Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người
TCCSĐT - Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, trong đó có tư tưởng về giáo dục - bộ phận quan trọng trong vấn đề xây dựng nhân tố con người.
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, quan điểm về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người giữ vị trí hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Hồ Chí Minh đối với con người, coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định mọi thành công; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Đó cũng là cơ sở khoa học, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta trong nhận thức và hoạt động xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Có thể khái quát quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người trên một số nội dung sau:
1. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”
Theo Hồ Chí Minh, dốt nát là nguyên nhân cơ bản của yếu hèn và sai lầm. Dốt thì dại, dại thì hèn. Hồ Chí Minh coi dốt nát là một trong ba loại giặc cần phải tiêu diệt (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm). Chính vì vậy, sau khi đất nước vừa giành được độc lập, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03-9-1945), Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới, trong đó có 2 nhiệm vụ về giáo dục, đó là “cần mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” và “giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” (1). Người chỉ rõ: Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, bởi không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng một chế độ xã hội mới và bảo vệ Tổ quốc thành công trong điều kiện văn hóa, dân trí, đạo đức, tinh thần xã hội thấp kém. Chưa đầy một tuần sau ngày độc lập, ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đã được Người ký và ban hành: Sắc lệnh 17-SL, thành lập Nha Bình dân học vụ, Sắc lệnh 19-SL, quy định mọi làng phải có lớp học bình dân, và Sắc lệnh 20-SL, cưỡng bách học chữ Quốc ngữ không mất tiền. Một nền giáo dục mới - nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập được Người nêu rõ trong Thư gửi các học sinh: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em… Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (2).
Hồ Chí Minh chủ trương phải xây dựng một nền giáo dục hướng vào các giá trị dân tộc, hiện đại và nhân văn, một nền giáo dục phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo chỉ đạo của Người, Bộ Giáo dục đã đề ra mục đích, phương pháp và tổ chức của nền giáo dục mới:
- Khẳng định mục đích cao cả của nền giáo dục mới là: tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng của mọi người để phụng sự đoàn thể và góp phần vào cuộc tiến hóa chung của nhân loại.
- Phương pháp của nền giáo dục mới là xóa bỏ lối học nhồi sọ, hình thức, chú trọng phần thực học, phần học về chuyên môn nghề nghiệp chiếm một địa vị quan trọng, hết sức đề cao tinh thần khoa học, nhằm giúp học sinh có lối nhận thức khoa học, phát triển óc phê bình, óc phân tích và tổng hợp, tinh thần sáng tạo và óc thực tế.
- Về tổ chức, nền giáo dục mới là một nền giáo dục duy nhất chung cho toàn thể nhân dân Việt Nam.
Cũng ngay trong năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo mở các khóa huấn luyện cán bộ bình dân học vụ. Khóa huấn luyện đầu tiên được mang tên Hồ Chí Minh. Đồng thời, Người ký Sắc lệnh thành lập Ban Đại học văn khoa, Sắc lệnh thành lập Hội đồng cố vấn học chính,… từng bước định hình nền giáo dục mới, với một hệ thống quan điểm hiện đại, đó là:
- Dân chủ hóa về mục tiêu phát triển;
- Dân tộc và đại chúng hóa về tổ chức đào tạo;
- Nhân văn hóa về nội dung đào tạo;
- Khoa học hóa về phương pháp đào tạo;
- Xã hội hóa về quản lý đào tạo.
Không chỉ quan tâm hoàn thiện thể chế và bộ máy của nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh còn khởi động cho toàn dân thấm nhuần tư tưởng “dân mạnh thì nước giàu”, “dân cường thì nước thịnh”, và Người kêu gọi mọi người phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhiều trường học cho thanh thiếu niên, cho đồng bào các dân tộc, cho phụ nữ, phụ lão,… đã khai giảng, cả nước sôi nổi với phong trào bình dân học vụ, diệt “giặc dốt”. Từ một nước 95% dân số mù chữ, nhiều làng xã đã xóa nạn mù chữ, nhiều “chiến sĩ diệt dốt” đã được vinh danh.
2. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục - sự nghiệp “trồng người” là một chiến lược vừa cơ bản, lâu dài, vừa là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Điều này cũng đúng với tuyên bố đưa ra năm 1994 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO): Không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của quốc gia đó. Và những quốc gia nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản.
Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách con người. Một mặt, giáo dục là sự tác động có mục đích, có hệ thống, theo một tổ chức chặt chẽ, nó phác thảo trước mô hình nhân cách cần đạt đến. Mặt khác, giáo dục truyền lại những thành tựu của nền văn minh xã hội theo con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất. Nhân cách con người được hoàn thiện bởi một nền giáo dục xã hội và tự giáo dục toàn diện sẽ trở thành những người vừa “hồng”, vừa “chuyên”; vừa có phẩm chất, vừa có năng lực; những công dân tốt, những cán bộ tốt, sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam mới.
Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi con người đều có cái thiện và ác ở trong lòng, ta phải làm thế nào cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân. Thông qua giáo dục thì cái thiện trong mỗi con người sẽ ngày càng nhiều thêm và cái ác sẽ mất dần đi. Tuy vậy, Hồ Chí Minh không coi giáo dục là yếu tố vạn năng, là tất cả, mà chỉ là phần chủ đạo, phần nhiều. Người viết:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.
Hiền dữ đâu phải là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên” (3)”.
Để có những con người vừa “hồng” vừa “chuyên”, Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện và khẳng định: Nền giáo dục đó phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, nhằm đào tạo ra những con người có tri thức, có lý tưởng, có đạo đức, có sức khỏe, có thẩm mỹ. Người nói: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, lao động và sản xuất” (4).
Trong hoàn cảnh đất nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình, Hồ Chí Minh càng coi trọng vai trò của giáo dục. Người nói: “không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa” (5). Văn hóa, giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển sản xuất, phát triển khoa học kỹ thuật và giáo dục - đào tạo gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng kỹ thuật tốt thì phải có văn hóa. Người nhấn mạnh, nước nhà đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, mà muốn khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa cần phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hóa làm gốc. Bởi muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có học thức, “chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”. Con người được giáo dục toàn diện sẽ trở thành những con người mới - chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Đối với người cán bộ cách mạng, Hồ Chí Minh càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục, bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay cán bộ kém. Nội dung giáo dục cho cán bộ bao gồm: giáo dục lý luận chính trị; giáo dục văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ; giáo dục phong cách, đạo dức cách mạng.
Giáo dục lý luận chính trị có ý nghĩa rất quan trọng vì nó trang bị cho người học lập trường giai cấp vô sản vững chắc, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, và định hướng cho hành động của con người. Hồ Chí Minh nói: Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi; “Không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng” (6).
Giáo dục văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ là rất cần thiết. Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không thể tiếp thu khoa học kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ. Nếu chỉ học văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ mà không học chính trị, thì như một mắt sáng một mắt mờ.
Giáo dục phong cách, đạo đức cách mạng là yêu cầu đầu tiên của người cán bộ, bởi có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
Ngày nay, nhân loại đang bước vào một nền văn minh trí tuệ, một nền kinh tế tri thức, một xã hội thông tin. Thế giới đang trong cuộc chạy đua về tốc độ trong hệ thống kinh tế - xã hội. Vì vậy, người ta nói, muốn biết tương lai một dân tộc ra sao hãy nhìn vào hiện tại xem dân tộc đó đang làm giáo dục như thế nào? Trong nền kinh tế tri thức, ưu thế không hoàn toàn lệ thuộc vào các nhân tố truyền thống như tài nguyên, đất đai, nhân công,… mà nhân tố có ý nghĩa quyết định là trí tuệ con người, là đội ngũ lao động chất lượng cao, là chất xám của các chuyên gia. Việt Nam muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”, trước tiên phải làm tốt chiến lược “trồng người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có đi bằng con đường phát triển giáo dục, phát triển năng lực sẵn có trong mỗi con người, chúng ta mới có thể đi tắt, đón đầu, phát huy thế mạnh của con người Việt Nam (yêu nước, ham học, thông minh, sáng tạo,…) để xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đường lối giáo dục và đào tạo trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã xác định, cùng với khoa học công nghệ, “giáo dục là tương lai của dân tộc”, là “quốc sách hàng đầu”, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và là một động lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Giáo dục là tương lai của dân tộc, tức là tương lai của con người, của mọi người, trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Hồ Chí Minh nói: “Muốn xã hội chủ nghĩa phải có người xã hội chủ nghĩa, muốn có người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” (7). Trước hết ở đây là đào tạo, rèn luyện, xây dựng con người, là chiến lược “trồng người”, đồng thời phải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, tư tưởng, văn hóa - những tiền đề không thể thiếu được của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), Đảng ta một lần nữa khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững” (8).
Sự nghiệp giáo dục của nước ta qua hơn hai mươi năm đổi mới đã thu được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, đến nay, giáo dục nước ta vẫn chưa thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu”, động lực quan trọng nhất cho phát triển; thậm chí còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục và công tác quản lý. Để có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ sáu, khóa XI (tháng 10-2012) chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế./.
--------------------------------------
Chú thích:
(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 7, 34 - 35;
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 413;
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 647;
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập,Sđd, t. 10, tr. 345;
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 234;
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 595;
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nx. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr. 108 - 109.
Các hoạt động thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (18/05/2013)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt thanh niên CAND tiêu biểu  (18/05/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia  (18/05/2013)
Truy điệu và an táng các hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào và Cam-pu-chia  (18/05/2013)
Một nửa “thường dân”?  (18/05/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên