Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế
Khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), người nông dân Việt Nam coi như từ giã cái ao nhỏ ở làng để đi ra biển cả. Ra biển cả có nhiều tôm cá để đánh bắt, cũng có nhiều sóng to, cá dữ, và đôi khi còn gặp hải tặc. Vì vậy sự chuẩn bị để hội nhập có hiệu quả là điều cần thiết.
1- Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện các cam kết với WTO
Những cơ hội:
- Thị trường nông sản rộng mở, nhất là đối với các mặt hàng tôm, cua, cá; bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, nhãn, vải thiều, nước dứa cô đặc, nước ổi, nước cam, nước mơ, nước xoài....; măng chua, nấm rơm đóng hộp; thịt gà "hữu cơ" (gà ta),...
- Đầu tư nước ngoài gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp; các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản và chi nhánh của nước ngoài sẽ được lập nên; mở mang thêm những vùng đất hoang hóa; sản xuất các nông sản độc đáo mà đối tác đang có thị trường. Nhờ đó lao động Việt Nam, nhất là lao động nông nghiệp sẽ có thêm công ăn việc làm; người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua được những sản phẩm vừa rẻ tiền hơn, vừa tốt bền hơn.
- Các công ty siêu thị bán lẻ sẽ đầu tư tại các tỉnh, thành phố và ký kết hợp đồng mua nông thủy sản tươi sống hoặc chế biến của địa phương, tạo ra một thị trường rất có lợi cho nông dân Việt Nam.
- Nông dân nghèo canh tác ở những vùng khó khăn sẽ có cơ may phát triển nhờ có những giống mới do các công ty quốc tế chuyên áp dụng công nghệ sinh học tạo ra.
Những thách thức:
- Hiện nay giá thành sản xuất của phần lớn các nông sản Việt Nam đều đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm, ngoại trừ một số mặt hàng thủy sản như cá tra. Giá thành sản xuất hàng của chúng ta cao vì tốn nhiều chi phí, trả nhiều lệ phí, công gián tiếp. Thí dụ, mặt hàng nông sản cơ bản nhất của Việt Nam là lúa gạo. Thái Lan trồng lúa mùa địa phương, tuy năng suất chỉ đạt dưới 2,5 tấn/ha nhưng chất lượng rất ngon, vì tận dụng điều kiện thiên nhiên nên không tốn tiền bơm nước, tốn ít phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ. Trái lại, nông dân Việt Nam trồng lúa cao sản ngắn ngày năng suất 4 - 6 tấn/ha nhưng phải làm trong điều kiện thiên nhiên không thuận lợi nên rất tốn tiền: bơm nước, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu bệnh, làm cỏ, phòng trừ chuột. Sản xuất các loại nông sản khác cũng tốn kém tương tự. Đến nay tuy các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều biện pháp làm giảm giá thành sản xuất nông sản, nhưng do tập quán lâu đời nông dân cá thể vẫn chưa áp dụng triệt để tiến bộ khoa học.
- Mặt khác, cách sản xuất cá thể một cách rất tự do, manh mún trên từng thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ của nông dân nên không thể nào đáp ứng những đơn đặt hàng lớn của các công ty nước ngoài.
- Tuy đã có Luật Hợp tác xã của Nhà nước, nhưng còn nhiều điều khoản không khuyến khích nông dân nghèo, nên họ không thích tham gia hợp tác xã.
- Các giống cây con mới được nhập vào nước ta bán rất đắt, nhưng nông dân không thể tùy tiện nhân giống vì công ty nước ngoài giữ quyền tác giả. Do đó, rất có thể nông dân nghèo không có cơ hội để sử dụng những tiến bộ khoa học này.
- Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam thường không có nhãn hiệu uy tín quốc tế nên ít người biết và bán không được giá.
- Khả năng cạnh tranh kém. Thí dụ, cùng một món hàng do một công ty nước ngoài vào đầu tư sản xuất, giá thành sản xuất tại Việt Nam thường cao hơn giá thành của cùng món hàng ấy do chính công ty đó đầu tư sản xuất tại Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a, hoặc Ma-lai-xi-a, vì chúng ta mới mở cửa, nhà máy trên đất nước thường mới được xây, giá thành sản phẩm phải tính khấu hao máy móc, lãi suất ngân hàng trên vốn vay và nhiều loại phí kể cả tỉ lệ chi cho công đoàn theo luật định. Trong khi đó nhà máy ở nước ngoài không còn phải chi các khoản tiền như nước ta. Ai đã từng thăm các chợ đầu mối ở ngoại ô Băng-cốc sẽ thấy hầu hết các nông sản Thái Lan đều rẻ hơn của quê nhà. Nguyên nhân cơ bản nhất là hàm lượng chất xám trong sản phẩm của nông dân chúng ta thấp, bà con nông dân đa số là sản xuất nhỏ và manh mún, mạnh ai nấy làm theo sáng kiến của mình, ít chịu theo đúng các chỉ dẫn chuyên môn, vệ sinh an toàn thực phẩm kém nên giá thành sản phẩm cao. Vì vậy, Nhà nước, các doanh nghiệp và nông dân phải quyết tâm cải tiến, nâng cao trình độ mọi mặt để chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với những thách thức sẽ xảy đến khi gia nhập WTO.
2 - Làm gì để khu vực nông nghiệp được hưởng lợi từ WTO?
Nhà nước cần đầu tư gấp rút và ưu tiên cho:
a) Việc đẩy mạnh các chương trình giáo dục và đào tạo cho nông dân, công nhân, nhà quản lý những kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa.
b) Cần sửa đổi chính sách nông nghiệp và Luật Hợp tác xã cho phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới; sao cho nông dân có thể tự nguyện hợp nhau thành những hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đa năng, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, những trang trại rộng lớn có thể sẵn sàng tham gia xuất khẩu.
c) Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học về giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gen chuyển đổi thích nghi điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa.
d) Quyết tâm bài trừ và nghiêm trị tham nhũng và buôn lậu.
e) Quyết tâm cải tiến những chính sách, luật lệ không phù hợp tập quán quốc tế, như: hạ mức thuế quan đối với nhiều sản phẩm theo hiệp định; bãi bỏ những loại lệ phí vô lý nhằm giảm bớt giá thành sản phẩm; bãi bỏ những ưu đãi đặc biệt đối với một thành phần kinh tế mà coi nhẹ các thành phần khác; cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc doanh; bãi bỏ độc quyền quốc doanh đối với các mặt hàng cạnh tranh; triệt để áp dụng các luật thương mại quốc tế.
Tuyên truyền cho nông dân và công nhân tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật để sản xuất có hiệu quả cao (tăng chất lượng hàng hóa đồng thời giảm được chi phí sản xuất). Không nên chờ đợi Nhà nước mà cần tự tìm tòi học hỏi, làm theo cách của nông dân các nước tiên tiến - sản xuất theo yêu cầu của người mua về mẫu mã, khẩu vị, vệ sinh an toàn và thời điểm giao hàng.
3 - Cần đổi mới tư duy quản lý - có "chính sách nông nghiệp thời WTO"
Nhà nước cần chấm dứt tình trạng để cho nhà nông tự phát, trăm hoa đua nở, nên chưa trở thành sức mạnh tập trung cho từng mũi nhọn tiến công trên thị trường tự do rộng mở. Do đó điều cần thiết là phải có ngay một hệ thống chính sách khuyến khích cho nông nghiệp. Chính sách đó phải có khả năng điều phối các mũi tiến công một cách nhịp nhàng, bổ trợ lẫn nhau thay cho sự triệt tiêu lẫn nhau rất phổ biến hiện nay.
- Trước tiên cần xác định lợi thế tương đối của từng vùng, lãnh thổ đặc thù: xem lại quy hoạch tổng thể của nước ta và cụ thể cho từng vùng sản xuất, vùng nào có thế mạnh lợi thế hơn vùng khác hoặc quốc gia khác về cây gì, con gì. Trên cơ sở rất khoa học đó, Nhà nước, địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp để tạo điều kiện tốt cho nông dân sản xuất mặt hàng đó.
- Tiếp theo, Nhà nước và doanh nghiệp cần xác định thị trường cho từng sản phẩm mũi nhọn ấy để chuẩn bị hoạt động xúc tiến thương mại.
- Tổ chức tập hợp nông dân trong từng vùng sản xuất đã xác định để xây dựng từng "Cụm liên kết sản xuất theo nông nghiệp kỹ thuật cao" (NNKTC) hoặc những hợp tác xã nông nghiệp có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. ở nước ta, chính sách về kinh tế hợp tác của Nhà nước tuy đã ban hành lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan vì thiếu nhiều yếu tố khuyến khích nông dân, vì sự do dự của nhiều địa phương và vì phần lớn các hợp tác xã đã hình thành vẫn còn hoạt động riêng lẻ, tự bơi trong mọi việc, không ai lo đầu ra cho sản phẩm, hoàn toàn phó thác cho thương lái. Trong giai đoạn tới, chúng ta cần có những nông dân xã viên của các hợp tác xã, hoặc thành viên của các cụm liên kết sản xuất NNKTC có kiến thức và tay nghề cao nhất. Do đó Nhà nước sẽ phải tổ chức đào tạo (chuyển giao kỹ thuật) nông dân một cách cụ thể những kiến thức và kỹ năng mới theo quy trình kỹ thuật cần thiết để sản xuất được loại nông sản chất lượng cao.
- Tổ chức tập hợp về khoa học - kỹ thuật gồm các Bộ, ngành chuyên môn, trường đại học hoặc trung tâm, viện nghiên cứu gần nhất vùng của hợp tác xã hoặc cụm liên kết để nghiên cứu và ứng dụng giúp cho sản xuất đạt hiệu quả kinh tế.
- Tập hợp các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm ngân hàng, công ty hóa chất nông nghiệp, công ty bảo quản, chế biến bao bì, phân phối cho mạng lưới đại lý trong nước và xuất khẩu hàng có thương hiệu sang các thị trường quốc tế.
Như vậy, xây dựng một chính sách kinh tế hợp tác, khuyến khích tổ chức những hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất NNKTC như đã trình bày một cách tổng quát trên đây sẽ là một thực tiễn có tác dụng quyết định đến tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam qua tác động trên cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Vai trò điều phối của Nhà nước sẽ quyết định sự thành bại của sự liên kết đó.
4 - Vai trò trọng yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) liên kết với hợp tác xã nông nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các DNVVN đóng vai trò rất quan trọng, vì suy ra cho cùng, sản xuất nông nghiệp của các HTXNN chỉ phát triển khi có thị trường ổn định. Nông dân không thể tự mình bơi chiếc thuyền nan ra biển cả để tìm người mua! Vì vậy, các doanh nghiệp cần được sắp xếp lại, chấm dứt kiểu làm ăn chụp giựt như nhiều đơn vị hiện nay. Cần có những giám đốc được đào tạo chuyên môn cao, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, có cán bộ và công nhân được bồi dưỡng kiến thức hiện đại, thiết bị được cải tiến, sao cho tăng được chất lượng hàng hóa mà chi phí sản xuất được hạ thấp nhất.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng cần có vùng nguyên liệu ổn định, không tranh mua tranh bán như nhiều đơn vị hiện nay. Trước đây vào đầu thập kỷ 90, Công ty American Rice (ARI) đã vào tỉnh Cần Thơ liên doanh với Tổng Công ty Lương thực đầu tư thiết bị chế biến gạo hiện đại và đồng thời họ khoanh vùng nguyên liệu gạo để thu mua lúa giá cao trực tiếp của nông dân, không qua trung gian. Nằm dưới thương hiệu ARI Mỹ, lúc đó gạo của Cần Thơ xuất đi với giá trên 300 đô la/tấn, trong khi chính gạo đó nhưng mang nhãn hiệu của ta chỉ bán được 180 đô la. Rất tiếc lúc ấy chúng ta cạnh tranh không lành mạnh với họ, Công ty Mỹ phải rời Việt Nam, chúng ta mất cơ hội xuất khẩu gạo giá cao có lợi cho nông dân. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, do đó nên chăng chúng ta mời một doanh nghiệp nước ngoài chuyên xuất khẩu gạo vào đầu tư như kiểu Công ty American Rice để nông dân ta được sớm làm giàu và hưởng lợi từ WTO. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ làm theo kiểu cũ (thu mua trôi nổi, tranh mua tranh bán) thì chắc nhắn nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục gánh những rủi ro, không biết đến khi nào mới thực sự thoát nghèo nên Nhà nước cần có hành động ngay. Không phải Việt Nam thiếu chuyên gia, nhưng vì họ chưa được sử dụng. Cần huy động chuyên gia các ngành trong và ngoài nước để bắt tay vào công cuộc hưởng lợi từ WTO.
5 - Cần nhanh chóng hợp tác nhau lại để chiến thắng trong hội nhập
Kinh nghiệm của Nhật Bản từ năm 1946 sau khi đầu hàng quân đồng minh cho thấy, chỉ có tổ chức cho nông dân tham gia HTXNN mới tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nghèo trở nên giàu có. Tại Hàn Quốc phong trào HTXNN cũng được tổ chức như là bản sao của Nhật Bản được bắt đầu từ tình trạng nông dân nghèo xơ xác. Qua các HTX, Nhà nước đã hỗ trợ cho nông dân đến nơi, đến chốn để nông dân phát triển sản xuất, ngày càng giàu lên. Ngày nay nông dân Nhật cũng như nông dân Hàn Quốc đều là chủ hệ thống ngân hàng lớn của quốc gia họ. Khi hai nước gia nhập WTO (từ đầu năm 1995) nhận thấy có các cam kết gây tác động bất lợi đến nông dân, thì đã thay đổi chính sách nông nghiệp cho phù hợp với tình hình.
Lịch sử xóa đói, giảm nghèo cho nông dân Hàn Quốc bắt đầu cách đây 46 năm khi nông dân lúc đó đang lung túng trong vòng luẩn quẩn: nghèo, lợi nhuận thấp nên không dành dụm được gì; không dành dụm tiền nên không khả năng đầu tư cho sản xuất; vì không đầu tư nên sản xuất luôn ở mức rất thấp; và vì sản lượng thấp nên lợi nhuận thấp, vẫn tiếp tục nghèo... bắt đầu lại cái vòng lẩn quẩn đó. Trước tình hình đó Chính phủ Hàn Quốc đã tham khảo các chuyên gia trong và ngoài nước, quyết định phải đột phá vòng lẩn quẩn ngay tại đầu vào của sản xuất nông nghiệp bằng biện pháp "hai mũi giáp công đồng bộ" từ năm 1961: (1) đưa kỹ thuật mới cho nông dân sử dụng (giống mới, phân bón và nông dược, cung cấp tín dụng đầy đủ, và xác định giá nông sản nâng đỡ cho nhà nông) và (2) thay đổi cơ chế chính sách nông nghiệp (cải cách ruộng đất để mọi nông dân đều có đất canh tác; ban hành Luật Hợp tác xã và xây dựng HTXNN đa mục tiêu với điều kiện khuyến khích tối đa để 100% nông dân tự giác tham gia. Chính sách 2 giá được hợp nhất thành 1 giá bắt đầu từ năm 1963.
HTXNN đa mục tiêu của Hàn Quốc, tương tự như của Nhật Bản, theo Luật Hợp tác xã có những nhiệm vụ sau đây: (1) Hướng dẫn và đào tạo kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi cho nông dân; kiến thức về HTX; cung cấp các phương tiện cần thiết bảo đảm an sinh xã hội. (2) Thực hiện dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên từ đồng ruộng cho đến chợ hàng hóa bao gồm sản xuất, chế biến và bán ra thị trường. (3) Cung cấp dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm, bao gồm kinh doanh tài chính của Nông hiệp, tín dụng và tiết kiệm của các HTXNN thành viên. (4) Cung cấp dịch vụ về chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, từ sản xuất, chế biến, đến bán ra thị trường.
Từ năm 1994 đến năm 2003 Chính phủ Hàn Quốc đã tốn 48 tỉ đô la để thực hiện chiến lược nêu trên, và dự trù kinh phí 110 tỉ đô la cho giai đoạn 2004 - 2013 để tiếp tục cải thiện hệ thống thủy lợi, cải cách ruộng đất ở những nơi chưa hợp lý, hiện đại hóa phương tiện tiếp thị, nghiên cứu khoa học công nghệ mới hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân ở nông thôn.
Tại Việt Nam, như trên đã nêu, vào WTO sẽ có nhiều doanh nghiệp phải phá sản (như ở Trung Quốc), vì Nhà nước và nhân dân không thể tiếp tục dung túng đổ tiền vào nuôi những bộ máy doanh nghiệp quá kém. Nhưng nhiều doanh nghiệp khác sẽ có dịp mời các doanh nghiệp nước ngoài vào cùng đầu tư với mình cho thiết bị, quy trình kỹ thuật, và sau đó sẽ phân phối sản phẩm theo các kênh có sẵn của họ như trường hợp của Trung Quốc hiện nay (nhiều nông sản quý của Nhật Bản đã và đang được các công ty Nhật mang sang Trung Quốc đầu tư, hợp đồng với nông dân để sản xuất theo đúng quy trình của Nhật. Những nông sản này được xuất trở lại Nhật bán giá rẻ hơn hàng của nông dân Nhật sản xuất). Hiện nay, tại đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Kitoku đã vào liên doanh với Công ty Agifood của An Giang. Họ nhờ chuyên gia Đại học An Giang giúp khoanh vùng thích hợp cho trồng lúa Nhật, nghiên cứu quy trình cụ thể, ký hợp đồng với nông dân và huấn luyện quy trình cho nông dân sản xuất gạo Nhật. Tất cả gạo nguyên liệu đều được thu mua giá cao hợp lý, chế biến và phân phối trên thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Nhìn chung, phía "nhà nông" chúng ta đều muốn hợp tác chung nhau để sản xuất nguyên liệu nông sản với khối lượng lớn, chất lượng tốt nhất, thu được giá thành tương đối cạnh tranh nhất. Vấn đề là khi nào "Nhà nước" thật sự bắt tay lập chính sách thích hợp để nối kết "nhà nông" và "nhà doanh nghiệp,"- một chính sách mà trong đó "nhà nông" và "nhà doanh nghiệp" sẽ cùng chia sẻ lợi ích khi lỗ hoặc lãi. Kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy khi vào WTO, muốn chiến thắng thì các bên phải kết hợp và cùng chia sẻ lợi ích.
Kết luận: Trước thách thức của hội nhập, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cần đổi mới tư duy quản lý, mạnh dạn chọn những hướng đi tắt có thể nhanh hơn và vững chắc hơn. Quan trọng nhất, là chúng ta cần chấm dứt cách làm manh mún, cục bộ, đơn ngành; cần phải có sự cộng tác và điều phối đa ngành trong các hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất NNKTC mới có thể phát triển nông thôn toàn diện và giúp nông thôn phồn thịnh. Được như vậy nông dân Việt Nam sẽ không bao giờ bị thua thiệt khi "ra biển lớn".
Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế  (19/03/2008)
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn  (19/03/2008)
Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước  (19/03/2008)
Từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản 1848 đến thực trạng giai cấp công nhân ở Mỹ và Ca-na-đa những năm đầu thế kỷ XXI  (19/03/2008)
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục lối tư duy mòn cũ  (19/03/2008)
Luật sư Mỹ sang Việt Nam vì vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam  (19/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên