Tỉnh Đắk Nông đầu tư phát triển kinh tế tư nhân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Lê Diễn Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông
22:22, ngày 08-06-2017

TCCS - Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cần phải phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải phóng sức sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế, trong đó “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đối với Đắk Nông, một tỉnh còn nghèo và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, để kinh tế tư nhân thật sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế càng có ý nghĩa thiết thực.

Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và kết quả đạt được

Quán triệt và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm phát huy vai trò động lực của khu vực KTTN nói chung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nhiệp tư nhân (DNTN) nói riêng. Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, ngày 18-7-2013, về ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND, ngày 31-5-2012, về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2010 - 2015 ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND, ngày 14-7-2010;... Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh cũng ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp như: Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND, ngày 2-1-2013, về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 2/2014/QĐ-UBND, ngày 10-1-2014, về việc Quy định thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND, ngày 15-2-2011, về ban hành Quy định chính sách khuyến khích đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 747/2009/QĐ-UBND, ngày 13-5-2016, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 2090/QĐ-UBND, ngày 22-12-2015, về việc ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1391/QĐ-UBND, ngày 18-9-2014, về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 6-9-2011, ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015; Kế hoạch số 217a/KH-UBND, ngày 16-6-2016, ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 3148/CTr-UBND, ngày 29-6-2016, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011 - 2015

Năm 

2011

2012

2013

2014

2015

Số DN thành lập mới

228

192

470

374

373

Số vốn (tỷ đồng)

1,207

683

5,394

1,723

1,772


                                                       Nguồn: Cục Thống kê Đắk Nông

Với những quyết sách và nỗ lực đó, khu vực KTTN ở Đắk Nông ngày càng phát triển và phát huy được vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khu vực kinh tế này đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tạo dựng được “thương hiệu” lớn, đóng góp quan trọng vào nguồn thu nội địa của địa phương. Giai đoạn 2011 - 2015, cả tỉnh thành lập mới được 1.637 DN với tổng số vốn là 10.779 tỷ đồng. Tính đến 31-3-2016, tỉnh có 3.661 DN và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đăng ký là 29.741 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế cho thấy, những năm qua, hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có nhiều dự án lớn có sức lan tỏa được tiếp tục đầu tư xây dựng và bước đầu đi vào hoạt động, như Dự án xây dựng Nhà máy Điện phân nhôm với tổng mức đầu tư trên 15.400 tỷ đồng; dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Nhân Cơ với tổng mức đầu tư khoảng 1.793,6 tỷ đồng; dự án Nhà máy Thủy điện Đắc Sin 1 với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng; 2 dự án trồng cỏ, chăn nuôi bò thịt, bò sữa với tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng; dự án điện năng lượng mặt trời... Một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng vốn điều lệ. Với những hoạt động tích cực đó, khu vực KTTN tạo việc làm cho tỷ lệ lớn lao động trên địa bàn. Theo số liệu thống kê năm 2015, cả tỉnh có 92,9% số lao động làm việc trong khu vực KTTN, chỉ có 6,3% lao động làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) và 0,8% lao động làm việc trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Dân số và cơ cấu lao động của tỉnh Đắk Nông phân theo thành phần kinh tế giai đoạn 2010 - 2015

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

Dân số

521,677

538,034

555,102

565,529

583,912

Số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc (tại thời điểm 1-7 hằng năm) trong:

307,782

321,322

349,669

361,249

372,009

- Khu vực nhà nước (%)

7

7,4

8

8,1

6,3

- Khu vực ngoài nhà nước (%)

92,6

92

91,3

91,1

92,9

- Khu vực FDI (%)

0,4

0,6

0,7

0,8

0,8


                                                      Nguồn: Cục Thống kê Đắk Nông

Ngoài ra, KTTN còn là khu vực đóng thuế và các khoản nộp khác khá lớn vào ngân sách nhà nước. Năm 2015, đạt 800,1 tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Nhìn chung, nhờ có sự đóng góp của khu vực KTTN, kinh tế của Đắk Nông trong những năm qua không ngừng tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2011 là 8,08%, năm 2012 : 9,11%, năm 2013: 7,64%, năm 2014: 7,77%, năm 2015: 8%. Năm 2015, GRDP tính theo giá năm 2010 đạt 15.234 tỷ đồng, trong đó khu vực nông nghiệp chiếm 51,38%, khu vực công nghiệp - xây dựng: 18,21%, khu vực dịch vụ : 30,41%. GRDP bình quân đầu người trên năm tính theo giá hiện hành ước đạt 36,37 triệu đồng.

Những hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KTTN ở Đắk Nông những năm qua còn nhiều hạn chế, đó là:

- Hầu hết các DN thuộc khu vực KTTN tỉnh Đắk Nông có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động thấp dẫn đến năng lực, sức cạnh tranh thấp cả trên thị trường nội địa lẫn thị trường quốc tế. Tính đến ngày 31-3-2016, toàn tỉnh có 1.989 DN đang hoạt động, đa số các DN thuộc khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Với các hộ cá thể, tiểu chủ thì mức vốn đầu tư cũng rất thấp, có hộ chỉ vài chục triệu đồng, phân tán nhỏ lẻ, không có vốn để sản xuất, không có thị trường đầu ra để mở rộng kinh doanh. Đây là một cản trở lớn đối với sự phát triển của khu vực kinh tế này, đồng thời cản trở đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

- Tiềm lực khoa học - công nghệ, trình độ phát triển lực lượng sản xuất của khu vực KTTN chưa cao dẫn đến khả năng hội nhập kinh tế quốc tế kém. Do nguồn vốn vừa yếu, vừa thiếu, nên không có vốn tích lũy để đầu tư mua các máy móc thiết bị hiện đại áp dụng vào sản xuất kéo theo hệ lụy, chất lượng sản phẩm kém, khả năng cạnh tranh thấp.

- Chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN với khu vực kinh tế khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế. Các DN khu vực FDI phần lớn chưa đi vào sản xuất dẫn đến độc lập trong việc tự vận hành sản xuất, kể cả đầu vào và đầu ra, nên sự kết nối, hỗ trợ với khu vực KTTN của tỉnh yếu. Còn về phía các DN nhà nước cũng được hưởng nhiều lợi thế từ KTTN, song rất ít hỗ trợ cho các DN thuộc khu vực KTTN về trị trường, lao động, khoa học - công nghệ, quản lý, phương châm hoạt động vẫn là “mạnh ai nấy làm”, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế.

- Một số DN thuộc khu vực KTTN chưa thực hiện tốt những quy định của pháp luật ảnh hưởng đến niềm tin về chất lượng sản phẩm được cung ứng. Nhiều DNTN chưa thực hiện tốt những quy định của pháp luật về lao động và sản xuất, chế độ bảo hiểm, tiền lương, tiền công, hợp đồng lao động, thời gian lao động.

Những hạn chế này xuất phát trước hết từ việc Nhà nước vẫn chưa có những chính sách tạo thuận lợi về môi trường pháp lý, vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thị trường... các DN thuộc khu vực kinh tế này hầu như chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ và các chương trình ưu đãi của Chính phủ. Môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, công tác cải cách hành chính còn chậm... Thứ hai, do Đắk Nông là một tỉnh có điểm xuất phát thấp, diện tích rộng song chủ yếu là miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, cách xa cực tăng trưởng của cả nước. Đồng thời khả năng tiếp cận các nguồn lực, như đất đai, vốn, khoa học - công nghệ, lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTN Đắk Nông còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư và sự phát triển của khu vực KTTN. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các DN trong và ngoài tỉnh đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ ba, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN trên địa bàn tỉnh và hạn chế việc thu hút các DN đến Đắk Nông đầu tư. Thứ tư, do DN thuộc khu vực KTTN ở Đắk Nông phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nguồn lực hạn hẹp, kinh nghiệm thương trường còn ít nên chưa mạnh dạn, chủ động vươn ra các thị trường lớn, nắm bắt các cơ hội trong quá trình hội nhập.

Một số giải pháp và kiến nghị

Cải cách hành chính ở Đắk Nông là một điều kiện quan trọng quyết định phát huy vai trò động lực của khu vực KTTN. Tỉnh xác định tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ các đơn vị, các DN thuộc khu vực. Đồng thời, Tỉnh sẽ xây dựng và triển khai hệ thống các chính sách để khu vực KTTN phát huy vai trò động lực, với những định hướng chính là:

1- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh của DN.

2- Hỗ trợ khu vực KTTN tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, đặc biệt là hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề và làng nghề truyền thống nhiều tiềm năng của tỉnh.

3- Xây dựng và ban hành các chính sách xúc tiến đầu tư và thương mại, tạo các điều kiện thuận lợi để DN trong và ngoài tỉnh đến Đắk Nông đầu tư dễ dàng tiếp cận các nguồn lực phục vụ sản xuất, kinh doanh.

4- Ban hành chủ trương, chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế của tỉnh. Chăm lo phát triển DN vừa và nhỏ, hỗ trợ DN khởi nghiệp; chú trọng xây dựng DN đầu tàu, nòng cốt. Phát triển mạnh các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng theo lĩnh vực, nhóm sản phẩm, chú trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để KTTN cả nước nói chung, KTTN ở Đắk Nông thật sự trở thành một động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, xin kiến nghị với Đảng và Chính phủ một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế.

Hai là, nhận thức đầy đủ, đúng đắn về đường hướng phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và nước ta đang đối diện với tình trạng tụt hậu về kinh tế ngày càng xa hơn so với các nước trên thế giới.

Ba là, xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn dài hạn và có chính sách công nghiệp hóa phù hợp với bối cảnh phát triển, trong đó chú trọng việc hướng về xuất khẩu trước xu thế hội nhập và cạnh tranh giữa các nền kinh tế ngày càng mạnh mẽ.

Bốn là, tiếp tục cải cách thể chế, phát huy quyền làm chủ của người dân và dân chủ hóa đời sống xã hội, trong sạch hóa bộ máy nhà nước; xây dựng hệ thống chính quyền phục vụ, đóng vai trò “bà đỡ” cho các hoạt động kinh tế của người dân.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để khu vực KTTN có thể tiếp cận các nguồn lực phục vụ nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng việc hỗ trợ các gia đình hình thành và phát triển các DNTN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Sáu là, sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển kết cấu hạ tầng nhằm thúc đẩy việc phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà ở đó mang lại cơ hội và lợi ích chung cho tất mọi người dân, DN thuộc các thành phần kinh tế. Không tiếp tục dành ưu tiên các nguồn vốn này cho riêng một khu vực kinh tế cụ thể nào./.

-------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 25