TCCSĐT - Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trên địa bàn thực hiện một cách toàn diện và sáng tạo các nội dung mà Nghị quyết và Chỉ thị đề ra, tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, góp phần thiết thực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trà Vinh là tỉnh nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, diện tích tự nhiên 2.358km2, có 65km bờ biển. Về hành chính, tỉnh có 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố với tổng cộng 106 xã, phường, thị trấn. Dân số của tỉnh khoảng 1,1 triệu người, trong đó, dân tộc Khmer chiếm 32%, người Hoa khoảng 01%. Trên địa bàn Trà Vinh có nhiều tôn giáo hoạt động như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Hồi giáo, Tin lành,… với trên 51% dân số là tín đồ của các tôn giáo. Đây là địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị do nhiều yếu tố tác động, kể cả các yếu tố từ bên ngoài, lợi dụng các vấn đề như dân tộc, tôn giáo, một số vấn đề lịch sử,… để xúi dục, lôi kéo, kích động, gây bất ổn an ninh trật tự.

Hạ tầng kinh tế - xã hội của Trà Vinh còn nhiều khó khăn, chưa phát triển, không đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Do điều kiện sông nước, tỉnh còn bị chia cắt với vùng (chưa có cầu nối Trà Vinh với Sóc Trăng qua sông Hậu). Ngay cả các đơn vị hành chính của tỉnh cũng bị chia cắt (toàn tỉnh có 6 xã đảo, 10 ấp cồn). Tuy trên địa bàn tỉnh có 03 tuyến quốc lộ (quốc lộ 53, 54 và 60) nhưng đều đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân. Hạ tầng các khu kinh tế chưa được đầu tư, còn rất yếu kém. Tỉnh có 57/106 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khó khăn, trong đó, 24 xã đặc biệt khó khăn và 07 xã bãi ngang.

Đảng bộ Trà Vinh có 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 629 tổ chức cơ sở đảng (190 đảng bộ, 439 chi bộ), 2.202 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Toàn Đảng bộ có 41.847 đảng viên, trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số 6.750 đồng chí, đảng viên nữ 11.870 đồng chí.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần nhiệt tình cách mạng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, bằng sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cách làm sáng tạo, phù hợp, Đảng bộ Trà Vinh đã phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Quán triệt toàn diện, sâu sát

Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy Trà Vinh đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 11-Ctr/TU, ngày 17-01-2017 để tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU ngày 22-9-2016, thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 42-KH/TU, ngày 27-3-2017 thực hiện chuyên đề năm 2017: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện để phổ biến, quán triệt và học tập cho hơn 600 đại biểu tham dự.

Chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết và Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tổng cộng đã tổ chức 20.809 cuộc họp, hội nghị tuyên truyền, buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, đoàn thể, sinh hoạt chi, tổ, hội,… với 796.436 lượt người tham dự.

Công tác thông tin, tuyên truyền được đặc biệt chú trọng. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tăng cường thời lượng, dung lượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện của các ngành, các cấp, các đơn vị trong tỉnh; giới thiệu và biểu dương những cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương điển hình; phê phán những tập thể, cá nhân có biểu hiện làm qua loa, chiếu lệ, hình thức,… Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan báo chí địa phương, các sở, ban, ngành có tạp chí, tờ tin, các trang thông tin điện tử thường xuyên đưa tin, bài viết về các gương điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện; những kinh nghiệm, những cách làm sáng tạo có thể lan tỏa để các cơ quan, đơn vị, địa phương khác tiếp thu, học tập, làm theo.

Nhìn chung, công tác quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn Trà Vinh bảo đảm về thời gian và hình thức theo quy định; nội dung toàn diện, hình thức sâu sát, phù hợp. Đa số các đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết, chỉ thị; điều hành việc thảo luận, làm sâu sắc nghị quyết, xây dựng chương trình hành động của cấp ủy sát với tình hình thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận thực hiện. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị nghiêm túc, sau học tập đều có viết thu hoạch. Việc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị một cách bài bản, nghiêm túc đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Những cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp

Qua nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nhận thấy 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Trung ương ban hành còn khá chung chung, gộp nhiều biểu hiện nhỏ vào trong một biểu hiện lớn nên trong quá trình đánh giá, nhận diện của tập thể, cá nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ở cấp cơ sở, vì vậy, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo các bộ phận tham mưu, giúp việc cụ thể hóa thêm một bước, từ 27 biểu hiện như trong Nghị quyết thành 82 biểu hiện nhỏ hơn để các tập thể, cá nhân đánh giá, nhận diện chính xác trong quá trình kiểm điểm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh làm rõ nội dung của 82 biểu hiện, đồng thời phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng nội dung để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên tự giác nhận diện và xây dựng biện pháp khắc phục. Đây là cách làm sáng tạo của tỉnh, vừa tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm việc đánh giá, nhận diện được tập trung, thống nhất, theo cùng một chuẩn mực trong toàn Đảng bộ.

Trên cơ sở các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các tập thể, cá nhân tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, có nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Qua đó, từng cấp ủy, đảng viên “soi mình”, đấu tranh tự phê bình và phê bình. Ban Thường vụ cũng gợi ý kiểm điểm sâu đối với 06 tập thể và lập tổ chỉ đạo việc kiểm điểm sâu. Mỗi tập thể, cá nhân sau kiểm điểm đều xây dựng kế hoạch khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của mình.

Qua kiểm điểm, tự đánh giá, tự nhận diện, ở cấp huyện, có 08/09 tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy; 183/291 tập thể Ban Thường vụ chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy và tương đương; 892/1.632 tập thể chi ủy chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và 172/382 tập thể lãnh đạo phòng, ban chuyên môn nhận diện có biểu hiện suy thoái. Đối với cấp tỉnh, có 32/59 tập thể Ban Thường vụ (chi ủy) của các chi, đảng bộ; 30/55 tập thể lãnh đạo cơ quan; 57/430 tập thể chi ủy chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tự nhận diện, đánh giá có biểu hiện suy thoái ở mức này mức khác.

Đối với cá nhân, 14.940/46.289 cán bộ, công chức, viên chức tự nhận diện có biểu hiện suy thoái (chiếm 32,28%), trong đó, có 13.492/38.192 (chiếm 35,33%) cán bộ cấp huyện; 1.448/8.097 (chiếm 17,88%) cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh.

Những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị thường mắc là: Trong phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lười học tập lý luận, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong tự phê bình còn không trung thực, giấu diếm, không dám nhận khuyết điểm; né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần trách nhiệm; trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, không sâu sát, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao;… Còn những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống thường mắc là: Thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị; phí phạm thời gian lao động; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở; sử dụng lãng phí nguồn nhân lực;…

Đối với kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh về bản kiểm điểm của tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ trước khi tiến hành Hội nghị kiểm điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau kiểm điểm có báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và báo cáo cấp trên theo quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm của tập thể và từng cá nhân ủy viên Ban Thường vụ.

Trong thực hiện Chỉ thị số 05, trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học rút ra từ quá trình thực hiện Chỉ thị số 03, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung thực hiện; xác định chuyên đề năm 2017 và chủ đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính” được coi là nội dung đột phá. Các Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện, xác định nội dung đột phá. Cán bộ, đảng viên cũng như đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đều xây dựng kế hoạch làm theo Bác, gắn với chức trách, nhiệm vụ công tác, qua đó, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, khơi dậy phong trào học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã xuất hiện từ địa phương, cơ sở. Tỉnh đang tiến hành tổng kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2011-2016, đến nay, đã hoàn thành việc tổng kết ở cấp cơ sở và cấp huyện với 438 mô hình tiêu biểu được khen thưởng. Riêng với cấp tỉnh, sẽ tổng kết vào tháng 4-2018.

Gắn kiểm điểm với giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không ngoài mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Ý thức rõ điều đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh chủ động gắn kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, tập trung chủ yếu vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ đạo thanh tra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại huyện Duyên Hải (cũ); triển khai thanh tra hành chính 30 cuộc tại 65 đơn vị, kết thúc 24 cuộc phát hiện 09 đơn vị có sai phạm kinh tế, kiến nghị thu hồi 9,109 tỷ đồng, kiểm điểm rút kinh nghiệm, thu hồi, khắc phục tại đơn vị và giảm trừ khi quyết toán các dự án hoàn thành 842 triệu đồng; xử lý kỷ luật 5 cá nhân; kiểm điểm rút kinh nghiệm 16 tổ chức, 26 cá nhân; kiểm điểm trách nhiệm 13 cá nhân, 03 tổ chức; kiến nghị xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với 06 tổ chức;… Công tác thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng triển khai 08 cuộc tại 08 đơn vị; kết thúc 07 cuộc, phát hiện 06 đơn vị sai phạm với số tiền trên 20,329 tỷ đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai 04 cuộc giám sát liên quan lĩnh vực đất đai, kết quả phát hiện một số diện tích đất công chưa được kê khai, đất công bị lấn chiếm 32.182m2…

Rà soát các quy định về công tác cán bộ

Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện rà soát các quy định về công tác cán bộ. Qua rà soát, về cơ bản việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ thời gian qua theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm về điều kiện, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp khi đề bạt, bổ nhiệm còn thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng quản lý nhà nước, trễ thời gian,… Tỉnh cũng tiến hành rà soát số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là cấp phó, phát hiện một số sở, ban, ngành dư 01 cấp phó theo quy định. Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu sắp xếp, điều động và đã khắc phục được tình trạng này.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng Đề án sắp xếp, bố trí chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở theo hướng tinh, gọn, giảm số lượng, tăng kiêm nhiệm. Đề án đang trong giai đoạn hoàn thành và triển khai thực hiện. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch đổi mới cách thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, chọn 14 cơ quan, đơn vị và 04 địa phương thực hiện thí điểm.

Thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ

Để nắm tình hình kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập 03 đoàn kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; phân công thành viên đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với chi bộ nơi đảng viên cư trú và chi bộ nơi đang sinh hoạt để nghiên cứu, đối chiếu với bản tự kê khai của đảng viên. Kết quả, đã kiểm tra kê khai tài sản năm 2016 của 331 đồng chí, qua kiểm tra thì thấy về cơ bản việc kê khai của các đối tượng rõ ràng, chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực. Tỉnh chỉ đạo công khai bản kê khai tài sản của cán bộ để cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân biết, giám sát theo quy định.

Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc sâu sát cơ sở

Để nắm rõ tình hình, tâm tư tình cảm, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội và đội ngũ báo cáo viên các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động nắm bắt thông tin qua nhiều kênh khác nhau như mạng lưới cộng tác viên, đội ngũ báo cáo viên, trên các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội; tổ chức điều tra dư luận xã hội; kịp thời phân tích, xử lý thông tin, những phản ánh từ dư luận xã hội, nhất là thông tin liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về an ninh chính trị, công tác cán bộ, vấn đề môi trường,.. để tham mưu cho các cấp lãnh đạo có biện pháp giải quyết, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Để rèn luyện tác phong làm việc sâu sát cơ sở, tỉnh chỉ đạo các cấp ủy thực hiện nghiêm quy định về việc tham dự sinh hoạt định kỳ ở chi bộ cơ sở, kết quả có 536 lượt các đồng chí cấp ủy tỉnh và huyện tham dự sinh hoạt chi bộ; riêng cấp ủy cơ sở đạt tỷ lệ 100%; có 42.570 lượt cán bộ đoàn thể dự sinh hoạt chi, tổ, hội và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm.

Tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội

Nhìn chung, trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trên địa bàn thực hiện một cách toàn diện và sáng tạo. Việc cụ thể hóa các biểu hiện suy thoái tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kiểm điểm, tự đánh giá, nhận diện. Từ tỉnh đến cơ sở đều thể hiện tinh thần nghiêm túc, trung thực trong đánh giá, tự đánh giá, tự kiểm điểm của cả tập thể và các cá nhân. Mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên đều coi đây là những sự nhắc nhở của tổ chức, qua đó, tự ý thức, tự soi, tự sửa những biểu hiện suy thoái, cho dù còn rất nhỏ, còn manh nha; không để những biểu hiện đó phát triển thành tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh, có tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả đạt được tương đối rõ nét. Năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDPr) 9 tháng ước đạt 11,24%, cao hơn các năm gần đây, trong đó, khu vực I tăng 0,06%; khu vực II tăng 40,33%; khu vực III tăng 5,2%. Toàn tỉnh có 23/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 112 hợp tác xã đang hoạt động với 28.477 thành viên, tổng vốn điều lệ 133,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 28.319 lao động. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, giải quyết việc làm được quan tâm, phát triển. Toàn tỉnh có 759/816 ấp, khóm văn hóa, đạt tỷ lệ 93%; 39/106 xã, phường, thị trấn văn hóa; 1.315/1.600 cơ quan, trường học văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, thờ tự văn minh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 11,16%, hộ cận nghèo 8,38%.

Phát huy những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, vướng mắc, trong thời gian tới Đảng bộ Trà Vinh tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm tốt vai trò lãnh đạo xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.