Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững
TCCS - Ngày 12-10-2020, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”.
Các đồng chí: GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các nhà khoa học, nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị. Các doanh nghiệp nhà nước hiện chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia, như năng lượng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, lương thực, dịch vụ cảng hàng không...
Tuy nhiên, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trong nhiều năm qua, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước không cao và chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước còn bất cập. Các doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy vai trò chủ đạo trong khu vực kinh tế nhà nước và nền kinh tế. Một số doanh nghiệp nhà nước yếu kém, làm ăn thua lỗ, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội.
Nhận thức rõ về vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, ngày 3-6-2017, Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước đã từng bước thực hiện theo đúng chủ trương Nghị quyết số 12-NQ/TW, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh. Về cơ bản, các cơ chế, chính sách hiện nay đã bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, tiến trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán còn chưa thực hiện được nhiều; việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, không vì sự thiếu hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước mà phủ nhận tầm quan trọng của khu vực này. Kinh tế nhà nước, trong đó các doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt, "những quả đấm thép", phải giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều quan trọng là cần xác định đúng vai trò, chức năng của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng… để có những chủ trương, chính sách phù hợp; cần tránh cả hai thái cực, đó là chuyển từ chỗ quá đề cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước đến chỗ coi nhẹ khối doanh nghiệp này.
GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường; phải đảm đương sứ mệnh kép vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước cần khai thác năng lực cốt lõi, tập trung phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thay vì đầu tư, kinh doanh dàn trải.
Để thực hiện được sứ mệnh của mình tương xứng với tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực được đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước cần xây dựng được mô hình quản trị hiện đại, theo những chuẩn mực chung của thế giới, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước đã đảm trách vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như tài chính - ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, viễn thông, giao thông vận tải, cung ứng xăng dầu, lương thực… vừa bảo đảm nền tảng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành kinh tế khác, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước còn bảo đảm là nguồn thu quan trọng, ổn định cho ngân sách nhà nước. Chỉ tính riêng 33 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương, kết quả sản xuất, kinh doanh từ năm 2016 đến 2019 có sự tăng trưởng rất tốt, với doanh thu tăng 38% trong giai đoạn này, lợi nhuận trước thuế tăng 60,8%, nộp ngân sách nhà nước tăng 24%...
Năm 2020, các doanh nghiệp nhà nước trong Khối đã cùng cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19 hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ giúp đồng bào từ các vùng dịch trên thế giới, cung cấp hóa chất, vật tư, thiết bị phòng, chống dịch; đặc biệt đã thực hiện miễn, giảm các loại phí, giá dịch vụ, sản phẩm để ổn định thị trường, hỗ trợ đời sống nhân dân và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng giá trị lên tới 24.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhà nước trong Khối cũng là đơn vị đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ triển khai các chương trình an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững lên tới trên 9.000 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp cho 54/62 huyện nghèo trong cả nước. Các doanh nghiệp nhà nước cũng giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh các lĩnh vực thiết yếu của đất nước, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tiền tệ…, để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước.
Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng khẳng định, các doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế, yếu kém, như hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; công tác quản trị còn yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu quản trị doanh nghiệp hiện đại; còn không ít sai sót, yếu kém trong quản lý và sử dụng đất đai, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Mặc dù vậy, tầm quan trọng và những kết quả, đóng góp to lớn của doanh nghiệp nhà nước cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là rõ ràng, không thể phủ nhận.
Hội thảo nhận được 32 tham luận và 12 ý kiến phát biểu trực tiếp, đề cập nhiều chiều cạnh sâu sắc, từ các vấn đề đang bức thiết đặt ra trong thực tiễn, đến những vấn đề lý luận cần được làm rõ hơn hoặc bổ sung liên quan tới vai trò, vị trí, chức năng, yêu cầu đặt ra... đối với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến của lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước tâm huyết và sâu sắc, gợi mở nhiều hàm ý đối với việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện mới.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn cho rằng, các tham luận, ý kiến tại Hội thảo tập trung vào ba nhóm vấn đề sau:
Nhóm thứ nhất, khẳng định, nêu bật vị trí, vai trò, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trên những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế, về quốc phòng - an ninh, kết cấu hạ tầng... để bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, thông qua những con số, dữ liệu thực tế rất sinh động, thuyết phục, minh chứng qua nhiều vấn đề, sự kiện, mà nổi bật là đại dịch COVID-19 đã và đang xảy ra…
Nhóm thứ hai, các bài viết, các ý kiến nhận diện các “điểm nghẽn”, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào: 1- Xung quanh về những vướng mắc, bất cập, "điểm nghẽn" của thể chế nói chung đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; 2- Về cơ chế quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn đầu tư tại doanh nghiệp; 3- Xung quanh mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước theo mô hình quản trị hiện đại của thế giới, đặt trong yêu cầu hướng đến xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, minh bạch; về mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước; 4- Giải quyết những vấn đề vướng mắc khác trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, như thoái vốn, phát triển vốn, giải phóng mặt bằng, kết nối giữa doanh nghiệp nhà nước với khu vực kinh tư nhân, FDI, vấn đề đầu tư, phát triển ngoài ngành…
Nhóm thứ ba, các đại biểu đề xuất, kiến nghị giải quyết các “điểm nghẽn”, những vấn đề đặt ra về cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: 1- Đổi mới tư duy mạnh mẽ về doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ; 2- Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích; 3- Mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước cần có cơ chế tăng quyền tự chủ, cơ chế bảo vệ, "hậu kiểm"…/.
Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tố Hữu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”  (03/10/2020)
Hội thảo “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”  (27/09/2020)
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại  (24/09/2020)
Hà Nội: Để đạt lợi ích kép thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững  (16/09/2020)
Hợp tác chiến lược giữa Printgo và Công ty TNHH MTV In Tạp chí Cộng sản  (10/09/2020)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên