Bắc Giang phát huy dân chủ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Là một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi sinh sống của hơn 20 dân tộc anh em, điều kiện tự nhiên ít thuận lợi, điểm xuất phát về kinh tế thấp, nhưng do những nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, thời gian qua, Bắc Giang đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đáng phấn khởi. Quán triệt Nghị quyết X của Đảng, phát huy thành tích đã đạt được, kịp thời nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, Bắc Giang chủ động và tích cực phát huy dân chủ quyết tâm tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong những năm qua, nhờ đổi mới toàn diện và phát huy dân chủ mạnh mẽ, đất nước ta ngày càng đi vào thế ổn định và phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và thực hiện Nghị quyết XVI Đảng bộ tỉnh, Bắc Giang đã xác định, phát huy dân chủ là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết, là đối với cấp ủy và tổ chức đảng. Việc phát huy dân chủ trong Đảng sẽ tạo tiền đề phát huy dân chủ trong chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và trong mọi mặt đời sống xã hội, từ đó huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy đã tiến hành xây dựng quy chế làm việc của cấp mình theo hướng, bảo đảm phát huy dân chủ trong hoạt động của mỗi tổ chức; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới trên cơ sở thực hiện nghiêm Điều lệ, nguyên tắc sinh hoạt đảng, phát huy mạnh mẽ hơn tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, gắn với đổi mới qui chế làm việc, các cấp ủy sẽ tích cực cải tiến cách thức tổ chức hội họp, đổi mới lề lối, tác phong lãnh đạo của tập thể và mỗi cá nhân cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu.
Trên cơ sở quy chế hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức đảng trong Đảng bộ cũng có nhiều đổi mới từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các cấp ủy cơ sở. Thực hiện Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực sự công khai, dân chủ trong việc thảo luận, quyết định những chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các công việc thuộc thẩm quyền. Đối với những chủ trương lớn và công tác tổ chức cán bộ, sau khi thảo luận dân chủ các phương án do cơ quan tham mưu đề xuất, Ban Thường vụ tiến hành biểu quyết bằng phiếu kín. Tinh thần dân chủ đó đã tạo được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Ban Thường vụ và Tỉnh ủy, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tinh thần dân chủ cũng được phát huy ngay trong quá trình nghiên cứu, quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp vừa qua. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, mọi cán bộ, đảng viên đều được dân chủ thảo luận, đối thoại để đi đến thống nhất về nhận thức quan điểm, chủ trương của các nghị quyết. Từ đó, xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, sát tình hình thực tiễn. Đến nay, Tỉnh ủy, các ban, cơ quan thuộc Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 1.585 chương trình, kế hoạch, đề án trọng tâm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhìn chung, các kế hoạch, đề án, chương trình hành động đã được xây dựng trên tinh thần bám sát thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị; ngắn gọn, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ để triển khai, đánh giá, giám sát và kiểm điểm việc thực hiện.
Cùng với việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình hành động trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trên cơ sở mở rộng và phát huy dân chủ, quán triệt tinh thần đổi mới công tác cán bộ của Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành quy hoạch cán bộ từ cấp cơ sở, đến cấp huyện, sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Quy hoạch lần này được xây dựng, bảo đảm chất lượng hơn. Đây là cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ đến năm 2010 và những năm tiếp theo - một trong những nhân tố quan trọng, quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian tới.
Phát huy dân chủ trong Đảng, đã thúc đẩy tăng cường dân chủ trong hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; qua đó, tạo điều kiện phát huy dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp của nhân dân. Trong thời gian qua, nhìn chung, các cơ quan trong hệ thống chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đều đã có những cố gắng trong việc cải tiến, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lề lối làm việc phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.
Trước hết là hội đồng nhân dân - cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, hội đồng nhân dân luôn xác định việc liên hệ mật thiết với cử tri và nhân dân là yêu cầu cần thiết. Hội đồng nhân dân đã cải tiến hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng gần dân, sát cơ sở, có hiệu quả. Để có được những quyết định đúng đắn, hội đồng nhân dân luôn coi trọng việc lắng nghe, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Cùng với việc tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri theo quy định của pháp luật, trước mỗi kỳ họp, các ban của hội đồng nhân dân đã chủ động phối hợp với các cơ quan nhà nước liên quan tiến hành khảo sát, tổng hợp ý kiến của nhân dân, những đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của các nghị quyết dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp, để hội đồng nhân dân có thêm cơ sở thảo luận, quyết định. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp cũng được nâng cao chất lượng; các ý kiến chất vấn tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri và toàn xã hội quan tâm. Các phiên chất vấn, phiên họp toàn thể của hội đồng nhân dân được phát thanh, truyền hình trực tiếp... Có cơ chế bám sát để đôn đốc thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện những vấn đề đã hứa trước hội đồng nhân dân, thể hiện không khí dân chủ trong hoạt động của hội đồng nhân dân và được cử tri hoan nghênh, đánh giá cao. Hội đồng nhân dân cũng duy trì thường xuyên sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ý kiến phát biểu xây dựng chính quyền của Uy ban Mặt trận Tổ quốc tại các kỳ họp luôn được hội đồng nhân dân tiếp thu, lựa chọn, đưa vào nghị quyết và chương trình công tác.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự giám sát của hội đồng nhân dân, công tác chỉ đạo, điều hành của ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới theo hướng giảm hội họp, dành thời gian đi cơ sở giải quyết công việc, tiếp xúc với nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền nhưng không buông lỏng kiểm tra, giám sát. Tập trung thời gian và công sức trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quá trình giải quyết đơn thư đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đối với các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp đã tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, lắng nghe, tham khảo ý kiến của các bên liên quan trước khi ra quyết định giải quyết. Ủy ban nhân dân các cấp cũng đã đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính; xác định đây là một trong những biện pháp quan trọng để mở rộng dân chủ, tăng cường liên hệ giữa chính quyền với nhân dân. Việc triển khai thực hiện "một cửa" trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, cùng với việc công khai các quy hoạch, kế hoạch theo quy định của pháp luật; công khai trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức và công dân, đã góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, chi tiêu ngân sách, thi tuyển công chức, viên chức...
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy đảng, chính quyền, vận động nhân dân tổ chức thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Qua đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, phong trào kiên cố kênh mương, làm đường giao thông nông thôn, kiên cố trường, lớp học, xây dựng nhà "đoàn kết toàn dân", đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Toàn tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 720 km kênh, mương, hơn 2.900 km đường giao thông nông thôn, hơn 11.000 phòng học; xây dựng hơn 6.300 nhà "đoàn kết toàn dân"... Hầu hết, các công trình do dân đóng góp và giám sát thi công đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, phát huy hiệu quả tốt và không nảy sinh khiếu kiện. Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở cũng đã góp phần nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giám sát, góp ý tham gia công tác quản lý, điều hành của chính quyền, phong cách và đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức; đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, tạo dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
Từ những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền cùng với những hoạt động tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và chủ động thực hiện, tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2006 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và nghị quyết Đảng bộ các cấp, với sự nỗ lực cố gắng của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của Bắc Giang tiếp tục có bước phát triển khá, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra. Cụ thể là:
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 28,4% so với cùng kỳ, vượt 4,2% kế hoạch năm. Nổi bật là khu vực ngoài quốc doanh tăng 47,4%; trong đó giá trị sản xuất của doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp nhà nước địa phương chuyển đổi ước đạt trên 347 tỉ đồng, tăng 36% so năm 2005. Sản xuất nông nghiệp tuy gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, thiên tai nhưng vẫn giữ vững ổn định và có mặt phát triển; thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch tiếp tục tăng trưởng khá; giao thông vận tải và bưu chính, viễn thông tăng nhanh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân. Đặc biệt, phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh: Năm 2006, nhân dân đóng góp tiền và công sức làm mới 85km và cứng hóa 210 km đường thôn xóm. Mạng lưới bưu chính - viễn thông mở rộng, tỷ lệ số máy thuê bao cố định/100 dân đạt 6,3 máy. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 628 tỉ đồng, bằng 146% dự toán trung ương giao và bằng 125,7% kế hoạch, tăng 26,3% so với năm 2005. Huy động vốn từ dân cư và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 48,7% tổng vốn huy động trên địa bàn tăng 25,7% so năm 2005. Số lượng doanh nghiệp dân doanh thành lập mới tăng khá nhanh, bình quân 1,5 ngày có 1 doanh nghiệp mới được thành lập. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực văn hóa, xã hội khác đều có tiến bộ. Đã tạo việc làm mới cho khoảng 18 nghìn lao động tăng 5,6%; xuất khẩu lao động tăng nhanh, ước đạt 3.400 người, tăng hơn 1,5 lần so năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn mới) giảm từ 30,67% năm 2005, xuống còn 25,07% năm 2006. Tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo được giải quyết đạt 93,4%. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tích cực triển khai; tình hình quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân đạt được những kết quả và chuyển biến tiến bộ. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, theo kết quả xếp loại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam công bố ngày 1-6-2006, Bắc Giang xếp thứ 15/64 tỉnh, thành phố.
*
* *
Năm 2007, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc trên các lĩnh vực; phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu chính đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10% - 15%, trong đó nông nghiệp tăng 4,0% - 4,5%, công nghiệp tăng 22% - 22,5%; dịch vụ tăng 10% - 10,5%. Cơ cấu kinh tế trong GDP: nông nghiệp chiếm 37% - 38%, công nghiệp chiếm 27% - 28%, dịch vụ chiếm 34,5% - 35%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 30,5 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 607 tỉ đồng. Huy động 3.900 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Giảm tỷ lệ sinh 0,25%; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,12%; tỷ lệ hộ nghèo còn 22,3%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 25,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 26,5%; giải quyết việc làm cho khoảng 1,85 vạn lao động.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã xác định tỉnh phải tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ; tập trung mọi nỗ lực cố gắng, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh. Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn, nâng cao năng lực sản xuất và từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến, vận động đầu tư; triển khai sâu rộng Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo chuyển biến trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, tỉnh rất quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác xây dựng đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2007, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
An Giang 20 năm xây dựng và phát triển  (17/07/2007)
Kết quả bước đầu trong công tác cải cách hành chính ở Thành phố Đà Nẵng  (17/07/2007)
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực tiễn công bằng xã hội: động lực giảm nghèo ở Việt Nam  (17/07/2007)
Một số vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng  (17/07/2007)
Để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển  (17/07/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay