Hưng Yên – điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trên con đường hội nhập
Hưng Yên là một tỉnh thuần nông, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ; với diện tích 923,1 km2, dân số 1,1 triệu người, bao gồm 10 huyện, thị, 161 xã, phường, thị trấn. Hưng Yên đã và đang trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội.
Xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Hưng Yên có nhiều lợi thế như: gần Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thông minh và sáng tạo... Đứng trước thời cơ và thách thức cũng như xu thế tất yếu của việc hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Hưng Yên đã chủ động sáng tạo, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ, khắc phục khó khăn, phát huy mọi nguồn lực, vươn mình phát triển đứng lên trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ.
Khai thác lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, nguồn lực dồi dào, giao thông thuận lợi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mình, Hưng Yên đặc biệt chú trọng nhấn mạnh đến công tác thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp và dịch vụ, xem đây là điểm nhấn của mình. Trong giai đoạn 2000 - 2005, Hưng Yên đã thu hút được 410 dự án đầu tư (trong nước: 354, nước ngoài: 56), với tổng số vốn đăng ký tương đương 1.223 triệu USD, 160 dự án đã đi vào hoạt động, giá trị sản xuất tăng hàng ngàn tỉ đồng/năm, đóng góp gần 70% số thu ngân sách hằng năm trên địa bàn và tạo việc làm thường xuyên cho trên 4 vạn lao động. Năm 2006 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, thời tiết diễn biến phức tạp, song với tinh thần phấn đấu cao của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đạt được thêm những kết quả đáng phấn khởi. Đã thu hút thêm 60 dự án (trong đó có 42 dự án trong nước, 18 dự án nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư 3,1 ngàn tỉ đồng và 72,4 triệu USD, đưa tổng số lên 487 dự án, các dự án đã đi vào sản xuất phát triển tốt. Điều đặc biệt là ở Hưng Yên không có các dự án treo.
Quy mô vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Tổng vốn huy động toàn xã hội trong 5 năm đạt 17.126 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách trung ương chiếm 10%, ngân sách địa phương chiếm 12,3%, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 47,8%, dân cư chiếm 21,2%, còn lại là các nguồn vốn khác. Thu hút được 04 dự án ODA với tổng số vốn 17,8 triệu USD và 6,2 triệu EUR. Riêng năm 2006, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 6.120 tỉ đồng, tăng 17,5% cùng kỳ. Từ nguồn vốn tập trung, tỉnh đã làm mới và nâng cấp 1.024 km đường giao thông nông thôn, 36 cây cầu; trong đó cầu Yên Lệnh bắc qua sông Hồng nối liền tuyến đường Quốc lộ số 1 đi qua Hưng Yên đến vùng tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đưa Hưng Yên vào vùng có lợi thế phát triển kinh tế - công nghiệp - dịch vụ. Quốc lộ 39A hoàn thành năm 2003, đang mở rộng đoạn qua thị xã Hưng Yên với 8 làn xe với chiều rộng mặt cắt ngang là 54m.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,7%/năm (mục tiêu đại hội trên 20%); năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.855 tỉ đồng, tăng 28,8% so cùng kỳ, đạt kế hoạch năm. Hình thành một số ngành sản xuất chủ lực như: điện tử, dệt may, cơ khí và luyện thép... với công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt hơn, nhiều sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường. Quy hoạch phát triển công nghiệp có tiến bộ, 2 khu công nghiệp đã được phê duyệt đi vào sản xuất, đang trình duyệt các khu công nghiệp khác và triển khai xây dựng các khu công nghiệp phía nam của tỉnh; quy hoạch 10 khu công nghiệp làng nghề. Cơ cấu sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, hàng tiêu dùng và hàng có chất lượng cao.
Hoạt động thương mại và dịch vụ chuyển biến theo hướng đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống. Giá trị các ngành dịch vụ tăng bình quân đạt trên 15,0%/năm (mục tiêu đại hội 18%/năm). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 20,5%/năm; năm 2006 giá trị các ngành dịch vụ đạt 4.250 tỉ đồng, tăng 18,3% so cùng kỳ. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông... được mở rộng. Dịch vụ vận tải hành khách doanh thu tăng bình quân 14%/năm. Năm 2006 dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa phát triển mạnh với nhiều tuyến xe buýt Hưng Yên - Hà Nội, Hưng Yên - Hải Dương và các tuyến nội tỉnh. Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2006 đạt 11,5 máy/100 dân (mục tiêu là 3 máy/100 dân), 100% số xã có bưu cục hoặc điểm bưu điện - văn hóa, dịch vụ in-tơ-nét được khai thác và phát triển rộng khắp.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, bình quân 41,9%/năm, năm 2005 kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD (mục tiêu đại hội là 90 triệu USD); năm 2006 kim ngạch xuất khẩu đạt 270 triệu USD, đạt kế hoạch, tăng 27,8% so cùng kỳ. Có được kết quả đó là do các doanh nghiệp đã chủ động củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới theo xu thế phát triển hội nhập WTO; tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như: may mặc, điện tử, giày da và hàng nông sản... Nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được.
Thu, chi ngân sách trên địa bàn đạt kết quả cao. Thu ngân sách vượt kế hoạch giao, năm sau cao hơn năm trước, năm 2005 đạt trên 1.250 tỉ đồng; năm 2006 là 1.450 tỉ đồng, đạt kế hoạch, tăng 24,3% so với năm 2005. Công tác quản lý thuế được đổi mới, thủ tục hành chính đơn giản, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tăng tích lũy nội bộ. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách năm 2005 đạt 15,3%; năm 2006 là 18,3%. Chi ngân sách bình quân 775 tỉ đồng/năm, trong đó chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế năm 2005 tăng gấp 2 lần so với năm 2000. Năm 2006 tổng chi ngân sách là 1.243 tỉ đồng, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách địa phương quản lý là 402,7 tỉ đồng, đạt kế hoạch. Hoạt động của hệ thống tín dụng, ngân hàng có tiến bộ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên địa bàn phát triển.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ song hành phát triển hài hòa với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, từng bước thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa. Giáo viên phổ thông cơ bản đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn tăng hằng năm. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hằng năm đạt trên 95%; tỷ lệ thi đỗ cao đẳng, đại học và học sinh giỏi đạt giải quốc gia hằng năm tăng cao. Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở năm 2001 và trung học phổ thông năm 2004; đến nay có 116 trường đạt chuẩn quốc gia; triển khai sâu rộng phong trào "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên được chú trọng đầu tư; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tốt. Đến nay 100% xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng; có 2 trường đại học được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó Đại học Chu Văn An là trường đại học tư thục đầu tiên của cả nước và đang là một mô hình phát triển thu hút giáo dục cao của vùng đồng bằng Bắc bộ; đang quy hoạch khu đại học tại thị xã Hưng Yên. Hệ thống các trường dạy nghề được triển khai phát triển rộng khắp với nhiều ngành nghề đào tạo, đào tạo nghề cho hàng vạn lao động đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ phát triển khá, đã thực hiện 16 dự án và 36 đề tài khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. ứng dụng thành công công nghệ mới vào sản xuất một số cây, con giống đạt chất lượng tốt; hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chế biến bảo quản, phát triển cây ăn quả đặc sản và rau mầu có giá trị kinh tế cao. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người; 100% xã, phường, thị trấn đều có cán bộ y tế, bác sỹ và nữ hộ sinh. Công tác khám và điều trị cho người nghèo, đối tượng chính sách được chú trọng; đưa dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế về 90% trạm y tế xã. Các dịch vụ y tế ngoài công lập phát triển nhanh, mạnh và được quản lý chặt chẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đời sống văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 510 làng văn hóa, 220 nghìn gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa được tăng cường. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống được quan tâm. Các di tích, danh thắng trọng điểm của tỉnh như: Văn miếu Xích Đằng, đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, đền thờ Phạm Ngũ Lão, đền thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ, nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... được tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và tôn tạo to lớn, trang nghiêm. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thông tin được chú trọng. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng được duy trì và phát triển sâu rộng trong khối cơ quan, trường học, khu dân cư và quần chúng nhân dân. Thể thao thành tích cao có tiến bộ, năm 2006 tham dự 27 giải toàn quốc và quốc tế giành 55 huy chương các loại.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, khuyến khích làm giàu, giải quyết việc làm được tập trung chỉ đạo tốt và đạt nhiều kết quả. Tạo việc làm thường xuyên cho 9 vạn lao động và hàng chục vạn lao động có thêm việc làm vụ mùa. Tích cực chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Năm 2006, tạo việc làm mới cho 23.200 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,54% năm 2001 xuống còn 3% năm 2005 (tương đương 13% theo tiêu chí mới), và 11,1% năm 2006; tháng 4-2005 đã xóa xong nhà tre, vách đất cho hộ nghèo.
Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả thiết thực. Chính trị - xã hội được ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường lên một tầm cao mới tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Từ thành tựu của những năm đổi mới, nhất là trong 5 năm từ 2000 - 2005 và thành tựu của năm 2006 - năm đầu tiên thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh đề ra, Hưng Yên đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá cho mình:
Một là, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng; tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo phù hợp hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra những chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, kiên quyết chỉ đạo thực hiện đưa Nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống.
Hai là, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, mở rộng dân chủ đi liền với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Vận hành có hiệu quả cơ chế "Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, nhân dân làm chủ", chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, phát huy các lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nhạy bén với cái mới, năng động trong cơ chế thị trường và hội nhập; đẩy mạnh phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
Có thể nói do có chính sách phát triển hợp lý, tư duy sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng với đó là tinh thần đoàn kết phát triển đi lên của nhân dân, Hưng Yên hôm nay đã thực sự trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
* Văn phòng Tỉnh ủy Hưng Yên
Tam nông - tứ khó  (05/02/2007)
Năm 2007: Kinh tế thế giới tiếp tục đà tăng trưởng  (05/02/2007)
Vấn đề hạt nhân I-ran - đàm phán là cần thiết  (05/02/2007)
Nam Sách vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (05/02/2007)
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế  (05/02/2007)
Trên vùng núi đá Yên Minh  (05/02/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển