TCCSĐT - Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Thành ủy Cần Thơ tổ chức sáng 19-5-2014 tại Thành phố Cần Thơ. 
Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Cần Thơ.

Dự Hội thảo còn có lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.

 
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Cần Thơ Trần Quốc Trung khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: với mục đích tập hợp nhiều ý kiến đánh giá từ thực tiễn của các nhà quản lý, các nhà khoa học đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Thành ủy thành phố Cần Thơ xác định việc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học này là vấn đề hết sức quan trọng.

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc nhấn mạnh: là vùng đất phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa,... tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng của mình và đã bộc lộ những hạn chế cần sớm tìm giải pháp khắc phục.

 
 PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo

Để đạt được mục tiêu đề ra của Hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Phúc yêu cầu các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận và tiếp tục làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, nêu bật những thành tựu, đóng góp to lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; khẳng định tính đúng đắn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, trong đó có vai trò quan trọng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, nhận diện, phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập đã và đang nổi lên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, bất cập đó.

Thứ ba, từ các mặt thành công, hạn chế, nhất là những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long rút ra những bài học gì về mặt lý luận, bổ sung những vấn đề gì vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ tư,
đề xuất và kiến nghị với Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long những giải pháp cơ bản để tạo sức bật và động lực mới cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong thời gian tới nhằm phát triển theo hướng nhanh và bền vững.

Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang và GS, TS. Bùi Chí Bửu, Chuyên viên cao cấp, nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cùng cho rằng: trong thời gian qua, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có của vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; phát triển công nghiệp, đô thị của vùng kém hiệu quả và gây khó khăn cho phát triền nông, ngư nghiệp. Đáng nói là mô hình “liên kết 4 nhà” thiếu bình đẳng, kém hiệu quả; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế thành động lực thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông thủy bộ và hệ thống cảng biển còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng.

 
 Các đại biểu tham dự Hội thảo

Xuất phát từ thực tiễn địa phương, TS. Hồ Việt Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết: thể chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh An Giang nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung đôi lúc còn chậm, dàn trải so với yêu cầu. Còn ThS. Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lại trăn trở: việc liên kết vùng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để phát huy thế mạnh của từng địa phương, nhưng đến nay các địa phương trong vùng chưa đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cục bộ của địa phương nên vẫn còn phát triển manh mún, thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Một mô hình mang lại nhiều kết quả, góp phần thực hiện tất cả các nội dung, mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp đó là "cánh đồng mẫu lớn" ở đồng bằng sông Cửu Long, ngày càng thể hiện là xu thế tất yếu trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, quá trình triển khai lĩnh vực này trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long cho biết thêm là, hệ thống thiết bị máy móc phục vụ cho chế biến các sản phẩm nông nghiệp chưa đồng bộ nên dù năng suất các loại hoạt động nông nghiệp cao nhưng giá trị thu lãi vẫn thấp.

Về vấn đề nguồn nhân lực, theo nhận định của PGS, TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ và ThS. Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng, Vụ Nông nghiệp, nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương thì sự bất cập về nguồn nhân lực ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vừa qua không chỉ yếu về chất lượng mà phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm và tác phong làm việc công nghiệp. Bên cạnh đó, do cơ cấu lao động phân bổ bất hợp lý trên nhiều mặt, cả về  lực lượng, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo đến việc sử dụng nguồn nhân lực đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực này.

 
 Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu thông qua nhiều ý kiến cũng như những bài tham luận gửi tới Hội thảo. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiến hành tổng hợp và đưa ra những đề xuất, kiến nghị cũng như một số giải pháp cơ bản
với Đảng, Nhà nước, góp phần tạo nền tảng và sức bật mới cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020./.