Ngày 29-2-2012, Hội thảo quốc tế về Khảo cổ học do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Viện Goethe tại Hà Nội và nhiều đối tác Việt Nam, Đức phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.


Đây là hoạt động bước đầu của Việt Nam và Đức nhằm chuẩn bị cho cuộc triển lãm các hiện vật khảo cổ học của Việt Nam tại 3 địa điểm ở nước Đức, diễn ra vào năm 2014 và 2015. Ngoài các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham dự của các diễn giả đến từ Australia, New Zealand...

Tại buổi khai mạc, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nước ta đã nhấn mạnh: Ngành khảo cổ học nước ta đã góp phần quan trọng vào quá trình tìm hiểu sự phát triển của lịch sử đất nước Việt Nam. Thông qua nghiên cứu, ngành khảo cổ học đã truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa của lớp người đi trước, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực tự cường, ca ngợi đất nước, ca ngợi những trang sử hào hùng của dân tộc. Hơn 20 tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước được trình bày tại Hội thảo này góp phần đưa ra cái nhìn khái quát về lịch sử Việt Nam từ thời sơ sử đồ đá cho đến thời kỳ cận đại. Trong đó, trọng tâm xuyên suốt các tham luận chính là các nền văn hóa Việt Nam như văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, văn hóa Champa cho đến những nghiên cứu mới nhất về văn hóa Thăng Long - Đại Việt thông qua các cổ vật của Hoàng thành Thăng Long...

Phía nước bạn Đức, đặc biệt là những người có sáng kiến tổ chức trưng bày hiện vật khảo cổ học Việt Nam tại Đức khẳng định rằng, di sản văn hóa khảo cổ học của Việt Nam rất ấn tượng nhưng hầu như chưa được biết đến ở nước Đức. Trong khi đó ngày càng có nhiều người Đức chọn Việt Nam là điểm đến du lịch và đầu tư kinh tế. Do đó, cuộc trưng bày hiện vật khảo cổ học Việt Nam tại Đức hứa hẹn sẽ đánh thức mối quan tâm của người dân Đức đối với văn hóa Việt Nam, cũng thúc đẩy họ trực tiếp đến với đất nước Việt Nam. Cuộc trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" với các hiện vật đại diện tiêu biểu cho các thời kỳ văn hóa lịch sử của Việt Nam sẽ được trưng bày tại 3 bảo tàng lớn của Đức. Hội thảo quốc tế khảo cổ học ở Việt Nam lần này là dịp tốt để 2 bên, đặc biệt là các đối tác Việt Nam - Đức thực hiện dự án trưng bày, chia sẻ và trao đổi thông tin.

Hội thảo quốc tế khảo cổ học diễn ra đến hết ngày 2-3, phía Việt Nam có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Viện khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Thành cổ - Cổ Loa, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia... với nhiều tham luận có giá trị. Giáo sư, Viện sỹ Phan Huy Lê, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng tham gia Hội thảo này với tham luận "Những trung tâm quyền lực trong thời kỳ đô hộ của Trung Hoa trên miền Bắc Việt Nam". Ông là một trong những người đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ cho Hoàng thành Thăng Long đệ trình UNESCO công nhận Hoàng thành là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010./.