TCCS - Từ một tỉnh thuần nông kém phát triển, sau ¼ thế kỷ tái lập, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước. Để đạt được thành tựu to lớn đó, tỉnh Bình Dương đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm khai thông và phát huy các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

1- Quán triệt quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa, kể từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương luôn chú trọng phát huy nguồn lực văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Bình Dương ngày nay (được tách ra từ tỉnh Sông Bé và tái thành lập chính thức ngày 1-1-1997) không chỉ là một trong những tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn thuộc tốp đầu cả nước, mà còn là vùng đất có nền văn hóa phong phú và đặc sắc với lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển, được dựng xây bởi sự kiên cường, năng động, sáng tạo không ngừng của lớp lớp thế hệ người dân Bình Dương và sự chung tay của nhân dân cả nước.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình, như lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ...; tiêu biểu như di chỉ Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa (Tân Uyên), di chỉ Bà Lụa (Thủ Dầu Một), Vịnh Bà Kỳ (Bến Cát), đình Phú Long (Lái Thiêu), đình Tân An, đình Phú Cường (Thủ Dầu Một), đình Long Hưng, đình Tân Trạch (Tân Uyên), chùa Hưng Long, chùa Long Thọ, chùa Long Hưng, chùa Hội Khánh, chùa Châu Thới… Đặc biệt, ngày 23-11-2021 - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - Bình Dương đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đối với bảo vật quốc gia “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” và di sản văn hóa phi vật thể là “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 3 bảo vật quốc gia là “Tượng động vật Dốc Chùa” (công nhận năm 2013), “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” (công nhận năm 2018), “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” (công nhận năm 2020) và có các di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh là “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp”, “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”.

Quá trình khai phá, mở đất, xây dựng và giữ gìn mảnh đất quê hương Bình Dương đã hình thành nên hệ thống lễ hội đặc sắc, như lễ hội cúng đình, chùa, miếu, tổ nghề, dòng họ… để người dân cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt và thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Trong đó, có một số lễ hội tiêu biểu, như lễ hội chùa Ông Bổn, lễ hội Kỳ Yên, lễ rước kiệu Bà của chùa Bà Thiên Hậu...; đặc biệt, lễ hội chùa Bà hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch là lễ hội tiêu biểu được đông đảo người dân tham gia nhất. Tỉnh Bình Dương còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, khu du lịch sinh thái nổi tiếng, như vườn trái cây Lái Thiêu (thành phố Thuận An), khu du lịch Núi Cậu - Lòng hồ Dầu Tiếng,… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trẩy hội chùa Bà Thiên Hậu (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)_Nguồn: tuoitre.vn

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương còn được mệnh danh là vùng đất của những làng nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Nghề làm gốm có lịch sử hình thành khoảng 200 năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng, đóng góp lớn vào quá trình lập ấp, lập làng xưa kia và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ngày nay, trở thành những “đại sứ văn hóa”, lan tỏa vẻ đẹp của đất và người Bình Dương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương có các làng nghề điêu khắc gỗ, làng nghề làm đồ gốm, làng nghề tranh sơn mài với nhiều sản phẩm đã tham gia các hội chợ quốc tế và xuất khẩu ra thị trường một số nước.

Là vùng đất chiến trường năm xưa thuộc “miền Đông gian lao mà anh dũng”, tỉnh Bình Dương còn có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ, đặc biệt là Chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên), vùng Tam giác sắt (trong đó có ba làng An). Đây chính là những “địa chỉ đỏ”, những di tích văn hóa góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc cho thế hệ trẻ, đồng thời là nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị thúc đẩy phát triển ngành du lịch văn hóa của tỉnh.

2- Với nguồn lực văn hóa phong phú, độc đáo, Bình Dương luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát huy nguồn lực văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm văn hóa và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT, ngày 24-7-2001, của Bộ Văn hóa - Thông tin, về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020; Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND, ngày 24-1-2007, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 - 2010 (điều chỉnh) và định hướng đến năm 2020, Quyết định số 5979/QĐ-UBND, ngày 29-12-2006, của Ủy ban nhân dân tỉnh, về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU, ngày 12- 9-2014, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa theo quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể, chủ động về quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng di tích. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương thực hiện thí điểm thành lập ban quản lý di tích cấp huyện bằng hình thức quản lý tự chủ và một số mô hình quản lý di tích trực thuộc phòng văn hóa và thông tin. Tất cả di tích xếp hạng cấp tỉnh đều được thành lập ban, tổ quản lý di tích phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo mô hình quản lý di tích đặc thù và hiệu quả. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2020, tỉnh Bình Dương có 39 di tích được xếp hạng, bao gồm 5 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh hiện nay lên 62 di tích (bao gồm 13 di tích cấp quốc gia và 49 di tích cấp tỉnh), góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Các di tích sau khi được xếp hạng được đầu tư bảo quản, sửa chữa kịp thời... góp phần chống xuống cấp, kéo dài tuổi thọ di tích và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đến nay, tỉnh đã cơ bản thực hiện đầu tư tu bổ, phục hồi đối với 12/13 di tích quốc gia, có 26/27 di tích cấp tỉnh. Các di tích sau đã trở thành thiết chế văn hóa truyền thống trọng điểm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng chú trọng hoạt động khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích với nhiều hình thức đa dạng, như nghiên cứu sưu tầm hiện vật, phim tư liệu, in ấn giới thiệu các ấn phẩm, trưng bày (cố định, chuyên đề) và triển lãm lưu động…, gắn kết các di tích văn hóa với các hoạt động du lịch và hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; qua đó, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp, tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước và khát vọng phát triển quê hương cho mỗi người dân tỉnh Bình Dương. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đề xuất xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để làm cơ sở thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia một số di sản trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sưu tầm và tổ chức các lễ hội được thực hiện theo đúng quy định. Hằng năm, tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều lễ hội dân gian, các lớp truyền dạy đờn ca tài tử; tổ chức sưu tầm các hiện vật lịch sử, đưa tổng số hiện vật sưu tầm toàn tỉnh lên hơn 31.000 hiện vật; tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ công nhân xa quê tại các khu công nghiệp dịp xuân, Liên hoan Gia đình Văn hóa tiêu biểu tỉnh Bình Dương, Hội thi Đờn ca tài tử và Chặp cải lương…

Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, nghệ nhân. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức trại sáng tác giúp các chi hội và các hội viên có cơ hội giao lưu, sáng tác nhiều tác phẩm, tham gia các hội thi, như “Đất và người Bình Dương” hằng năm, “Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ” định kỳ 5 năm tổ chức một lần.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Dương chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ năm 2017 đến năm 2020, các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận. Nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa phong phú đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về số lượng, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, vừa góp phần chuyển hóa những năng lượng tinh thần tích cực trong mỗi người dân, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước. Trong giai đoạn 2021 - 2030, Bình Dương phấn đấu tăng doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp từ 1,5% - 2% trong tổng GRDP của tỉnh.

Như vậy, nhờ khai thông và phát huy được sức mạnh từ các nguồn lực, trong đó có nguồn lực quan trọng là văn hóa, thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên về cả vật chất và tinh thần(1). Đời sống văn hóa ngày càng có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục, xây dựng nhân cách, bản lĩnh, tài năng, trí tuệ con người tỉnh Bình Dương và góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

3- Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Dương vẫn còn một số hạn chế. Công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu. Thực tế cho thấy, văn hóa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và sự tăng trưởng của kinh tế. Hiệu quả quản lý văn hóa ở một số địa phương chưa cao. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ còn không ít bất cập. Sự xung đột giữa các yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại có xu hướng gia tăng. Đời sống văn hóa của một bộ phận dân cư nông thôn và không ít công nhân ở các khu công nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng, dẫn đến chất lượng cuộc sống chưa cao. Sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết...

Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, con người Bình Dương trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm sự phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương chủ trương tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp: 

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Đẩy mạnh xây dựng con người Bình Dương phát triển toàn diện, với những chuẩn mực văn hóa, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; tác phong công nghiệp; có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự trọng, tự chủ; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; có ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, năng động, sáng tạo, hiếu khách, sống có nghĩa, có tình, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nếp sống văn minh, có khát vọng xây dựng và phát triển quê hương; từ đó, có những hành động thiết thực để vừa bảo tồn, gìn giữ, vừa phát huy những di sản văn hóa quý giá của địa phương, đồng thời không ngừng nỗ lực sáng tạo để làm giàu thêm nguồn tài nguyên văn hóa, tạo sức mạnh nội sinh cho tỉnh Bình Dương trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa. Chú trọng đầu tư những thiết chế văn hóa phù hợp, thiết thực; đẩy mạnh dân chủ trong hoạt động sáng tạo - quảng bá - tiêu dùng các sản phẩm văn hóa; khuyến khích năng lực sáng tạo của các nghệ sĩ và người dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU, ngày 12- 9-2014, của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch số 3257/KH-UBND, ngày 21-9- 2015, của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Quyết định số 1479/QĐ-UBND, ngày 8-6-2020, của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030… Chú trọng đầu tư nguồn lực cho phát triển giáo dục - đào tạo; phát triển mạnh mẽ và quản lý có hiệu quả lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo chí - xuất bản trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị và hiện đại hóa nông thôn, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới với mô hình “Làng thông minh”, đô thị văn minh. Phấn đấu hằng năm có trên 96% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 80% khu phố đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”, 60% ấp đạt danh hiệu “Ấp văn hóa”, 50% khu nhà trọ đạt danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa ” và trên 96% cơ quan, đơn vị đạt “chuẩn văn hóa”. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh, thiếu nhi, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Xây dựng tiêu chí văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước, “văn hóa doanh nghiệp”, “doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh. Huy động các nguồn lực đầu tư, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Có chế tài xử lý mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi xâm hại văn hóa dân tộc. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, loại trừ những tư tưởng phản động, các sản phẩm phi văn hóa, độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người tỉnh Bình Dương nói riêng.

Thứ tư, phát huy tổng hợp các nguồn lực trong xã hội để phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt là đối với di sản đã được UNESCO công nhận(2). Thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích cấp quốc gia nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, các lễ hội truyền thống dân gian địa phương, Nhà nước thực hiện vai trò quản lý. Đẩy mạnh việc trao đổi chương trình biểu diễn nghệ thuật hằng năm giữa Đoàn Ca múa nhạc dân tộc với các tỉnh trong cụm miền Đông Nam Bộ, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)_Nguồn: dulichbinhduong.org.vn

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Khai thác và phát huy tốt nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp cũng như chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa trong quá trình phát triển du lịch. Đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm, là biểu tượng văn hóa của Bình Dương đạt tiêu chí hiện đại, đủ điều kiện tổ chức các hoạt động quan trọng cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.

Thứ sáu, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài về công tác tại tỉnh Bình Dương, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới công tác quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nói riêng, theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương trong bối cảnh hội nhập. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo của trường văn hóa - nghệ thuật, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh những nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương và cả nước./.

-----------------

(1) Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 9,5% (xếp thứ ba cả nước). Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) vẫn đạt 389.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP vẫn đạt 6,91%, GRDP bình quân đầu người đạt 158,1 triệu đồng, thuộc nhóm cao của cả nước. Năm 2021, GRDP đạt hơn 408.800 tỷ đồng (tăng 2,62% so với năm 2020), GRDP bình quân đầu người đạt 152,2 triệu đồng (đứng thứ 3 toàn quốc)
(2) Bình Dương là một trong số 21 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể