Qua hai mươi năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, giá trị định hướng và chỉ đạo của Cương lĩnh ngày càng được khẳng định. Do tình hình trong và ngoài nước có nhiều đổi thay, nên việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh là tất yếu, thể hiện tính cách mạng của Đảng Cộng sản. Việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh khẳng định mạnh mẽ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội XI của Đảng (tháng 1 - 2011) đã thông qua toàn văn Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Nhằm góp phần tuyên truyền, triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đặc biệt là cụ thể hóa, làm rõ những vấn đề được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn Những vấn đề kinh tế - xã hội trong Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) do GS, TS Trương Giang Long, PGS, TS. Trần Hoàng Ngân (đồng chủ biên). Nội dung cuốn sách được tuyển chọn, chỉnh sửa từ các bài viết tham luận tại Hội thảo Những vấn đề kinh tế - xã hội trong bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 trình Đại hội XI do Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Cộng sảnđồng tổ chức. Nội dung của cuốn sách được chia làm 4 phần: Phần thứ nhất: Tổng quan kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh Phần thứ hai: Vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế Phần thứ ba: Các vấn đề kinh tế cụ thể Phần thứ tư: Các vấn đề về giáo dục - đào tạo Với nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nội dung các bài viết tập trung chủ yếu vào những về kinh tế, giáo dục - đào tạo mà Cương lĩnh nêu ra như: mô hình kinh tế tổng quát thời kỳ quá độ ở nước ta; các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước; vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; sử dụng hợp lý vốn và lao động nông thôn; xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng; phát triển vùng kinh tế trọng điểm; tập đoàn kinh tế nhà nước; công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề công bằng xã hội, chính sách xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, thực hiện xóa đói giảm nghèo, gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…. Mỗi bài viết trong cuốn sách chỉ nêu lên một khía cạnh nhỏ, một cách tiếp cận và góc nhìn riêng nhưng đó sẽ là những thông tin bổ ích, giúp các cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý các cấp Đảng có nhiều kinh nghiệm trong việc góp phần định hướng vào sự nghiệp phát triển của đất nước, vào việc triển khai học tập Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.