TCCSĐT - Đề án 52 đã được triển khai tại 10 địa phương vùng biển, đảo, ven biển và vùng ngập mặn của Hải Phòng. Thời gian qua, với sự vào cuộc của những người làm công tác dân số, Đề án được triển khai một cách hiệu quả nhất...

Năm 2010, thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện Đề án 52 tại 45 xã, phường thuộc 10 đơn vị quận, huyện, trong đó tiếp tục duy trì các hoạt động tại 42 xã, phường thuộc 08 quận, huyện đã triển khai năm 2009 và mở rộng 03 xã, phường mới thuộc quận Ngô Quyền và huyện Vĩnh Bảo.

Với mục tiêu duy trì quy mô dân số tại 45 xã, phường Đề án năm 2010 dưới 315.000 người, phấn đấu tỷ suất sinh là 14,72%0 mức giảm sinh là 0,48 %0, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên là 6,06% giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên: 0,83. Ban quản lý Đề án thành phố, tiểu ban quản lý Đề án các quận, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch năm 2010 của Đề án.

Những kết quả đạt được

Phát huy kết quả triển khai, thực hiện có hiệu quả năm 2009; Năm 2010 được sự hướng dẫn của Ban quản lý Đề án Trung ương đồng thời tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố. Ban quản lý Đề án đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và phân bổ kinh phí thực hiện ngay từ đầu năm và hướng dẫn các địa phương triển khai chi tiết các hoạt động tới xã, phường thị trấn. Đến tháng 2 năm 2010 tất cả các quận, huyện đều đã tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện năm 2009 và có kế hoạch triển khai thực hiện năm 2010. Sự ủng hộ, vào cuộc và phối hợp của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể ở địa phương được duy trì chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ tham gia nhiệt tình, ổn định và nền nếp.

Ngay từ đầu năm đã duy trì hoạt động thường xuyên của 08 đội lưu động năm 2009 và thành lập mới 02 đội thuộc quận Ngô Quyền và huyện Vĩnh Bảo thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn và cung cấp các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình tại 45 xã phường biển, đảo và ven biển triển khai năm 2010.

Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thành phố triển khai thực hiện rà soát nhu cầu thực tế và tiếp tục mua sắm trang thiết bị, dụng cụ để trang bị bổ sung cho các đội lưu động. Tổng số sinh tại 45 xã, phường thụ hưởng đề án là: 4.680 cháu, giảm 155 cháu so với năm 2009; Tỷ suất sinh là 14,99 %0 giảm 0,69%0 so với năm 2009; Số sinh là con thứ 3 trở lên: 268 cháu giảm 62 trường hợp so với năm 2009, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 5,73% giảm 1,1 % so với năm 2009. Số lượt tuyên truyền, tư vấn của đội lưu động là: 130 lượt; Số lượt người tham dự truyền thông, tư vấn 14.980 người; Khám phụ khoa cho hơn 24.700 lượt đối tượng; Cấp thuốc điều trị cho hơn 8.300 lượt đối tượng.

Năm 2010 triển khai thực hiện tại 100 % các đơn vị triển khai ( năm 2009 mới triển khai tại 2 quận, huyện là Hải An và Dương Kinh), đã lập danh sách quản lý, theo dõi và tư vấn cho hơn 5.130 lượt phụ nữ mang thai, phân loại và tổ chức khám thai định kỳ cho 4.015 lượt đối tượng, kiểm tra, tư vấn, cấp viên sắt cho những ca có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng bào thai, tiêm phòng uốn ván cho gần 3.200 ca, phát hiện và đang theo dõi 169 ca mang thai có nguy cơ cao, hỗ trợ phá thai an toàn cho 6 trường hợp .

Hoạt động tập trung thực hiện các cuộc sinh hoạt nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ hàng tháng. Tổ chức tuyên truyền và khám viêm nhiễm đường sinh sản cho 24.700 đối tượng, phát hiện mắc bệnh và cấp thuốc điều trị cho 8.300 đối tượng, tổ chức sinh hoạt định kỳ cho 16 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản thanh niên/vị thành niên. Phối hợp với các Ban, ngành, đoàn thể tổ chức sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng để cung cấp thông tin, kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, kỹ năng thực hành các biện pháp tránh thai để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn cho các nhóm 15-24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại các xã, phường ven biển.

Phối hợp với Ban quản lý đề án Trung ương tổ chức khảo sát nhu cầu thông tin quản lý về Dân số, sức khỏe sinh sản, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em tại các địa bàn triển khai đề án; tổ chức khảo sát, thu thập thông tin các chỉ số đầu vào và năng lực mạng lưới y tế tại các vùng biển đảo và ven biển Hải Phòng.

Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thành phố cùng với huyện Cát Hải xác định các điểm thu tin, cách thức thu thập thông tin và người thu thập thông tin phù hợp với địa hình các đảo, cửa sông, âu thuyền, vùng đầm phá, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đặc biệt quan tâm đến nhóm dân cư lưu động sống trên thuyền tại các cửa sông và khu nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

Tổ chức việc truyền tin bằng giao dịch điện tử đồng thời thực hiện trao đổi thông tin báo cáo thường xuyên giữa thành phố và quận, huyện qua máy Fax đối với 100% các quận, huyện Đề án. Tổ chức việc quản lý thông tin của dân số lưu động phù hợp với đặc điểm của người di cư. Mua sắm, trang bị mới và sửa chữa nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin của các phòng máy quận, huyện.

Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình thành phố đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền như Báo Hải phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đưa tin bài giới thiệu và tuyên truyền các nội dung hoạt động của Đề án thường xuyên theo kế hoạch. Huy động tốt sự vào cuộc của các ngành thành viên, tổ chức hội nghị nói chuyện với các thành viên của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội. Thực hiện phát thanh thường xuyên các nội dung của Đề án trên hệ thống phát thanh của huyện, quận và truyền thanh của xã, phường. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp tại các trạm y tế và cụm dân cư. Tổ chức hoạt động giao lưu tại các xã, thị trấn tại Cát Hải, Đồ Sơn. Tư vấn cho 30 hộ sống trên thuyền…. Phát thanh truyền hình 960 lượt với 437 tin, bài. Truyền thanh 1.320 lượt với 540 tin, bài. Tổ chức sinh hoạt 1.470 lượt cho các mô hình câu lạc bộ, nhóm nhỏ. mít tinh, cổ động 25 buổi. Tư vấn nói chuyện chuyên đề 470 buổi thu hút gần 10.000 lượt đối tượng, công tác tuyên truyền vận động trực tiếp thường xuyên được duy trì...

Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình quận, huyện và Trạm Y tế xã, phường phối hợp với Liên đoàn Lao động, Phụ nữ, Đoàn thanh niên.. thực hiện các nội dung về truyền thông tại các doanh nghiệp, khu dân cư, khu nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh và vùng cửa sông nhân dịp kỷ niệm 8/3, 11/7, 26/12... Tổ chức các hội nghị nói chuyện chuyên đề, tìm hiểu về biển, đảo và dân số – kế hoạch hóa gia đình. Biên tập và phát thanh thường xuyên các nội dung tuyên truyền, giáo dục trên hệ thống truyền thanh xã, phường.

Truyền thông tăng cường gắn với hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/ kế hoạch hóa gia đình tại xã. Tổ chức 03 đợt chiến dịch truyền thông tư vấn trực tiếp tại 45 xã, phường như tuyên truyền tại các điểm triển khai cung cấp dịch vụ của đội lưu động, các địa bàn đặc thù phù hợp với vùng biển; tổ chức thảo luận nhóm, đặc biệt là đến tư vấn tại hộ gia đình, nơi làm việc và nơi tập kết của ngư dân.

Lực lượng tham gia chiến dịch truyền thông trực tiếp là các cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số, cán bộ y tế cơ sở, đội ngũ cung cấp dịch vụ thuộc các loại hình cung cấp sức khỏe bà mạ trẻ em/ kế hoạch hóa gia đình và bộ đội biên phòng.

Sở Y tế chỉ đạo Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Thành phố tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện duy trì hoạt động của tiểu ban quản lý Đề án đã thành lập năm 2009 và thành lập mới 02 tiểu ban quản lý Đề án thuộc quận Ngô Quyền và huyện Vĩnh Bảo, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện năm 2009, triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của Đề án năm 2010 tới các địa bàn Đề án, tổ chức đi nghiên cứu, học tập mô hình cho các thành viên ban quản lý đề án thành phố và quận, huyện tại một số tỉnh lân cận, thường xuyên tổ chức giao ban đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động tại cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát tại địa bàn được duy trì thường xuyên

Tính đến hết tháng 6-2009, dân số 45 xã, phường vùng biển, đảo, ven biển của 10 quận, huyện của Hải Phòng là 303.624 người, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 84.714 người, chiếm 28%; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng là 57.566 người... Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Hải Phòng đã thu được những kết quả nhất định; Tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên đã giảm. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình dần được cải thiện, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Vẫn còn khó khăn nối tiếp khó khăn...

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của Hải Phòng vẫn còn không ít khó khăn, ướng mắc. Công tác truyền thông gặp nhiều trở ngại do đặc thù lao động nghề biển, người dân hầu như lênh đênh suốt ngày trên sóng nước với các lồng bè, tàu thuyền... Các cán bộ, cộng tác viên dân số rất vất vả khi tiếp cận với ngư dân và càng khó hơn khi nói chuyện với họ về chuyện sinh đẻ ít. Do nhận thức còn hạn chế nên người dân không mấy quan tâm đến chuyện chăm sóc sức khoẻ khi mang thai, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản...

Hải Phòng còn là địa phương có số dân di cư đến vùng biển để lao động, sinh sống ngày càng đông, dân số luôn trong tình trạng biến động, do đó việc quản lý khá khó khăn. Là thành phố cảng, Hải Phòng có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất- Đây cũng là nơi tập trung nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đặc thù nghề nghiệp khiến chị em ít có cơ hội, thời gian để tìm hiểu và tiếp cận các thông tin về dân số - kế hoạch hóa gia đình... Do đó hiệu quả truyền thông dân số phần nào chưa đạt được như mong muốn, ảnh hưởng đến kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của toàn thành phố.

Phương hướng năm 2011

1. Củng cố và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý thực hiện Đề án từ thành phố đến cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện Đề án. Chú trọng truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ Cộng tác viên và tuyên truyền viên DS-KHHGĐ, y tế cơ sở làm lực lượng chủ đạo.

2. Tăng cường các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình mới phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ. Đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Đội lưu động y tế – KHHGĐ quận, huyện.

3. Củng cố hệ thống thu thập dữ liệu, thông tin quản lý Dân số - KHHGĐ, coi trọng việc thu thập thông tin của nhóm dân số lưu động phục vụ công tác quản lý và tổ chức triển khai hoạt động. Tăng cường, phối hợp kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ và các hoạt động của Đề án./.