Vấn đề hạt nhân I-ran - đàm phán là cần thiết
Vấn đề hạt nhân I-ran đã và đang là một trong những điểm nóng ở khu vực Trung Đông- nơi được xem như một “thùng thuốc súng” có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Giải pháp hữu hiệu, duy nhất lúc này để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran là đàm phán song phương, đa phương giữa các bên liên quan.
Nguồn gốc vấn đề hạt nhân I-ran
Chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của I-ran được triển khai từ những năm 70 của thế kỷ trước, dưới sự giúp đỡ kỹ thuật của các công ty Tây Đức, rồi đến Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Nga đã ký với I-ran “Hiệp định về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình”, trên cơ sở đó đã giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tỉnh Bu-se với công suất 1.000 mê-ga-oát. Theo kế hoạch, trong vòng 15 năm, Nga sẽ giúp I-ran xây dựng thêm 5 nhà máy điện hạt nhân có cùng công suất. I-ran, trước nay vẫn khẳng định chương trình phát triển năng lượng hạt nhân chỉ vì mục đích hoà bình, cụ thể là sản xuất điện hạt nhân, không vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Mới đây, Giáo chủ A-li Kha-me-nây, lãnh tụ tinh thần của I-ran từng tuyên bố năng lượng hạt nhân là “nguồn tự hào đối với dân tộc I-ran và thế giới Hồi giáo” và I-ran sẽ không từ bỏ “quyền lợi” của mình.
Chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của I-ran trở thành “vấn đề” và ngày càng gay cấn, phức tạp kể từ khi quan hệ giữa Mỹ với I-ran bị gián đoạn, “đóng băng” sau cuộc Cách mạng Hồi giáo I-ran (11-2- 1979) lật đổ chế độ quân chủ Pa-la-vi thân Mỹ. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, quan hệ Mỹ - Iran càng diễn biến phức tạp, căng thẳng. Mỹ đưa I-ran vào danh sách “trục ác quỷ”, buộc tội I-ran ủng hộ khủng bố, can thiệp vào I-rắc và âm mưu phát triển vũ khí hạt nhân.
Lập trường các bên
Mỹ và EU kiên quyết đòi I-ran phải chấm dứt chương trình làm giàu U-ra-ni, một thứ nguyên liệu vừa có thể dùng cho sản xuất điện hạt nhân, vừa có thể chế tạo bom nguyên tử. Để đạt mục tiêu đó, EU mà đại diện là Anh, Pháp và Đức chủ trương tìm giải pháp thông qua đàm phán, thương lượng với I-ran. Trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến đầu năm 2005, các bên đã tiến hành đàm phán được vài lần. Vòng đàm phán được tiến hành vào tháng 11-2004 đã từng đạt được thoả thuận là I-ran tạm ngừng chương trình làm giàu U-ra-ni trong thời gian thương lượng; đổi lại, EU sẽ cải thiện quan hệ chính trị và dành ưu đãi thương mại cho I-ran. Tuy nhiên, các vòng đàm phán tiếp theo lại bị gián đoạn, trắc trở.
Mỹ trước sau luôn thiên về các giải pháp cứng rắn, gây sức ép, thực hành bao vây, cấm vận đơn phương về kinh tế, chính trị, đe doạ sử dụng vũ lực đối với I-ran, nhiều lần thúc ép đưa vấn đề hạt nhân I-ran ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để phán xử. Nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua ngày 23-12-2006 mang mã số 1737 áp đặt lệnh trừng phạt đối với I-ran, nhưng chỉ giới hạn ở chỗ yêu cầu các nước “ngăn chặn việc cung cấp, buôn bán hoặc chuyển giao tất cả nguyên vật liệu, thiết bị, hàng hoá và công nghệ có thể góp phần vào các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của I-ran”. Hội đồng Bảo an “sẽ thông qua thêm các biện pháp thoả đáng theo điều 41 của Chương VII” Hiến chương Liên hợp quốc, ám chỉ các biện pháp trừng phạt phi quân sự, khi I-ran từ chối tuân thủ các yêu cầu của Liên hợp quốc. Nghị quyết trừng phạt này được coi là “nhẹ tay” vì đã có sự nhân nhượng, thoả hiệp giữa các cường quốc thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Trong đó, Nga và Trung Quốc thường phản đối trừng phạt, thiên về các biện pháp thương lượng để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, ông M. En Ba-ra-đây Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cảnh báo rằng việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết 1737 có thể làm quan hệ giữa I-ran và phương Tây thêm căng thẳng.
Trước và sau khi Nghị quyết 1737 được thông qua, I-ran vẫn giữ lập trường cứng rắn. Ngày 11-12-2006, Tổng thống I-ran cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào được áp đặt đối với I-ran. Ngày 24-12-2006, một ngày sau khi có Nghị quyết 1737, nhà đàm phán hạt nhân của I-ran La-ri-gia-ri tuyên bố I-ran sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình hạt nhân, lắp đặt thêm 3.000 máy ly tâm tại nhà máy làm giàu U-ra-ni ở Na-tan-dơ.
Căng thẳng leo thang
Trước lập trường của I-ran, Mỹ đã điều thêm quân và tàu sân bay thứ hai, USS Stennics đến vùng Vịnh. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Ghết nói rằng hành động này nhằm báo cho I-ran biết là sau bốn năm tiến hành chiến tranh ở I-rắc, sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn không giảm đi. Thậm chí có tin, Mỹ sẽ tấn công I-ran vào tháng 4-2007 để phá vỡ kế hoạch phát triển hạt nhân của nước này khi mà Nghị quyết 1737 trừng phạt I-ran của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tỏ ra vô hiệu. Ngày 18-1-2007, Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát tuyên bố I-ran đã sẵn sàng đối phó với phương Tây trong bất kỳ tình huống nào. Trên thực tế, I-ran đã tiến hành ba cuộc diễn tập quân sự lớn và thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới nhằm chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Một nguồn tin đáng lo ngại được đăng trên tờ The Times số ra gần đây cho biết: I-xra-en một đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, một quốc gia mà Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát đòi “xoá tên trên bản đồ thế giới” đang lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạt nhân của Tê-hê-ran bằng vũ khí nguyên tử. Kế hoạch tấn công này đã được vạch ra một cách chi tiết và chuẩn bị chu đáo, từ việc huấn luyện phi công, xác định các mục tiêu và cách thức tiến hành.
Như vậy, phải chăng, trong vấn đề hạt nhân I-ran hiện đang có cuộc leo thang đến bên “miệng hố chiến tranh” do lập trường cứng rắn của các bên đối địch? Và nếu cộng đồng quốc tế không ngăn chặn được cuộc leo thang này thì đây chắc chắn sẽ là thảm hoạ không chỉ cho các bên tham chiến mà cho cả hoà bình, an ninh của khu vực Trung Đông cũng như thế giới.
Phải chăng “cứng rắn” là cần thiết?
Với Mỹ, hậu quả về cuộc chiến tranh I-rắc còn đang nóng hổi hằng ngày. Chính vì mắc sai lầm trong công tác tình báo, gán ghép cho I-rắc cái tội có vũ khí hạt nhân, ủng hộ khủng bố để lấy cớ phát động chiến tranh, Mỹ đã và đang phải trả giá đắt cả về tiền của, sinh mạnh binh lính và uy danh của chính quyền. Việc I-ran có ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân vẫn chỉ là nghi vấn của Mỹ và phương Tây. Tờ Người Niu-oóc (Mỹ) số ra ngày 27-11-2006 tiết lộ một “dự thảo đánh giá tối mật của CIA” rằng: “CIA đã không tìm thấy bằng chứng xác thực về một chương trình vũ khí hạt nhân của I-ran đang vận hành song song với chương trình hạt nhân dân sự của nước này”. Do đó, nếu như sai lầm tại I-rắc lại được tái diễn ở I-ran, thì cái giá mà Mỹ phải trả chắc là còn lớn gấp bội. I-ran là một nước lớn ở khu vực Trung Đông, với diện tích hơn 1,6 triệu cây số vuông, có tiềm năng dầu mỏ nói riêng và tiềm năng kinh tế nói chung khá lớn, với số dân hơn 70 triệu người, với đội quân chính quy hơn 600 ngàn và hơn 7 triệu dân binh được vũ trang bởi hệ tư tưởng Hồi giáo chính thống và các loại vũ khí, trang bị khá hiện đại. Đó quả thực là lực lượng mà Mỹ không thể xem thường.
Với I-xra-en, phải chăng chỉ vì nỗi tức giận bởi lời tuyên bố bị xoá tên khỏi bản đồ thế giới mà “liều mạng” làm một việc “tày trời” là dùng vũ khí hạt nhân để tấn công một đối thủ như I-ran? Với bất kỳ lý do gì, dùng vũ khí hạt nhân tấn công trước một quốc gia, đó sẽ là một tội ác mà loài người văn minh không thể tha thứ!
Với I-ran, trong bối cảnh quan hệ thù địch, căng thẳng với Mỹ và I-xra-en chưa được cải thiện, dư luận quốc tế cũng lên tiếng phản đối chương trình hạt nhân của nước này thì việc theo đuổi lập trường cứng rắn đối với vấn đề hạt nhân hay việc tổng thống M. A-ma-đi-nê-giát đưa ra lời lẽ quá khích đòi xoá tên một quốc gia trên bản đồ thế giới chỉ tăng thêm những căng thẳng không cần thiết.
Dư luận kêu gọi các bên liên quan trực tiếp đến vấn đề hạt nhân I-ran “xuống thang” trong lập trường quá cứng rắn của mình. Song, chừng nào mà các bên liên quan còn duy trì quan hệ và chính sách thù địch đối với nhau, thì vẫn chưa có hy vọng giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân I-ran. Bào chữa cho việc phát triển vũ khí hạt nhân dưới bất kỳ lý do nào cũng là điều không thể chấp nhận. Việc chấm dứt mối quan hệ và chính sách thù địch giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân I-ran là giải pháp cơ bản nhưng cũng là quá trình lâu dài, không thể giải quyết một cách chóng vánh. Giải pháp hữu hiệu, trước mắt mà mỗi bên có thể làm được là tự kiềm chế, xuống thang trong lập trường cứng rắn của mình, không leo thang đến “miệng hố chiến tranh”. Chiến tranh không bao giờ là giải pháp thích hợp và hữu hiệu cho vấn đề hạt nhân I-ran trong khi giải pháp hữu hiệu, duy nhất lúc này vẫn đang mở ra, vẫn đang vẫy gọi. Đó là đàm phán song phương, đa phương giữa các bên liên quan đến vấn đề hạt nhân I-ran. Mới đây, Giám đốc IAEA, ông E. Ba-ra-đây đề nghị phương Tây nối lại đàm phán với chính quyền I-ran và ông sẽ ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào có thể đưa I-ran quay trở lại bàn đàm phán. Còn tờ Người Niu-oóc số ra ngày 27-11-2006 viết rằng: “Chiến thắng của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua ở Mỹ đã làm bùng lên một làn sóng kêu gọi chính quyền Mỹ bắt đầu các cuộc đối thoại trực tiếp với I-ran”. Ngày 21-1-2007, I-ran tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Mỹ về Vấn đề hạt nhân I-ran.
Vậy là, cánh cửa đàm phán giữa các bên liên quan trong vấn đề hạt nhân I-ran, đặc biệt kênh đàm phán trực tiếp Mỹ – I-ran có cơ hội được mở ra. Và chìa khoá hiện vẫn nằm trong tay Mỹ và I-ran.
Nam Sách vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (05/02/2007)
Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Đà Nẵng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế  (05/02/2007)
Trên vùng núi đá Yên Minh  (05/02/2007)
Một số giải pháp cơ bản về công tác tư tưởng góp phần ổn định chính trị - xã hội ở Tây Nguyên  (05/02/2007)
Phú Quốc trên lộ trình trở thành một trung tâm kinh tế - du lịch sinh thái chất lượng cao  (05/02/2007)
Giới và vấn đề phát triển ở các nước Đông-Nam Á - nhìn từ góc độ văn hóa  (04/02/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển