Giáo dục đại học chịu ảnh hưởng sâu sắc của chính trị, kinh tế, văn hóa hiện có của mỗi nước. Dù rất đa dạng, song không có một hệ thống đại học nào là bản sao giống hệt của nước khác. Phần lớn các hệ thống giáo dục bậc cao hiện nay đều được xây dựng mô phỏng theo một số mô hình giáo dục đại học của những nước tiên tiến trên thế giới.

Mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ

Giáo dục đại học ở Hoa Kỳ có đặc điểm là, vận hành theo nguyên tắc tự trị rộng lớn của các trường đại học.Hiến pháp Mỹ quy định, trách nhiệm quản lý giáo dục không thuộc về Chính phủ liên bang mà thuộc về mỗi bang. Chính quyền bang cũng chỉ quản lý giáo dục bậc cao một phần, bằng việc đầu tư một khoản kinh phí và cử một người đại diện tham gia Hội đồng quản trị của các trường đại học công. Các trường này gần như có toàn quyền quyết định mọi việc của mình, bao gồm cả thuê mướn, tuyển dụng, sa thải giảng viên, nhân viên v.v...Riêng các trường tư nhân (chiếm gần một nửa trong số 3.500 trường đại học, cao đẳng ở Hoa Kỳ), quyền tự trị của họ còn lớn hơn nhiều.

Nguyên tắc tự trị quản lý giáo dục đại học Hoa Kỳ trong cơ chế thị trường tất yếu nảy sinh nguyên tắc tự do cạnh tranh giữa các trường đại học. Ưu điểm của nó là tạo ra một nền giáo dục bậc cao đại chúng gắn bó chặt chẽ và bền vững với cộng đồng địa phương, có quan hệ mật thiết với nền kinh tế, bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Nguyên tắc cạnh tranh giáo dục cũng buộc các trường đại học phải không ngừng đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thu hút và khuyến khích những giảng viên giỏi làm việc cho trường, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài bộ phận giáo viên cơ hữu, các trường đại học còn mời các chuyên gia thỉnh giảng có danh tiếng ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những người đang hoạt động thực tế (kinh doanh, kỹ thuật, quản lý...) tham gia giảng dạy. Các phòng thí nghiệm, trung tâm và công ty thuộc trường đại học cũng tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều giáo sư ở các trường đại học cũng là những nhà kinh tế chủ chốt của các ngân hàng, công ty lớn và là cố vấn chính phủ.

Mô hình giáo dục đại học Liên Xô (cũ)

Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va mang tên
Lô-mô-nô-xốp (Nga) -  nơi đào tạo nhân tài cho các nước

Mô hình này trái ngược hoàn toàn với mô hình của Hoa Kỳ. Nguyên tắc tập trung hóa và thống nhất về chính trị chi phối toàn bộ hoạt động và quản lý, quy mô và nội dung chất lượng đào tạo của các trường đại học trong một hệ thống. Hoạt động của tất cả các trường đại học hầu như nhờ nguồn kinh phí của nhà nước cấp. Các trường đại học được tự soạn giáo trình và chọn phương pháp giảng dạy, song phải theo chương trình và kế hoạch học tập của Bộ Đại học. Ưu điểm của mô hình này là Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ và toàn diện giáo dục bậc đại học, tạo ra nền giáo dục đại học có tính đại chúng cao. Song, mặt kém của mô hình này là thiếu sự năng động và kém thích ứng trước sự biến đổi của môi trường kinh tế-xã hội quốc gia và quốc tế.

Mô hình giáo dục đại học Đức

Mô hình giáo dục đại học Đức do Uyn-hem Vôn Hăm-bôn sáng lập từ thế kỷ XIX với mục đích xây dựng những trung tâm nghiên cứu đại học hiện đại để “đẩy lùi những biên giới của kiến thức”. Mô hình này không coi trọng sự can thiệp của chính trị và quyền lực nhà nước đối với giáo dục đại học. Nó đảm bảo tính độc lập, tự quyết của các trường đại học và quyền tự do của các thành viên được theo đuổi việc nghiên cứu mà không có sự can thiệp của chính quyền. Chính phủ liên bang và các bang chỉ có quyền hạn quản lý một phần công việc của các trường đại học, thông qua việc cấp phát tài chính và qua Hội đồng đại học để bàn bạc đánh giá công việc của các trường. Các trường đại học ở Đức có toàn quyền tuyển dụng, trả lương và thưởng-phạt nhân sự của mình.

Mô hình giáo dục đại học Anh

Mô hình giáo dục đại học ở xứ sở sương mù được nêu lên như một tấm gương sáng về một hệ thống giáo dục bậc cao được hưởng sự tự trị về thể chế rất rộng rãi. Nhà nước chỉ quản lý các trường đại học thông qua việc cấp phát tài chính. Các trường đại học ở đây hoàn toàn có quyền sử dụng kinh phí đã được cấp mà không có sự can thiệp hay kiểm tra của nhà nước.Sinh viên ở đây bắt buộc phải ở trong ký túc xá, hợp thành một cộng đồng sinh hoạt và học tập dưới sự quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, hạn chế của giáo dục đại học ở Anh so với các nước khác chi phí trung bình 15000 USD một năm đối với một sinh viên là quá cao, chỉ có những gia đình khá giả mới có khả năng chi trả khoản tiền khổng lồ này. Hiện nay, có thể thấy rằng, giáo dục đại học ở Anh dường như chỉ mở cửa đối với tầng lớp giàu có ở trong và ngoài nước.

Mô hình giáo dục đại học Pháp

Giáo dục đại học Pháp do Na-pô-lê-ông khởi xướng, là một trong những ví dụ cổ xưa nhất về việc Nhà nước sử dụng đại học như một công cụ hiện đại hóa xã hội. Các trường đại học ở Pháp có quyền chủ động xây dựng chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học. Năm 1968, Pháp tiến hành cải cách giáo dục, quyền tự trị của các trường đại học được mở rộng thêm về lĩnh vực tài chính, nhân sự.... Mô hình giáo dục đại học Pháp được hình thành trong cơ chế thị trường, do đó có thể khuyến khích sự cạnh tranh về nhân lực và chất lượng giữa các trường đại học.

Giáo dục đại học Pháp được chia thành hai hệ: đào tạo tổng quát và đào tạo nghề nghiệp. Hai hệ này không tách rời nhau: giữa hai hệ thường có cầu nối để sinh viên có thể chuyển từ hệ này sang hệ kia./.
 
10 trường đại học nổi tiếng thế giới

Đại học Ha-vớt (Harvard University), Mỹ
Đại học I-an (Yale University), Mỹ
Đại học Lô-mô-nô-xốp (Lomonoxop University), Nga

Đại học Cam-bơ-rít (University of Cambridge), Anh
Đại học Kỹ thuật Mui-ních (Technical University of Munich), Đức
Đại học Hồng-kông (University of Hong Kong)
Đại học Tô-rôn-tô (University of Toronto), Ca-na-đa
Đại học Xít-ni (University of Sydney), Ố-xtrây-li-a
Đại học Pa-ri (University of Paris), Pháp
Đại học Tô-ky-ô (Tokyo University), Nhật Bản