Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến 15-7-2018)
TCCSĐT - Ngày 11-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước trong 3 ngày tới Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng N. Modi. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Moon Jae-in tới Ấn Độ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5-2017 và được đánh giá có ý nghĩa khi quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước đang ở giai đoạn chín muồi.
Xung lực cho giai đoạn hợp tác mới giữa Hàn Quốc và Ấn Độ
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Ảnh: Xinhua
Tại cuộc hội đàm thượng đỉnh ở thủ đô New Delhi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã thảo luận cách thức mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước và tăng cường các nỗ lực chung bảo đảm hòa bình khu vực.
Tổng thống Moon Jae-in cho biết, Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với Ấn Độ và coi đây là một cột trụ trung tâm trong Chính sách Hướng Nam mới” Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất hai nước phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt để xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai dựa trên chính sách “3P+” thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng chung vì người dân. Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước đến nay, đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác hướng tới tương lai giữa hai nước dựa trên những tiến bộ đạt được. Thủ tướng N. Modi một lần nữa khẳng định, Hàn Quốc là một đối tác không thể tách rời trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Theo các chuyên gia phân tích, chuyến công du tới Ấn Độ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đánh giá là đáp ứng chính sách đối ngoại mà cả hai nước đang tích cực theo đuổi. Cụ thể, đối với Hàn Quốc là Chính sách Hướng Nam mới, còn với Ấn Độ là Chính sách Hành động hướng Đông. Chính sách Hướng Nam mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về cơ bản được xây dựng với mong muốn mạnh mẽ Hàn Quốc bớt phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, đồng thời tìm cách mở rộng và cải thiện quan hệ kinh tế và ngoại giao của Hàn Quốc với các nước láng giềng châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và 10 nước ASEAN. Trong khi đó, Chính sách Hành động hướng Đông của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đặt mục tiêu giúp New Delhi mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược ra những khu vực rộng lớn hơn, không chỉ Đông Nam Á mà cả Đông Bắc Á.
Thực tế cho thấy, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, Hàn Quốc và Ấn Độ đã thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác chặt chẽ. Hai nước cùng có chung những vấn đề quan tâm, như giải trừ hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác kinh tế khu vực, hợp tác năng lượng và chống khủng bố. Cả Seoul và New Delhi cùng quan tâm tới việc góp phần tạo nên một trật tự thế giới cũng như khu vực rộng mở và cân bằng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, hợp tác giữa Hàn Quốc và Ấn Độ đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 2009, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và hiệp định này có hiệu lực từ năm 2010. Cũng trong năm 2010, hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược. Trong chuyến thăm tới Hàn Quốc của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi vào tháng 5-2015, hợp tác giữa hai bên đã có đà phát triển mạnh mẽ hơn khi hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược đặc biệt, bổ sung thêm các nội dung hợp tác cho các lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng, thương mại, đầu tư...
Cho đến nay, có thể khẳng định, điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước là lĩnh vực kinh tế. Với Hiệp định CEPA có hiệu lực từ năm 2010, hợp tác thương mại và đầu tư song phương Hàn Quốc - Ấn Độ đã phát triển mạnh, thể hiện qua việc kim ngạch thương mại hai chiều duy trì ở mức trên 20 tỷ USD mỗi năm và Ấn Độ luôn là thị trường lớn đối với hàng hóa, dịch vụ của Hàn Quốc. Hai bên tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau nhằm tăng cường đầu tư, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 50 tỷ USD vào năm 2030.
Do vậy, những thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần này một lần nữa thể hiện quyết tâm của hai nước nâng tầm mối quan hệ hợp tác hiện nay phù hợp với lợi ích của hai nước, khi cả hai đều muốn mở rộng hợp tác về an ninh và kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Hàn Quốc và Ấn Độ đều là những cường quốc châu Á đang ngày càng thể hiện rõ vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Sự tương quan trong Chính sách Hướng Nam Mới và Chính sách Hành động hướng Đông có thể thấy rõ trong tầm nhìn chung giữa Hàn Quốc và Ấn Độ được công bố trong chuyến thăm, khi cả hai nước cùng khẳng định vai trò quan trọng của mỗi nước trong các chính sách này. Và sự tương quan trong các chính sách đối ngoại chủ chốt này của Seoul và New Dehli đã tạo cơ hội để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước. Đây cũng chính là lý do để chính quyền Tổng thống Moon Jae-in xây dựng mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ và ASEAN, theo đó nâng cấp quan hệ của Hàn Quốc với Ấn Độ và các nước ASEAN lên mức ngang bằng quan hệ với 4 cường quốc là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.
NATO tiếp tục khẳng định vai trò là một liên minh quân sự bền vững
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO. Ảnh: TTXVN
Bất chấp những bất đồng liên quan tới việc chi tiêu cho quốc phòng, sau hai ngày nhóm họp 11 và 12-7, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lần thứ 7 tại Brussels (Bỉ) đã kết thúc với việc các nước thành viên đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề, đặc biệt là cam kết chia sẻ gánh nặng và chi tiêu quốc phòng. Động thái này cho thấy, các nước thành viên NATO đã vượt qua được bất đồng gay gắt nhất tại Hội nghị.
Tại Hội nghị với sự tham dự của 29 nước thành viên NATO, 20 nước đối tác cùng một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội đồng Nghị viện NATO, lãnh đạo 29 nước thành viên NATO đã bàn thảo về việc tăng cường khả năng răn đe và tiềm lực quốc phòng của NATO, khả năng đáp trả của NATO trước các mối đe dọa hỗn hợp, thành lập các nhóm hỗ trợ chống các hành vi đe dọa hỗn hợp để giúp các nước đồng minh bị đe dọa, chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng, chính sách không gian toàn diện, cuộc chiến chống khủng bố, khởi động một chương trình đào tạo mới tại Iraq với hàng trăm chuyên gia huấn luyện của khối, hỗ trợ Afghanistan bảo đảm an ninh và ổn định, vấn đề Triều Tiên và quan hệ NATO - Nga.
Bất chấp những bất đồng trước thềm hội nghị liên quan tới việc chi tiêu cho quốc phòng do Tổng thống Mỹ D. Trump liên tục chỉ trích các nước thành viên NATO khác về việc không thực hiện đúng cam kết chi tiêu quốc phòng hằng năm ở mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước, lãnh đạo các nước đồng minh thuộc NATO đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề.
Một Tuyên bố chung đã được đưa ra, trong đó các nhà lãnh đạo “cam kết mục tiêu kiên định” về tăng chi tiêu cho quốc phòng tại các nước thành viên. Theo đó, 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP của mỗi nước trong vài năm tới. Theo các cam kết hiện tại, các nước thành viên NATO phải đạt mục tiêu này vào năm 2024, nhưng có điều khoản cho phép một số thành viên có thể đạt mục tiêu này vào năm 2030.
Lãnh đạo các nước thành viên NATO cũng nhất trí phát triển một Chính sách Không gian toàn diện của liên minh này. Ngoài việc nhất trí tăng cường phòng thủ và răn đe của liên minh trên biển và trên không, NATO đã quyết định khởi động sáng kiến về bảo đảm tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu và thiết lập hai đơn vị chỉ huy mới trên đất liền trong cơ cấu chỉ huy của mình.
Cũng tại Hội nghị, NATO một lần nữa nhắc lại kế hoạch thành lập một Trung tâm Điều hành không gian mạng có trụ sở tại Bỉ nhằm điều phối các hoạt động của tổ chức này trên không gian mạng, bên cạnh đó là một sở chỉ huy đóng tại Norfolk, Mỹ và một sở chỉ huy cho nhiệm vụ triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu ở Ulm, Đức. NATO cũng công bố thành lập một nhóm hỗ trợ và cung cấp trợ giúp cho các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa, đồng thời tiếp tục ủng hộ các đối tác tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức lớn. Trong trường hợp phải đối mặt với mối đe dọa lớn đối với một trong các thành viên, NATO có quyền kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO về quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể.
Trong vấn đề Trung Đông, các nhà lãnh đạo NATO bày tỏ quan ngại về “các hoạt động gây bất ổn” của Iran trong khu vực. NATO cũng quan ngại trước việc Iran tăng cường các vụ thử tên lửa, cũng như về tầm bắn và độ chính xác của các tên lửa. Các nước thành viên cũng đã quyết định mở rộng hỗ trợ tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2024.
Về vấn đề Triều Tiên, các nước NATO tái khẳng định “ủng hộ toàn diện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Liên quan tới Nga, các nước đồng minh NATO cho rằng, các hoạt động gần đây của Moscow đã làm giảm đi sự ổn định và an ninh, đồng thời làm gia tăng sự khó đoán định. Các nhà lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm để các nước thành viên không dễ bị tổn thương khi yếu tố năng lượng được sử dụng làm công cụ gây sức ép.
Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, các nước thành viên NATO đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực của nhóm Bộ Tứ Normandy trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk.
Với những kết quả đạt được, có thể thấy việc các thành viên NATO hóa giải được bất đồng đã khẳng định NATO vẫn là một liên minh quân sự không thể tách rời. Nhất là khi trước đó, trước thềm Hội nghị, bằng một loạt lời chỉ trích gay gắt nhằm vào các đồng minh NATO liên quan tới cam kết chi tiêu quốc phòng của các nước này cũng như chỉ trích Đức về vấn đề độc lập năng lượng đối với Nga, Tổng thống Mỹ D. Trump cho rằng, Mỹ đang chi trả “khoảng 90% chi phí của NATO”, trong khi “NATO đang hỗ trợ cho châu Âu nhiều hơn là cho Mỹ”. Vì thế, Tổng thống D. Trump yêu cầu một sự nỗ lực hơn nữa từ phía các đồng minh, cũng như đòi hỏi họ tôn trọng cam kết đưa ra vào năm 2014 là dành 2% GDP của mỗi nước cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Không những thế, Tổng thống D. Trump cũng đề nghị các nước đồng minh NATO tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP.
Một điểm nữa gây chú ý tại Hội nghị lần này là căng thẳng giữa Tổng thống D. Trump với lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khi ông chủ Nhà Trắng đưa ra lời chỉ trích Thủ tướng Đức A. Merkel không giữ lời hứa về các cam kết chi tiêu quốc phòng. Theo ông, việc Đức tiếp tục chi tiêu quốc phòng dưới mức cam kết đang làm xói mòn an ninh của liên minh.
Đánh giá về những kết quả đạt được tại Hội nghị NATO lần này, Tổng thống Pháp E. Macron khẳng định, NATO đã “mạnh hơn” sau Hội nghị. Ông E. Macron nhấn mạnh rằng, các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đã diễn ra “có chừng mực và trên tinh thần tôn trọng”. Trong khi đó, sau khi kết thúc Hội nghị, với những tuyên bố “dịu giọng”, Tổng thống D. Trump thể hiện sự hài lòng về những gì đạt được và có vẻ cũng không muốn đẩy căng thẳng tới mức có thể xóa sạch mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO. Bởi, theo nhà nghiên cứu Alexandra de Hoop Scheffer, Giám đốc Quỹ Marshall Đức tại Paris, địa bàn hoạt động của NATO tiếp tục mở rộng phục vụ lợi ích của Mỹ cho đến tận Afghanistan và Iraq. Sự hiện diện và ảnh hưởng của NATO còn giúp Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu, sử dụng căn cứ quân sự như những đầu cầu cho chiến trường Trung Cận Đông, chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố,... tất cả những vấn đề đều được Mỹ xem là lợi ích cốt lõi.
Trung Quốc - Đức đẩy mạnh hợp tác song phương
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức A. Merkel. Ảnh: TTXVN
Trong ba ngày từ ngày 08 đến ngày 10-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm chính thức tới Đức để tham dự vòng tham vấn liên chính phủ Trung - Đức lần thứ năm. Đây là chuyến công du Đức lần thứ tư của ông Lý Khắc Cường trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc, và là lần đầu tiên hai bên tổ chức hội nghị liên chính phủ kể từ khi chính phủ khóa mới của hai nước nhậm chức hồi tháng 3 vừa qua.
Tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà A. Merkel để thảo luận về quan hệ song phương và hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Đức A. Merkel cho biết, Berlin và Bắc Kinh cam kết duy trì hợp tác đa phương và một trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật định. Thủ tướng A. Merkel nhấn mạnh, cả Đức và Trung Quốc đều mong muốn duy trì hệ thống các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, trong cuộc tham vấn liên chính phủ Đức - Trung lần thứ 5 do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức A. Merkel đồng chủ trì nhằm hoạch định và phối hợp sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong 4 - 5 năm tới, hai bên đã thảo luận cách tiếp cận thị trường của nhau. Đây chính là mối quan tâm đang ngày một tăng của giới chức châu Âu về việc các công ty Trung Quốc dễ dàng tiếp cận và đầu tư tại châu Âu hơn là ở chiều ngược lại.
Tại cuộc tham vấn, Thủ tướng Đức A. Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký một dự thảo về thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các công ty của Đức và Trung Quốc. Thủ tướng A. Merkel cũng hoan nghênh việc Trung Quốc đã có nhiều động thái mở cửa thị trường để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Hai nhà lãnh đạo Đức và Trung Quốc cũng đã tham dự một diễn đàn về hợp tác kinh tế và công nghệ song phương.
Kể từ khi Đức và Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2014, hai nước đã duy trì hoạt động trao đổi cấp cao thường xuyên và sâu rộng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác thực chất song phương. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực cũng ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.
Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Đức vào tháng 5 và tháng 7-2017. Những chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Đức và Trung Quốc đã thể hiện rõ mối quan hệ Đối tác chiến lược chung nhiều lợi ích đã được hai bên khẳng định trong nhiều năm qua. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhận định rằng, Trung Quốc và Đức là những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chính vì vậy, quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác song phương và thực sự bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, chuyến thăm chính thức tới Đức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không nằm ngoài lộ trình phát triển này.
Sự kiện nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu ở châu Á và lớn thứ hai thế giới thăm Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là kiếm tìm các lợi ích kinh tế cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hiện Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu trong 43 năm liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trên toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền Mỹ thực hiện các chính sách bảo hộ thương mại như thời gian qua thì sự hợp tác giữa Đức và Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn với cả hai nước. Theo Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh, mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Đức lần này nhằm phát đi tín hiệu hai nhà xuất khẩu lớn này sẽ cùng sát cánh để đối phó với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Đây là động thái sẽ cho Mỹ thấy một chính sách gây leo thang xung đột thương mại sẽ chỉ gây hại./.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Diễn đàn Sao Paulo tại Cuba  (16/07/2018)
Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, thiết thực thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc  (16/07/2018)
Thượng đỉnh Trump-Putin: Cơ hội tháo gỡ thế đối đầu Nga-Mỹ  (15/07/2018)
TP. Hồ Chí Minh: Hơn 60.000 sinh viên tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh  (15/07/2018)
Tổng thống Mỹ tuyên bố ý định tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai  (15/07/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay