Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phân cấp, triển khai thực hiện mô hình cải cách hành chính tiên tiến
TCCS - Nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thành phố Hà Nội tích cực, chủ động, tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu cải cách tổng thể, toàn diện nền hành chính. Để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố Hà Nội đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính cho chính quyền cấp cơ sở và thực hiện những sáng kiến, áp dụng những mô hình cải cách hành chính hiệu quả.
Mục tiêu, nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách nền hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”, hiện nay các sở, ngành thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, các quận, huyện, xã, phường đang tích cực triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đây là chương trình cốt lõi, nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong số 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND, ngày 01-6-2021, về “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 280/QĐ-UBND, ngày 11-1-2023, “Về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2023 của thành phố Hà Nội”. Với khát vọng phát triển, tinh thần quyết tâm, phát huy những thành tích đạt được trong quá trình thực hiện cải cách hành chính các giai đoạn trước đây, cùng với sự lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức…, các chương trình cải cách hành chính của thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực. Những năm gần đây, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Hà Nội đều có những chuyển biến tích cực. Sự thăng tiến, bứt phá vượt cấp của thành phố Hà Nội từ vị trí thứ 10 (năm 2021) lên vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 là minh chứng cụ thể về sự chuyển biến tích cực này. Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác cải cách hành chính của thành phố có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể được triển khai, đặc biệt là các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm. Đối với những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp, thông tin dư luận phản ánh chưa tốt, việc kiểm tra giám sát, đánh giá được thực hiện sát sao, kỹ lưỡng. Với công tác cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, thành phố có hướng dẫn cụ thể và giảm được 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức. Tính đến thời điểm sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã giảm được 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022, đồng thời thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán bộ.
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của thành phố Hà Nội. Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố đã ban hành 42 quyết định công bố quyết định TTHC mới ban hành, TTHC bị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC; phê duyệt 1.208 quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Theo Kế hoạch số 286/KH-UBND, ngày 14-12-2021, của UBND thành phố, các sở, ban, ngành tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa những quy định, TTHC trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm đến năm 2025 cắt giảm ít nhất 20% TTHC nội bộ và chi phí hành chính. Trong 3 năm gần đây (2021 - 2023) UBND thành phố đã ban hành 71 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó ban hành danh mục 1.661 TTHC, thay thế 204 TTHC, bãi bỏ 1.584 TTHC, đồng thời ban hành nhiều quyết định, công bố nhiều TTHC nội bộ trong các lĩnh vực: nội vụ, tư pháp, lao động, xã hội, giao thông, xây dựng, kiến trúc, y tế…
Cải cách hành chính trong quá trình chuyển đổi số được thành phố quan tâm thực hiện. Các cơ quan, đơn vị của thành phố tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử. Có 99,5% số doanh nghiệp thực hiện việc khai thuế điện tử qua mạng, trên 99,1% số doanh nghiệp thực hiện việc nộp thuế điện tử…
Triển khai giải pháp trọng tâm, mô hình đột phá
Phân cấp, ủy quyền
Phân cấp, ủy quyền là một xu thế trong hoạt động quản trị - hành chính hiện nay, có tác dụng tích cực với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Thực tiễn cho thấy, áp dụng nguyên tắc phi tập trung hóa trong quản lý hành chính là một phương thức mang lại năng lực, hiệu quả đáng kể trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tất cả các cấp chính quyền địa phương. Hà Nội là một thành phố lớn, đông dân cư, mật độ dân số cao, đặc biệt là ở những quận trung tâm quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh… Vì vậy, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giảm bớt áp lực về quản lý cho chính quyền thành phố, đồng thời tạo sự chủ động cần thiết cho chính quyền các quận, huyện, xã, phường trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Với việc phân cấp, ủy quyền, nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, việc bảo đảm quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân sẽ được thực hiện ngay ở cấp cơ sở. Đây là phương thức phù hợp, sát thực để phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song kết quả thực hiện cải cách hành chính giai đoạn vừa qua chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Để khắc phục tình trạng trên, thành phố Hà Nội thực hiện giải pháp là phân cấp, ủy quyền, trong đó, cùng với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, thành phố tập trung vào việc ủy quyền giải quyết TTHC. Thành phố đã điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực, với 210 nhiệm vụ chính; thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 TTHC, chiếm 45,6% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố.
Đổi mới cấu trúc quy trình thủ tục hành chính
Trong cải cách hành chính, mô hình, cơ chế, quy trình có vai trò quan trọng đối với việc cải cách TTHC. Thành phố đã chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện TTHC và đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại. Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố đã ban hành 4 quyết định phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành: tư pháp, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” là cách làm đổi mới, sáng tạo, có bài bản, tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến giao dịch hành chính với các cơ quan hành nhà nước. Việc giải quyết TTHC được các cấp, các ngành của thành phố quan tâm, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn của thành phố đạt kết quả cao. Các sở, quận, huyện, xã, phường của thành phố đều thực hiện nghiêm túc, nhiều hồ sơ TTHC được trả trước hạn. Trên địa bàn thành phố 100% số TTHC đều được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC được hạn chế tối đa. Nếu tình trạng chậm trễ xảy ra, các đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc xin lỗi công dân và khắc phục khó khăn, trở ngại, trả kết quả giải quyết TTHC đúng hạn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các cơ quan đều niêm yết công khai số điện thoại, zalo, địa chỉ email để người dân liên hệ khi cần thiết và tiếp nhận kiến nghị, ý kiến phản ánh, đóng góp của các cá nhân, tổ chức.
Sáng kiến, mô hình hiệu quả
Ở tất cả các sở, ngành thuộc UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện, xã phường trên khắp địa bàn thành phố đều chủ động, sáng tạo, đưa ra những sáng kiến, mô hình mới về cải cách TTHC. Đề án “Bộ phận Một cửa hiện đại” đã được UBND thành phố phê duyệt. Sở Công Thương thành phố Hà Nội áp dụng mô hình: “Một lần đến đủ hồ sơ” trong việc nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. Đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện mô hình sử dụng biên lai điện tử thu phí, lệ phí trong giải quyết TTHC và mô hình Thanh niên xung kích tham gia cải cách hành chính. Sở Nội vụ là đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: đổi mới kiểm soát TTHC; đổi mới công tác tuyên truyền về TTHC; xây dựng biểu tính kinh phí tinh giản biên chế… Các sở như tài chính, xây dựng, quy hoạch - kiến trúc,… cũng áp dụng nhiều mô hình, giải pháp mới, góp phần tích cực vào việc tiến hành cải cách TTHC của thành phố. Với các đơn vị cấp huyện, nhiều quận, huyện đã triển khai thực hiện những mô hình, giải pháp mới, cụ thể, sát thực để thực hiện có hiệu quả những chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố. Các quận, huyện như: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức,… áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp, mô hình mới trong việc thực hiện cải cách TTHC. Quận Ba Đình với mô hình: “Ngày không chờ”, quận Thanh Xuân áp dụng mô hình: “Biên lai điện tử”. Còn “Ngày thứ tư tốc ký” là mô hình được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa”. Huyện Mỹ Đức áp dụng mô hình: “Chính quyền vì dân”. Huyện Hoài Đức triển khai thực hiện thí điểm và thí điểm mở rộng mô hình: “Ngày Thứ sáu xanh”, rút ngắn thời gian thực hiện các TTHC, tạo được hiệu ứng tốt… Các xã phường cũng thực hiện nhiều mô hình tích cực: phường Nhật Tân, quận Tây Hồ đã ra mắt mô hình: “Ngày kiểu mẫu về cải cách TTHC - trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ”, mang lại sự thuận tiện cho người dân. Phường Phương Liệt quận Thanh Xuân thực hiện mô hình: “Không phiếu hẹn; xã Tân Hội, huyện Đan Phượng với mô hình: “Ngày thứ sáu không hẹn”…
Một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cần thực hiện
Thứ nhất, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, minh bạch, dân chủ, phục vụ nhân dân, trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm sự tham gia của nhân dân trong toàn bộ quá trình đổi mới, cải cách nền hành chính.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của những chương trình cải cách hành chính, tạo bước chuyển có tính đột phá trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; cải cách, xây dựng nền hành chính hiệu quả, hiện đại đáp ứng mục tiêu xây dựng Thủ đô: “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, tạo tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, đô thị của Thủ đô.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính và TTHC; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền thành phố và các cấp bên dưới; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số; phân công xác định nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các nhân, tổ chức; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cải cách hành chính.
Thứ tư, tăng cường đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong việc thực hiện cải cách nền hành chính và cải cách TTHC; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số PAPI, SIPAS, PAR INDEX; triển khai kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Thứ năm, cải cách TTHC bảo đảm thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường đô thi; cải cách hành chính kết hợp với vào việc chấn chỉnh, khắc phục biểu hiện quan liêu, lợi ích nhóm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân./.
Phát triển ngành công nghiệp giải trí của Hà Nội  (27/11/2023)
Một số ngành, nghề tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội  (26/11/2023)
Học và làm theo Bác góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội  (25/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay