Là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước, Thủ đô Hà Nội còn là nơi thể hiện sâu sắc lòng biết ơn, tình cảm chân thành, nồng ấm của nhân dân cả nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trong suốt 60 năm qua, công tác này đã được Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô quan tâm, chung sức, đồng lòng làm dịu đi những hi sinh, mất mát của những người, những gia đình đã hiến dâng máu xương và cuộc sống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.

Hà Nội hiện có gần 40 vạn người có công với cách mạng, chiếm khoảng 13% dân số; trong đó, có khoảng 40 ngàn người hưởng trợ cấp thường xuyên, 2 vạn thương, bệnh binh, 2,4 vạn liệt sĩ, 781 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (có 59 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống).

Thấm nhuần đạo lý truyền thống cao đẹp "Uống nước, nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" và quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, 60 năm qua, Đảng bộ Hà Nội luôn dành cho công tác thương binh, liệt sĩ sự quan tâm đặc biệt; coi đó là một nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Trong những năm kháng chiến, hoàn cảnh kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Thành phố vẫn luôn dành cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách sự giúp đỡ, ưu đãi về nhiều mặt như: tạo việc làm phù hợp, ưu tiên trong phân phối sản phẩm, phân phối thu nhập, ưu tiên trong chế độ cung cấp tem phiếu, lương thực, thực phẩm, ưu tiên chăm sóc sức khỏe, v.v... Với sự quan tâm đặc biệt đó, các thương binh, gia đình liệt sĩ đã vợi đi phần nào nỗi đau, giảm bớt được khó khăn, bảo đảm ổn định cuộc sống.

Khi nền kinh tế đất nước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, trong các tầng lớp dân cư có sự phân hóa thu nhập giàu, nghèo. Một bộ phận các gia đình chính sách gặp không ít khó khăn, vất vả. Để khắc phục tình trạng trên, Thành ủy Hà Nội đã phát động toàn dân tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 chương trình tình nghĩa, nhằm giúp các gia đình chính sách vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, như: chương trình nhà ở và đời sống. Chương trình tiếp tục đón thương binh nặng của Hà Nội đang an dưỡng tại các trại thương binh về gia đình. Chương trình xây dựng, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia ghi công liệt sĩ. Chương trình củng cố các cơ sở sản xuất của thương, bệnh binh và người tàn tật và Chương trình xây dựng quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa".

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1997), Thành ủy đã có Chỉ thị chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy trong việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; chăm lo nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình có công; tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" trong giai đoạn mới, Thành ủy khóa XIII đã ban hành Thông tri số 05-TT/TU (ngày 13-6-2002), trong đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những việc còn tồn đọng trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công qua các thời kỳ cách mạng; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực trong việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; quan tâm hơn nữa tới việc dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ những gia đình chính sách đang gặp khó khăn về đời sống; chăm lo giáo dục, đào tạo con thương binh, con bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14-12-2006 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình hành động và phong trào thi đua, lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ với những chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể, thiết thực như: Phấn đấu 100% hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo vươn lên thoát nghèo, các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, hỗ trợ 300 gia đình chính sách có khó khăn cải thiện nhà ở, v.v...

Có thể khẳng định rằng, sự quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với những người có công với cách mạng là chủ trương và việc làm nhất quán, thường xuyên của Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Trong suốt những thập niên qua, nhất là trong những năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và chính quyền Thành phố Hà Nội đã hết sức coi trọng công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ; quan tâm lãnh đạo cả hệ thống chính trị của Thành phố vào cuộc, làm cho công tác này thực sự có chuyển biến về chất, trở thành một phong trào sâu rộng, được xã hội hóa cao, với những việc làm thiết thực như: giúp đỡ và tạo điều kiện học tập cho con em các gia đình liệt sĩ, thương binh; tạo việc làm phù hợp cho các đồng chí thương binh; tổ chức và vận động toàn dân xây dựng quỹ bảo trợ xã hội và đóng góp vào quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" v.v...

Hà Nội là nơi có số lượng người có công rất lớn (gần 40 vạn), nhưng trong những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với những đối tượng này luôn được các cấp, các ngành của Thành phố thực hiện chu đáo, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực:

Về thực hiện chính sách: Tính đến cuối năm 2006, Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng cho trên 2.000 trường hợp. Đã và đang thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp cho gần 380.000 đối tượng, với tổng kinh phí hằng năm khoảng 200 tỉ đồng. Ngoài ra, các chính sách ưu đãi khác với người có công cũng được quan tâm thực hiện chu đáo: cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vốn và đất cho các cơ sở sản xuất của thương binh và người tàn tật, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm thương, bệnh binh, với mức thu nhập bình quân từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng được Thành phố thực hiện rất chu đáo, thể hiện sự quan tâm, biết ơn và trân trọng. Từ năm 2001 - 2005, Thành phố đã xem xét và giải quyết trên 220 hồ sơ xin xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa, 48 hồ sơ xét khen thưởng bậc cao; thực hiện đưa, đón hơn 1.900 cán bộ lão thành cách mạng đi nghỉ dưỡng sức; hằng năm, tổ chức mời, đón tiếp hàng nghìn lượt cán bộ lão thành cách mạng, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, cán bộ kháng chiến đi tham quan và dự kỷ niệm các ngày lễ lớn, v.v..

Về chăm sóc người có công: Cùng với chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thành phố đã tặng trên 36,5 ngàn sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 11,8 tỉ đồng; xây tặng 961 giếng nước, với kinh phí trên 1,2 tỉ đồng; phụng dưỡng trên 2.000 bố mẹ, thân nhân liệt sĩ cô đơn, thương, bệnh binh nặng có hoàn cảnh khó khăn, với mức 100 nghìn - 200 nghìn đồng/tháng.

Công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công cũng được các cấp, các ngành của Thành phố đặc biệt quan tâm. Cùng với việc tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng thương, bệnh binh có thương tật đặc biệt nặng và bố mẹ liệt sĩ cô đơn, Thành phố đã chủ động thực hiện hình thức điều dưỡng luân phiên cho các đồng chí thương, bệnh binh nặng hạng 1 đang sống tại gia đình, điều dưỡng bố mẹ liệt sĩ già yếu, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ năm 1996 - 2005, Hà Nội đã điều dưỡng cho gần 40.000 lượt người, với tổng kinh phí trên 25,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 34,6%; chỉ đạo ngành y tế thực hiện khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sĩ và Ngày Quốc khánh.

Phong trào nhận phụng dưỡng, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng, con liệt sĩ mồ côi, bố mẹ liệt sĩ cô đơn đã được các cơ quan, đơn vị và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài 100% số mẹ Việt Nam Anh hùng của Thành phố được nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến hết đời, Hà Nội còn nhận phụng dưỡng 87 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Về hỗ trợ nhà ở: Thành phố đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, đặc biệt là gia đình liệt sĩ và thương binh nặng, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực (ngân sách thành phố, quận, huyện và đóng góp của các tổ chức, cá nhân); với nhiều hình thức hỗ trợ: tặng nhà tình nghĩa, giao đất làm nhà ở, cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, sửa chữa nhà ở, v.v.. Trong 10 năm đầu thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (1996 - 2005), Thành phố đã xây mới 1.429 nhà tình nghĩa, sửa chữa, nâng cấp 3.809 nhà, với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng; thực hiện chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất và tiền nhà đối với 46.000 trường hợp người có công khi mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, hoặc được giao đất làm nhà. Ngoài ra, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", Thành phố đã hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 3,3 tỉ đồng để xây dựng 217 ngôi nhà tình nghĩa.

Về vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa": Được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, mỗi năm Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" của Thành phố huy động được hàng tỉ đồng để thực hiện các chương trình tình nghĩa chăm lo, hỗ trợ đời sống, việc làm, nhà ở cho những đối tượng người có công gặp khó khăn. Sau 10 năm (1996 - 2005), Thành phố đã huy động được gần 80 tỉ đồng từ nhiều nguồn đóng góp.

Về chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ: Hà Nội hiện có 55 nghĩa trang liệt sĩ, với tổng số 11.756 mộ đã được quy tập. Hầu hết các nghĩa trang đều được tu sửa, nâng cấp; 137 bia, đài tưởng niệm liệt sĩ được xây mới, với tổng kinh phí gần 16 tỉ đồng (ngân sách trung ương hỗ trợ 30%, còn lại 70% từ vận động sự đóng góp). Cùng với trên 2.200 mộ liệt sĩ có tên đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh, Hà Nội còn khoảng 16.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên thuộc mộ khuyết danh, hoặc mộ chưa được quy tập. Đối với những mộ liệt sĩ này, Thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra thông tin, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp, đã cơ bản hoàn thành và đang đối chiếu lại với hồ sơ liệt sĩ để chuẩn bị báo tin mộ liệt sĩ.

Từ đầu năm 2007 đến nay, triển khai các hoạt động chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, Thành phố đã vận động đóng góp được trên 5,7 tỉ đồng ủng hộ các chương trình tình nghĩa và trích từ nguồn đóng góp của các tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài hỗ trợ cho Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" số tiền 300.000 USD. Các quận, huyện đã triển khai xây dựng và sửa chữa 287 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 4,612 tỉ đồng, giao đất cho 13 gia đình xây nhà ở, trao sổ tiết kiệm, trợ cấp khó khăn cho 925 gia đình chính sách. Đặc biệt, Thành phố đang tập trung hoàn thiện 60 căn hộ để bố trí cho các gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở vào dịp 27-7-2007.

* * *

Nhờ cố gắng và quyết tâm cao của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô, công tác chăm sóc các đối tượng chính sách nói chung, chăm sóc thương binh, liệt sĩ nói riêng đã có chuyển biến rõ rệt và đạt được những kết quả rất cơ bản, đời sống vật chất, tinh thần của người có công trên địa bàn Thành phố từng bước được nâng lên. Một trăm phần trăm gia đình chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước.

Bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được, công tác thương binh, liệt sĩ ở Hà Nội còn một số tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục: Do điều kiện chiến tranh, một số hồ sơ lưu trữ ở nhiều địa phương bị thất lạc; vì vậy, việc xác nhận để xét hưởng chế độ đối với người có công còn gặp không ít khó khăn. ở một số cơ sở xã, phường, nhất là ở các xã nghèo, việc chăm lo đời sống, hỗ trợ nhà ở, giải quyết việc làm cho con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, các đối tượng chính sách và gia đình người có công còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức thực hiện chính sách với người có công, cấp xã, phường, thị trấn có vai trò hết sức quan trọng, là nơi trực tiếp thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, song hiện nay, ở cấp cơ sở vẫn chưa có định biên cán bộ làm công tác lao động, thương binh, xã hội.

Từ thực tiễn công tác chăm sóc người có công đối với cách mạng trong thời gian qua ở Hà Nội, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Một là, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác vận động, giáo dục đạo lý truyền thống "uống nước, nhớ nguồn"; làm cho mọi người hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chính trị, xã hội và đạo lý của việc thực hiện tốt công tác ưu đãi, chăm sóc thương binh, liệt sĩ và người có công; thực hiện công tác này với phát triển kinh tế - xã hội bằng tất cả trách nhiệm và tình cảm của mình.

Hai là, việc thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công của Thủ đô cần được xã hội hóa sâu rộng hơn nữa để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong nhân dân. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp giữ vai trò nòng cốt; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có vị trí quan trọng.

Ba là, phải thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách đối với người có công. Thực hiện chính sách ưu đãi người có công phải thật sự công bằng và công khai, chú ý thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi về vật chất với việc thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần, bảo đảm ý nghĩa cao đẹp của công tác này.

Bốn là, sự quan tâm, động viên thường xuyên, kịp thời của cộng đồng đối với người có công, đặc biệt là các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ là hết sức cần thiết, góp phần làm vơi đi những đau thương, mất mát, tạo điều kiện để họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục xác định việc chăm sóc người có công với cách mạng là một nhiệm vụ quan trọng. Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ Thành phố; để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, làm cho mọi người nâng cao nhận thức và trách nhiệm; xác định rõ thực hiện tốt công tác này là nghĩa cử cao đẹp của mỗi công dân và của toàn xã hội. Tiếp tục phát động sâu rộng và vững chắc phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", trong đó, tập trung vào các chương trình cải thiện nhà ở và chăm sóc đời sống các gia đình chính sách có khó khăn.

- Kịp thời có biện pháp hỗ trợ các gia đình chính sách có nhiều khó khăn để tránh tái nghèo. Phấn đấu thực hiện và bảo đảm các gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là các gia đình thương binh, liệt sĩ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của dân cư nơi cư trú. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công. Hoàn thành chương trình quản lý và báo tin mộ liệt sĩ.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách với người có công, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn đang thực thi công vụ trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công. Tiếp tục thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội càng nhận rõ trách nhiệm và lòng biết ơn sâu nặng đối với những người, những gia đình đã không tiếc sức lực, máu xương và chính cuộc sống của mình, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân. Với sự hy sinh của biết bao thế hệ mà chúng ta mới có ngày hôm nay. Bằng những việc làm cụ thể, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô nguyện đem hết sức mình làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, xứng đáng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", góp phần xây đắp nét đẹp mới trong đời sống tinh thần của xã hội.