TCCSĐT - Với mục tiêu phân tích, đánh giá thực trạng một năm đầy khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam và đưa ra những dự báo, triển vọng phát triển trong năm tới, sáng ngày 7-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam năm 2012 – Triển vọng phát triển năm 2013”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói, kinh tế toàn cầu năm 2012 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chậm lại, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh chung đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tránh được một năm giảm sâu; giá cả được kiểm soát; thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, cán cân tổng thể được cải thiện; các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm…Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%; nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất và khó khăn trong tiếp cận vốn; nợ xấu tăng cao; hiệu quả vốn đầu tư chưa được cải thiện nhiều; tiêu dùng giảm sút…

Những nhận định nêu trên đã được các nhóm nghiên cứu, các chuyên gia phân tích cụ thể, dưới nhiều góc cạnh:

1. Đánh giá nền kinh thế giới năm 2012, phân tích tình hình kinh tế của một số nền kinh tế dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới; tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu, xu thế của các dòng vốn; tình trạng thất nghiệp và cải thiện việc làm; chính sách ứng phó của một số chính phủ và tác động của những chính sách đó đối với tăng trưởng kinh tế; dự báo triển vọng phát triển của kinh tế thế giới trong năm 2013.

2. Những tác động chủ yếu của tình hình kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta ở các khía cạnh, như thương mại, các dòng vốn vào Việt Nam, tài chính – tiền tệ, lao động - việc làm. Những tác động tích cực được đề cập là: một số nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà phục hồi tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn là Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh nhất định cho nước ta trong việc xuất khẩu. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012… Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực cũng được phân tích khá kỹ, chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản – nước có lượng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, trong năm 2013 được dự báo sẽ sụt giảm; một số nền kinh tế châu Âu  và Mỹ tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng các bảo hộ thương mại có xu hướng được sử dụng nhiều hơn…

3. Một số nét lớn của nền kinh tế Việt Nam năm 2012, như diễn biến tăng trưởng của nền kinh tế qua các quý và những yếu tố tác động đến tăng trưởng; tình hình kinh tế vĩ mô; sự điều hành của Chính phủ; tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; cuộc sống của người dân…

Trên cơ sở những phân tích, nhận định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước nêu trên, các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dự báo, những đề xuất, gợi mở những hàm ý chính sách đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2013 – năm mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng như quốc tế đánh giá sẽ là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.