Phát triển dịch vụ chất lượng cao ở Đồng Nai

Lê Văn Dành
11:04, ngày 06-03-2007

Dịch vụ chất lượng cao đang là một thế mạnh của Đồng Nai, không những góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển mà còn tác động thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội ngày càng hợp lý hơn.

Phát triển lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao là phương hướng ưu tiên chiến lược trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Đồng Nai.

Trong những năm qua, Đồng Nai đã có những định hướng, mục tiêu phát triển ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn; triển khai nhiều biện pháp tích cực, tạo thuận lợi cho dịch vụ nói chung, thương mại nói riêng phát triển, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội, phân phối lại thu nhập quốc dân một cách hợp lý và cải thiện đời sống nhân dân.

Trong 5 năm qua, giá trị của ngành thương mại, dịch vụ liên tục tăng với tốc độ cao và đạt mức trung bình trên 12%/năm, trong đó thương mại tăng 8%, tài chính tín dụng tăng 14,84%, các ngành dịch vụ khác tăng 12,02%...

Các loại hình dịch vụ trong từng lĩnh vực có bước phát triển nhanh chóng và đa dạng, đóng góp quan trọng vào GDP của tỉnh, hỗ trợ các ngành sản xuất khác phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo số liệu thống kê, các ngành dịch vụ của Đồng Nai trong những năm qua đóng góp bình quân từ 25 - 28% trong tổng GDP trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại dịch vụ những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Thứ nhất: mới tập trung tăng về số lượng, thiếu đầu tư phát triển chiều sâu. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng với 72.500 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ, phần lớn hoạt động kinh doanh tại các trung tâm đô thị và các chợ. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng phần lớn các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thấp; quy mô nhỏ bé, trình độ sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế, số loại hình dịch vụ cung cấp còn nghèo, chất lượng chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thứ hai: phát triển còn mang nặng tính tự phát, rời rạc, chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp trong các lĩnh vực dịch vụ. Cụ thể là chưa có sự quy hoạch chung, thống nhất, chưa có định hướng đầu tư và ưu đãi đầu tư. Dịch vụ có những đặc trưng riêng, trong đó nổi rõ là các sản phẩm dịch vụ rất khó cân đong, đo đếm, ít thể hiện dưới dạng vật thể, nhưng tính liên kết lại rất cao. Hầu như không có dịch vụ nào tồn tại, phát triển độc lập, chuyên biệt, mà thường có sự gắn kết. Thí dụ như: dịch vụ vận tải sẽ khó phát triển mạnh khi thiếu hạ tầng kỹ thuật, kho bãi, thông tin...; dịch vụ mua sắm sẽ không thể phát triển khi hàng hóa không thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng, thông tin, quảng cáo về hàng hóa nghèo nàn...

Thứ ba: mặc dù lĩnh vực dịch vụ có vị trí khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhưng về phía quản lý nhà nước, thời gian vừa qua, địa phương chưa chú trọng xây dựng một chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể chung cho lĩnh vực dịch vụ. Nhiều chương trình phát triển dịch vụ chỉ được lồng ghép như một nội dung thứ yếu trong các quy hoạch khác. Từ thực trạng phát triển ngành Thương mại Du lịch Đồng Nai, có thể rút ra một số nhận xét:

1. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, công tác quản lý nhà nước về thương mại dịch vụ còn gặp nhiều lúng túng. Hiện nay, ở nước ta chưa có một cơ quan quản lý nhà nước nào làm đầu mối chuyên trách quản lý thương mại dịch vụ. Theo đánh giá của Bộ Thương mại, chính các bộ, ngành trung ương cũng còn đang rất lúng túng trong công tác theo dõi, quản lý, hướng dẫn hoạt động và định hướng chiến lược phát triển chung các lĩnh vực dịch vụ. Trong điều kiện đó, Đồng Nai đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phát triển dịch vụ các khu công nghiệp, nhằm tạo ra bước chuyển quan trọng về việc định hướng phát triển chung cho lĩnh vực dịch vụ.

2. Công tác thống kê số liệu về thương mại dịch vụ chưa phản ánh đầy đủ những kết quả hoạt động trong lĩnh vực này. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân: công tác thống kê trong lĩnh vực thương mại dịch vụ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với công tác thống kê trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Tại hội nghị tổng kết 12 năm phát triển dịch vụ ở Đồng Nai vừa qua, một số đại biểu các bộ, ngành trung ương đã nhận định: hiện nay các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ mới chỉ đi vào điều chỉnh hoạt động của từng ngành riêng biệt, thậm chí ở những phân ngành rất hẹp; tính bao quát và hiệu lực điều chỉnh chung của các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn rất thấp, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động chung của cả khu vực dịch vụ trong nền kinh tế; tính minh bạch của thị trường dịch vụ chưa cao; điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ và chủ thể kinh doanh dịch vụ chưa rõ ràng và còn nhiều chồng chéo.

3. Cơ chế chính sách tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn bất cập. Nhiều hoạt động dịch vụ đang chịu tác động bất lợi của cơ chế, chính sách; giá cả một số loại dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, nước...), chính sách tín dụng... cao hơn các ngành khác.

Để dịch vụ thực sự trở thành một ngành kinh tế chủ lực, xin kiến nghị một số giải pháp:

- Nhanh chóng thiết lập một môi trường kinh doanh văn minh, hiện đại trên cơ sở phát triển mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn, hiện đại tại Biên Hòa, Long Khánh và các khu công nghiệp. Xây dựng các siêu thị mi-ni tại một số thị trấn, thị tứ khi có đủ điều kiện cơ bản, đặc biệt chú trọng xây dựng chợ thương mại truyền thống khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu thụ nông phẩm của nông dân, gắn nối thành thị với nông thôn.

Sớm hình thành và phát triển hệ thống thương mại điện tử, trước mắt Sở Thương mại - Du lịch phối hợp với Bộ Thương mại nhanh chóng triển khai thi công Dự án sàn giao dịch thương mại điện tử tại thành phố Biên Hòa, chuẩn bị các điều kiện liên quan và nhân sự để sớm đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2007.

Phối hợp với Bộ Thương mại lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ, triển lãm, hội thảo quốc tế tại Long Thành. Chuẩn bị những điều kiện để phát triển nơi đây thành một trung tâm thương mại tổng hợp có quy mô lớn, hiện đại, tầm cỡ quốc tế, với nhiều chức năng, có showroom, nơi giao dịch bán buôn, có siêu thị bán lẻ, có văn phòng đại diện các doanh nghiệp, nơi cung cấp thông tin thương mại, dịch vụ ngân hàng, hội chợ triển lãm, tổ chức hội nghị hội thảo, khách sạn cao cấp và nơi giải trí...

Hợp tác chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thực hiện việc liên doanh, liên kết phát triển các trung tâm thương mại, các siêu thị của các doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở chi nhánh hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Đồng Nai.

- Nhanh chóng hoàn thành thủ tục xây dựng cơ sở vật chất và đưa vào hoạt động Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa, nơi tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch và bộ, ngành Trung ương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài để phát huy có hiệu quả hoạt động của Trung tâm, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu và xây dựng hình ảnh, thương hiệu mới cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Đồng Nai. Thúc đẩy đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ mới làm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, doanh thu dịch vụ, thu hút khách du lịch quốc tế đến du lịch và tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Nai.

- Khuyến khích phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vận tải công cộng, vận tải đưa rước người lao động ở các khu công nghiệp, đưa rước học sinh ở các trường học, trên cơ sở có chính sách hỗ trợ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải. Mở thêm các tuyến xe buýt nội ô và liên vùng. Đầu tư đổi mới, nâng chất lượng các phương tiện vận tải, tổ chức thí điểm vận tải chất lượng cao, vận tải liên vận, đầu nối vận tải các loại phương tiện. Đầu tư phát triển hệ thống giao thông ở các vùng sâu, vùng xa. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên cơ sở có chế độ ưu đãi thỏa đáng đối với các nhà đầu tư. Đối với các công trình trọng điểm có thể phát hành trái phiếu công trình hoặc thực hiện huy động vốn theo phương thức BOT, BT...

- Phát triển thông tin là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển chung của các ngành dịch vụ khác. Do vậy, cần phát triển mạng lưới bưu cục tại những khu vực trọng điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới phát triển, từng bước mở rộng thị phần đến các vùng sâu, vùng xa, với mô hình Bưu điện văn hóa xã. Xây dựng và phát triển mạng viễn thông hiện đại, đồng bộ và rộng khắp. Cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế đến người dân và các chủ thể có nhu cầu.

- Hình thành và nâng cấp những khu du lịch, điểm du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội... Chú trọng đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí đa dạng cho các loại nhu cầu bình dân của người lao động ở các khu công nghiệp, thanh niên, thiếu niên, các đối tượng chính sách xã hội và dành cho người có thu nhập cao.

Đẩy mạnh sự phát triển các dịch vụ phục vụ người lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các chuyên gia và gia đình họ đang làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn. Cải thiện điều kiện ăn, ở cho người lao động ở các khu công nghiệp. Huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp sử dụng lao động kết hợp với phần đóng góp của người lao động để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế công, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ y tế trên cơ sở tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình dịch vụ này. Có chính sách đầu tư vào dịch vụ y tế chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Ngoài ra, chú trọng phát triển các tuyến cơ sở, nhất là các địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Có chính sách khuyến khích các y, bác sĩ về làm việc tại các vùng nông thôn, trên cơ sở từng bước tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho các tuyến cơ sở. Tăng cường việc đào tạo, đào tạo lại đội ngũ bác sĩ, dược sĩ có trình độ chuyên môn cao, có khả năng nghiên cứu, ứng dụng nhằm đáp ứng thành tựu khoa học công nghệ đang ngày càng phát triển.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ trên địa bàn, quản lý chặt chẽ sau cấp phép các loại hình dịch vụ của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là các dịch vụ văn hóa. Rà soát lại quy hoạch các lĩnh vực dịch vụ từ nay đến năm 2010 và đến năm 2020, trên cơ sở tính toán đến quy hoạch phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác. Soát xét lại quỹ đất cho đầu tư phát triển các dịch vụ mới, các dịch vụ có trình độ công nghệ cao như: các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, trường đại học, bệnh viện chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí...

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một hoạt động dịch vụ mang nhiều nội dung rất đặc trưng, là dịch vụ tạo ra động lực nhưng đồng thời là mục tiêu phát triển về con người của Đảng và Nhà nước ta. Việc hoạch định chiến lược, tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng lao động trong xu thế hội nhập, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ đối với các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực dịch vụ nói riêng là nhu cầu cấp bách cả trước mắt và lâu dài.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, sẽ góp phần tạo ra bước chuyển về chất của quá trình phát triển ngành công nghiệp dịch vụ ở Đồng Nai.