TCCS - Hoa Lư là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng với nhiều tiềm năng phát triển. Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh Ninh Bình về phát triển xanh, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hoa Lư đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình phát triển xanh, hài hòa thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển xanh, hài hòa thiên nhiên: Lựa chọn của tương lai

Quan điểm về tăng trưởng xanh ở Việt Nam gồm 5 nội dung, đó là: 1- Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; 2- Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; 3- Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư và bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải nhà kính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế; 4- Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; 5- Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Với 5 quan điểm về tăng trưởng xanh như trên, Chính phủ đặt ra mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề ra 3 nhiệm vụ chiến lược, gồm: 1- Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; 2- Xanh hóa sản xuất; 3- Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Trong quá trình phát triển, nhận thức về phát triển xanh của Đảng và Nhà nước ngày càng sáng tỏ và thể hiện quyết tâm cao. Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những hướng đi đó là phát triển kinh tế xanh. Đến Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Thực tế phát triển kinh tế xanh ở Hoa Lư, Ninh Bình

Thực hiện các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị, tỉnh Ninh Bình luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là yếu tố nội sinh, vừa là nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị. Tỉnh Ninh Bình là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Do vậy, trong nhiều năm qua tỉnh Ninh Bình tập trung nghiên cứu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xây dựng con người Ninh Bình mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất cố đô Hoa Lư là“thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, nhưng vẫn mang đầy đủ đặc trưng của con người Việt Nam là “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo” và hướng tới chuẩn mực con người văn minh, hiện đại, trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, đột phá, dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên mạnh mẽ thích ứng nhanh với điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay; trong đó, chú trọng xây dựng nguồn lực lãnh đạo, quản lý chất lượng cao có trình độ, ý chí, bản lĩnh, đủ năng lực phát hiện và quyết sách kịp thời nhằm tác động biến chuyển mọi tiềm năng thành hiện thực, chuyển hóa thách thức thành cơ hội.

Dưới yếu tố là nguồn lực cho phát triển, các truyền thống văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên văn hóa thế giới của quần thể danh thắng Tràng An, được nguồn lực hóa, vốn hóa và đã trở thành biểu tượng, “sức mạnh mềm” để quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào bốn trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa và kết hợp tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 4-3-2024, của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch Ninh Bình lựa chọn mô hình phát triển "xanh" dựa trên các ngành kinh tế trụ cột, các hành lang phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, 4 ngành kinh tế trụ cột, gồm: 1- Lấy du lịch, công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm mũi nhọn; 2- Lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực thúc đẩy một số ngành công nghiệp công nghệ cao; 3- Lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; 4- Lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ.

Huyện Hoa Lư là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều tiềm năng và truyền thống cách mạng. Suốt chiều dài lịch sử, Hoa Lư luôn đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Hoa Lư luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân trong huyện, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, từng bước đưa quê hương bước vào thời kỳ phát triển mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng, trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển xanh, huyện ủy và UBND huyện Hoa Lư đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xanh tại địa phương. Nhờ đó, đến nay, kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm 9,0%. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ; các làng nghề truyền thống, như chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren được duy trì và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo ở nông thôn. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng/người/năm, tăng gần 34,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2015 (34,1 triệu đồng/người/năm); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm; cơ cấu lao động có bước chuyển biến tích cực, tiên tiến: Lao động nông nghiệp chỉ còn 30,53%; lao động tiểu thủ công nghiệp chiếm 41,73% và thương mại, dịch vụ du lịch chiếm 27,48%.

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Hoa Lư luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với quyết tâm và động lực, phát huy thế mạnh, huyện Hoa Lư đã nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện: Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Toàn huyện có trên 600 doanh nghiệp và 2.540 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân và thêu ren Ninh Hải. Về du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ với khoảng 3.601 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ; trên 500 nhà hàng, khách sạn đang hoạt động có hiệu quả, thu hút được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài đến thăm quan, du lịch.

Song song với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm, hệ thống đường giao thông các xã, thị trấn được cứng hoá; 100% xã có hệ thống điện lưới quốc gia; các công trình thủy lợi, đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng được 3 yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống lụt bão. Đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao: 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 54,54% trường mầm Non, 100% trường tiểu học, 45,45% trường trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 2; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa có người phục vụ; 98,27 % dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, 100% số thôn, xóm có nhà văn hoá, tỷ bệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96%; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,03%.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025, huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình sẽ được hợp nhất thành đơn vị hành chính mới có tên là thành phố Hoa Lư, mang tính chất “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Thành phố Hoa Lư có vị thế là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình…

Để thực hiện đề án trên, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tạo nền tảng, tiền đề để xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư theo định hướng "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển thành phố Hoa Lư “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” độc đáo, tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là hình mẫu phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào các tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc. 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc, đô thị, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh; bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của quần thể danh thắng Tràng An. 

Để Hoa Lư phát triển hài hòa thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái

Để huyện Hoa Lư phát triển hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái, có thể áp dụng một số giải pháp sau:

Một là, quản lý tài nguyên bền vững. Giám sát và quản lý nguồn nước: Bảo đảm nguồn nước sạch, bảo vệ các nguồn nước tự nhiên. Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Khuyến khích nông dân áp dụng phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Hai là, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm. Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, tái tạo rừng, bảo vệ các khu vực đất ngập nước.

Ba là, phát triển du lịch bền vững. Khuyến khích du lịch sinh thái: Phát triển các tour du lịch kết hợp khám phá thiên nhiên, văn hóa địa phương. Giáo dục cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường.

Bốn là, nâng cao nhận thức cộng đồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục người dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Khuyến khích cộng đồng tham gia các chương trình bảo vệ môi trường.

Năm là, đầu tư kết cấu hạ tầng xanh. Phát triển hệ thống giao thông công cộng: Giảm thiểu khí thải từ phương tiện cá nhân. Xây dựng công viên, vườn hoa, không gian xanh: Tạo môi trường sống trong lành cho cư dân.

Sáu là, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió: Giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Bảy là, quản lý chất thải hiệu quả. Xây dựng hệ thống thu gom rác thải đồng bộ: Tăng cường phân loại và xử lý rác thải. Khuyến khích tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.

Tám là, hợp tác với các tổ chức và chuyên gia. Kết nối với các tổ chức bảo vệ môi trường: Hợp tác trong các dự án bảo tồn và phát triển bền vững. Mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học tham gia nghiên cứu: Đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương.

Chín là, phát triển chính sách hỗ trợ. Xây dựng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xanh: Khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch và sản xuất bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Mười là, theo dõi và đánh giá thường xuyên. Thiết lập hệ thống theo dõi các chỉ số môi trường: Đánh giá tác động của các hoạt động phát triển đến môi trường. Điều chỉnh các chính sách dựa trên kết quả đánh giá: Bảo đảm tính hiệu quả và bền vững của các giải pháp đã triển khai.

Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp này, huyện Hoa Lư có thể phát triển một cách bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.