Cấp ủy viên là chủ tịch công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước: Mô hình cần nhân rộng trong thực tiễn
TCCS - Trên thực tế, tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nơi nào mà tổ chức cơ sở đảng và Công đoàn thể hiện tốt vai trò thì nơi đó đời sống công nhân được bảo đảm, phong trào công nhân, chất lượng giai cấp được bồi đắp, phát triển. Việc đồng chí cấp ủy viên đồng thời được tin tưởng bầu là chủ tịch công đoàn sẽ bảo đảm cho công đoàn, công nhân phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng nhân dân
Khi cấp ủy viên đồng thời là chủ tịch công đoàn…
Anh Hoàng Xuân Nhật (Công ty TNHH Kane-M Đà Nẵng) là tấm gương điển hình về sự “thăng tiến” của một người công nhân thời kỳ mới. Anh chia sẻ: “Từ năm 2010, khi làm một công nhân bình thường, tôi tích cực tham gia các hoạt động công đoàn và được giới thiệu học cảm tình Đảng. Với sự rèn luyện nâng cao nhận thức, kiên trì phấn đấu, tôi vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2013”. Đến nay, anh Nhật giữ vai trò là Bí thư Chi bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Chủ tịch Công đoàn, Quản lý sản xuất của công ty.
Trưởng thành từ một người công nhân, anh Nhật nhận thức rất sâu sắc về vấn đề tập hợp và phát triển lực lượng lao động trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; những khó khăn nếu đội ngũ cán bộ Công đoàn không phải là đảng viên. Từ đó, anh Nhật xây dựng giải pháp “Tham gia xây dựng Đảng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn”.
Anh cho biết: “Từ năm 2014, khi hoạt động Công đoàn của Công ty còn mới mẻ, việc vận động người lao động gia nhập Công đoàn đã khó, việc vận động đoàn viên phấn đấu vào Đảng càng khó gấp bội. Nhưng từ câu chuyện phấn đấu của bản thân, thông qua các phong trào, các hoạt động Công đoàn và sự tin tưởng của Công ty đối với tổ chức Công đoàn, tôi đã giúp cho nhiều anh chị em xóa bỏ tâm lý ngại vào Đảng, dễ bị chủ doanh nghiệp gây khó dễ, không được thăng tiến, mất việc làm”. “Bí kíp” của anh là, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phải bằng sự nêu gương, khả năng vận động, thuyết phục, tình yêu thương đồng nghiệp, đồng chí của những người đảng viên, trong đó vai trò người đứng đầu rất quan trọng.
Trong 3 năm (2014 - 2017), anh Nhật đã vận động, giới thiệu cho Chi bộ cơ quan Công đoàn Khu công nghệ cao được 14 đoàn viên ưu tú. Nhờ đó, đến năm 2017, Chi bộ tại công ty được thành lập với 7 đảng viên. Từ năm 2017 đến nay, Chi bộ và Ban Chấp hành Công đoàn tiếp tục giới thiệu được 8 đoàn viên ưu tú cho Đảng; hiện Chi bộ có 9 đảng viên, trong đó có 4 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn.
Tổ chức Công đoàn do anh Nhật làm chủ tịch đã thực hiện thành công giải pháp “Thương lượng để người lao động có phúc lợi tốt hơn”. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết với công ty bảo đảm được rất nhiều quyền lợi cho người lao động; đặc biệt là nâng được số ngày nghỉ của công nhân. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp và hỗ trợ kinh phí cho Công đoàn tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao hằng năm với mức 80 triệu đồng.
Một trường hợp tiêu biểu khác là kỹ sư Hoàng Thị Nhẫn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, quyền Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Công ty cổ phần Cà phê Ea Pốk (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắk).
Với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, chị rất tâm huyết với việc phát triển đảng trong công nhân, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị cho biết: “Tại doanh nghiệp, số công nhân, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 67,78%; tình hình an ninh chính trị còn tiểm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, hầu hết người dân trong 3 buôn thuộc địa bàn công ty quản lý đều theo đạo Tin Lành, nhiều người dân có trình độ dân trí thấp dễ bị lợi dụng. Đảng ủy công ty rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ kịp thời phát hiện những công nhân ưu tú là đồng bào dân tộc thiểu số”. Chị cũng cho biết, phát triển đảng là công nhân đồng bào dân tộc thiểu số đã khó, với đồng bào theo đạo còn khó hơn rất nhiều, ngoài việc tuyên truyền thuyết phục để người vào đảng tin tưởng, làm theo, còn phải thuyết phục gia đình, dòng họ của người xin vào đảng để nhận được sự đồng thuận.
Với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, bản thân còn là Bí thư Chi bộ Một, từ năm 2015 đến nay, chị cùng chi bộ đã kết nạp được 2 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1 công nhân là tín đồ của đạo Tin Lành. Đảng bộ công ty tạo nguồn được 13 đối tượng Đảng và đã phát triển được 7 đảng viên. Tại công ty, đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số đã khẳng định được vị trí, vai trò là trụ cột của chi bộ trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động và người dân trên địa bàn.
Với chức trách là Chủ tịch Công đoàn, chị Hoàng Thị Nhẫn đã thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả, như đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn cơ sở giúp bộ máy hoạt động Công đoàn cơ sở gọn nhẹ, tiết kiệm thời gian đối với những đồng chí chủ tịch Công đoàn bộ phận là công nhân trực tiếp sản xuất, ngoài ra nguồn kinh phí hoạt động mỗi quý tiết kiệm được 5 - 7 triệu đồng; đổi mới hình thức tuyên truyền tại công đoàn cơ sở về việc trồng xen canh cây hồ tiêu và cây ăn trái trong vườn cà phê, nâng cao giá trị sử dụng đất, đồng thời gia tăng giá trị và thu nhập trên một đơn vị diện tích (từ 10 triệu đến 100 triệu đồng/ha), góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung, sửa đổi thỏa ước lao động tập thể, chú trọng những điểm có lợi hơn cho đoàn viên và người lao động.
Đồng chí Đinh Sỹ Phúc, Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn, Giám đốc Công ty Taekwang Vina Industrial có tâm nguyện: “Nỗ lực hết mình vì người lao động, niềm vui của người lao động chính là hạnh phúc của cán bộ Công đoàn. Hãy làm việc để xứng đáng với vai trò lãnh đạo của tổ chức mình và niềm tin của người lao động đặt vào chúng ta”.
Công ty của đồng chí Đinh Sỹ Phúc đã thực hiện mạnh mẽ giải pháp “Phát huy thực hiện dân chủ cơ sở, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh”. Nhờ đó, công ty đã đạt một số thành tích nổi bật trong phát triển đảng viên mới; đào tạo kỹ năng quản lý tài chính, thực hiện các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”; nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sống cho đoàn viên lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao đời sống người lao động, thực hiện đồng bộ 3 chương trình phục vụ bữa ăn sáng, siêu thị công đoàn và lập phòng khám đa khoa phục vụ người lao động; nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn, khẳng định vai trò đại diện người lao động,...
Đồng chí Đinh Sỹ Phúc cho biết: “Từ năm 2015 tới nay, chúng tôi đã phát triển được 34 đảng viên mới, nâng số đảng viên trong Đảng bộ lên 83 đồng chí, đạt tỷ lệ tăng trung bình 15%/năm”.
Thời gian qua, khi nóng bỏng câu chuyện “tín dụng đen”, đồng chí Đinh Sỹ Phúc cùng công ty đã kịp thời đưa ra giải pháp: Đào tạo kỹ năng quản lý tài chính, thực hiện các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”. “Sau thời gian tìm hiểu tình hình tài chính trong công nhân lao động, tôi nhận thấy một tỷ lệ rất lớn người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống vì nhiều lý do khác nhau. Tôi đã tiến hành phân tích thu nhập và các khoản chi phí cố định, chi phí phát sinh của người lao động tại đơn vị và xác định các được các nguyên nhân chủ yếu để đưa ra các giải pháp hiệu quả”, đồng chí Đinh Sỹ Phúc cho biết thêm.
Công ty đã thực hiện được 300 lớp đào tạo quản lý tài chính với trên 30.000 đoàn viên lao động tham gia; thực hiện ký hợp tác với các nhà cung cấp sản phẩm thiết yếu,bán hàng trả góp lãi suất 0%,thu hút trên 12.000 lao động tham gia với số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi năm; Công đoàn đã bảo lãnh vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi và trả dần qua lương, thu hút trên 15.000 lao động tham gia với số tiền mỗi năm trên 100 tỷ đồng.
Đồng chí Đinh Sỹ Phúc tâm sự: “Trong 3 năm qua, người lao động trong công ty chúng tôi cơ bản đã thoát khỏi nạn “tín dụng đen”, không còn cảnh đến kỳ lương thì những chủ nợ chờ sẵn ở cây ATM với thẻ ngân hàng của người lao động để đòi nợ. Nhiều lao động vươn lên khá giả”.
Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ ăn sáng tại công ty đã góp phần bảo vệ sức khỏe và giúp tiết kiệm tài chính hằng năm khoảng 20 tỷ đồng; phòng khám đa khoa tại công ty mỗi năm khám cho trên 30.000 lượt người hoàn toàn miễn phí...
Đồng chí Đinh Sỹ Phúc tự hào: “Trong 5 năm qua, đơn vị chúng tôi không có tranh chấp lao động tập thể nào. Người lao động tích cực tham gia đóng góp ý kiến cải tiến xây dựng công ty, hằng năm có trên 30.000 ý kiến được ghi nhận, có trên 2.000 cải tiến được thực hiện mang lại lợi ích thiết thực hàng trăm tỷ đồng”.
Tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, còn nhiều tấm gương cấp ủy viên là chủ tịch công đoàn tiêu biểu khác, như chị Đồng Thị Phượng, Bí thư Đảng bộ Công ty TNHH CN Giầy Aurora Việt Nam, anh Trương Văn Tuyên, Bí thư Đảng bộ Công ty TNHH May Nien Hsing Ninh Bình; anh Nguyễn Đình Quế, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi,…
Cần phát triển mạnh mô hình trong thực tiễn
Trên thực tế, tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nơi nào mà tổ chức cơ sở đảng và Công đoàn thể hiện tốt vai trò thì nơi đó đời sống công nhân được bảo đảm, phong trào công nhân, chất lượng giai cấp được bồi đắp, phát triển. Việc đồng chí cấp ủy viên đồng thời được tin tưởng bầu là chủ tịch công đoàn sẽ bảo đảm cho công đoàn, công nhân phát triển theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, tại khu vực doanh nghiệp này còn nhiều bất cập đối với phát triển giai cấp công nhân, tổ chức và hoạt động của Công đoàn, số lượng và vai trò tổ chức cơ sở đảng...
Theo đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Phát triển giai cấp công nhân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, nhiều trở ngại, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức đảng, Công đoàn. Phát triển lực lượng cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư, phó bí thư chi bộ là chủ tịch công đoàn; chú trọng xây dựng đội ngũ này từ công nhân ưu tú, có thể xem là một giải pháp quan trọng, cần nhân rộng trong thực tiễn”.
Để thực hiện mục tiêu đó, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần phát triển đội ngũ công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới; qua đó mới có thể tìm được các hạt nhân chính trị cho Công đoàn và tổ chức đảng; hai là, các cấp ủy đảng, Công đoàn, nhất là từ Trung ương, sớm có sự tổng kết mô hình và xây dựng chương trình triển khai việc phát triển cấp ủy viên đồng thời là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; ba là, bản thân các tổ chức đảng, công đoàn trong các doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu các tổ chức này, cần phải phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động, vừa đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, vừa bảo đảm các yêu cầu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bốn là, các cấp ủy, chính quyền nơi các doanh nghiệp đứng chân cần có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, nâng cao sự tự giác, nhận thức của chủ doanh nghiệp trong thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; năm là, cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ cấp ủy viên đồng thời là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước./.
Doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt  (24/12/2019)
Thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn  (25/09/2019)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm