Những thông tin mới về tình hình chính trị và kinh tế của Ca-na-đa những ngày qua đang gây sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng S.Háp-pơ lún sâu vào tình trạng khó khăn mới sau khi Bộ trưởng Tài chính Gim Phlát-hê-ti (Jim Flaherty) công bố báo cáo về kế hoạch kinh tế - tài chính đất nước hồi cuối tháng trước.

Các đảng đối lập tập hợp lực lượng và lập kế hoạch lật đổ chính phủ thiểu số của Đảng Bảo thủ, thậm chí họ thành lập chính phủ liên minh sẵn sàng ra điều hành đất nước.

Trước sức ép đó, Thủ tướng S.Háp-pơ đề nghị hoãn cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội tới ngày 8-12 và có thể lùi tiếp, đồng thời tuyên bố rút lại việc thực hiện các biện pháp tài chính đối với các chính đảng trong kế hoạch kinh tế - tài chính mới.

Toàn quyền liên bang Mai-cơn Gin (Michaelle Jean) phải rút ngắn chuyến thăm bốn nước châu Âu về nước ngày 3-12 để giải quyết tình hình đất nước. Bà Toàn quyền M.Gin sau các cuộc gặp với Thủ tướng S.Háp-pơ và phe đối lập đã quyết định tạm ngừng hoạt động của quốc hội đến ngày 26-1-2009.

Một thách thức lớn và phức tạp mới đang đặt ra đối với Thủ tướng S.Háp-pơ và Đảng Bảo thủ Ca-na-đa. Với hy vọng có thể giành được quyền đa số tại quốc hội, Thủ tướng S.Háp-pơ đã đề nghị tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn hôm 14-10 vừa qua, cuộc bầu cử thứ ba trong vòng bốn năm qua. Nhưng, Đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn không giành đủ đa số ghế tối thiểu tại quốc hội mới mà vẫn phải liên minh một số đảng nhỏ khác để thành lập chính phủ liên hiệp.

Không chấp nhận thua cuộc, phe đối lập gồm Đảng Tự do, Đảng Dân chủ mới và Khối Quê-bếc (Quebec) tiếp tục phê phán Đảng Bảo thủ cầm quyền gây ra cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế. Họ cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng S.Háp-pơ "không có kế hoạch bền vững đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay", rằng kế hoạch tài chính của Chính phủ là nhằm làm suy yếu và là mối "đe dọa tài chính" của các đảng đối lập.

Ngày 1-12, các đảng đối lập đã nhất trí kế hoạch lật đổ Chính phủ của Thủ tướng S.Háp-pơ, cam kết sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh và thành lập chính phủ liên minh cầm quyền nếu chính phủ của đảng Bảo thủ không được quốc hội tín nhiệm. Họ cũng đã thông báo việc này với Toàn quyền liên bang M.Gin. Ba chính đảng này hiện chiếm 163 ghế tại Hạ viện Ca-na-đa, trong khi Đảng Bảo thủ kiểm soát 143 ghế.

Thủ tướng S.Háp-pơ và Đảng Bảo thủ cầm quyền một mặt ra sức thuyết phục Toàn quyền lùi thời gian tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ tại quốc hội, có thể đến cuối tháng 1-2009, để tìm cách đối phó, mặt khác thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tố cáo chính phủ liên minh của phe đối lập và lãnh đạo Đảng Tự do, là muốn chiếm quyền lực "qua cửa sau".

Ðảng Bảo thủ của Thủ tướng S.Háp-pơ cho rằng, kế hoạch của phe đối lập là một cuộc tiến công chính trị đối với Ca-na-đa, "không dân chủ" và không đáp ứng mong muốn của các cử tri Ca-na-đa trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Ðảng Bảo thủ tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các biện pháp đúng quy định của luật pháp để ngăn cản phe đối lập thành lập chính phủ liên minh.

Phát biểu ý kiến trên Ðài Truyền hình Ca-na-đa tối 3-12, Thủ tướng S.Háp-pơ đã kêu gọi người dân Ca-na-đa hãy nói ''không'' với kế hoạch của phe đối lập nhằm lật đổ Chính phủ Bảo thủ đương nhiệm. Thủ tướng S.Háp-pơ cũng thúc giục phe đối lập xem xét lại ý định liên minh với đảng Khối Quê-bếc ly khai.

Dư luận Ca-na-đa đang bị chia rẽ sâu sắc sau khi bùng nổ công khai cuộc công kích lẫn nhau giữa các phe phái từng thay nhau nắm quyền ở nước này. Kết quả thăm dò dư luận do tổ chức An-gút Rít (Angus Reid) tiến hành trong hai ngày 1 và 2-12 cho thấy, 35% số người được hỏi ý kiến ủng hộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng S.Háp-pơ tiếp tục cầm quyền. Trong khi đó, tỷ lệ phản đối là 40%. Trong trường hợp Chính phủ Bảo thủ thiểu số bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội vào những ngày tới, 37% số người trả lời ủng hộ phe đối lập thành lập một chính phủ liên minh và 32% số người ủng hộ việc tổ chức cuộc bầu cử mới./.