Hội đồng Lý luận Trung ương phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, dấn thân tìm tòi, đúc rút quy luật, nâng tầm sáng tạo và đột phá lý luận
TCCS - Ngày 13-2-2023, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại buổi làm việc, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.
Tham gia buổi làm việc của Thường trực Ban Bí thư có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng dự.
Tại buổi làm việc, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, qua gần 2 năm đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2026, với tinh thần đoàn kết, tận tâm và trách nhiệm, hội đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các công việc được giao, trong đó nổi bật là: Tham gia tổ chức triển khai thực hiện cụ thể hóa các văn kiện, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để góp phần sớm đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; nghiên cứu, xây dựng các báo cáo tư vấn phục vụ các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6, 7 khóa XIII, các báo cáo chuyên đề phục vụ học tập, nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; tổ chức biên soạn, xuất bản, tuyên truyền nội dung, tư tưởng tác phẩm quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Hội đồng đang xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025 (KX.04/21-25) phục vụ việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thẩm định các chương trình, đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; chủ trì tổ chức hội thảo, trao đổi, đối thoại lý luận với các đảng cộng sản, đảng cầm quyền và các tổ chức nghiên cứu, học giả, chính khách có uy tín trên thế giới; xây dựng đề án và chuẩn bị triển khai nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 40 năm công cuộc đổi mới (1986 - 2026), góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chuẩn bị bước đầu cho việc tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh 1991...
Phát biểu chỉ đạo, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chúc mừng sự trưởng thành và phát triển của Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng thời đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng và các ban, bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất có thể để Hội đồng Lý luận Trung ương hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ.
Thường trực Ban Bí thư ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới bước đầu, có kết quả tích cực về nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Hội đồng Lý luận Trung ương và cơ quan hội đồng. Trong gần 2 năm của nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Lý luận Trung ương vừa phải kiện toàn lại tổ chức bộ máy, nhân sự của Thường trực Hội đồng, thành viên hội đồng và đội ngũ thư ký khoa học, vừa tổ chức triển khai thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm phục vụ trực tiếp công tác tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Hội đồng đã chủ động khắc phục nhiều khó khăn, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách, phát huy dân chủ, tăng cường trao đổi, tọa đàm sâu với các chuyên gia, các học giả trong và ngoài nước. Những kết quả nổi bật trên, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, đó là đóng góp trí tuệ, tâm huyết hết sức có ý nghĩa của Hội đồng Lý luận Trung ương cho việc tham mưu, tư vấn phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, thời gian của nhiệm kỳ XIII sắp đi hết một nửa chặng đường. Tình hình quốc tế đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc đổi mới đang được đẩy mạnh, nền kinh tế nước ta đã và đang có bước phát triển nhanh, năng động, làm thay đổi sâu rộng đời sống xã hội, tuy nhiên cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức về nhiều mặt. Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải làm rõ về lý luận, góp phần luận giải được các vấn đề thực tiễn đặt ra, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển đất nước của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Để phục vụ thiết thực và có chất lượng các hội nghị Trung ương tới đây và đặc biệt là việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm.
Theo đó, tập trung xây dựng với chất lượng cao nhất các báo cáo tư vấn phục vụ các Hội nghị Trung ương 7, 8, 9 khóa XIII và các báo cáo chuyên đề phục vụ học tập, nghiên cứu lý luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Hội đồng triển khai tổ chức thực hiện Đề án nghiên cứu tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới (1986 - 2026), góp phần hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; chuẩn bị cho việc tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Hội đồng cần chú trọng nghiên cứu các lý luận chuyên ngành để phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành thực tiễn kinh tế - xã hội; qua đó thu hẹp khoảng cách giữa lý luận với thực tiễn.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Hội đồng tổ chức, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức chắt lọc kết quả nghiên cứu mới của các đề tài trong Chương trình KX.04/21-25, cũng như kết quả nghiên cứu mới của các chương trình, đề tài khoa học lý luận chính trị khác từ các cơ quan nghiên cứu của Đảng, Nhà nước, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ có chất lượng, hiệu quả việc soạn thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Hội đồng chuẩn bị chu đáo, nâng cao chất lượng các cuộc hội thảo, trao đổi lý luận với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cầm quyền; tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và các học giả, chuyên gia có uy tín trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu chọn lọc các thành tựu nghiên cứu mới và tăng cường sự tin cậy, hiểu biết chung; tiếp tục tham gia lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng và nội dung tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Cùng với đó, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: "Hội đồng là đầu mối tập hợp, kết nối các thành viên, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, nhạy bén với thực tiễn phát triển đất nước và sự biến chuyển của thế giới và nhân loại, dấn thân tìm tòi, đúc rút quy luật, nâng tầm sáng tạo và đột phá lý luận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao"./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam thăm, làm việc tại Venezuela  (12/02/2023)
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum  (10/02/2023)
Khai giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII  (05/02/2023)
Lễ trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (03/02/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Thái Nguyên  (11/01/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển