các “chiến sỹ áo trắng” quân y, dân y đã chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp dân phát triển kinh tế. Theo đó đã đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã; trong đó củng cố toàn diện là 101 trạm, củng cố từng mặt là 428 trạm với tổng ngân sách 420.397 triệu đồng (trong đó: ngân sách Trung ương 83.941 triệu đồng, số còn lại do các đơn vị phối hợp với các địa phương tự bảo đảm); số trạm y tế được củng cố thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là 410 trạm (chiếm 77,50%).
Hai là, kết hợp quân - dân y xây dựng tiềm lực y tế - quốc phòng trong khu vực phòng thủ là mục tiêu chiến lược của Chương trình góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước giai đoạn 2005 - 2015. Các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cử cán bộ đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng. Các tỉnh, thành phố xây dựng các đơn vị y tế dự bị động viên theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 137/2005/QĐ-TTg, ngày 09-6-2005 và Quyết định số 20, 21, 22/QĐ-TM, ngày 02-01-2009, của Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng ban hành. Đồng thời hướng dẫn Ban Quân dân y triển khai thực hiện Nghị định số 129/2014/NĐ-CP, ngày 31-12-2014 giao chỉ tiêu huy động ngành y tế khi có chiến tranh và tình trạng khẩn cấp xảy ra.
Ba là, kết hợp quân - dân y là giải pháp hiệu quả đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai thảm họa. Để các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai thống nhất, có hiệu quả trong công tác huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, năm 2009 Ban Quân dân y cấp Bộ đã hướng dẫn các quân khu, địa phương xây dựng kế hoạch kết hợp quân - dân y trong phòng, chống dịch bệnh. Đối với những dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh tại khu vực biên giới, Ban Quân dân y cấp Bộ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế tổ chức ký kết hợp tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hệ thống các phòng khám quân dân y do Biên phòng quản lý cũng là hệ thống giám sát dịch bệnh dọc biên giới có hiệu quả, có khả năng phát hiện sớm nguy cơ dịch và báo cáo trực tiếp theo hệ thống về Cục Quân y, Bộ Y tế. Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, đây là các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm được thành lập trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc,... từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội trong khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, có nhiều nguy cơ bùng phát dịch.
Bốn là, thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, các bệnh viện quân dân y tuyến Trung ương đã cử hàng trăm cán bộ xuống giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả cho các tuyến dưới, tiêu biểu là các bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức (Bộ Y tế)...; Bệnh viện Quân y 108, 175, 103 (Bộ Quốc phòng)... Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho các địa phương nói chung và vùng sâu, vùng xa nói riêng đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và lực lượng vũ trang.
Năm là, kết hợp quân - dân y là một giải pháp tích cực, hiệu quả góp phần thực hiện nhiệm vụ dân vận của Đảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo trọng điểm quốc phòng - an ninh.
Trong 10 năm qua, Chương trình kết hợp quân - dân y đã lấy việc củng cố, xây dựng y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc, các gia đình có công với cách mạng... Các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu 6.641 người, trong đó quân là 1.885 người, dân là 4.756 người; khám bệnh cấp thuốc cho 84.072 lượt người, trong đó quân là 21.546 lượt người, dân là 62.526 lượt người; thu dung điều trị 16.018 trường hợp, trong đó quân 3.418 người, dân 12.600 người; đã phẫu thuật cho 12.550 trường hợp, trong đó phần lớn là dân. Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn hiệu quả nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng như đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp, tai biến do lặn sâu, tai biến mạch máu não... Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền trong đó quân là 22 người, dân là 40 người.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, với mục tiêu: “Giúp người dân sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng trọng điểm quốc phòng an ninh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao và tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp”, Chương trình kết hợp quân - dân y tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm không ngừng phát triển y tế cơ sở phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm y tế cho quốc phòng, góp phần xây dựng các tỉnh/thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Trong thời gian tới, cùng với chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện công tác y tế quân đội, ngành Quân y tiếp tục thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp đẩy mạnh kết hợp quân - dân y. Để Chương trình kết hợp quân - dân y tiếp tục phát triển, giành được nhiều thành tựu hơn nữa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới, cần chú trọng đến một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường quán triệt pháp luật, những văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của hai Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đến mọi công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành y tế; tích cực tổ chức thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh theo kế hoạch của Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh các cấp trên toàn quốc.
Thứ hai, sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác kết hợp quân dân y; tổ chức phổ biến, quán triệt hệ thống văn bản pháp quy có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng của ngành y tế đến toàn thể cán bộ chủ trì các Sở Y tế, Ban Quân dân y các cấp, lực lượng quân nhân dự bị, lực lượng huy động ngành y tế, để biết và thực hiện.
Thứ ba, tập trung xây dựng báo cáo khả thi đầu tư trung hạn cho dự án kết hợp quân - dân y, thuộc Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở khu vực biên giới, biển, đảo và khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các địa phương ven biển, đề xuất chủ trương đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho y tế biển đảo, thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án: 317) theo quy định của Luật Đầu tư công và chủ trương của Chính phủ.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương triển khai Luật số 46/2014/QH13, ngày 13-6-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 70/2015/NĐ-CP, ngày 01-9-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu; giải quyết dứt điểm vấn đề thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y, đặc biệt tại các phòng khám quân dân y do Bộ đội Biên phòng quản lý.
Thứ năm, tiếp tục đầu tư cho các đơn vị dự bị động viên ngành y tế, các tổ, đội cơ động, lực lượng huy động, bảo đảm tính cơ động cao và có thể triển khai công tác cấp cứu, vận chuyển, cứu chữa bệnh nhân, nạn nhân bất kể thời gian, trên mọi địa hình và sẵn sàng huy động, động viên khi có lệnh. Tăng cường tổ chức tập huấn kiến thức về tổ chức chỉ huy quân y, tiếp nhận phân loại, ngoại khoa dã chiến, tiếp tế quân y, chuyển thương cho lực lượng quân nhân dự bị ngành y tế. Nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập các đơn vị dự bị động viên y tế trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Thứ sáu, đối với nhiệm vụ củng cố y tế cơ sở cần:
- Nghiên cứu, quy hoạch lại các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y trên địa bàn từng tỉnh, thành phố cho phù hợp với quy hoạch chung và khả năng đáp ứng nguồn nhân lực của địa phương; trên cơ sở đó tập trung đầu tư, bảo đảm mọi điều kiện để các cơ sở này có thể tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Đối với các huyện đảo, cần sớm tổ chức, kiện toàn Trung tâm Y tế quân dân y theo phương thức kết hợp toàn diện quân y - dân y, có hai chức năng (dự phòng và khám, chữa bệnh) và nghiên cứu phương thức thanh toán bảo hiểm y tế cho phù hợp với điều kiện thực tiễn về nhân lực trên các huyện đảo.
- Đầu tư cho các trạm y tế khu vực biên giới, vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh cần đạt được theo tiêu chí quốc gia về y tế xã; đối với các xã được xác định là khu căn cứ hậu cần kỹ thuật trong khu vực phòng thủ, cần đầu tư công trình phụ trợ kho tàng, hầm phẫu thuật.
- Tiếp tục đào tạo liên tục cho lực lượng quân y biên phòng, các đoàn kinh tế quốc phòng, Hải quân,... kiến thức về y học gia đình, sản, nhi, y tế công cộng; lực lượng quân y huấn luyện cho nhân viên y tế những kiến thức cơ bản về y học quân sự, huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ biết sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân khi gặp nạn. Nghiên cứu, hợp tác quốc tế để huấn luyện, đào tạo cấp cứu trên biển, cấp cứu đường hàng không cho lực lượng quân dân y ven biển, trên đảo và nhà dàn.
Thứ bảy, tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các chế độ, chính sách đối với các lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình kết hợp quân - dân y ở những khu vực đặc biệt khó khăn, đối với những nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm và thu hút những người có kiến thức y học quân sự phục vụ công tác tham mưu ở các Sở Y tế.
Kết hợp quân - dân y là một đặc thù của ngành Y tế Việt Nam, trong thời gian tới chắc chắn Chương trình kết hợp quân - dân y sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, không ngừng phát triển y tế cơ sở phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm y tế cho quốc phòng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 11 đến ngày 17-7-2016)  (20/07/2016)
Diễn biến kinh tế Việt Nam và triển vọng tăng trưởng trong trung hạn  (19/07/2016)
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương  (19/07/2016)
Phát huy vai trò nòng cốt để khu vực kinh tế hợp tác phát triển  (19/07/2016)
Thủ tướng Slovakia: Đà Nẵng đúng là thành phố du lịch tuyệt vời!  (19/07/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển