Liên hợp quốc trong bối cảnh quốc tế mới

Ngô Chí Nguyện
14:13, ngày 05-10-2007

Hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày thành lập, trong quá trình thực hiện sứ mạng to lớn của mình, Liên hợp quốc đã trải qua bao thăng trầm trước những biến động của tình hình thế giới và đã có những đóng góp không nhỏ cho hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, sự đổi thay nhanh chóng và sâu sắc của tình hình quốc tế sau "chiến tranh lạnh" đã đặt ra những câu hỏi về sự tồn tại, vai trò và khả năng của tổ chức lớn nhất thế giới này trong thời gian tới.

1. Những thành công không thể phủ nhận

Trong hơn 60 năm qua, vai trò và đóng góp to lớn của Liên hợp quốc trên nhiều lĩnh vực như bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới, thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế thế giới và tiến bộ của nhân loại là một thực tế không thể phủ nhận. Sau "chiến tranh lạnh", Liên hợp quốc vẫn tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo hòa bình thế giới; tổ chức thành công nhiều cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết các cuộc nội chiến và xung đột ở một số nước trên thế giới, như Na-mi-bi-a, Công-gô, Ăng-gô-la, En Xan-va-đo, Mô-dăm-bích, Cam-pu-chia, Đông Ti-mo..., góp phần xóa bỏ chế độ A-pac-thai ở Nam Phi; thúc đẩy độc lập và quyền tự quyết dân tộc; ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Trong giai đoạn 1990 - 2002, Liên hợp quốc đã tăng 6 lần số lượng các chiến dịch gìn giữ hòa bình để ngăn chặn chiến tranh và tăng 4 lần các nỗ lực nhằm chấm dứt những cuộc xung đột đang diễn ra. Hiện nay có gần 70.000 binh sĩ mũ nồi xanh của Liên hợp quốc đang phục vụ trong 17 chiến dịch gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới với kinh phí gần 5 tỉ USD[1]. Với những cố gắng đó, hoạt động của Liên hợp quốc đã góp phần làm giảm 40% những cuộc xung đột bạo lực, 80% những cuộc xung đột gây nhiều đổ máu, 80% những cuộc diệt chủng và thanh lọc chính trị[2].

Ngoài lĩnh vực chính yếu là gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc và các tổ chức trực thuộc cũng đã thực hiện các hoạt động viện trợ phát triển với số lượng lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển; thúc đẩy tiến bộ xã hội, xóa bỏ đói nghèo; đối phó với thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường toàn cầu; viện trợ nhân đạo cho đông đảo những nạn nhân của các cuộc xung đột; thúc đẩy sự tiến bộ về dân chủ và nhân quyền trên thế giới. Liên hợp quốc không chỉ cống hiến to lớn trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của thế giới mà còn thúc đẩy việc cơ cấu hóa và trật tự hóa cộng đồng quốc tế, khắc phục tình trạng vô chính phủ trong hệ thống quốc tế, góp phần tạo nên nền tảng của các mối quan hệ quốc tế đương đại. Từ 51 thành viên ban đầu, đến nay Liên hợp quốc đã quy tụ 192 quốc gia tham gia. Điều đó chứng tỏ sức hút và vai trò to lớn của nó trong thế giới ngày nay.

2. Những thách thức phải vượt qua

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, Liên hợp quốc đã gặp phải những khó khăn và thất bại trong các chiến dịch vãn hồi hòa bình và ngăn chặn các cuộc thảm sát và xung đột tại Xô-ma-li, Ru-an-đa, Bu-run-đi, Công gô, vùng Ban-căng, Trung Đông...; bất lực trong việc ngăn chặn hành động sử dụng vũ lực đơn phương của Mỹ tại I-rắc. Liên hợp quốc cũng chỉ đạt được những thành công khá khiêm tốn trong việc ngăn chặn chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hủy diệt, đối phó với những mối đe dọa an ninh mới, thúc đẩy sự bình đẳng, quyền tự quyết của các dân tộc và giải quyết những vấn đề toàn cầu bức xúc hiện nay.

Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, trước sự biến động phức tạp của tình hình quốc tế, Liên hợp quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới:

Một là, thách thức đối với uy tín của tổ chức này. Cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 và cuộc chiến I-rắc năm 2003 phần nào cho thấy sự bất lực của Liên hợp quốc trong vai trò giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động đơn phương của Mỹ phớt lờ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc đã làm cho vai trò và uy tín của tổ chức này bị suy giảm nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, tính hợp hiến của Liên hợp quốc đã mất đi sự tin cậy cần thiết trong con mắt cộng đồng quốc tế. Trong tình thế đó, liệu Liên hợp quốc có còn khả năng bảo đảm hòa bình và an ninh trên hành tinh hay không khi mà hiện nay, nhiều quốc gia, nhất là những nước nhỏ, nghèo và yếu đang ở vào thế ít được bảo vệ hơn.

Hai là, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế sau "chiến tranh lạnh". Môi trường quốc tế có sự đan xen giữa mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, phạm vi và sự liên quan của các mối đe dọa cũng ngày càng rộng và khó tách biệt. Đến nay, nhiều "điểm nóng" an ninh truyền thống trên thế giới vẫn tồn tại. Trong khi đó, vấn đề chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, cực đoan... lại nổi lên rất bức xúc ở nhiều nơi, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới.

Ba là, thách thức trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như đói nghèo, nợ nần, chênh lệch phát triển Bắc - Nam, suy thoái môi trường sống, bùng nổ dân số, các loại bệnh, dịch nguy hiểm, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia... Liên hợp quốc với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cần phát huy vai trò của mình trong việc giải quyết những thách thức đó nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

3. Vấn đề cải tổ Liên hợp quốc

Hơn 60 năm qua, tình hình quốc tế đã có nhiều thay đổi. Sự vận động của cục diện quốc tế theo hướng đa cực hóa, đa trung tâm quyền lực với sự nổi lên của các cường quốc, các trung tâm quyền lực mới, sự gia tăng vai trò, vị thế của các nước đang phát triển; sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và sự mở rộng số lượng thành viên của Liên hợp quốc đã đặt ra nhiều vấn đề mới đối với tổ chức này. Trong khi đó, cơ cấu cơ bản và phương thức vận hành của Liên hợp quốc nói chung và của Hội đồng Bảo an, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc có trách nhiệm chính trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế nói riêng, đã không hề thay đổi trong suốt thời gian qua và ngày càng tỏ ra bất cập, không còn khả năng đối phó với tình hình quốc tế ngày càng phức tạp. Điều đó làm cho vai trò, tính hiệu quả và quyền lực thực tế của tổ chức này bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tế đó cho thấy, để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu thì việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới là một yêu cầu cấp thiết khách quan.

Cải tổ Liên hợp quốc trước hết là cải tổ bộ máy và sự vận hành của tổ chức này, trong đó cốt lõi nhất là cải tổ Hội đồng Bảo an. Cơ chế 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực hiện nay không còn phản ảnh đúng tương quan lực lượng quốc tế mới. Nhiều ý kiến cho rằng, Hội đồng Bảo an cần phải được mở rộng cả số thành viên thường trực và không thường trực. Nó cần được cân đối lại theo hướng mở rộng diện các nước thường trực với đại diện của các châu lục, các cường quốc mới nổi và các nước đang phát triển. Điểm mấu chốt thứ hai của cải tổ Hội đồng Bảo an là vấn đề quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực. Với cơ chế phủ quyết hiện nay, quyền lực tối cao trong các quyết định liên quan đến vận mệnh của cả nhân loại lại nằm trong tay vài nước lớn, thậm chí chỉ một lá phiếu phủ quyết cũng có thể làm cho mọi phản ánh, ý nguyện của đông đảo các nước và nhân dân thế giới bị vô hiệu hóa. Trong khi đó, đối với cuộc chiến chống I-rắc, mặc dù bị đa số các ủy viên thường trực bác bỏ và dư luận quốc tế phản đối nhưng Mỹ vẫn cứ đơn phương tiến hành. Điều đó cho thấy tính cấp thiết phải cải tổ cơ quan này theo hướng bảo đảm dân chủ thực sự và tính công khai, công bằng, tính minh bạch trong công việc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác, thực sự là đại diện cho quyền lợi của đa số các nước chứ không chỉ là của một số nước "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Theo đánh giá chung của dư luận, cơ chế phủ quyết này rõ ràng cần phải được thay đổi theo hướng giảm và tiến tới xóa bỏ toàn bộ đặc quyền này. Tuy nhiên, các cường quốc nắm trong tay quyền phủ quyết không dễ gì từ bỏ hoặc chấp nhận việc chia sẻ đặc quyền, đặc lợi của mình khi mà các quốc gia khác đều muốn có tiếng nói trong cơ quan trọng yếu nhất này của Liên hợp quốc. Vì thế, cải cách Hội đồng Bảo an là một công việc khó khăn và phức tạp nhất trong cải tổ Liên hợp quốc. Tuy được khởi động và thúc đẩy mạnh mẽ trong nhiều năm qua, nhưng việc cải tổ Hội đồng Bảo an vẫn đang rơi vào bế tắc.

Trong khi 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an được trao cho quá nhiều quyền lực mang tính đặc lợi thì Đại hội đồng Liên hợp quốc với tư cách đại diện cho tất cả 192 nước thành viên lại không có quyền quyết định các vấn đề của tổ chức này. Để cải tổ Liên hợp quốc theo hướng dân chủ và tiến bộ, nhất thiết cần tăng cường quyền lực của Đại hội đồng, bảo đảm vai trò của nó trong việc ra quyết định mà trước hết là cần củng cố vai trò và thẩm quyền của Chủ tịch Đại hội đồng, đồng thời giao cho Đại hội đồng những quyền lực thực tế hơn trong việc xem xét và quyết định những vấn đề trọng đại của Liên hợp quốc và của thế giới, trong đó có cả việc bầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ngoài ra, các cơ quan khác của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Ban Thư ký cũng cần được cải tổ mạnh mẽ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm và công bằng trong tuyển dụng nhân viên. Hội đồng Quản thác là một trong sáu cơ quan của Liên hợp quốc được lập ra nhằm thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa và quản lý các vùng lãnh thổ do Liên hợp quốc ủy trị đến nay đã hoàn thành sứ mệnh của mình nên cần chấm dứt hoạt động của nó. Thay vào đó nó cần đảm nhiệm nhiệm vụ tăng cường sự hợp tác và hỗ trợ phát triển quốc tế, thúc đẩy phát triển tiến bộ ở các nước đang phát triển, nỗ lực xóa bỏ đói nghèo và bất bình đẳng giữa các quốc gia, thu hẹp khoảng cách Bắc – Nam, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

Trong nỗ lực cải tổ Liên hợp quốc, bên cạnh ưu tiên cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của các cơ quan Liên hợp quốc, cần cải cách hoạt động của nó trên 3 lĩnh vực lớn là kinh tế, bảo đảm an ninh và nhân quyền.

Vấn đề cải tổ Liên hợp quốc đã trở thành đề tài nổi bật trong sinh hoạt của tổ chức này sau "chiến tranh lạnh", nó đã được khởi động và thúc đẩy trong nhiều năm qua. Đặc biệt, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Cô-phi An-nan là người đi tiên phong trong vấn đề này. Ông đã đưa ra một kế hoạch cả gói với những ý tưởng cải tổ táo bạo, toàn diện và sâu sắc, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải tổ Liên hợp quốc và đã đạt được một số kết quả quan trọng: Vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của Liên hợp quốc được bàn thảo sôi nổi, đã và đang được coi như một chương trình nghị sự quan trọng của tổ chức này; cơ cấu Liên hợp quốc đã có sự điều chỉnh lớn như đã lập chức Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc, thành lập ủy ban kiến tạo hòa bình để giúp đỡ các nước sau xung đột, thành lập Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên trực thuộc Đại hội đồng thay thế cho Ủy ban Nhân quyền cũ vốn bị coi là có thành tích kém cỏi về nhân quyền và bị các nước phương Tây thao túng; cơ cấu lại các vụ, quỹ và chương trình theo 4 chủ đề lớn là hòa bình - an ninh, kinh tế - xã hội, nhân đạo và phát triển để quản lý hiệu quả hơn, phân công, phân nhiệm rõ ràng hơn giữa các đơn vị này; cắt giảm biên chế và 1/3 chi phí hành chính và chuyển số tiền đó sang các chương trình kinh tế, xã hội; giảm 25% lượng công văn giấy tờ; sáp nhập các vụ, chương trình cả ở trụ sở Ban Thư ký và ở cấp độ quốc gia; tăng cường quan hệ với các định chế Brét-tơn Út... Về cải cách các lĩnh vực hoạt động: đã xác lập "nhận thức chung an ninh tập thể mới", tăng cường các cơ chế đa phương và sự đối phó bằng các hành động tập thể, nhấn mạnh các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Về kinh tế, vấn đề phát triển của các nước đang phát triển được coi trọng hơn, đã vạch ra và thúc đẩy cộng đồng quốc tế thực hiện các MDGs, kêu gọi các nước phát triển dành 0,7% GNP cho ODA, từng bước miễn giảm nợ nước ngoài cho các nước nghèo; cơ chế nhân quyền quốc tế được nhấn mạnh hơn, "can thiệp nhân đạo" có xu hướng được hợp pháp hóa.

Tuy nhiên, lộ trình cải cách Liên hợp quốc không hề đơn giản, bởi nơi đây hội tụ và đan xen rất nhiều vướng mắc về lợi ích. Dầu vậy, cải tổ Liên hợp quốc là vấn đề liên quan tới lợi ích thiết thân của hầu hết mỗi quốc gia, đồng thời liên quan tới trật tự thế giới trong tương lai của nhân loại, do đó, có thể nói con đường cải tổ của Liên hợp quốc chỉ có đường tiến chứ không có chỗ quay lại.

4. Quan hệ Việt Nam với Liên hợp quốc

Ngày 20-9-1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Ngay sau khi gia nhập tổ chức này, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam đã tranh thủ được các nguồn lực từ viện trợ trực tiếp không hoàn lại của hệ thống phát triển Liên hợp quốc với tổng trị giá trên 500 triệu USD để phục vụ cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống phát triển Liên hợp quốc đã góp phần giúp Việt Nam khắc phục những khó khăn về kinh tế - xã hội, hậu quả chiến tranh, thiên tai, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, góp phần phục hồi và xây dựng một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế trên tinh thần Việt Nam mong muốn, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển, quan hệ Việt Nam và Liên hợp quốc đã phát triển nhanh chóng. Việt Nam tham gia ngày càng tích cực và chủ động trên nhiều lĩnh vực trong chương trình nghị sự của Liên hợp quốc như vấn đề hòa bình và an ninh, giải trừ quân bị, phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát dân số và bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người. Sự tham gia đóng góp và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc từng bước được cải thiện và nâng cao cả về chiều rộng và chiều sâu trên nhiều lĩnh vực như hòa bình và an ninh quốc tế, hợp tác phát triển.

Đến nay, các tổ chức của Liên hợp quốc đã dành cho Việt Nam các khoản viện trợ gần 2 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1991 - 2000 là hơn 630 triệu USD. Giai đoạn 2006 - 2010, các tổ chức này cam kết tài trợ cho Việt Nam 425 triệu USD.

Với vai trò tích cực và vị thế ngày càng cao của Việt Nam tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại tổ chức này như: Phó Chủ tịch và Quyền Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc trong các năm 1997, 2000 và 2003; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1997 - 2000); Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Nông - Lương khóa 33; thành viên của Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 1991 - 1993, 1997 - 1999 và 2003 - 2005; thành viên Ủy ban Nhân quyền (2001- 2003); thành viên Hội đồng Chấp hành UNICEF (1997 - 1998); thành viên Hội đồng Chấp hành Chương trình phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (2000 - 2002); thành viên Hội đồng điều hành Liên minh bưu chính thế giới (1999 - 2004), và thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (1994 - 2006). Hiện nay, Việt Nam được Liên hợp quốc tín nhiệm chọn là một trong 8 quốc gia triển khai thí điểm sáng kiến "Một Liên hợp quốc" ở cấp độ quốc gia - một nội dung cải tổ quan trọng của Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam được lựa chọn là ứng cử duy nhất của châu á vào cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Khi đó, vai trò và vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc chắc chắn sẽ càng được nâng cao hơn nữa.
 

[1],[2] Xem mục về Liên hợp quốc trong http://vi.wikipedia.org