Tháng sáu, nhộn nhịp các hoạt động ngoại giao
Hiếm có thời điểm nào mà các hoạt động ngoại giao cấp cao lại diễn ra nhộn nhịp như tháng sáu này. Chỉ trong một tháng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt tiến hành các chuyến thăm chính thức đến các nước và các khu vực có tầm quan trọng đối với Việt Nam từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Với mỗi khu vực và mỗi nước, các chuyến thăm cấp cao mang tính chất riêng biệt, nhưng cùng chung một mục tiêu tăng cường, nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng hợp tác hoặc mở ra mối quan hệ hợp tác mọi mặt cùng có lợi.
Nâng tầm lên “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc
Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã mở đầu cho các hoạt động ngoại giao cấp cao của Việt Nam trong tháng Sáu. Chuyến thăm diễn ra từ ngày 30-5 đến 2-6 đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai Đảng, quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống hai nước cũng như quan hệ hợp tác song phương. Kết quả lớn nhất của chuyến thăm được thể hiện trong Tuyên bố chung theo đó hai bên nhất trí phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trở thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trong thời kỳ mới. Hiệu quả của chuyến thăm thể hiện ở việc lần đầu tiên lãnh đạo hai nước quyết định thiết lập đường dây nóng. Như vậy, bên cạnh việc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, lãnh đạo cấp cao hai nước có thêm một kênh thông tin, liên lạc để kịp thời trao đổi các vấn đề quan trọng. Để phát triển quan hệ song phương, trong chuyến thăm này, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí sớm ký kết và thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc”, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền trong năm 2008, và tiếp tục thực hiện tốt các thoả thuận hợp tác trên vịnh Bắc Bộ.
Có thể nói, trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang tiến triển theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt mà lãnh đạo hai nước đã xác định, chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã góp phần tăng cường tình cảm gắn bó bền chặt giữa hai nước.
Mở ra những cơ hội hợp tác mới với châu Âu
Nếu như chuyến thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là chuyến thăm nâng tầm mối quan hệ gắn bó về mọi mặt từ chính trị, đến kinh tế, văn hoá vốn có giữa Việt Nam và Trung Quốc thì chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, được tiến hành ngay sau đó, tới Cộng hòa Áo, Vương quốc Na Uy và Cộng hòa Hy Lạp - chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này, nhằm mục đích mở ra những cơ hội hợp tác mới với Áo, Na-uy và Hy Lạp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm này là 60 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thông qua các diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức tại mỗi nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo các nước nói trên đã nhất trí mở rộng hợp tác song phương và đa phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, môi trường. Với Vương quốc Na-uy, Việt Nam đã ký 4 thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực thuỷ sản, bảo vệ môi trường, cấp thoát nước, giáo dục và đào tạo và ký Ý định thư về việc Na-uy hỗ trợ 2 triệu USD cho việc xây dựng toà nhà thân thiện môi trường của Liên hợp quốc tại Việt Nam. Với Cộng hòa Áo, Việt Nam đã ký các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định tín dụng mẫu giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Raifeisen, thoả thuận khung hợp tác, xúc tiến quan hệ giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng Kinh tế Liên bang Áo, thoả thuận xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy tại Bình Định và Nghệ An, Hiệp định công nhận văn bằng đại học giữa hai nước. Với Cộng hòa Hy Lạp, lãnh đạo hai nước đã thống nhất thúc đẩy quan hệ kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tầu, du lịch, hàng hải và nông nghiệp. Về chính trị, thông qua các cuộc hội đàm, lãnh đạo các nước nói trên đều khẳng định coi trọng vị trí và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, nhất trí tăng cường hợp tác và phối hợp với Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên cũng đạt được những hiểu biết sâu sắc về nhân quyền và những vấn đề quan trọng khác. Kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là cơ sở để Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia châu Âu.
Khơi dậy và thúc đẩy hơn nữa tiềm năng hợp tác với EU
Châu Âu nói chung và Liên minh châu Âu nói riêng có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về mọi mặt với Việt Nam. Chuyến thăm các nước thành viên của EU là Hung-ga-ry, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri và Pháp từ ngày 15 đến ngày 26-6 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tiếp sau chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết một lần nữa khẳng định Việt Nam coi EU là đối tác rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam mới được bầu vào Ban lãnh đạo Liên minh Nghị viện Thế giới, chuyến thăm này là dịp để Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về xây dựng luật pháp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, đẩy mạnh việc tham gia các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và quốc tế. Nhiều văn kiện đã được ký kết giữa Quốc hội Việt Nam với các cơ quan lập pháp các nước trên đã được ký kết, nhằm tạo cơ sở mở rộng hơn nữa kênh hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước, như Thoả thuận hợp tác với quốc hội Hung-ga-ry về tăng cường giám sát việc thực hiện các hiệp định giữa chính phủ hai nước, trao đổi các đoàn quốc hội, thoả thuận hợp tác giữa văn phòng quốc hội hai nước Việt Nam và Ru-ma-ni. Trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ của các nước nói trên, hai bên đều bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị vốn có, và hợp tác không chỉ trong lĩnh vực lập pháp mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư. Các diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức nhân dịp này, cũng như các hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết là một minh chứng.
Củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo lời mời của Tổng thống G.Bu-sơ diễn ra đồng thời với chuyến thăm một số nước trong EU của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang đi vào giai đoạn phát triển và diễn ra đúng một năm sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Bởi vậy, chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm vào mục đích chính là kinh tế - thương mại, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Ngoài ra, các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh như giải quyết hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin, vấn đề MIA, vấn đề nhân quyền, tôn giáo, cũng là những chủ đề được đưa ra bàn thảo trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chính giới Hoa Kỳ. Kết quả chuyến thăm thể hiện trong nội dung hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống G.Bu-sơ, cũng như trong Tuyên bố chung theo đó hai bên thống nhất nhiều biện pháp nhằm củng cố vững chắc và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai bên nhất trí rằng quan hệ kinh tế và thương mại là quan trọng đối với quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ khởi động đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Tổng thống G.Bu-sơ khẳng định Hoa Kỳ đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam được tham gia chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và Tổng thống ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc công nhận Quy chế kinh tế thị trường. Hai nhà lãnh đạo ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị - quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh.
Tổng thống G.Bu-sơ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận lợi ích của đối thoại thẳng thắn, cởi mở về các vấn đề liên quan tới nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Hai nhà lãnh đạo cũng ghi nhận sự hợp tác giữa hai bên trong vấn đề tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích và việc Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm thông tin về người mất tích của Việt Nam, cũng như trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chứa chất đi-ô-xin trước đây ở Việt Nam. Một kết quả nổi bật trong chuyến thăm là việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong thời gian ở Mỹ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một lịch trình dày đặc các cuộc gặp gỡ với các chuyên gia kinh tế, giới doanh nghiệp và chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng thương mại. Đáng chú ý là cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ A-lan Grin-xpen và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hen-ri Pôn-xơn, nhằm tư vấn về các vấn đề kinh tế mà Việt Nam đang phải đương đầu.
Một hoạt động không thể thiếu trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước nói trên, là gặp gỡ kiều bào. Không chỉ để khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước luôn coi đồng bào ta ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mà còn để lắng nghe, chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của bà con, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con ổn định và phát triển, hướng về quê hương.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối phó với nhiều thách thức về an ninh, năng lượng, suy thoái kinh tế, các hoạt động ngoại giao nêu trên thể hiện một cách sinh động chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, mang lại lợi ích to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam./.
Cả USD và vàng đều giảm giá!  (28/06/2008)
Xuất khẩu tiếp tục tăng nhưng nhập siêu vẫn lớn  (27/06/2008)
Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại trong tháng 6  (27/06/2008)
Xây dựng “Gia đình văn hóa”- nhân tố quan trọng để phát triển xã hội trong thời kỳ mới  (27/06/2008)
Nhà đầu tư kỳ vọng, FDI vào Việt Nam lập kỷ lục  (27/06/2008)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên