TCCSĐT - Sáng 10-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Trẻ em, Bình đẳng và Hòa nhập của Na Uy tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy bình đẳng giới trong truyền thông”. Tại Hội thảo, có nhiều ý kiến phân tích, trao đổi thẳng thắn, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất giải pháp trong lĩnh vực này.

Lưu ý nội dung thông tin và quảng cáo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu bật sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đối với công tác truyền thông về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, Luật Bình đẳng giới quy định việc thông tin, giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới là một giải pháp hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, dù Luật Bình đẳng giới đã có những quy định cụ thể, nhưng trên thực tế có lúc, có nơi các nhà báo vẫn thông tin, tuyên truyền sai lệch mà không hay biết? Do đó, để bảo đảm truyền thông có tính định hướng, giáo dục và nâng cao nhận thức về giới, chúng ta cần xóa bỏ các phương pháp rập khuôn trong việc truyền tải thông tin. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đại diện một số cơ quan truyền thông đã chỉ ra những biểu hiện sai lệch trong nhận thức về giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, như: nhiều nhà tuyển dụng trong nước, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng tuyển nam giới và nữ giới cho các công việc cụ thể, nhưng luôn kèm theo các tiêu chuẩn chênh lệch về tuổi tác, chiều cao, cân nặng,… nhưng một số báo chí và kênh truyền hình vẫn “vô tư” đăng các thông tin này mà không có sự đối chiếu, xem xét kỹ.

Từ thực tiễn và thông qua những kết quả đạt được trong công tác giám sát bình đẳng giới tại đô thị đông dân nhất nước, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: những năm gần đây, quảng cáo trên một số phương tiện thông tin đại chúng vẫn thể hiện tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dưới nhiều hình thức. Ví dụ như, quảng cáo về nước lau sàn, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh,… thì hầu hết các nhân vật chính là phụ nữ, trong khi cũng là quảng cáo, hình ảnh người đàn ông luôn gắn với các loại nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động,… Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho rằng, định kiến về giới thông qua các phương tiện truyền thông sẽ trở nên phổ biến và gây ảnh hưởng đến người tiếp nhận thông tin theo cách không thể lường trước được.

Cần đa dạng hóa thông tin về bình đẳng giới

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Thục Hạnh nhận định: những thông tin về giới thể hiện trên báo chí ở Việt Nam vẫn bị coi là khá khô cứng, dễ sai sót,… Ngay tại Báo Phụ nữ Việt Nam, hầu hết đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kể cả ban biên tập cũng chưa được trang bị kiến thức về giới một cách bài bản. Thực tế cho thấy, nguồn thông tin trên báo chí trong nước về bình đẳng giới hiện chưa nhiều, người cầm bút ngại tiếp cận vào các chủ đề về khía cạnh giới, nên số lượng tin, bài định hướng giảm định kiến còn hạn chế.

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy các thông tin truyền thông có sự hiện diện của nữ giới chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới trong hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, sự xuất hiện của phụ nữ trên các bản tin về nghệ thuật, tin kỷ niệm chỉ chiếm 26%, tin khoa học, sức khỏe (32%), xã hội, pháp luật (24%), kinh tế (20%), chính trị (19%).

Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất sớm xây dựng tiêu chí nhạy cảm trong truyền thông như: khuyến nghị báo chí, truyền thông nên loại bỏ các hình thức, nội dung tuyên truyền mang định kiến giới hoặc củng cố định kiến giới; không sử dụng các tài liệu mang tính xúc phạm giới hoặc đưa tin không phù hợp về các vấn đề nhạy cảm; cân nhắc khắc họa hình ảnh của nam giới và phụ nữ trên các trang báo...

Bà Karin Hovde, Tư vấn cao cấp về bình đẳng giới, thuộc Trung tâm Bình đẳng giới KUN (Na Uy) cho rằng: Việt Nam và Na uy cùng tham gia công ước về bình đẳng giới của Liên hợp quốc, do đó cùng có trách nhiệm trong thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là trong việc truyền tải thông tin, xóa bỏ các hình ảnh rập khuôn về giới trong truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới theo hướng bền vững. Ông Arve Loberg, Tổng Biên tập kiêm Giám đốc điều hành báo “Tronder-Avisa” (Na Uy) chia sẻ, luật pháp của Na Uy luôn coi phụ nữ và nam giới có quyền bình đẳng trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm, sự tiến bộ văn hóa và nghề nghiệp. Báo Tronder-Avisa còn đưa ra bản “Tuyên ngôn của ban biên tập” trong đó quy định: Biên tập viên phải luôn luôn ghi nhớ mục đích lý tưởng của các phương tiện truyền thông. Người biên tập có nghĩa vụ thúc đẩy tự do tư tưởng và phấn đấu hướng tới mục tiêu mà họ cảm thấy sẽ phục vụ cho xã hội, thúc đẩy nhận thức về bình đẳng giới…./.