TCCSĐT - Hướng tới Kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015) và 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu tiên (5-8-1930 - 5-8-2015), ngày 31-10-2014, tại Tuyên Quang, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Nhà Bia di tích Kỷ niệm Tạp chí Cộng sản tại Đồng Man, Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

 

Các đồng chí lãnh đạo tham gia Lễ khởi công

Tới dự Lễ Khởi công, từ tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo; Nguyễn Hải Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,… và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, của huyện Sơn Dương và xã Tân Trào.

Đại diện Tạp chí Cộng sản gồm các đồng chí: Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy; Hà Đăng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí; Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Thường trực, Phó Bí thư Đảng ủy; Phạm Đình Đảng, Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập và các đồng chí trong Ban Biên tập, lãnh đạo các vụ, ban và đơn vị chức năng của Tạp chí.

 

Đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Lễ Khởi công


Phát biểu tại Lễ Khởi công, đồng chí Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập, Bí thư đảng ủy Tạp chí Cộng sản cho biết, cách đây hơn 84 năm, Hội nghị thành lập Đảng họp từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định xuất bản một Tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng. Thực hiện quyết định đó, Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản đã ra số đầu tiên vào ngày 5-8-1930 và người sáng lập, chủ bút đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Từ đó đến nay, Tạp chí Cộng sản đã đồng hành và phát triển cùng cách mạng Việt Nam. Năm 1930 Tạp chí có tên là Tạp Chí Đỏ sau đó đổi tên là Tạp chí Cộng sản (năm 1931), Tạp chí Bônsơvic, rồi đến Tạp chí Cộng sản (năm 1941, 1943). Trong các năm 1947-1950, Tạp chí có tên là Sinh hoạt nội bộ. Năm 1950 có tên là Tạp chí Cộng sản. Tháng 12-1955, Tạp chí Học tập ra đời và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản. Từ tháng 7-1995, Tạp chí Cộng sản ra mỗi tháng 2 kỳ, và từ tháng 1-2002 đến tháng 12-2003 mỗi tháng ra 3 kỳ. Từ 1-1-2007 đến tháng 1-2014, hằng tháng Tạp chí Cộng sản xuất bản 3 ấn phẩm in: Tạp chí Cộng sản ra ngày 1; Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở ra ngày 15; Chuyên san Hồ sơ sự kiện xuất bản 2 kỳ/tháng. Từ tháng 1-2014, Tạp chí Cộng sản xuất bản thêm 01 ấn phẩm mới là Chuyên đề Đoàn kết và phát triển, xuất bản 2 kỳ/tháng.

Thực hiện Chỉ thị số 60-CT/TW, ngày 22-12-2000, của Bộ Chính trị khóa VIII về công tác của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới, Bộ Biên tập Tạp chí đã phát hành chính thức Tạp chí Cộng sản điện tử trên mạng in-tơ-net ngày 3-2-2003. Đến nay, cùng với Trang Tiếng Việt, Tạp chí Cộng sản điện tử đã phát tin, bài thường xuyên trên Trang tiếng Anh, Trang tiếng Lào, Trang tiếng Trung Quốc; đồng thời, từ tháng 12-2012, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản được giao nhiệm vụ cung cấp tin, bài bằng tiếng Anh để phát trên SolidNet - Trang thông tin điện tử của các Đảng Cộng sản, công nhân thế giới.

Hiện nay, hằng tháng Tạp chí Cộng sản có 5 ấn phẩm với 8 số: Tạp chí Cộng sản ra ngày 1, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở ra ngày 15, Tạp chí Cộng sản điện tử 2 số/tháng, Chuyên san Hồ sơ sự kiện 2 số/tháng, Chuyên đề Đoàn kết và phát triển 2 số/tháng.

Tạp chí Cộng sản là Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đã trải qua 84 năm, tuy tên gọi của Tạp chí có lúc khác nhau, trong đó, tên Tạp chí Cộng sản được sử dụng đến năm lần, nhưng xét về mặt nội dung, Tạp chí luôn luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng. Ghi nhận những đóng góp của Tạp chí Cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc trong hơn 84 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Tạp chí Cộng sản các phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Sao Vàng; Huân Chương Hồ Chí Minh; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Ghi nhận đóng góp của Tạp chí Cộng sản đối với sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, Đảng, Nhà nước Lào đã tặng Tạp chí Cộng sản Huân chương Itsala.

Trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển hơn 84 năm qua, trong hơn 9 năm của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Tạp chí lý luận và chính trị của Đảng có tên là Sinh hoạt nội bộ (năm 1947- 1950) và Tạp chí Cộng sản (năm 1950). Chính trong thời gian này, Bộ Biên tập Tạp chí đặt ngay tại Văn phòng Tổng Bí thư ở trên mảnh đất lịch sử Tân Trào - cái nôi của Cách mạng Việt Nam. Tạp chí Sinh hoạt nội bộ do Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp phụ trách. Đồng chí Trường Chinh định ra kế hoạch từng số, phân công người viết bài và tự đồng chí cũng viết nhiều bài cho Tạp chí. Giúp đồng chí Trường Chinh trong việc tổ chức bài các số có đồng chí Nguyễn Chương. Cuối năm 1948, đồng chí Nguyễn Chương nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Trần Quang Huy lúc đó là Chánh Văn phòng Tổng Bí thư kiêm Phó Chủ nhiệm Bộ Tuyên huấn Trung ương Đảng - Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay, được giao trách nhiệm giúp đồng chí Trường Chinh trong việc biên tập nội dung Tạp chí Sinh hoạt nội bộ. Những năm tháng đó, Tạp chí in tại Nhà in Hồng Phong ở bản Khuôn Câm, cách Văn phòng Tổng Bí thư khoảng 15 km đường ruộng, đi bộ mất khoảng nửa ngày đường.

Cùng với việc điểm lại truyền thống lịch sử và thành tựu của Tạp chí Cộng sản 84 năm qua, đồng chí Vũ Văn Phúc nêu rõ, để ghi lại dấu ấn những năm tháng vô cùng khó khăn, nhưng đầy tự hào và vẻ vang của Tạp chí Cộng sản, với sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt thành và hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói chung, của Đảng bộ, chính quyền, bà con nhân dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương nói riêng, hôm nay Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà Bia di tích Kỷ niệm của Tạp chí Cộng sản.

Trong quá trình xây dựng Nhà Bia di tích, cũng như sau này, khi đưa Nhà Bia di tích đi vào hoạt động, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, bà con nhân dân địa phương để Nhà Bia di tích phát huy vai trò giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động của Tạp chí Cộng sản. Đồng thời, để góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương trong việc giáo dục truyền thống đối với các thế hệ người Việt Nam nói chung.


 

Đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại Lễ Khởi công


Phát biểu tại Lễ Khởi công, đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang đã vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm lãnh đạo cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trong cả nước. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang lại vinh dự được chọn làm Thủ đô kháng chiến, nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hơn 60 bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trụ sở và làm việc, trong đó có Tạp chí Sinh hoạt nội bộ - tiền thân của Tạp chí Cộng sản ngày nay.

Tại nơi đây, trong những tháng, năm Bộ Biên tập Tạp chí Sinh hoạt nội bộ ở và làm việc, đội ngũ cán bộ của Tạp chí Cộng sản được nhân dân địa phương đùm bọc, giúp đỡ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Hôm nay, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Bia di tích Kỷ niệm Tạp chí Cộng sản tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu tiên. Việc xây dựng Nhà Bia di tích lịch sử để lưu giữ truyền thống vẻ vang của Tạp chí Cộng sản trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để giáo dục truyền thống cách mạng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản; đồng thời thể hiện đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", là sự tri ân của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cộng sản đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

Chúng tôi tin tưởng rằng, di tích này sẽ góp phần tạo sự sống động hơn những giá trị lịch sử trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, góp phần khích lệ, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vươn lên giành nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Trong thời gian tới, nơi đây cũng sẽ là điểm hẹn về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước./.