Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa VN và Ấn Độ
Ngày 6-7, sau cuộc hội đàm tại thủ đô Niu Đêli, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Manmohan Singh đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Toàn văn Tuyên bố như sau:
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ, Tiến sỹ Manmohan Singh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 4 đến ngày 6/7/2007.
2. Lễ đón chính thức Ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức tại Phủ Tổng thống Rashtrapati Bhawan vào ngày 6-7-2007. Trong các hoạt động của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới chào Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Tiến sỹ Abdul Kalam. Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ, Ngài Tiến sỹ Manmohan Singh đã có cuộc hội đàm chi tiết và chủ trì chiêu đãi Ngài Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Chủ tịch Hạ viện, Lãnh tụ phe đối lập Hạ viện và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
3. Ngài Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp cấp cao do các phòng thương mại và công nghiệp hàng đầu cùng phối hợp tổ chức. Cuộc họp lần thứ 5 của Hội đồng Hợp tác Kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ cũng được tiến hành tại Niu Đêli nhân dịp chuyến thăm.
4. Hai vị Thủ tướng đã có cuộc hội đàm sâu rộng vào ngày 6-7-2007 về toàn bộ các lĩnh vực của quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Cuộc hội đàm diễn ra trong bầu không khí ấm áp và thân mật truyền thống vốn là đặc trưng của quan hệ hữu nghị lâu đời và gần gũi giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai vị Thủ tướng đặc biệt tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương và các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, có tính đến sự phát triển và tiềm năng của quan hệ song phương, cũng như những thay đổi to lớn trên trường quốc tế.
5. Hai nhà Lãnh đạo cùng chia sẻ nhận thức rằng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ là hết sức thân thiết và hữu nghị kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng hơn 50 năm trước. Hai nhà Lãnh đạo cũng hài lòng nhắc lại cuộc trao đổi giữa hai bên trước đó tại Cebu, Phi-líp-pin vào tháng 1-2007 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN.
6. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận rằng cuộc gặp này của họ diễn ra vào năm thứ 5 kể từ khi hai nước ký "Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ bước vào thế kỷ 21" tháng 5-2003. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng mặc dù tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị truyền thống thân thiết giữa hai nước vẫn phát triển vững chắc. Cùng ghi nhận những thành tựu trong quan hệ song phương trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hóa, hai nhà Lãnh đạo quyết tâm củng cố quan hệ Việt Nam - Ấn Độ thông qua việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Mới. Quan hệ đối tác này sẽ gắn kết và giúp đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Ấn Độ trong môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng trong những năm tới. Quan hệ Đối tác Chiến lược Mới này sẽ bao gồm các quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hoá, khoa học, kỹ thuật và định hướng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các diễn đàn khu vực và đa phương.
Hợp tác Chính trị, Quốc phòng và An ninh
7. Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các cơ chế sẵn có vào hợp tác song phương giữa hai nước như Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, Tham khảo giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước và ghi nhận những kết quả quan trọng của các chuyến thăm cấp cao song phương gần đây giữa hai nước. Nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Mới được thiết lập giữa hai nước, hai nhà Lãnh đạo đồng ý thiết lập cơ chế Đối thoại Chiến lược ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
8. Nhận thấy vai trò quan trọng của Ấn Độ và Việt Nam trong việc tăng cường an ninh khu vực, hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh sự phát triển vững chắc của quan hệ an ninh, quốc phòng song phương giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ thể chế hiện nay trong hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước và cam kết củng cố hợp tác về cung ứng quốc phòng, các dự án chung, hợp tác đào tạo và trao đổi thông tin tình báo.
9. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí cần phải tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn giữa các tổ chức Quốc phòng và An ninh hai nước.
10. Nhận thấy hai nước đều có lợi ích hàng hải lớn, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường hợp tác về xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai nước trong việc bảo đảm an ninh đường biển, bao gồm chống cướp biển, ngăn ngừa ô nhiễm, tìm kiếm và cứu hộ.
11. Nhận thấy chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất đến hòa bình và an ninh quốc tế, hai nhà Lãnh đạo lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất cứ ai tiến hành, ở bất kỳ đâu và vì bất kỳ mục đích gì và nhấn mạnh không một lý do hay động cơ nào có thể biện minh cho các hoạt động khủng bố. Hai nhà Lãnh đạo quyết tâm củng cố hợp tác song phương trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố một cách toàn diện và lâu dài, và với mục đích này, hai nhà Lãnh đạo nhất trí tổ chức một cuộc họp của các cơ quan liên quan để xác định cách thức và biện pháp nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác chống khủng bố hiện có. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh mạng.
12. Hai nhà Lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng ngoài các cơ hội phát triển, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã đặt ra nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đa dạng như buôn lậu ma túy, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, HIV/AIDS, cúm gia cầm và các dịch bệnh khác. Những vấn đề này có thể giải quyết có hiệu quả thông qua hợp tác quốc tế. Trên tinh thần đó, hai nhà Lãnh đạo quyết tâm củng cố hợp tác song phương trong việc giải quyết các vấn đề này thông qua chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và thông tin.
Hợp tác kinh tế và liên kết thương mại gần gũi hơn
13. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định cam kết của Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam thông qua viện trợ và cung cấp tín dụng ưu đãi cho những lĩnh vực có tầm quan trọng thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trên cơ sở những nhu cầu mà phía Việt Nam đưa ra ở những thời kỳ khác nhau. Thủ tướng Việt Nam bày tỏ đánh giá cao về sự hỗ trợ mà Ấn Độ dành cho Việt Nam.
14. Nhận thấy sự liên kết kinh tế chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể góp phần vào việc chuyển đổi khu vực châu Á rộng lớn hơn thành một "Vòng cung Lợi thế và Thịnh vượng" từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định, hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh những nỗ lực nhằm sớm hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do Ấn Độ - ASEAN. Hai nhà Lãnh đạo chỉ thị Bộ trưởng Thương mại hai nước sớm có cuộc gặp để xây dựng một chiến lược nâng cấp mạnh mẽ hợp tác kinh tế và thương mại song phương, cũng như hình thành một kế hoạch hợp tác trong nhiều diễn đàn khu vực và đa phương. Thủ tướng Ấn Độ nhất trí với đề nghị của Thủ tuớng Việt Nam về việc Ấn Độ hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam hội nhập đầy đủ với nền kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Ấn Độ chúc mừng Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cho rằng điều này sẽ cung cấp thêm một diễn đàn nữa cho sự hợp tác giữa hai nước. Phía Việt Nam đề nghị Ấn Độ công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Phía Ấn Độ ghi nhận tích cực đề nghị của phía Việt Nam.
15. Hai nhà Lãnh đạo hài lòng ghi nhận thương mại hai chiều tăng trưởng vững chắc và quyết tâm tiến hành các biện pháp nhằm nâng tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 2 tỉ USD vào năm 2010. Hai bên cũng lưu ý đến việc Việt Nam chịu thâm hụt thương mại lớn với Ấn Độ và do đó nhất trí tiến hành các biện pháp cần thiết để khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ nhằm giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thương mại hiện nay giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo cũng ghi nhận rằng năm nay chứng kiến chiều hướng đáng hoan nghênh của đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác cần được phát huy thông qua việc đa dạng hóa hàng hóa thương mại và tăng cường đầu tư dựa trên lợi thế bổ sung lẫn nhau sẵn có giữa hai nước. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa các Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước để hỗ trợ khu vực tư nhân thông qua việc thành lập các đầu mối liên hệ cho doanh nghiệp, tổ chức các hội chợ thương mại và hội thảo hàng năm để trao đổi thông tin về kinh nghiệm, cơ hội thương mại, môi trường kinh doanh và đầu tư.
16. Ghi nhận tầm quan trọng của việc cung cấp năng lượng toàn cầu đối với lợi ích quốc gia của mỗi nước, hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh các đề xuất về việc liên doanh và đầu tư chung trong các lĩnh vực có nhiều sự bổ sung lẫn nhau như hiđrô cácbon (dầu khí, than đá) và năng lượng, đồng thời chỉ đạo các công ty dầu khí hai nước tăng cường đối thoại hơn nữa nhằm đạt được các thoả thuận có lợi cho cả hai bên. Phía Việt Nam ghi nhận quan tâm của các công ty Ấn Độ về việc xây dựng các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam và hoan nghênh sự tham gia của các công ty Ấn Độ trong đấu thầu để nhập khẩu dầu thô từ Việt Nam.
17. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường các mối liên kết và giao lưu giữa nhân dân hai nước thông qua việc đẩy mạnh hợp tác du lịch, hàng không và đường biển. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác song phương và hợp tác với các nước hữu quan khác trong ASEAN để thúc đẩy liên kết vận tải đường bộ giữa hai nước.
Hợp tác khoa học và công nghệ
18. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí rằng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Mới giữa Việt Nam và Ấn Độ nhất thiết phải có sự hợp tác mật thiết hơn giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác công nghệ bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu khí hậu, y học, công nghệ nano, công nghệ sinh học và các lĩnh vực khác.
19. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về hợp tác song phương không ngừng gia tăng trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình và các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác. Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận rằng có nhiều tiềm năng hợp tác về khoa học giữa hai nước trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, y tế, khoa học cơ bản, nông nghiệp, quản lý khoa học, vật liệu mới và nghiên cứu khí hậu.
20. Hai nhà Lãnh đạo hài lòng ghi nhận sự hợp tác hiện nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và các dự án về phát triển nguồn nhân lực và tính toán hiệu năng cao đang giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm trên tinh thần tự lực.
21. Thủ tướng Việt Nam hoan nghênh nguyện vọng của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ muốn hợp tác với chương trình không gian của Việt Nam và cho biết phía Việt Nam sẽ cử một đối tác thích hợp cho phía Ấn Độ.
22. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí thúc đẩy những liên kết lớn hơn nữa giữa các viện và trung tâm nghiên cứu và giáo dục của hai nước và chỉ thị cho các cán bộ liên quan của mỗi nước thiết lập sự kết nối giữa các trung tâm được thành lập ở Việt Nam với sự trợ giúp của Ấn Độ nhằm tranh thủ các mặt mạnh của các trung tâm. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí khuyến khích công dân của mình tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật và các học bổng ở quy mô lớn hơn.
23. Phía Việt Nam đồng ý hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như sản xuất đồ gỗ, đồ da. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên cùng có thế mạnh như thương mại và chế biến hải sản. Hai bên cũng nhất trí trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trên thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su...
Hợp tác văn hóa và kỹ thuật
24. Hai nhà Lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ song phương được mở rộng trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy chuyến khảo sát của nhóm các chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ và việc tư vấn của nhóm này trong việc trùng tu các tháp Chàm ở Việt Nam. Phía Việt Nam hoan nghênh đóng góp của phía Ấn Độ trong việc trùng tu các tháp Chàm ở Việt Nam.
25. Thủ tướng Việt Nam bày tỏ đánh giá cao đối với các cơ hội đào tạo dành cho người Việt Nam theo Chương trình Hợp tác kinh tế và kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC), các suất học bổng đại học và sau đại học tại Ấn Độ do Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ tài trợ, việc đào tạo tại Trung tâm Phát triển Doanh nhân ở Việt Nam và tại Trung tâm đào tạo tiếng Anh.
26. Hai bên bày tỏ hài lòng đối với việc tăng cường mối giao lưu nhân dân hai nước kể cả trực tiếp và thông qua các tổ chức như các hội hữu nghị.
Hợp tác khu vực và đa phương
27. Hai nhà Lãnh đạo cam kết tăng cường vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) để tổ chức này trở thành một hệ thống đa phương hiệu quả hơn dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn chỉ mục tiêu nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc. Điều này sẽ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc đối với hoà bình, an ninh và phát triển quốc tế. Hai nhà Lãnh đạo cho rằng cần phải thúc đẩy các mục tiêu của chương trình nghị sự toàn cầu một cách cân bằng và toàn diện nhằm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
28. Hai nhà Lãnh đạo nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tiến trình cải tổ Liên hợp quốc hiện nay và các cơ quan chủ chốt bao gồm Hội đồng Bảo an nhằm làm cho Liên hợp quốc dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn để có thể xử lý hữu hiệu hơn các thách thức đa dạng của thế giới đương đại. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cơ quan này phản ánh thực tế hiện tại và hoạt động một cách dân chủ, minh bạch và đáp ứng tốt hơn. Liên quan đến vấn đề này, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh việc cải tổ Hội đồng Bảo an cần đưa đến một trong những kết quả là thế giới đang phát triển sẽ được đại diện thoả đáng hơn, bao gồm cả việc thông qua các Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an. Thủ tướng Việt Nam khẳng định lại việc Việt Nam luôn ủng hộ Ấn Độ ứng cử làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an khi tổ chức này được cải tổ và mở rộng. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định lại việc Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ trong hàng loạt các vấn đề liên quan đến việc cải tổ Liên hợp quốc như được phản ánh trong Báo cáo kết quả của phiên họp toàn thể cấp cao của kỳ họp lần thứ 60 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức tại Niu Yoóc vào tháng 9 năm 2005.
29. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để bảo đảm đạt được các kết quả của Chương trình nghị sự Phát triển WTO vì điều đó sẽ rất quan trọng cho việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Hai nhà Lãnh đạo cam kết bảo đảm rằng vòng đàm phán phát triển Đô-ha sẽ đem lại kết quả cân bằng, đáp ứng sự quan tâm của các nước đang phát triển.
30. Thủ tướng Ấn Độ ca ngợi vai trò quan trọng và mang tính xây dựng của Việt Nam trong tổ chức ASEAN và những đóng góp của Việt Nam đối với sự ổn định của khu vực. Thủ tướng Việt Nam đánh giá cao chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ và quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa ASEAN - Ấn Độ, được củng cố thêm nhờ việc thông qua "Quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung" và Chương trình hành động chi tiết. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định lại cam kết và sự tham gia tích cực của Việt Nam và Ấn Độ vào Hợp tác sông Hằng - sông Mê Công. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác Ấn Độ - ASEAN dựa trên lợi ích chung về hòa bình và thịnh vượng của toàn bộ khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh cam kết chung của mình đối với tiến trình hội nhập sâu hơn của nền kinh tế Ấn Độ với các nền kinh tế ASEAN.
31. Ấn Độ đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc Ấn Độ tham gia Cấp cao Đông Á. Cùng với việc thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN trong định hướng tiến trình thành lập cơ chế khu vực mới này, hai nước nhấn mạnh tất cả các nước thành viên của Cấp cao Đông Á cần tham gia đầy đủ và đóng góp tích cực cho một cộng đồng Đông Á, tạo thuận lợi cho hợp tác và liên kết khu vực và nhất trí cùng hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu này. Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí Cấp cao Đông Á cần tiếp tục là một tiến trình mở và hướng ra bên ngoài cũng như bổ trợ cho các cơ chế khu vực sẵn có.
Hai bên cũng nhất trí trao đổi quan điểm và phối hợp lập trường trên các vấn đề cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương như ARF, ASEM, Cấp cao Đông Á và Liên hợp quốc.
Kết luận
32. Hai bên bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm hết sức thành công của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ và quyết định của hai nước về việc thiết lập một Quan hệ Đối tác Chiến lược Mới sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.
33. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Ngài và các thành viên trong Đoàn sự đón tiếp nồng hậu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời Thủ tướng Manmohan Singh thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên. Thủ tướng Manmohan Singh đã vui vẻ nhận lời và thời gian của chuyến thăm sẽ được thu xếp thông qua các kênh ngoại giao./.
Ba mươi năm quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào (1977-2007)  (17/07/2007)
An Giang 20 năm xây dựng và phát triển  (17/07/2007)
Kết quả bước đầu trong công tác cải cách hành chính ở Thành phố Đà Nẵng  (17/07/2007)
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực tiễn công bằng xã hội: động lực giảm nghèo ở Việt Nam  (17/07/2007)
Một số vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng  (17/07/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên