TCCS - Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, thực hiện chức năng giải trí, mà còn góp phần thực hiện chức năng giáo dục, bồi đắp các giá trị thẩm mỹ, chức năng kế tục và phát triển lịch sử... Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm gần đây, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta được tập trung phát triển; tuy nhiên, bên cạnh những thành công, cũng còn những hạn chế nhất định.
1- Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Những giá trị văn hóa đó có thể là những giá trị vật chất, cũng có thể là những giá trị tinh thần. Nếu coi văn hóa là toàn bộ những gì do con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu của mình trong quá trình phát triển và khi con người xuất hiện, tạo ra các vật dụng sử dụng trong đời sống sinh hoạt của mình thì chúng đều được coi là các sản phẩm văn hóa theo nghĩa rộng. Theo nghĩa hẹp, các sản phẩm nào thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người đều được coi là sản phẩm văn hóa. Khi các sản phẩm văn hóa được đưa ra trao đổi, mua bán trên thị trường thì trở thành hàng hóa văn hóa. Bên cạnh các sản phẩm văn hóa vật thể, còn có một dạng hàng hóa văn hóa khác được đem ra trao đổi, mua bán trên thị trường, đó là các dịch vụ văn hóa. Dịch vụ văn hóa là các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, phục vụ cho nhu cầu văn hóa của con người và được trả công, như dịch vụ văn hóa du lịch tâm linh, về nguồn, dịch vụ văn hóa trải nghiệm… Theo đó, có thể coi sản phẩm và dịch vụ văn hóa là kết quả của quá trình hoạt động lao động, sáng tạo của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người, được trao đổi, mua bán trên thị trường.
Mỗi sản phẩm và dịch vụ văn hóa luôn chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống cũng như giá trị văn hóa hiện đại của dân tộc. Những nét đặc sắc về phong tục, tập quán, lối sống của một dân tộc thường được thể hiện một cách sâu lắng qua các tác phẩm nghệ thuật, qua các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa; biểu hiện sắc thái dân tộc, địa phương, vùng, miền. Chúng cũng thể hiện tư tưởng, quan niệm sống, đối nhân xử thế, lối sống của một cộng đồng, xã hội đương đại. Vì vậy, với những sản phẩm và dịch vụ văn hóa lành mạnh, việc tiêu dùng chúng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của bản thân người sử dụng. Đó chính là chức năng giáo dục, định hướng giá trị, giải trí… cho người tiêu dùng của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Bên cạnh giá trị tinh thần, việc tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giá trị kinh tế cho cộng đồng, đất nước. Việc tiêu dùng chúng, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ văn hóa của Việt Nam, như các tác phẩm nghệ thuật truyền thống, dịch vụ văn hóa du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử, văn hóa… sẽ góp phần nâng cao tinh thần dân tộc, khơi dậy tinh thần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2- Với điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, với hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng về các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có chất lượng cao. Đó là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, về những anh hùng giải phóng dân tộc, như các tác phẩm điện ảnh; các chương trình du lịch tham quan di tích lịch sử, cách mạng… Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, phim Việt Nam có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu năm 2009 đến 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15-25 phim, thì năm 2019 là 41 phim; về doanh thu, năm 2009 đạt 54 tỷ đồng từ phim Việt Nam, năm 2019 tăng lên 1.210 tỷ đồng(1)... Bên cạnh việc mang lại những giá trị kinh tế, giải trí, thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế có nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam truyền thống và đương đại, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, định hướng giá trị đúng đắn cho mỗi người, đặc biệt là tầng lớp trẻ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội”(2).
Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa phong phú, đa dạng so với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu văn hóa ngày càng cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, trong khi đây là những tầng lớp, lực lượng rất cần có những sản phẩm và dịch vụ văn hóa lành mạnh để giáo dục, bồi dưỡng thế giới quan, nhân sinh quan và phát triển nhân cách. Một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa khi đưa ra thị trường chạy theo lợi nhuận, thị hiếu tầm thường, chưa có tính giáo dục cao, làm ảnh hưởng đến quan niệm về giá trị, về nhân sinh quan của người tiêu dùng, thụ hưởng. Chẳng hạn, hiện có một số bài hát được sáng tác không thể hiện cái đẹp trong nghệ thuật, mà là để dùng “công kích” cá nhân. Ở một số lĩnh vực, sản phẩm và dịch vụ văn hóa nước ngoài vẫn chiếm số lượng lớn, trong khi sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam lại “lép vế”, như một số chương trình trò chơi trên truyền hình hiện nay có format của nước ngoài, thậm chí có những chương trình chưa được “Việt hóa” gây phản cảm. Phim ảnh nước ngoài sản xuất chiếu ngoài rạp vẫn chiếm thị phần lớn. Tỷ lệ phim Việt Nam phát hành tại rạp chỉ chiếm từ 30% đến 35% tổng số phim phát hành trên hệ thống rạp(3). Sách cho thiếu nhi chủ yếu là các tác phẩm được mua bản quyền từ nước ngoài (khoảng 70 - 80%)(4). Có thể thấy, việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ văn hóa do nước ngoài sản xuất, bên cạnh mặt tích cực là công chúng được tiếp xúc với sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, song mặt khác, cũng đưa lại những hệ lụy không hề nhỏ. Việc tiếp xúc nhiều với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa nước ngoài, trong chừng mực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến quan niệm về giá trị, về nhân sinh quan của người tiêu dùng Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa của đất nước nói chung còn chưa phát triển, lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở Việt Nam cung ứng ra thị trường chưa phong phú, người sáng tạo, sản xuất chưa nắm bắt tốt thị hiếu người tiêu dùng; hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ văn hóa chưa chặt chẽ, vẫn còn kẽ hở cho những sản phẩm và dịch vụ phản văn hóa phát tán trên thị trường và tác động thiếu tích cực đến công chúng.
3- Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là hàng hóa thông thường, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, mà còn là loại hàng hóa đặc biệt, chứa đựng và phản ánh những giá trị văn hóa Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc và thời đại. Để các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng phát huy được vai trò, tác động tích cực, trong thời gian tới, cần thực hiện một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Nếu thị trường không phát triển thì các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không có đầu ra. Quá trình lưu thông, phân phối đến người sử dụng, công chúng bị “đứt gãy” sẽ triệt tiêu sản xuất, từ đó triệt tiêu sức sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Do đó, cần phải “hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa… lành mạnh góp phần làm tốt công tác… tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xu hướng phát triển xã hội, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”(5). Để làm được điều này, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, như Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, cá thể, bởi phần lớn các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa đều là có những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Cần đa dạng hóa các loại sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phù hợp với mọi nhu cầu văn hóa của các đối tượng, vùng, miền, lứa tuổi, giới tính khác nhau. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến sản phẩm và dịch vụ văn hóa dành cho thanh thiếu nhi, bởi đây là các đối tượng đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhân cách. Việc sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sẽ góp phần quan trọng nâng cao trình độ, nhận thức của các đối tượng này. Việc phát triển ra thị trường nước ngoài cũng cần được chú ý, bởi đây là kênh quảng bá hiệu quả hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Thứ hai, phát huy vai trò của các chủ thể trong sáng tạo, sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Đối với Nhà nước, cần thể chế hóa các quan điểm của Đảng liên quan đến việc sáng tạo, sản xuất, phát triển cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm trên thị trường. Vốn là loại hình sản phẩm và dịch vụ đặc thù, nếu sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tâm hồn, lý tưởng sống của các tầng lớp nhân dân thì hậu quả sẽ khó lường. Vì thế, cần “kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm… độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(6), “tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ… Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật”(7). Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với một số sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc thù ở một số ngành, khu vực mà các doanh nghiệp ít đầu tư, như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các thị trường ở vùng sâu, vùng xa... Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo và có sức lan tỏa.
Những người sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có vai trò quan trọng, nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng(8). Do đó, cần bồi dưỡng lực lượng này về chuyên môn, kỹ năng kinh doanh, ngoại ngữ, ý thức chính trị, đạo đức... Nếu thiếu lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng và lối sống lành mạnh thì đội ngũ sáng tác khó có thể sáng tạo, sản xuất những sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa lành mạnh, có chất lượng để phục vụ nhân dân; đồng thời, tôn trọng, “bảo đảm quyền… tự do sáng tạo trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”(9), “khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”(10). Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các chủ thể sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm văn hóa và những người tham gia cung cấp các dịch vụ văn hóa.
Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích, thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Không có “cầu” thì cung sẽ không phát triển. Do đó, cần phải “kích cầu” để “cung” phát triển. Bên cạnh đó, phải nâng cao trình độ dân trí cho người dân. Một cộng đồng có trình độ dân trí cao sẽ biết cách lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ văn hóa lành mạnh; đồng thời sẽ nói “không” với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa thấp kém, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường. Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao trình độ, khả năng thụ hưởng, thẩm thấu các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc thù, như nghệ thuật truyền thống cho công chúng, bởi nếu thiếu kiến thức, khả năng hiểu biết, thì khó có thể tiêu dùng một cách thực sự hữu ích những sản phẩm và dịch vụ văn hóa này.
Các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Do đó, cần nâng cao trình độ tiếp thị, tìm hiểu nhu cầu văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và quốc tế; có chế độ ưu đãi về thuế, vốn, và các nguồn lực khác để khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xã hội tích cực tham gia vào quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa.
Khoa học - công nghệ có vai trò quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Việc ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ làm cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa dễ dàng đến với công chúng hơn. Chẳng hạn, trước đây, để thưởng thức một tác phẩm văn học, điện ảnh ở nước ngoài, độc giả, khán giả Việt Nam cần thời gian mới có thể tiếp cận được, thì ngày nay, có thể thưởng thức cùng thời gian với công chúng trên thế giới nhờ internet. Do đó, cần ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, lưu thông, phân phối các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số…, đồng thời để đo lường thị hiếu, nhu cầu văn hóa của nhân dân, lưu giữ các sản phẩm truyền thống, phục chế các sản phẩm đã bị hư hại hoặc không còn tồn tại (như việc phục dựng chùa Diên Hựu bằng phim 3D, trải nghiệm kiến trúc chùa Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo)… để thu hút được công chúng tốt hơn.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sáng tạo, sản xuất, lưu thông, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa là kênh đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Hợp tác quốc tế không chỉ giúp người dân có nhiều cơ hội được tiếp cận, tiếp thu các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tiên tiến của thế giới, mà còn là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để Việt Nam giới thiệu, quảng bá hình ảnh ra thế giới. Do đó, cần “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực… văn hóa, du lịch”(11); tăng cường việc tham gia trao đổi, hợp tác với các đối tác nước ngoài thông qua các hội chợ văn hóa, hội thảo khoa học,.../.
------------------
(1) Xem: Ngô Phương Lan: “Hiện thực hóa nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hien-thuc-hoa-nen-cong-nghiep-dien-anh-viet-nam-654056, truy cập ngày 20-8-2021
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 64
(3) Xem: Nguyễn Lê: “Điện ảnh Việt Nam doanh thu ngàn tỷ, doanh nghiệp Hàn lấn lướt”, https://baodautu.vn/dien-anh-viet-nam-doanh-thu-ngan-ty-doanh-nghiep-han-lan-luot-d148644.html, truy cập ngày 25-8-2021
(4) Tống Mai: “Thị trường sách thiếu nhi: “Hàng nội” thất thế”, https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-sach-thieu-nhi-hang-noi-that-the-69552.html, truy cập ngày 3-10-2021
(5), (6), (7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 263, 146, 145
(8) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-xay-dung-giu-gin-chan-hung-va-phat-trien-nen-van-hoa-cua-dan-toc, truy cập ngày 28-11-2021
(9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 263-264, 145, 164
Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển  (02/12/2021)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (27/11/2021)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm