Tạo “vốn văn hóa” bền vững cho Quảng Ninh qua hướng đích phát triển xanh với quy mô vùng

Nguyễn Huy Vinh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
10:54, ngày 29-11-2023

TCCS - Trong thực tiễn, qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động trên cả 2 phương diện lý luận - thực tiễn để nhận diện các giá trị văn hóa, con người địa phương thời kỳ mới, lấy đó làm cơ sở để xác định, định hướng các mục tiêu, xây dựng các kế hoạch, đề án cụ thể nhằm khơi dậy các giá trị văn hóa, con người, chuyển hóa thành nguồn lực cho phát triển của địa phương.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Khai thác tốt hơn thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất”(1).

Hiện thực hóa quan điển điểm này, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương, Quảng Ninh đã và đang tích cực tạo điểm nhấn ở lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong ý tưởng kết hợp với các thành quả của khoa học, công nghệ, mục tiêu hướng đích là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giá trị lịch sử, truyền thống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sự phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa; thúc đẩy sự phát triển của các ngành thương mại, dịch vụ liên quan đến thị trường văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn diện; tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người dân địa phương.

Quảng Ninh là một trong những địa phương sớm có chủ trương phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội. Trên cơ sở các lợi thế, các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của một vùng đất đồng bằng Bắc Bộ, nơi có vịnh Hạ Long, và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng…, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện và tích cực, chủ động các hoạt động triển khai trong thực tế. Các hội thảo được tổ chức thời gian qua là minh chứng cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh đối với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của tỉnh, cho thấy tỉnh không chỉ xác định khơi dậy các giá trị văn hóa, mà còn có khát vọng đưa văn hóa thực sự lên ngang tầm với chính trị, kinh tế theo tinh thần từ Đề cương về văn hóa năm 1943. Kế thừa hệ tư tưởng này của Đảng, kết hợp với tư duy thời kỳ mới là xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh đã xác định việc khơi dậy phải bắt nguồn từ bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các các giá trị văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa, tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện một khát vọng, tầm nhìn đưa văn hóa Quảng Ninh vượt ra khỏi biên giới quốc gia, chủ động giới thiệu, quảng bá về văn hóa Quảng Ninh trong tổng hòa văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, và không chỉ thông qua con đường du lịch, còn thông qua một kênh/  phương diện khoa học.  Sự hội tụ các nhà khoa học, các nhà quản lý thực tiễn của các địa phương, các nước cho thấy tầm nhìn vùng - khu vực - quốc gia - quốc tế của lãnh đạo tỉnh.

Tạo “vốn văn hóa” bền vững cho Quảng Ninh qua hướng đích phát triển xanh với quy mô vùng – Những thuận lợi từ vị trí địa lý, cấu tạo địa chất

Quảng Ninh là tỉnh trung du miền núi nằm ở vùng duyên hải, có địa hình đa dạng, độc đáo; 80% diện tích là đồi núi đan xen biển cả và đồng bằng, hình thành nhiều cảnh quan thiên nhiên, như Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long… Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung (Uông Bí), thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ (thị xã Quảng Yên), rừng thông (thị xã Quảng Yên), rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng... 

Quảng Ninh lưu giữ hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm: danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long), vịnh Bái Tử Long (thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp); di tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí - nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt); di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, với quần thể các bãi cọc, đình, đền, miếu dàn trải bên tả ngạn sông Bạch Đằng); khu di tích nhà Trần (thị xã Đông Triều, gồm quần thể các lăng, mộ, đền, chùa, am, tháp, trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu của nhà Trần); và di tích lịch sử đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, với khu đền thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng). Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh có 9 bảo vật quốc gia (Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử; Trống đồng Quảng Chính; Bình gốm Đầu Rằm hay còn gọi là gốm Hoàng Tân; Trống đồng thời Trần; Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu; Bình gốm hoa sen thời Lý; Bình gốm hoa nâu Kinnari có niên đại thời Lý; Thạp gốm hoa nâu có niên đại thời Lý; Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông tôn trí ở chùa Hoa Yên). Tỉnh Quảng Ninh có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (lễ hội truyền thống đình Trà Cổ - Móng Cái; lễ hội truyền thống đình Quan Lạn - Vân Đồn; hát nhà tơ, còn gọi là hát cửa đình - Móng Cái; hát then - Bình Liêu; lễ hội Tiên Công - Quảng Yên; và lễ hội đền Cửa Ông - Cẩm Phả). Ngoài ra, còn phải kể đến những lễ hội rất độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (thị xã Đông Triều)…Hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ); lễ hội Soóng Cọ; lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày, xã Lục Hồn (Bình Liêu),…

Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh đã được thiên nhiên ưu đãi với những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Đây là “vốn văn hóa” vô cùng dồi dào để Quảng Ninh phát triển vượt bậc, lợi thế này cũng cho phép Quảng Ninh phát triển vượt trội vượt khỏi giới hạn phạm vi hành chính địa phương.

Tạo “vốn văn hóa” bền vững cho Quảng Ninh qua hướng đích phát triển xanh với quy mô vùng - Những thuận lợi từ tư duy, tầm nhìn, định hướng, khát vọng

Quán triệt quan điểm chấn hưng và phát triển văn hóa: Văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước; Phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học; chính sách phát triển con người toàn diện. Con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của sự phát triển. Tất cả chính sách đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa; phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hoá đồng bộ, hiệu quả, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ các định hướng áp dụng trên địa bàn tỉnh: 1- Hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu căn bản là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng. 2- Phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế trên cơ sở chú trọng tính đặc thù của văn hoá Quảng Ninh.

Tạo “vốn văn hóa” bền vững cho Quảng Ninh qua hướng đích phát triển xanh với quy mô vùng – Những thuận lợi từ nền tảng phát huy các nguồn lực xã hội trong quá trình phát triển (tạo thuận lợi cho đoàn làm phim, xây dựng các cơ sở đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh;…)

Quá trình phát triển, trải qua thời gian, song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, có những giai đoạn các giá trị văn hóa trở nên nổi trội, có những tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng có những gia đọan dưới sự tác động của đời sống kinh tế - xã hội, có những giá trị văn hóa mai một, thậm chí mất đi. Nhìn chung, trong quá trình phát triển, văn hóa và kinh tế - xã hội luôn có những tác động qua lại và trong dòng chảy của lịch sử, các giá trị văn hóa được trao truyền, tiếp biến. Di sản văn hóa là một tài sản tinh thần và vật chất vô giá của dân tộc, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỉnh đã lựa chọn lĩnh vực thế mạnh (văn hóa nghệ thuật biểu diễn, di sản văn hóa, …), đồng thời, chủ trương thực hiện tốt bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đáp ứng yêu cầu bảo hộ, thực thi quyền trong nước và hội nhập quốc tế…; phát triển đồng bộ, hài hòa văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng tôn giáo,… vừa là cơ sở nền tảng tư tưởng, niềm tin vững chắc, vừa tạo công cụ gia tăng  giá trị,…

Đối với các vấn đề mới, tỉnh chủ động tổ chức các hội thỏa, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để làm rõ về mặt lý luận, tìm kiếm giải pháp và ứng dụng phù hợp, hiệu quả trong thực tiễn, như: Cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa và tiến bộ, công bằng xã hội; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế và kinh tế trong văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa; thúc đẩy phát triển và ứng dụng  khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Quán triệt quan điểm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, về một số các chính sách kinh tế trong văn hóa, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc… Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương tiên phong khai mở tạo nên sự phát triển đột phá, mở đường để tạo điều kiện gắn kết giữa phát triển văn hóa, bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội.

Quan điểm mới trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế - xã hội là phải trên quan điểm liên ngành, tỉnh chủ động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các khách sạn, các khu vui chơi giải trí,… đáp ứng nhu cầu các du khách với mục tiêu kéo dài thời gian lưu trú; liên kết với các tỉnh và quốc tế đưa các đoàn khách cả trong nước và quốc tế đến du lịch Quảng Ninh,…

Sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội đã và đang ngày càng rõ nét. Đồng thời sự xuất hiện đầy hiệu quả của các yếu tố kinh tế trong quá trình phát triển văn hóa cũng đã, đang và trong tương lai Quảng Ninh tiếp tục cho thấy những hiệu quả không nhỏ, sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GRDP của Quảng Ninh đã được hiện diện những năm gần đây và nếu được đầu tư, tiếp sức từ lãnh đạo tỉnh chắc chắn sẽ gia tăng nhanh chóng. Những giá trị kinh tế đem lại thông qua các sản phẩm văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa không chỉ góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, mà còn góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là người dân các khu vực có di sản, có các sản phẩm văn hóa thành công.

Coi trọng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các nhóm chính sách để tạo đột phá cho phát triển bền vững các ngành công nghiệp văn hóa. Trong thời kỳ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển, phải đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực văn hóa nói chung, phục dựng bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. 

Đồng thời có chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Theo đó, cần coi phát triển nguồn nhân lực văn hoá là “khâu đột phá”, trong đó, hoàn thiện đồng bộ cả chất lượng, số lượng, cơ cấu nguồn nhân lực tham mưu, lãnh đạo, quản lý (trong đó, ngoài nhân lực ngành văn hóa, chú ý cả nhân lực các ngành liên quan đến quá trình phát triển văn hóa, như đầu tư, tài chính, khoa học - công nghệ, giao thông, xây dựng,…; đến cán bộ cơ sở cấp xã, phường nơi có di sản văn hóa); nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, nghệ nhân (bao gồm lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân; nhân lực du lịch; nhân lực trong các định chế trung gian phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa); nguồn nhân lực tại chỗ nơi có các di sản văn hóa,…

Từ yêu cầu quản lý toàn diện, đa ngành, phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, coi trọng vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức trong phát triển sự nghiệp văn hóa, tỉnh ủng hộ xác lập cơ chế tự quản của các cộng đồng xã hội để tự tổ chức, vận hành và đóng góp thêm các nguồn lực trong trang bị cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, nhất là ở cơ sở. Lấy sự hình thành và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, các mô hình cộng đồng, tổ chức tự quản trong phục dựng và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt với loại hình văn hóa phi vật thể, quá trình phục dựng không thể thiếu sự tham gia, đồng hành của các nghệ nhân, của cộng đồng sở tại nơi hình thành và lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể. Mục tiêu là đưa từng người dân, từng nghệ nhân, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp cùng có ý thức tham gia vào thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, cùng góp sức gom tạo “vốn văn hóa” ngày càng phong phú, và nâng tầm giá trị cho Quảng Ninh./.

--------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 251