Tìm động lực mới cho tỉnh Hà Giang tăng tốc phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025
TCCS - Trước thời cơ và vận hội mới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang xác định phương châm hành động, đó là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”. Đồng thời, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, huy động tối đa nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, quyết tâm đưa tỉnh Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.
Những kết quả đáng ghi nhận
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh, địa hình núi cao chia cắt mạnh, trong đó trên 75% là núi đá, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, dân cư phân bố không đều, giao thông đi lại khó khăn. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang vượt lên khó khăn, thách thức, luôn kiên cường là thành trì, phên giậu đá vững chắc của Tổ quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới với truyền thống đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn giữ vững ý chí “biến khó khăn thành cơ hội phát triển” để bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.
Thành quả của những nỗ lực đó là: Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,6% vào tháng 6-2020; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 44.694 tỷ đồng, tăng 71,3% so với giai đoạn 2010 - 2015. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Phát huy tiềm năng Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh Hà Giang đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã làm tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đẩy mạnh và đi vào thực chất; quan hệ hữu nghị, giao lưu, hợp tác với đối tác nước ngoài tiếp tục được duy trì, mở rộng, góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Hà Giang, tăng cường thu hút đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm, chú trọng, gắn với việc từng bước sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang không ngừng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang. Triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc, là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ có hơn 3.000 ngôi nhà được hoàn thành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Hà Giang vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; một số sản phẩm nông sản chủ lực chưa được chế biến sâu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; sản phẩm của các làng nghề còn đơn điệu; tiềm năng, lợi thế kinh tế rừng chưa được khai thác; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa rõ nét; quản lý khai thác tài nguyên, chế biến khoáng sản, các hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, thương mại chưa hiệu quả; phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tuyến cơ sở còn hạn chế; đời sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới; cải cách hành chính ở một số khâu còn chậm, hiệu quả chưa cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở mức thấp…
Nắm thời cơ để tăng tốc phát triển
Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang không ngừng phấn đấu vươn lên, từng bước tháo gỡ những “nút thắt, điểm nghẽn”, nắm bắt thời cơ để tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, tiếp tục tập trung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức cách mạng; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, truyền thống đoàn kết các dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội; phát huy tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định… Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước.
Để tạo ra động lực mới cho tỉnh Hà Giang tăng tốc phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định ba khâu đột phá, đó là: Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; đột phá về phát triển du lịch, nông nghiệp đặc thù hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; đột phá về tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố khối đoàn kết các dân tộc; tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp, công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế; huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.
Thứ ba, tập trung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Thứ tư, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ các cấp và nền quốc phòng toàn dân vững chắc; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thứ năm, thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, chăm lo đời sống nhân dân./.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (15/10/2020)
Tỉnh Bắc Ninh - Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19  (03/10/2020)
Vai trò của Ban Kinh tế Trung ương trong việc góp phần đổi mới tư duy của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân  (30/09/2020)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay