TCCS - Trong thời gian qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt coi trọng việc phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là góp phần quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới.

Phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh - Cơ sở lý luận và thực tiễn

Dân chủ là một phạm trù lịch sử. Theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen, dân chủ là phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của dân chủ là tất cả các công dân đều có quyền tham dự vào đời sống chính trị, quyền lực cao nhất của đất nước thuộc về đại diện của nhân dân; mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Thấm nhuần học thuyết Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm nguyện, để thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng phải mạnh; muốn mạnh, Đảng phải dựa vào nhân dân; sức mạnh của lòng dân sẽ làm nên sức mạnh của Đảng. Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Vì thế, dân chủ trong Đảng thực chất cũng là quyền làm chủ của mỗi đảng viên trong mọi hoạt động của Đảng, là sự bình đẳng của tất cả đảng viên trước Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng. Nếu dân chủ là “của quý báu nhất của nhân dân” thì dân chủ trong Đảng cũng là “của quý báu nhất của Đảng”; thực hành dân chủ trong Đảng là “cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(2).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân từng bước được hoàn thiện; kinh tế - xã hội có những bước phát triển bền vững; quốc phòng - an ninh được gìn giữ, bảo đảm,… Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc và cụ thể hơn về dân chủ và thực hành dân chủ. Ngay từ Đại hội IV, Đảng ta đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của dân chủ và thực hành dân chủ khi nhấn mạnh một trong những điều kiện tiên quyết là thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động để đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh chủ trương phát huy dân chủ để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”(3). Nội dung phát huy dân chủ tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ khóa VII đến khóa X đề cập rõ nét.

Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp... Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...”(4). Đến Đại hội XII của Đảng, vấn đề phát huy dân chủ được khẳng định trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”(5).

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”(6); đồng thời, xác định rõ hơn vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”(7). Mô hình chính trị và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều hướng đến thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội nhằm phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố

Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; tiếp đó, ngày 20-4-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn,… Thực hiện các văn bản của Đảng, của Chính phủ, Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện và phát huy dân chủ để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn. Ngày 14-10-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, “Về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, ban hành “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Thành ủy Hà Nội đã có Kế hoạch số 109-KH/TU, ngày 4-3-2014 để tổ chức thực hiện.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội luôn coi mở rộng dân chủ trong Đảng vừa là giải pháp nâng cao sức chiến đấu của Đảng, vừa là một nội dung đổi mới về chính trị, phát huy dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo phương châm đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở đã thực hiện nghiêm túc dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến nay, đại đa số cán bộ, đảng viên luôn kiên định mục tiêu, kiên định các nguyên tắc nền tảng, đường lối, chính sách; tính thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội được củng cố, tăng cường. Sức mạnh dân chủ trong tổ chức, trong nhân dân, tiềm năng sáng tạo và sự tham gia của người dân trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được phát huy. Trong tổ chức, hoạt động có nhiều đổi mới quan trọng; bộ máy, cơ chế vận hành được nâng cao, hiệu lực, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân ít nhất 1 lần/năm và tổ chức các hội nghị đột xuất. Từ năm 2017 đến nay, cấp thành phố đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố với cán bộ, đoàn viên, hội viên, đại biểu trí thức tiêu biểu và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố; cấp huyện đã tổ chức được 210 hội nghị, có 47.674 lượt người tham gia với 8.540 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị, 8.403 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%); cấp xã đã tổ chức được 2.984 hội nghị, có 281.764 lượt người tham gia với 42.591 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị, 41.321 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%)(8). Các ý kiến tập trung vào những vấn đề liên quan đến đời sống, dân sinh bức thiết, như bồi thường giải phóng mặt bằng; quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải; xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; cải cách hành chính, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; đề xuất về chế độ, chính sách và đóng góp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền.

Chính quyền từ thành phố đến cơ sở đề ra nhiều phương pháp làm việc hiệu quả, tham mưu các văn bản quản lý bảo đảm tính dân chủ, công khai; cán bộ, nhân dân được tham gia bàn thảo, góp ý vào các chương trình, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn thành phố luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hoạt động của tổ chức. Các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động gắn với triển khai thực hiện việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Tiếp tục phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chủ động xây dựng, ban hành các văn bản cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy dân chủ, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn nữa cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về các quan điểm, đường lối của Đảng trong phát huy dân chủ.

Thứ hai, thực hiện tốt việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; đổi mới, phong phú về hình thức, phù hợp theo điều kiện của địa phương, tạo không khí dân chủ, cởi mở để nhân dân tham góp ý kiến; nội dung đối thoại cần được đầu tư, chuẩn bị, không né tránh những việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, tập trung vào các nội dung tham vấn, đóng góp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý của các cấp chính quyền và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường lắng nghe các ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ ba, cụ thể hóa có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Yêu cầu đặt ra là cần cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân, việc cung cấp thông tin phải chân thực, kịp thời và khách quan; tạo điều kiện thuận lợi (phương tiện, diễn đàn, cơ chế) để nhân dân tích cực, chủ động, tự giác bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề mà mình đang quan tâm, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và vì sự phát triển chung của địa phương, Thủ đô và đất nước.

Thứ tư, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội, lắng nghe ý kiến phản biện của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; với tự phê bình và phê bình theo các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bảo đảm dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt đảng.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giải quyết tốt, thực hiện đúng vai trò và mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”./.

----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 232
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 325
(3) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 710
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 238 - 239
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 217
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 118
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 173
(8) Dẫn theo: Trịnh Huy Thành: “Thực trạng phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô hiện nay và một số kiến nghị”, in trong Kỷ yếu hội thảo Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, năm 2022, tr. 194