Cách đây 30 năm, ngày 18-7-1977, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã tiến hành ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia, mở ra một trang mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Truyền thống lịch sử

Việt Nam và Lào đã có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống lâu đời. Từ năm 1977 đến năm 1985, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, an ninh - quốc phòng. Sự hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam đã giúp Lào đập tan mọi âm mưu phản động trong và ngoài nước hòng lật đổ chính quyền, chế độ mới và giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội lúc bấy giờ.

Việt Nam giúp bạn Lào từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội. Với 11.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật Lào được đào tạo tại Việt Nam, đã góp nguồn lực đáng kể cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước(1). Nhân dân Việt Nam biết ơn sâu sắc về việc làm đầy tình nghĩa của nhân dân các bộ tộc Lào trong việc gìn giữ, tìm kiếm và cất bốc hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất nước Lào trong những năm kháng chiến để hồi hương về Việt Nam. Những tượng đài Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt được xây dựng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam Lào là biểu tượng tốt đẹp tồn tại mãi mãi từ thế hệ này đến các thế hệ mai sau của hai dân tộc.

Đặc biệt, nỗ lực và quyết tâm chính trị lớn của hai nước được đánh dấu bằng những sự kiện như: Bộ Chính trị Việt Nam ban hành Nghị quyết 10 (3-1983) về tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện với Lào và Cam-pu-chia, Bộ Chính trị Lào ra Nghị quyết 33 (9-1983) về tăng cường đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam. Hội đàm cấp cao giữa hai Bộ Chính trị được tổ chức vào tháng 1-1985 đã khẳng định quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong giai đoạn này, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào chủ yếu dựa trên phương thức viện trợ và cho vay. Tinh thần chủ yếu vẫn là tương trợ, giúp đỡ bạn, san sẻ một phần nhân lực cán bộ, vật chất, kỹ thuật.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào bắt đầu có sự thay đổi, giảm dần viện trợ và cho vay, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi; chuyển từ hợp tác từng mùa vụ theo yêu cầu của phía bạn sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết hằng năm giữa hai Chính phủ; bước đầu nghiên cứu kế hoạch hợp tác dài hạn giữa hai nước, chuyển từ cơ chế hợp tác tập trung bao cấp sang cơ chế hạch toán, cùng có lợi.

Nhân dịp này, hai bên đã thỏa thuận đẩy mạnh việc biên soạn cuốn Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; phối hợp trao đổi lý luận và thực tiễn về sự nghiệp đổi mới và kinh nghiệm xây dựng Đảng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phối hợp tổ chức trọng thể, thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 - 5-9-2007) và 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2007)

Sau Đại hội IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (11-1986) và Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986), Lào và Việt Nam bắt đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện, cùng chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại nhằm tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tháng 2-1987, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 35 về đổi mới phương thức quan hệ với Lào và Cam-pu-chia, trong đó nêu rõ nguyên tắc hợp tác bình đẳng, tự chủ, hoàn toàn tự nguyện, lập cơ chế trao đổi ý kiến thông qua các cuộc gặp gỡ giữa hai Bộ Chính trị. Quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp tục được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, vừa song phương vừa đa phương, cả ở cấp độ vĩ mô cũng như trong các ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức nhân dân, doanh nghiệp hai nước.

Những bước phát triển trong quan hệ

Hợp tác chính trị - đối ngoại. Hai nước duy trì đều đặn các cuộc gặp cấp cao thường niên giữa hai Bộ Chính trị, lấy đó là phương châm chỉ đạo chung cho quan hệ hợp tác mọi mặt ở các cấp, coi việc thực hiện những thỏa thuận cấp cao là khâu quyết định. Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (7-2001), hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định quan hệ chính trị vững chắc, tiếp tục vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào. Tại cuộc thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch nước Khăm-tày Xi-phăn-đon (5-2002), hai bên nhấn mạnh quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam - Lào trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, luật pháp của nhau, bình đẳng cùng có lợi, nâng cao hiệu quả hợp tác, củng cố hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, các chuyến thăm chính thức gần đây của lãnh đạo cấp cao hai nước sau Đại hội VIII Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (3-2006) và Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2006), như chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (10-2006), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2-2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12-2006), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (4-2007), cũng như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn (6-2006), Thủ tướng Bua-xỏn Búp-phả-văn (8-2006), Chủ tịch Quốc hội Thoong-xỉnh Tham-ma-vông (11-2006) đã tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác hữu nghị không ngừng phát triển giữa Việt Nam và Lào.

Đầu tư phát triển trực tiếp FDI giữa hai bên khởi sắc. Tính đến hết tháng 5-2007, Việt Nam đầu tư 106 dự án tại Lào với tổng số vốn 516 triệu USD, đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Trung Quốc) trong tổng số 37 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Lào. Trong giai đoạn 2001 - 2005, đã có 34 doanh nghiệp, trong đó có 11 doanh nghiệp liên doanh Việt - Lào, đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh tại Lào với số vốn đăng ký khoảng 1 tỉ USD, tập trung vào các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thăm dò khoáng sản, công nghiệp, gỗ, năng lượng…

Hằng năm, hai bên trao đổi đoàn chính thức ở nhiều cấp, trong đó có các đoàn cấp bộ trưởng, đại biểu của các bộ, ngành, các tổ chức hữu nghị, đoàn thể nhân dân cũng như các tỉnh, thành phố... Ngoài ra, Việt Nam và Lào còn phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động ngoại giao, nhất là trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ, Phong trào không liên kết, ASEM và các khuôn khổ hợp tác khu vực như ASEAN, Dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, GMS (hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng), Chương trình tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLVDT)... Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Lào tham gia tổ chức APEC và WTO. Sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam và Lào đối với hợp tác đa phương được dư luận đánh giá cao, khẳng định uy tín và vị thế quan trọng của hai nước trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác kinh tế - thương mại. Kim ngạch xuất - nhập khẩu hai chiều tăng dần: Năm 2005 đạt 165 triệu USD, năm 2006 đạt 240 triệu USD, tăng 48% so với năm 2005. Tính chung, trong giai đoạn 1995 - 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt gần 2,2 tỉ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu lên 1 tỉ USD vào năm 2010 và 2 tỉ USD vào năm 2015. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế quan cũng đang được hai nước xây dựng và hoàn thiện. Việc lập khu thương mại tự do ở cửa khẩu quốc tế Đen-xa-vẳn - Lao Bảo cũng như việc cho phép các tỉnh biên giới kết nghĩa mở các cửa khẩu phụ và tổ chức 11 điểm chợ biên giới là những hoạt động kinh tế thương mại nổi bật hiện nay.

Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện các dự án sản xuất về may mặc, đồ gốm, chế biến dược phẩm, khai thác thạch cao, xây dựng, chăn nuôi gia cầm, cá, đặc biệt là trồng cà phê ở Nam Lào. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu quốc tế tại Lào, uy tín về chất lượng công trình của các nhà thầu Việt Nam ngày càng được khẳng định. Gần đây, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam đã chuyển mạnh sang đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, trồng và chế biến cây công nghiệp, giao thông vận tải vì đây được coi là những lĩnh vực có nhiều triển vọng.

Hợp tác an ninh - quốc phòng. Hai nước đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trong việc bảo vệ an ninh biên giới, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, tội phạm, chống âm mưu "diễn biến hòa bình"; thực hiện dự án tôn tạo và cắm 800 cột mốc biên giới với chiều dài hơn 2.000 km; phối hợp với Cam-pu-chia và Trung Quốc xác định vị trí, xây dựng cột mốc tại ngã ba biên giới Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia và Lào - Việt Nam - Trung Quốc.

Hợp tác văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật. Trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai Đảng, Việt Nam và Lào đã thành lập Ủy ban hợp tác liên chính phủ và Phân ban hợp tác tại mỗi nước nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình hợp tác văn hóa - giáo dục, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác song phương và trong khu vực. Hai bên đã ký kế hoạch hợp tác trung và dài hạn như: Chương trình hợp tác giai đoạn 1992 - 1995, 1996 - 2000, 2001 - 2005, Chiến lược hợp tác giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, hai bên tập trung thực hiện 6 chương trình hợp tác lớn bao gồm giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển bền vững vùng biên giới, văn hóa - thông tin, thương mại - đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; duy trì hoạt động và nâng cao năng lực các dự án hợp tác.

Hai Đảng, hai Nhà nước xác định việc trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là lĩnh vực hợp tác chiến lược. Giai đoạn 2001 - 2003, số sinh viên Lào nhập học hằng năm tại các trường đại học ở Việt Nam khoảng 500 người, tăng gấp rưỡi so với giai đoạn 1996 - 2000. Đồng thời, Việt Nam - Lào còn hợp tác mở rộng các hình thức đào tạo tại nhiều địa phương ở Lào.

Hai bên cũng đã hoàn thành xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở 4 khu vực: U-đôm-xay, Xa-vẳn-na-khét, Chăm-pa-xắc và Xê Công, góp phần đào tạo và nâng cao trình độ văn hóa cho con em các bộ tộc vùng sâu, vùng xa của Lào.

Trong giai đoạn 2001 - 2005, Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào 560 tỉ đồng (tương đương với 37 triệu USD), hoàn thành 8 dự án đầu tư, 19 chương trình quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, 15 chương trình hỗ trợ các ngành, địa phương. Năm 2007, viện trợ không hoàn lại của Việt Nam cho Lào tương đương 180 tỉ đồng.

Việc trao đổi các đoàn nghệ thuật, thể thao đã thúc đẩy giao lưu văn hóa ngày càng phát triển, tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước. Việt Nam giúp Lào xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia phục vụ SEA Games 25 vào năm 2009 tại Lào. Việc hợp tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét, dịch cúm gia cầm, chăm sóc sức khỏe của cán bộ, nhân dân đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, thành tựu trong hoạt động thông tin đại chúng đã góp phần tăng cường sự hiểu biết ngày càng sâu rộng giữa nhân dân hai nước. Việt Nam và Lào đã hợp tác hoàn thành đài chuyển tiếp Đài truyền hình Việt Nam ở Viêng Chăn và đang triển khai xây dựng 4 đài khu vực ở Lào.

Hợp tác nông - lâm nghiệp. Từ hình thức hợp tác chủ yếu là hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn ở một số vùng cụ thể đã chuyển sang kết hợp giữa hoạch định chiến lược phát triển nông nghiệp với quy hoạch sản xuất lương thực và thủy lợi, nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời hỗ trợ trực tiếp để phát triển nông thôn ở một số vùng biên giới. Hai bên đã tập trung vào các việc chuyển đổi mùa vụ, tăng năng suất cây trồng, cụ thể: xây dựng các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở Lạc Xao, Phôn Xủng, Hạt Xiều, Chăm-pa-xắc; trao đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng những công trình thủy lợi như Đông-phu-xi, hệ thống thủy lợi tả ngạn Nậm Ngừm, Thà Phà-nọng-phông, Nậm Long; xây dựng xí nghiệp chế biến phân vi sinh ở Viêng Chăn và Khăm Muộn... Sự hợp tác giữa hai nước đã góp phần ổn định an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu phát triển nông - lâm nghiệp bền vững gắn với việc thực hiện định canh, định cư, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế hàng hóa ở Lào.

Hợp tác về giao thông, bưu điện, viễn thông. Hai nước đã tiến hành đầu tư xây dựng các tuyến đường nối liền từ Lào qua Việt Nam và cảng biển Việt Nam, như đường 8, đường 9, đường 18B và xây dựng đường 12. Việt Nam cải tạo nâng cấp các cảng Đà Nẵng, Cửa Lò, Xuân Hải, hoàn thành giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2 cảng Vũng áng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Lào với quốc tế. Các tuyến đường hàng không Hà Nội - Viêng Chăn - Thành phố Hồ Chí Minh - Luông Pha Bang được tăng chuyến, đáp ứng nhu cầu du lịch, giao lưu nhanh chóng giữa hai nước. Việt Nam và Lào đã thỏa thuận xây dựng tuyến cáp quang nối hai nước, phối hợp lập dự án hợp tác kinh doanh tuyến cáp quang quốc tế 6 nước.

Điện lực là thế mạnh bậc nhất trong nền kinh tế Lào, trở thành một lĩnh vực hợp tác rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của hai nước. Việt Nam đã ký Hiệp định mua điện của Lào từ 1.500 MW đến 2.000 MW kể từ năm 1988 đến năm 2010. Thực hiện thỏa thuận hợp tác về điện năng giữa hai nước giai đoạn 2006 - 2015, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Việt - Lào xây dựng hai nhà máy thủy điện Xê-ca-mản 1 và Xê-ca-mản 3 có tổng công suất 715 MW, tổng dự toán đầu tư 806 triệu USD, theo hình thức đầu tư, khai thác và chuyển giao (BOT) trong thời hạn 25 năm. Việt Nam cũng đã xây dựng đường dây cung cấp điện của Việt Nam cho một số vùng biên giới Lào như Mộc Châu - Sầm Nưa, Lao Bảo - Xê Pôn, Sơn Kim - Lạc Xao... tiến đến việc nối mạng điện giữa hai nước trong thời gian tới.

Hợp tác trực tiếp giữa các tỉnh, các địa phương của hai nước, nhất là các tỉnh biên giới đã trở thành hình thức hợp tác được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và có tính hiệu quả ngày càng cao, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đáp ứng những yêu cầu cụ thể, thiết thực về sản xuất, đời sống và việc làm của mỗi bên. Các tỉnh biên giới phối hợp bảo vệ an ninh biên giới, tổ chức chợ đường biên, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, lao động, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh thái vùng biên, phát triển dịch vụ du lịch... Phía Lào cho phép các tỉnh có chung biên giới với Việt Nam chủ động ký kết các dự án hợp tác trị giá dưới 1 triệu USD. Hoạt động hợp tác kinh tế đang trở thành trung tâm thu hút các hoạt động giao lưu và hợp tác biên giới khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, góp phần tích cực vào việc xây dựng biên giới Việt Nam - Lào thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài.

Triển vọng hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Hiện nay, nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân Lào đang tích cực triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), đưa Nghị quyết Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết VIII của Đảng Nhân dân cách mạng Lào vào cuộc sống. Việt Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2010 thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo đà cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Lào cũng đang tập trung khai thác các tiềm năng và thế mạnh trong nước bằng cách phát huy sức mạnh các thành phần kinh tế theo cơ chế thị trường, kết hợp với việc mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài để đến năm 2020 thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề cần thiết đưa đất nước vững bước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên chặng đường tiến lên văn minh hiện đại, cùng chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, hai nước thường xuyên trao đổi sâu rộng về những phương hướng lớn và biện pháp thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước trong thời gian tới. Thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao, hai nước quyết tâm đưa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, trước hết tập trung vào các chương trình hợp tác trọng điểm về kinh tế, giáo dục - đào tạo, xây dựng Đảng. Việc quan tâm giáo dục truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước nhất là đối với thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại phát triển tương xứng với tầm của quan hệ chính trị và tiềm năng hợp tác của hai bên luôn là những nhiệm vụ trung tâm của cả Việt Nam và Lào.
 

(1) Tạp chí Nghiên cứu Đông - Nam Á, số 4 (55), 2002, tr 2-17