Nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay

PGS, TS. LÊ VĂN CƯỜNG
Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
11:42, ngày 18-11-2021

TCCS - Việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả, nên kết quả vẫn chưa thực sự tương xứng với chủ trương của Đảng đề ra. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, góp phần tăng cường toàn diện công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới.

Tập trung xây dựng các tổ chức đảng, đảng viên, trong doanh nghiệp tư nhân

Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới vai trò của kinh tế tư nhân. Theo Người, những hoạt động ích nước lợi dân, có lợi cho các bên đều được Chính phủ ủng hộ. Trong thư gửi các giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”(1).

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, Đại hội VI của Đảng với tinh thần mở cửa, phát huy mọi nguồn lực, đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, người dân được đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Đại hội VII của Đảng khẳng định: “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”(2). Đại hội VIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách này, khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh; đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh”(3). Nhà nước tạo mọi điều kiện về kinh tế và pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đồng chí Trần Thị Phúc Lộc (đứng giữa), 5 năm tuổi đảng (Công ty TNHH NMS Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản, tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam) hướng dẫn công việc cho 2 đảng viên dự bị_Ảnh: TTXVN

Đại hội IX xác định: “Kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển mạnh và lâu dài”(4). Đến đại hội X, kinh tế tư nhân được xác định chính thức là thành phần kinh tế, được khuyến khích phát triển: “Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử; bảo đảm thực sự bình đẳng, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh được tiếp cận các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng của Nhà nước, kể cả quỹ hỗ trợ phát triển; được đáp ứng thuận lợi nhu cầu sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn của tư nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều chủ sở hữu với hình thức công ty cổ phần”(5). Đại hội XI khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”(6).

Đại hội XII nhấn mạnh: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên”(7). Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển, nhất là dịch vụ du lịch, sản xuất ôtô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, dịch vụ y tế, giáo dục và các khu đô thị. Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế”(8).

Cùng với việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, của chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(9).

Để cụ thể hóa chủ trương trên, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về vấn đề này(10). Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là việc cắt giảm các điều kiện đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân được đẩy mạnh, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, tính đến 31-12-2020, toàn Đảng có 51.960 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 5.224.156 đảng viên. Trong khối doanh nghiệp tư nhân ngoài nhà nước có 3.276 tổ chức cơ sở đảng, gồm 868 đảng bộ cơ sở, 2.478 chi bộ cơ sở; 5.369 tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ cơ sở, gồm 50 đảng bộ bộ phận, 5.319 chi bộ trực thuộc, với tổng số đảng viên là 99.046. Riêng doanh nghiệp tư nhân có 375 tổ chức cơ sở đảng, gồm 78 đảng bộ cơ sở, 297 chi bộ cơ sở; 1.023 tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ cơ sở, gồm 14 đảng bộ bộ phận, 1.009 chi bộ trực thuộc, với tổng số đảng viên là 16.419. Số tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân và số lượng đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng tăng lên. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Việc xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp. Tổ chức đảng là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp; qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng sẽ gương mẫu trong thực hiện các hoạt động của mình, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, như bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, đóng và tham gia nghĩa vụ thuế đầy đủ,...

Đảng ta luôn quan tâm xây dựng các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động (Trong ảnh: Đồng chí Lê Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam, đảng viên Chi bộ cơ sở Công đoàn khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn công tác đoàn thể cho đoàn viên công đoàn trong khu công nghiệp)_Ảnh: TTXVN

Những khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân vẫn còn những hạn chế, tồn tại:

Thứ nhất, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân cho rằng, người lao động muốn vào Ðảng và tham gia sinh hoạt đảng sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; do đó, chưa quan tâm đúng mức đến việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; hệ quả là số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân còn mỏng, yếu, chưa đủ mạnh để nâng cao hiệu quả hoạt động. Thiếu sự ủng hộ của giới chủ doanh nghiệp và sự giúp đỡ của các cấp ủy ở địa phương, cho nên hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ, đoàn thể chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển đảng viên, hội viên.

Thứ hai, một bộ phận người lao động không mặn mà đối với việc được đứng trong hàng ngũ của Đảng, lo ngại việc sinh hoạt chi bộ, học tập lý luận chính trị sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Ngoài ra, nhiều công nhân thường xuyên phải thay đổi công việc, dẫn đến khó khăn trong công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng, sinh hoạt chi bộ. Nhiều người học xong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác làm việc,... Những khó khăn đó là nguyên nhân dẫn đến việc một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân khó kết nạp được đảng viên mới, thậm chí nhiều nơi còn rơi vào tình trạng “trắng” tổ chức đảng.

Thứ ba, vai trò của nhiều tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân còn mờ nhạt; nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng; chất lượng sinh hoạt đảng còn nhiều hạn chế. Nhiều đảng viên chưa phát huy được tính tiên phong, gương mẫu, chưa tạo được niềm tin cho chủ doanh nghiệp và giúp cho người lao động xác định mục tiêu phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan: 1- Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân là vấn đề mới và khó, nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; không ít cấp ủy còn lúng túng trong triển khai thực hiện; 2- Nhận thức của nhiều cấp ủy chưa sâu sát với tình hình cụ thể, chưa có phương pháp đúng, cách làm thiếu sáng tạo. Trong nhiều tổ chức đảng, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng; 3- Các quy định, quy chế, về hướng dẫn xây dựng tổ chức đảng thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp với đặc thù của từng đơn vị kinh tế tư nhân; 4- Một số tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự là cầu nối gắn bó thường xuyên giữa người lao động với chủ doanh nghiệp; chưa là chỗ dựa tin cậy, đóng góp thiết thực, cụ thể vào sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp; 5- Một số chủ doanh nghiệp và người lao động nhận thức chưa đầy đủ về Đảng, ngại tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, vẫn còn tâm lý cho rằng tổ chức đảng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,...

Một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới

Một là, thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục bồi dưỡng, kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Cùng với đó, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân phải đổi mới hoạt động, phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; đồng thời, quan tâm phối hợp với chủ doanh nghiệp, chăm lo đời sống cho người lao động, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, để họ có nhận thức đúng đắn về Đảng và tự giác phấn đấu vào Đảng.

 

Hai là, mạnh dạn đưa các chủ doanh nghiệp tư nhân tham gia các khóa đào tạo về lý luận chính trị cả ở trình độ trung cấp lý luận chính trị và từng bước thí điểm tham gia các lớp học cao cấp lý luận chính trị. Với quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. “phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%”(11).

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy, tỷ lệ số tổ chức đảng, đảng viên của doanh nghiệp tư nhân còn rất thấp; do đó, cần có những đột phá trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, như đơn giản hóa các khâu, các bước trong hồ sơ, thủ tục để kết nạp đảng viên.

Gốm đất Việt - một điểm sáng trong phát triển đảng viên ở doanh nghiệp tư nhân (Trong ảnh: Sản xuất gạch ngói cao cấp tại Công ty cổ phần Gốm đất Việt)_Ảnh: TTXVN

Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở phải phân công cấp ủy viên, cán bộ phụ trách tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân. Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức đảng, đảng viên, cần rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên; đề ra giải pháp, nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động. Đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy các cấp chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, khi có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và đang làm việc ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, thì tiến hành thành lập chi bộ; nếu số lượng đảng viên chưa đủ để thành lập chi bộ, cần chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một số tổ chức đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ mới.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, như Công đoàn, Đoàn thanh niên tham gia vào hoạt động nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Hoạt động của công đoàn hướng tới giáo dục, động viên người lao động chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; thi đua lao động, sản xuất, nâng cao tay nghề, tích cực tham gia các đoàn thể nhân dân, phấn đấu trở thành đảng viên. Đối với những doanh nghiệp chưa có đảng viên, nhưng có tổ chức công đoàn, cấp ủy cơ sở nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, phân công cấp ủy viên và đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết để nâng cao chất lượng các tổ chức đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát huy những ưu điểm, kịp thời nhận diện những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời, tìm cách khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết để rút ra những mô hình mới, cách làm hay, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu; tổ chức các cuộc đối thoại, tọa đàm về công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân và mời chủ doanh nghiệp tham dự để nhận thức rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng và các đoàn thể - nhân dân trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay./.

-----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 53
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 116
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 24
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 161
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 236 - 237
(6) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 209
(7) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 292
(8) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 30
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 113
(10) Như Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; gần đây nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.
(11) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 126