Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương triển khai quyết định của Ban Bí thư về phối hợp công tác giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp
TCCS - Ngày 14-6-2021, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026. Đây là việc làm cụ thể nhằm thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30-9-2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm”.
Dự Lễ ký kết có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, bao gồm hầu hết các ngành, lĩnh vực trọng yếu, có vai trò quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, trong đó có nhiều vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm. Bên cạnh đó, hoạt động của Bộ Công Thương tác động hằng ngày, hằng giờ lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành công thương trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, rất cần có sự chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, người dân. Đặc biệt, ngành tuyên giáo cùng các cơ quan thông tin, tuyên truyền có vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin và dư luận xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cũng như những chỉ đạo, điều hành của ngành công thương; trong việc tập hợp, phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân chung quanh các lĩnh vực mà Bộ Công Thương được giao quản lý.
Phát biểu tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Quyết định số 238-QĐ/TW đặt ra nhiệm vụ rất quan trọng là phối hợp để thống nhất định hướng trong giải quyết những vấn đề nổi cộm, những vấn đề không khéo giải quyết sẽ thành “điểm nóng”. Trong thực tiễn, nhiều sự kiện, vấn đề do định hướng thông tin phối hợp chưa kịp thời, sau đó đã trở thành vấn đề nổi cộm. Bên cạnh đó, Quyết định số 238-QĐ/TW cũng là quá trình vận động, phát triển, đổi mới trong đường lối, quan điểm và phương pháp lãnh đạo của Đảng ta. Việc phối hợp trong hoạt động giữa các ban của Đảng nói chung, cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương với các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt qua các thời kỳ. Nhưng tình hình mới đặt ra yêu cầu chúng ta cần làm tốt công tác này hơn nữa nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội. Trong tất cả các hoạt động, cần có thống nhất về nhận thức trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, trong điều kiện mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự bùng nổ thông tin cũng như hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phối hợp nói trên càng có ý nghĩa thiết thực.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao việc Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên triển khai chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương theo Quyết định số 238-QĐ/TW. Bộ Công Thương có chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng, quản lý khá toàn diện, đa ngành về cả “công lẫn thương”, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, trong đó có nhiều lĩnh vực yêu cầu là khâu đột phá lớn trong sự phát triển và hội nhập của đất nước hiện nay. Do đó, trong tổ chức, thực hiện cần có sự lãnh đạo, định hướng, thống nhất, đồng thời phải có lực lượng, chiến thuật và chiến lược rõ ràng, hiệu quả… Theo đó, nội dung phối hợp bao gồm:
Một là, thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của ngành công thương. Phối hợp cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu chính thống, chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, địa bàn trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ để làm căn cứ, luận cứ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.
Hai là, tăng cường công tác dự báo, định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, nhạy cảm, phức tạp liên quan đến ngành công thương có thể tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, như năng lượng, giá điện, an ninh cung cấp điện, các dự án quy hoạch điện, các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), giá xăng dầu, an toàn môi trường.
Ba là, phản ánh kịp thời công tác điều hành của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cầu, phát triển thị trường trong nước; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh; hoạt động sản xuất công nghiệp; triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, ô-tô, chế biến, chế tạo.
Bốn là, đẩy mạnh thông tin, truyền thông về các kết quả hoạt động nổi bật của Bộ Công Thương trong công tác điều hành nhằm phát triển thị trường nước ngoài, công tác điều hành, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa; các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Năm là, tăng cường phổ biến thông tin về các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết; hoạt động phòng vệ thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kết quả xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh; hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về pháp luật cạnh tranh; phối hợp tổ chức các chương trình cung cấp thông tin cơ bản về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí./.
Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội  (26/05/2021)
Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ  (19/02/2021)
Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương  (07/01/2021)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên