TCCSĐT - Ngày 14-9-2017, tại Hà Nội, Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về đề tài “Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”.

Hội thảo tập trung vào những nội dung: Sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp; Lao động và tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp; Vấn đề phát triển các khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân; Dự báo cung - cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2030.

Các tham luận và các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đều tập trung đánh giá, phân tích, dự báo về: Việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động ở Việt Nam; Định vị xu hướng phát triển của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam đến năm 2030; Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; Phân tích ảnh hưởng của tiền lương bình quân đến năng suất lao động trong nền kinh tế.

Về việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động ở Việt Nam: hiện nay, Việt Nam có 53,36 triệu người có việc làm/54,5 triệu người trong độ tuổi lao động; 21,5% số đó đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp. Hiện nay, mức thu nhập bình quân chung là 4.716.500 đ. Với mức chi tiêu tương xứng thu nhập, 16,1% người lao động được hỏi cho biết thu nhập có dư dật, có chút tích lũy; 51,3% cho biết thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết thu nhập có được phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ chi tiêu, phải làm thêm để cải thiện cuộc sống.

Về lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam, hiện nay, lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước là 8,4 triệu, chiếm 38,3% tổng số lao động làm công ăn lương trên cả nước (gần 4 người/10 người); dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 19.400.000 người. Nhìn chung, hiện nay, số lượng và chất lượng của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam phát triển còn chậm so với tiềm năng và yêu cầu của thực tiễn kinh tế - xã hội nước ta. Dự kiến từ nay đến năm 2030, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại mô hình phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Về việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay, có 10 giải pháp được diễn giả đưa ra là, xây dựng các chuẩn; tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp; đổi mới chương trình đào tạo, tuyển sinh; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp.

Để nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp, những khuyến nghị được đưa ra là: có chính sách tiền lương, thưởng phù hợp; việc trả lương, thưởng phải dựa trên năng suất lao động cá nhân, bảo đảm công bằng, hợp lý; cần đẩy mạnh đào tạo nghề, cả trong và ngoài doanh nghiệp; bảo đảm minh bạch thông tin trong nền kinh tế.

Các tham luận tại Hội thảo đều có sự phản biện, bình luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các thành viên hội thảo về nội dung trình bày; về phương pháp nghiên cứu của diễn giả; về tính hợp lý của các khuyến nghị./.