Ba năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”
Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa X họp tại Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 22-1-2008 đã ra Nghị quyết số 20 NQ/TW, ngày 28-1-2008 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Nghị quyết ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trong lịch sử gần 80 năm của Đảng, đây là lần đầu tiên Đảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về giai cấp công nhân, đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn của Đảng ta, khẳng định rõ quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân, là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới, giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) đất nước.
Một số kết quả bước đầu
- Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, về yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước được nâng lên.
Đến nay, nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên, công nhân lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, về yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, về chính trị, pháp luật và ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của đông đảo công nhân, lao động đã được nâng lên.
- Nhiều nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật.
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế. Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được công bố, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công nhân, lao động, như chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chỉ sau hơn hai năm thực hiện đã có hơn 50 % số lao động đủ điều kiện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
- Công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho công nhân, lao động được tích cực triển khai.
Ba năm qua, đã có hàng trăm trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề được thành lập và đi vào hoạt động. Ngân sách nhà nước đã dành một phần đáng kể nguồn kinh phí cho công tác dạy nghề. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng lên cả về chất lượng và số lượng. Số học sinh học nghề đã tăng lên đáng kể. Mỗi năm có hàng trăm nghìn lao động được đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước...
- Tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động.
Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Theo thống kế, mỗi năm, cả nước đã tạo việc làm cho hơn một triệu lao động.
Riêng năm 2010, cả nước đã có hơn 85 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, 75 nghìn lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Thị trường lao động đã có bước phát triển tốt, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm được hình thành. Năm 2009, Trung tâm thông tin thị trường lao động cùng sự ra đời nhiều trang web về việc làm đã hình thành và đi vào hoạt động, tạo ra cầu nối quan trọng giúp người lao động có điều kiện thuận lợi tìm kiếm hoặc thay đổi việc làm phù hợp với năng lực của mình.
- Tiền lương, thu nhập của người lao động dần được tăng lên; các thiết chế văn hóa đối với công nhân đã được chú trọng hơn.
Ba năm qua, Chính phủ đã điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình đề ra. Tiền lương, thu nhập của người lao động dần được tăng lên, phần nào bù đắp được mức sinh hoạt do giá cả tiêu dùng tăng lên và từng bước nâng cao đời sống một bộ phận công nhân, lao động.
Vấn đề nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa đối với công nhân, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chú trọng hơn. Tại một số tỉnh, thành phố, một số khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân. Phong trào giữ gìn vệ sinh công nghiệp, duy trì sản xuất những mặt hàng thân thiện với môi trường được quan tâm; công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh công nghiệp, phòng cháy chữa cháy, tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động được đông đảo các ngành, người sử dụng lao động và người lao động hưởng ứng....
- Công tác phát triển đoàn viên, đảng viên trong công nhân, lao động được chú ý hơn.
Các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công đoàn đã quan tâm tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động ưu tú với Đảng xem xét, kết nạp; trong đó đã chú trọng đến công nhân lao động trẻ, nữ và công nhân thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Đã giới thiệu những đoàn viên ưu tú, có trình độ, đủ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Tỷ lệ đoàn viên trong công nhân, tỷ lệ doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chức Đảng đã tăng lên đáng kể so với trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết này.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết trong thời gian tới
- Trong thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động và trong toàn xã hội về vị trí, vai trò giai cấp công nhân; yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân, trách nhiệm của các Cấp ủy Đảng, các ngành, các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân.
Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo trong xây dựng giai cấp công nhân nêu trong Nghị quyết: Kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân...
- Triển khai thực hiện Các Đề án theo kết luận số 23-KL/TW ngày 8-2-2008 của Bộ Chính trị về những công việc cần cụ thể hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008, phân công chỉ đạo chuẩn bị và thời gian hoàn thành các đề án.
Cần tập trung quyết liệt hơn nữa giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, như nhà ở, vấn đề tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, nhà trẻ... Đồng thời tiến hành sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết ở các cấp, các ngành, kịp thời rút kinh nghiệm, tiếp tục tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo tích cực hơn nữa.
- Tập trung đầu tư thích đáng cả về vật chất, tinh thần, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm các vấn đề xã hội, trước mắt cũng như lâu dài, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng.
Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển đoàn viên , tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển Đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp.
- Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết này và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI phần liên quan đến công nhân, lao động, tiếp tục bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực hiện các chính sách, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, như: chính sách về phát triển dạy nghề, đào tạo, đào tạo lại công nhân; tạo điều kiện cho công nhân tự học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào việc sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn phù hợp với điều kiện hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân; tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện Nghị quyết thành những chỉ tiêu phấn đấu hằng năm, với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Công đoàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí...; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.../.
Dịch chuyển cơ cấu kinh tế: Khởi nguồn từ nông nghiệp  (18/05/2011)
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quá trình đô thị hóa  (18/05/2011)
Tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội vùng đặc biệt khó khăn  (18/05/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên