Tiểu vùng sông Mekong trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay

TS. Đinh Thanh Tú - TS. Trịnh Thị Hoa
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
09:42, ngày 12-09-2022

TCCS - Hợp tác Hàn Quốc - Tiểu vùng sông Mekong là một trong những cơ chế hợp tác đang được Hàn Quốc coi là trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới”. Là một trong những quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong, Việt Nam cần nắm bắt kịp thời những chuyển động mới của chính sách này để có chính sách phù hợp, góp phần bảo đảm mục tiêu phát triển và hòa bình cho khu vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm trực tuyến với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol _Ảnh: TTXVN

Năm 2017, Chính phủ Hàn Quốc ra Tuyên bố “Chính sách hướng Nam mới” nhằm hiện thực hóa quan hệ Hàn Quốc - ASEAN nói chung và Hàn Quốc - Tiểu vùng sông Mekong nói riêng để bắt kịp mối quan hệ đối tác của các nước lớn với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); đồng thời, thể hiện sự độc lập hơn trong quan hệ quốc tế của Hàn Quốc hiện nay. Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã tích cực thúc đẩy cơ chế hợp tác Hàn Quốc - Mekong, giúp các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong sớm đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, thể hiện ở một số phương diện sau:

Chia sẻ những kinh nghiệm phát triển

Về hoạch định chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đây là chìa khóa mở cánh cửa hợp tác cho các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, việc xây dựng “chiến lược kích thích tăng trưởng thông qua xúc tiến xuất khẩu” được triển khai trên cơ sở không loại bỏ hoàn toàn “chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu”. Những thành phần tham gia thực hiện chính sách là các tập đoàn kinh tế nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân, trong đó các tập đoàn kinh tế tư nhân được Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích, tạo điều kiện như ưu đãi về tín dụng và ngoại hối, nhận sự bảo hộ của nhà nước, hỗ trợ mua lại sản phẩm trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất... Chuyển đổi cơ cấu ngành của Hàn Quốc cũng được bắt đầu từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp; từ công nghiệp nhẹ đến công nghiệp nặng sử dụng nhiều vốn và tiến tới công nghiệp sử dụng công nghệ cao; chủ động trước bối cảnh cạnh tranh quốc tế về giá cả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hàn Quốc còn được biết đến với sự kết nối với chiến lược khoa học - công nghệ. Với quan điểm khoa học - công nghệ phục vụ công nghiệp, Hàn Quốc ưu tiên nghiên cứu khoa học ứng dụng và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của quốc tế. Viện Khoa học Công nghệ Hàn quốc (KIST) - một trong mười cơ sở ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới và dẫn đầu ở Hàn Quốc - được thành lập năm 1966 với mục tiêu nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến khoa học - công nghệ có khả năng ứng dụng ngay vào nền sản xuất của Hàn Quốc. KIST còn phối hợp tham gia quá trình nghiên cứu khoa học - công nghệ mang tầm cỡ quốc tế để Hàn Quốc có được những sản phẩm chất lượng cao và có thể chủ động tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang thông qua KIST để hỗ trợ các chương trình đào tạo ở cấp độ khác nhau nhằm giúp các quốc gia trong khu vực nâng cao năng lực xây dựng chính sách khoa học - công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Về sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, Chính phủ đóng vai trò chủ động phân phối nguồn vốn dựa trên các mục tiêu quốc gia, những khu vực kinh tế được ưu tiên, từ đó kiểm soát được nguồn lực tài chính và rủi ro ngay từ ban đầu. Các nước Tiểu vùng sông Mekong đều là những nước đang phát triển, nền tảng công nghiệp quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và vốn đầu tư còn rất thấp, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu…, chính vì vậy, việc khai thác nguồn vốn ODA là cần thiết. Không chỉ vậy, Tiểu vùng sông Mekong đang trở thành trung tâm của dòng chảy ODA từ các nước lớn, các tổ chức uy tín trên thế giới, do đó, kinh nghiệm sử dụng ODA từ Hàn Quốc có giá trị tham khảo cao.

Về “mạng lưới nghiên cứu kinh tế sáng tạo Hàn Quốc”, mạng lưới này được hình thành vào năm 2009 nhằm xây dựng chiến lược cho nền kinh tế Hàn Quốc tiến tới gia nhập nhóm các quốc gia tiên tiến. Theo đó, Hàn Quốc chú trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức đổi mới sáng tạo. Đây là chính sách tạo sự hợp lực giữa thông tin và công nghệ, sản xuất truyền thống và các ngành công nghiệp văn hóa, đổi mới theo hướng mở đối với tất cả loại hình doanh nghiệp. Hàn Quốc đã đạt được thành công theo hướng này. Năm 2020, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp Hàn Quốc ở vị trí thứ 17 trên toàn cầu về năng lực sáng tạo(1). Với kinh nghiệm này, các nước Tiểu vùng sông Mekong cần kết hợp đồng bộ thông tin và công nghệ, sản xuất truyền thống và các ngành công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh mô hình kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tri thức sang nền kinh tế sáng tạo, thì việc thực hiện đổi mới theo hướng mở là cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác vì mục tiêu tăng trưởng bền vững

Hiện nay, Hàn Quốc đang được đánh giá là quốc gia nỗ lực đi đầu và thành công trong nhóm các nước mới công nghiệp hóa (NICs) về tăng trưởng bền vững. Quốc gia này quyết tâm trở thành nền kinh tế tăng trưởng xanh lớn thứ 5 về năng lượng xanh vào năm 2050(2). Do đó, Hàn Quốc đã áp dụng chương trình sản xuất song hành với thân thiện môi trường. Mô hình tăng trưởng xanh carbon thấp của Hàn Quốc trở thành mô hình ưu tiên của quốc gia. Các kinh nghiệm về hoạch định chính sách toàn diện; sự năng động tích hợp các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội vào một khung duy nhất của chiến lược; lộ trình khai thác nguồn tài nguyên; tiết kiệm tối đa tài nguyên quốc gia và coi trọng, xử lý tác động từ công nghiệp hóa đến môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo… đang là những kinh nghiệm tham khảo mà Hàn Quốc cam kết chia sẻ với các nước Tiểu vùng sông Mekong.

Bên cạnh đó, hợp tác Hàn Quốc - Tiểu vùng sông Mekong cũng hướng tới quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong thông qua Quỹ hợp tác Mekong - Hàn Quốc (MKCF) và các nguồn viện trợ chính thức. Năm 2019, tại Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc, chính phủ các nước thành viên đã chính thức tuyên bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu chung về nguồn nước tại Hàn Quốc, Trung tâm Đa dạng sinh học Mekong - Hàn Quốc tại Myanmar và Hội đồng Kinh doanh Mekong - Hàn Quốc tại Hàn Quốc (với thành viên bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp của các nước Mekong). Các trung tâm này chú trọng việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; triển khai các hoạt động hợp tác, dự án nghiên cứu giữa Ủy hội sông Mekong và Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước Mekong - Hàn Quốc. Hoạt động trao đổi thông qua Diễn đàn số và xanh Mekong - Hàn Quốc cũng đang được đẩy mạnh qua Cổng thông tin SMEs Mekong - Hàn Quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mekong và Hàn Quốc kết nối, tiếp cận thông tin, nâng cao kỹ năng số; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh khu vực gặp nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, Hàn Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước Mekong đang trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế khu vực. Quỹ MKCF đã hỗ trợ cho 7 dự án của các nước Mekong, trong đó có dự án của Việt Nam về “Tăng cường các tổ chức sử dụng nước để nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Hiện nay, Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong 2021 - 2030 của các quốc gia trong Tiểu vùng đang ưu tiên các lĩnh vực môi trường, xã hội, kinh tế, biến đổi khí hậu và tăng cường hợp tác. Chiến lược này cũng đã tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững có liên quan đến quản lý tài nguyên nước lưu vực Mekong. Nhu cầu này đã được giải quyết khi các nước Tiểu vùng sông Mekong hợp tác với Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác trong quản lý nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, cùng các nước Mekong quyết tâm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Hàn Quốc đang cùng các nước Tiểu vùng sông Mekong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh kết nối các nguồn lực của Mekong với các lĩnh vực sinh học và y tế.

Hợp tác hướng tới hòa bình và thịnh vượng

Hàn Quốc và các nước Mekong vốn là những quốc gia phải trải qua chiến tranh, vì vậy, khát vọng hòa bình, ổn định, phát triển là giá trị thiêng liêng của cả hai bên. “Chính sách hướng Nam mới” cam kết tăng cường quan hệ với các nước Mekong vì một khu vực hòa bình và thịnh vượng. Các nước Tiểu vùng sông Mekong đang cần nguồn lực để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và Hàn Quốc là đối tác đáp ứng được yêu cầu đó (như về vốn, đầu tư, tri thức và công nghệ) với những cam kết sẽ hỗ trợ xây dựng đường bộ, đường sắt, cầu, cảng giữa các quốc gia Mekong(3). Các nước Tiểu vùng sông Mekong cũng đang tích cực nắm bắt cơ hội trước việc Hàn Quốc triển khai “Chính sách hướng Nam mới” để chủ động xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm mở rộng đầu tư, kinh doanh tại khu vực. Cụ thể là:

Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ ba ở Việt Nam (sau Singapore và Nhật Bản). Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều mặt khác nhau, như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ. Nhiều nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam, điển hình như: Samsung, LG (lĩnh vực công nghiệp chế tạo), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (lĩnh vực công nghiệp nặng và đóng tàu) đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, dệt may, da giày… Quy mô dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc cũng ngày càng tăng, không chỉ các tập đoàn lớn, mà còn cả những doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc cũng đã đặt chân đến thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam(4).

Ngoài ra, Việt Nam và Hàn Quốc đều là thành viên của nhiều cơ chế hợp tác kinh tế khu vực, tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương chất lượng cao. Vì vậy, cả hai nước đều có thể tranh thủ sự ủng hộ của nhau tại các diễn đàn đa phương trong các vấn đề: bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Là đối tác ưu tiên thứ hai của Hàn Quốc tại khu vực Mekong, Campuchia nhận được sự hỗ trợ từ Hàn Quốc trong việc xây dựng hệ thống thanh toán quốc gia, hiện đại hóa hạ tầng tài chính để hội nhập và phát triển. Hai nước cũng ký kết Hiệp định nâng hạn mức cho vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc lên 700 triệu USD trong giai đoạn 2019 - 2023(5). Theo đó, các công ty tài chính Hàn Quốc có điều kiện thuận lợi tiến vào thị trường Campuchia và các nước Tiểu vùng sông Mekong.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền lắp ráp bảng mạch điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên _Ảnh: TTXVN

Thái Lan là đối tác phát huy nhiều lĩnh vực hợp tác khoa học - công nghệ với Hàn Quốc. Cả hai nước đều có chung quan điểm về “Chính sách hướng Nam mới” và “Sáng kiến Thái Lan 4.0” cùng kết nối vì thịnh vượng. Thái Lan đang tăng cường hợp tác thông qua sáng kiến “Kết nối các kết nối”, nhất là đầu tư vào kết cấu hạ tầng thông minh và thân thiện với môi trường cũng như các ngành công nghiệp trong tương lai. Mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh của Thái Lan hướng tới thúc đẩy sự bền vững, phù hợp với “Thỏa thuận xanh mới” của Hàn Quốc. Mặt khác, Thái Lan còn được coi là điểm đến để Hàn Quốc thực hiện “Chính sách hướng Nam mới”, là cầu nối mở rộng quan hệ với ASEAN và Ấn Độ.

Myanmar là quốc gia ký kết với Hàn Quốc Thỏa thuận về khuôn khổ cho vay để hợp tác phát triển kinh tế từ năm 2018 - 2022; Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Trung tâm thông tin ở Yangon nhằm tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ở Myanmar; MoU về hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển, nâng cấp nhà máy đóng tàu, vận tải và xây dựng cũng như quản lý tại các bến cảng; MoU về hợp tác khoa học - công nghệ; MoU về hợp tác trong các ngành kinh doanh mới nổi và lĩnh vực sáng tạo. Các MoU này được kỳ vọng mang đến cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân Myanmar, góp phần kiến tạo hòa bình tại đây.

Đối với khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc đã và đang triển khai hàng loạt chương trình, dự án, kế hoạch hợp tác. Mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, song các nước Tiểu vùng sông Mekong và Hàn Quốc vẫn giữ vững đà hợp tác trên nhiều lĩnh vực, điển hình là việc nâng cấp “Quan hệ đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình” (tại Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc, tháng 11-2020) với ba lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới: Một là, hợp tác y tế cộng đồng; hai là, tăng cường hội nhập kết nối khu vực; ba là, hợp tác phát triển bền vững(6). Bên cạnh đó, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 2021 - 2025. Với kế hoạch này, Hàn Quốc cam kết dành 4 triệu USD cho Quỹ MKCF trong năm 2021 và đóng góp 200 triệu USD cho cơ chế COVAX đến năm 2022(7). Cả hai bên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường hợp tác, kiểm soát đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển. Hàn Quốc cam kết cùng các nước Tiểu vùng sông Mekong thúc đẩy sản xuất, phân phối và chuyển giao công nghệ vaccine nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận vaccine an toàn, hiệu quả. Năm 2021, Việt Nam là đối tác đầu tiên nhận được sự hỗ trợ 1,1 triệu liều vaccine từ Hàn Quốc để đối phó với đại dịch COVID-19(8), phát triển công nghiệp dược, nâng cao năng lực y tế. Trong khi đó, Văn phòng của KOICA tại Lào đã phát huy vai trò trong việc đóng góp 1,2 triệu USD (năm 2020) để giúp Lào ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19(9).

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Một là, cần nhận diện “Chính sách hướng Nam mới” đang được Chính phủ Hàn Quốc tích cực triển khai nhằm nâng cấp quan hệ Hàn Quốc - ASEAN nói chung, quan hệ Hàn Quốc - Tiểu vùng sông Mekong nói riêng ngày một độc lập hơn, tương xứng với các mối quan hệ khác trong khu vực. Hiện Tiểu vùng sông Mekong đang được nhiều nước quan tâm, nhất là các nước lớn. Với hơn 240 triệu dân, chủ yếu trong độ tuổi "lao động vàng", tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (trên 6%)(10), Tiểu vùng sông Mekong là điểm đến của thị trường nguồn nhân lực cho các nền kinh tế phát triển, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Chính vì vậy, mặc dù bắt nhịp hội nhập sau các nước lớn, các cam kết tài chính cũng như các dự án đầu tư lớn của Hàn Quốc tại Mekong còn hạn chế, song quốc gia này lại có thế mạnh về ứng dụng công nghệ xanh và kinh nghiệm phát triển kinh tế thần kỳ (còn gọi là “kỳ tích sông Hàn”) mà các nước Tiểu vùng sông Mekong đang rất quan tâm. Do đó, “Chính sách hướng Nam mới” là lựa chọn khôn khéo của Hàn Quốc với mong muốn có một cơ chế hợp tác độc lập, hiệu quả ở Đông Nam Á nói chung và Tiểu vùng sông Mekong nói riêng. Việc Hàn Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng các nước Tiểu vùng sông Mekong tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hằng năm bên lề các Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN thực sự có ý nghĩa chính trị đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Đặc biệt, Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc (năm 2020) đã nhất trí nâng cấp hợp tác Mekong - Hàn Quốc lên “Quan hệ đối tác chiến lược vì người dân, thịnh vượng và hòa bình”(11). Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ và phát huy hiệu quả cơ chế này thông qua việc tích cực đề xuất và thực hiện các sáng kiến, tham gia soạn thảo các văn kiện, phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các dự án chung được triển khai hiệu quả tại khu vực.

Hai là, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc đặt quan hệ ngoại giao cấp đại sứ (năm 1992), hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác hợp tác toàn diện thế kỷ XXI (năm 2001), quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (năm 2009). Sau 30 năm, Việt Nam đang là đối tác kinh tế và thị trường hàng đầu của Hàn Quốc tại Đông Nam Á. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, cần thiết phải huy động các nguồn lực bên ngoài và Hàn Quốc là đối tác đáp ứng được các nguồn lực đó (nhất là về vốn, tài trợ, tri thức và công nghệ). Các bộ, ban, ngành, địa phương Việt Nam cần tìm hiểu, tranh thủ việc Hàn Quốc triển khai “Chính sách hướng Nam mới” để chủ động xây dựng chính sách thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm quý  để Việt Nam có thể tham khảo vận dụng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, tăng cường trao đổi các chương trình hợp tác quản lý nguồn nước Mekong và các vấn đề về môi trường với Hàn Quốc.

Trong quan hệ với Hàn Quốc, Việt Nam cần nhận thức sự cần thiết của một tầm nhìn chiến lược dài hạn và hợp tác để giải quyết các vấn đề đang đe dọa từ an ninh nguồn nước sông Mekong đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua Quỹ MKCF và các nguồn viện trợ chính thức, Việt Nam cần phối hợp tích cực hơn nữa với Trung tâm Nghiên cứu chung về nguồn nước và Trung tâm Đa dạng sinh học Mekong - Hàn Quốc để phát huy hiệu quả các chương trình quản lý nguồn nước Mekong. Các bộ, ban, ngành từ cấp Trung ương đến địa phương ở Việt Nam cần tuân thủ các cam kết quốc tế trong quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Mekong; đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ Hàn Quốc.

Chiến dịch “Làm sạch sông Mê Kông” giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân ở tỉnh Vĩnh Long _Ảnh: Tư liệu

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ nhiều nguồn vốn ODA cho Việt Nam, nhất là ODA không hoàn lại cho các lĩnh vực tài nguyên và môi trường thông qua các cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc, như KEITI, KOICA, KECO. Vì vậy, việc tranh thủ xu hướng ODA trong chính sách kinh tế xanh mới của Hàn Quốc cần được tham khảo. Các vấn đề mà Hàn Quốc đang đề cập trong chính sách này là phục vụ cải thiện môi trường địa phương, hạn chế tối đa các tác động đến môi trường do những vấn đề mà các nước đang phát triển như Việt Nam đang phải đối mặt. Trong các dự án về môi trường của Hàn Quốc, Việt Nam cần ưu tiên các dự án về nước sạch, xử lý thoát nước do tình trạng gia tăng dân số và đô thị hóa, hạ tầng quản lý chất thải và chất lượng không khí đô thị… Năm 2021, Hàn Quốc thông qua đạo luật về trung hòa carbon với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là cơ hội để Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ký kết Kế hoạch hợp tác chung về biến đổi khí hậu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 với Hàn Quốc; đồng thời có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc để xây dựng và triển khai thành công Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam (thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028).

Có thể nhận thấy, trong dòng chảy của xu hướng hội nhập và phát triển, “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc đã kịp thời nắm bắt một trong những vị trí địa - chiến lược là Tiểu vùng sông Mekong, nơi các nước lớn cũng đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược hợp tác tiểu vùng. “Chính sách hướng Nam mới” mở ra cơ hội cho Hàn Quốc và các nước Mekong trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển bền vững, tăng cường kết nối, xây dựng một nền hòa bình, thịnh vượng chung trong khu vực. “Chính sách hướng Nam mới” đang trở thành động lực thúc đẩy cả Mekong và Hàn Quốc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đưa lại nhiều cơ hội phát triển bền vững cho khu vực. Khát vọng của người dân và chính phủ hai bên đã và đang dần được hiện thực hóa./.

----------------------

(1) Nguyễn Hải Đăng: “Nền kinh tế sáng tạo của Hàn Quốc và những gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và dự báo điện tử, ngày 18-5-2021,  https://kinhtevadubao.vn/nen-kinh-te-sang-tao-cua-han-quoc-va-nhung-goi-y-cho-viet-nam-18879.html
(2) Phùng Thị Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Thu Hà: “Kinh nghiệm phát triển chính sách công nghiệp xanh ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Môi trường điện tử, ngày 2-11-2021, http://tapchimoitruong.vn/dien-dan--trao-doi-21/kinh-nghiem-phat-trien-chinh-sach-cong-nghiep-xanh-o-mot-so-quoc-gia-va-bai-hoc-cho-viet-nam-25990
(3) Thanh Phương: “Tổng thống Hàn Quốc công bố “Tầm nhìn Mekong” khi thăm Đông Nam Á”, ngày 5-9-2019, https://www.vietnamplus.vn/tong-thong-han-quoc-cong-bo-tam-nhin-mekong-khi-tham-dong-nam-a/593807.vnp
(4) Bùi Hồng Ngọc, Đoàn Thị Thu Hương: “Thực trạng và tác động của FDI Hàn Quốc vào Việt Nam trng bối cảnh mới”, Tạp chí Công Thương điện tử, ngày 9-12-2021, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-tac-dong-cua-fdi-han-quoc-vao-viet-nam-trong-boi-canh-moi-85702.htm
(5) Trung tâm WTO và hội nhập: “Tổng thống Hàn Quốc cam kết mở rộng hợp tác với Campuchia”, Trang thông tin điện tử Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, ngày 18-3-2019, https://aecvcci.vn/tin-tuc-n4570/tong-thong-han-quoc-cam-ket-mo-rong-hop-tac-voi-campuchia.htm
(6), (11) Học viện Ngoại giao: “Dự báo tính hình hình thế giới và khu vực năm 2021”, Hà Nội, tháng 12-2020, tr. 164
(7) Thảo Miên: “Hàn Quốc cam kết dành 4 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong - Hàn Quốc năm 2021”, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử, ngày 8-9-2021, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/han-quoc-cam-ket-danh-4-trieu-usd-cho-quy-hop-tac-mekong-han-quoc-nam-2021-91258.html
(8) Vũ Khuyên: “Việt Nam ủng hộ “Chính sách hướng Nam mới tăng cường” của Hàn Quốc”, Báo VOV điện tử, ngày 26-10-2021,  https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-ung-ho-chinh-sach-huong-nam-moi-tang-cuong-cua-han-quoc-900585.vov
(9) Phạm Kiên: “Dịch Covid-19: Hàn Quốc hỗ trợ Lào các thiết bị y tế trị giá 1 triệu USD”, Cổng thông tin điện tử Thông tấn xã Việt Nam, ngày 10-6-2021, https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/dich-covid-19-han-quoc-ho-tro-lao-cac-thiet-bi-y-te-tri-gia-1-trieu-usd/f3b430ba-5c06-4596-9874-9f92e7375be3
(10) Trần Long: “Tiểu vùng Mekong hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ngày 4-8-2021, https://www.vietnamplus.vn/tieu-vung-mekong-hoi-nhap-sau-rong-hon-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau/731376.vnp