“Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh”
TCCSĐT - Từ sau Chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Trong lúc đó, quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động. Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp phải tăng thêm lực lượng, thay đổi kế hoạch tác chiến, đưa nhiều tướng lĩnh vào tham chiến.
Tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử Tướng Hăng-ri Na-va, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau một tháng khảo sát, tìm hiểu thực tế chiến trường, đầu tháng 7-1953, Na-va vạch ra một kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, được Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua. Na-va chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
Thực hiện kế hoạch trên, Na-va và Bộ Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở những cuộc càn quét dữ dội ở vùng địch chiếm đóng; tiến công ra Ninh Bình, uy hiếp Thanh Hóa; nhảy dù xuống Lạng Sơn, uy hiếp Phú Thọ; đồng thời, cho thổ phỉ quấy rối Tây Bắc. Sau đó, cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, kế hoạch của chúng là phải lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện ý định của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào.
Được tin các đơn vị chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Na-va quyết định “ra tay trước”. Ngày 20-11-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Ca-xto đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm. Để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp tập trung tăng cường phòng thủ, đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải…, hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là trên 16.000 quân, bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự - một “trung tâm đề kháng”, có lực lượng cơ động và lực lượng phòng ngự, có hỏa lực riêng, xung quanh có nhiều hàng rào dây thép gai, hàng rào kẽm và cài mìn xen kẽ. Các “trung tâm đề kháng” này lại được liên kết với nhau thành các phân khu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chia thành ba phân khu: phân khu Bắc có 2 “trung tâm đề kháng”, phân khu Nam có 1 “trung tâm đề kháng” và cuối cùng là phân khu Trung tâm có 5 “trung tâm đề kháng”. Các “trung tâm đề kháng” được bố trí trên một không gian tương đối rộng, vừa có khả năng phòng ngự độc lập, vừa có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh, như súng cối, súng phun lửa… Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ để có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không.
Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Chúng cho rằng nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi.
Về phía ta, trên cơ sở hai khối chủ lực cơ động trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh và trực thuộc các Liên khu, lực lượng vũ trang đã hình thành được các đơn vị binh chủng, gồm pháo mặt đất, pháo phòng không, công binh, thông tin. So sánh quân số đơn thuần tại chiến trường Điện Biên Phủ thì ta hơn hẳn địch (ta là 40.000 người/địch 16.000 người). Song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế hơn ta, nhất là về đạn pháo, máy bay và xe tăng… Mặt khác, chúng được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều “trung tâm đề kháng”. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn và cách đánh phù hợp, ta khó có thể thắng địch.
Nắm vững ý định chiến lược “đánh chắc thắng” của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, chỉ đạo một số đơn vị huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chỉ huy quân và dân ta đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thực sự là một cuộc đấu trí giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh, được thể hiện qua mấy vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, ta tích cực đẩy mạnh tiến công, buộc địch bị động phân tán lực lượng trên những điểm xung yếu, tạo điều kiện thuận lợi và yếu tố bất ngờ để tiến hành trận quyết chiến chiến lược.
Khi chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 diễn ra, trên cơ sở chủ động nắm bắt tình hình địch, ta ở các chiến trường và nghiên cứu kế hoạch tác chiến theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu tiến hành nghiên cứu và lên phương án tác chiến, xác định hướng tiến công chiến lược. Căn cứ phương án tác chiến đã xác định và chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu đã sử dụng bộ đội chủ lực phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước và toàn Đông Dương; quân và dân ta trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mở năm đòn tiến công lên các hướng gồm: Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên. Đây là những nơi lực lượng địch mỏng, yếu, sơ hở, nhưng lại là những địa bàn chiến lược mà chúng không thể bỏ. Đồng thời, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ, đánh bại các cuộc hành quân càn quét chiếm đất, giành dân của quân Pháp.
Thứ hai, ta tổ chức lực lượng mạnh, tạo lập thế trận vững chắc, chọn thời cơ đúng, giành thế chủ động “đánh chắc, tiến chắc” trên chiến trường.
Sức mạnh của lực lượng cách mạng được nhân lên bằng chiến lược chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và của thời đại. Trên chiến trường đã diễn ra một sự phối hợp quy mô rộng lớn, lực lượng vũ trang và nhân dân ta vừa chiến đấu trên mặt trận chính diện, vừa chiến đấu trên các mặt trận phối hợp sau lưng địch.
Về “thế”, trước ngày nổ súng mở đầu chiến dịch (ngày 13-3), quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã sa vào thế yếu, lúc đó lực lượng của địch đã bị căng kéo ra khắp toàn Đông Dương, không có điều kiện để hỗ trợ cho Điện Biên Phủ. Ta đã hình thành thế bao vây, áp sát lòng chảo Điện Biên Phủ, bố trí hỏa lực phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm, để có thể ngắm bắn trực tiếp các mục tiêu dưới lòng chảo; pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được ngụy trang kín đáo. Mặt khác, Điện Biên Phủ là một chiến trường rừng núi, hoàn toàn cô lập và cách xa căn cứ hậu phương của đối phương, tất cả mọi việc giao thông tiếp tế đều trông cậy vào máy bay. Thế nhưng, thời tiết tháng 3 ở Điện Biên Phủ sương mù dày đặc, không thuận lợi cho máy bay cất, hạ cánh, thả dù, tiếp tế. Trước thế bất lợi đó, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị đặt vào thế bị động phòng ngự, điểm mạnh của chúng đã trở thành điểm yếu không thể phát huy.
Về “thời cơ”, để giành thế chủ động trên chiến trường, qua phân tích, đánh giá chỗ mạnh, yếu của ta và địch, thì nếu “đánh nhanh giải quyết nhanh” ta sẽ gặp điều bất lợi, không nắm chắc được phần thắng lợi. Do đó, ta kiên quyết chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian làm chuyển hóa lực lượng. Thực dân Pháp dựa vào lực lượng quân sự mạnh, chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”. Ta chủ trương “trường kỳ kháng chiến” để phát triển lực lượng, phá tan âm mưu của địch.
Về “mưu lược”, ta thực hiện “dĩ nhu xử cương” (lấy mềm xử cứng). Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có hỏa lực pháo binh, cơ giới và không quân mạnh, để giảm hỏa lực của đối phương, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta phải tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội ta triển khai và vận động dưới hỏa lực của đối phương; pháo binh của ta vận chuyển được vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân Pháp. Bằng chiến thuật trên, ta đã ngăn chặn và đi đến triệt nguồn tiếp tế, chi viện của chúng, làm cho quân Pháp không phát huy được ưu thế của quân đội nhà nghề, trang bị vũ khí hiện đại.
Thứ ba, triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả với tác chiến của lực lượng ba thứ quân.
Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra (ngày 19-12-1946) cho đến trước chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra nhiều chiến dịch nhưng thường có quy mô vừa và nhỏ. Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, ta đã huy động 4 đại đoàn bộ binh (304, 308, 312, 316), Đại đoàn Công - Pháo 351 và 1 trung đoàn công binh. Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40.000. Ta còn huy động trên 5 vạn thanh niên xung phong, hơn 4.000 dân công và hàng trăm phương tiện như xe đạp thồ, ô tô vận tải các loại… Đây là chiến dịch tiến công có lực lượng tham gia nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và có sự tác chiến hiệp đồng giữa một số binh chủng bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ, công binh để tiến công tiêu diệt đối phương trên địa hình rừng núi.
Từ ngày 13-3-1954, giai đoạn một của chiến dịch, ta bắt đầu tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho chủ lực trên mặt trận chính diện không chỉ bao vây giam giữ quân địch, mà còn chiến đấu liên tục, tập trung lực lượng để tiêu diệt địch. Bằng việc tập trung lực lượng, tác chiến hiệp đồng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, đồng thời xây dựng hệ thống trận địa và giao thông hào, từng bước thắt chặt vòng vây, theo cách đánh “bóc vỏ” các “trung tâm đề kháng” vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu bên trong của địch, tạo thế trận có lợi cho ta, tiến tới đánh thẳng vào khu trọng yếu nhất thuộc tung thâm phòng ngự của địch.
Cùng với các hoạt động vây lấn của bộ binh, pháo cao xạ và súng máy phòng không của các đại đoàn tiến sâu vào thung lũng, tạo một lưới lửa phòng không khống chế không cho không quân Pháp dùng máy bay tiếp tế cho lực lượng đang bị bao vây trong lòng chảo Điện Biên Phủ. Đó là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa bộ binh, pháo binh và phòng không, giữa lực lượng tiến công tiêu diệt từng cứ điểm với lực lượng đánh địch phản kích bảo vệ mục tiêu đã chiếm, bảo vệ trận địa tiến công và bao vây; giữa các trận đánh tiêu diệt lớn với tác chiến tiêu hao rộng rãi của các đơn vị đánh lấn, bắn tỉa, luồn sâu đánh hiểm trong tung thâm phòng ngự của tập đoàn cứ điểm.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trải qua 3 đợt tiến công, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại cho quân và dân ta nói chung, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng nhiều kinh nghiệm quý báu; đặc biệt là hiện thực hóa tư tưởng chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của chiến tranh Việt Nam, thể hiện qua những nội dung sau:
Một là, trong tác chiến chiến lược, luôn quán triệt tư tưởng tiến công, đánh giá đúng tương quan lực lượng địch - ta trong quá trình phát triển của chiến tranh.
Hai là, chủ động chọn hướng mở đòn tiến công chiến lược, lựa chọn chiến trường chính, mục tiêu chủ yếu chính xác; biết vận dụng sáng tạo và kết hợp linh hoạt các hình thức tác chiến trong điều kiện chiến tranh hiện đại.
Ba là, quá trình tiến hành chiến tranh, luôn duy trì quyền chủ động trên chiến trường, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ, tạo và nắm bắt thời cơ, liên tục tiến công.
Bốn là, không ngừng nâng cao trình độ và quy mô tác chiến tập trung hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện đánh tiêu diệt lớn trong các chiến dịch và trận quyết chiến chiến lược.
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng, thực hiện xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức đảm nhiệm vai trò nòng cốt của nền quốc phong toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Trước đòi hỏi của tình hình hiện nay, Bộ Tổng Tham mưu luôn tích cực chủ động nghiên cứu, tham mưu, soạn thảo kế hoạch, nội dung về chiến lược, sách lược, như huấn luyện, xây dựng tổ chức lực lượng, quy hoạch, bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trong cả nước và từng địa phương. Xây dựng khu vực và tuyến phòng thủ vững chắc, sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Hiện nay, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch với âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, tạo cớ can thiệp, luôn tìm mọi cách để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đối với Quân đội, thường xuyên quán triệt nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc, quan điểm của Đảng về lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong Cương lĩnh, các nghị quyết, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vấn đề đặc biệt quan trọng là phải nâng cao trình độ, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhất là ở cấp chiến lược, nâng cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; từng bước xây dựng tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước; nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang; tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh; ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội; gây tổn hại cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trần Phú  (25/04/2014)
Ba bộ trưởng giải trình về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số  (25/04/2014)
Festival Huế - sự hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa thế giới  (25/04/2014)
Cấm vận Nga - kinh tế toàn cầu ảnh hưởng  (25/04/2014)
Tưởng dễ hoá khó  (25/04/2014)
Công bố quyết định thành lập Học viện Chính trị Công an nhân dân  (25/04/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển